Mạng lưới tình báo Nga ở Mỹ: Con nối bước cha

Thứ Tư, 22/08/2012, 22:55

Theo tiết lộ của giới chức Mỹ, mạng lưới tình báo Nga bị phá vỡ ở Mỹ cách đây 2 năm có kế hoạch tuyển mộ con cái của các thành viên để đào tạo làm gián điệp tiếp bước cha mẹ hoạt dộng ngầm. Các chi tiết mới về nhóm điệp viên Nga ở Mỹ cho thấy họ hoạt động tinh vi hơn và đôi khi thành công hơn trước kia.

Một trong những ngón nghề của họ là xâm nhập các công ty ở Manhattan và Washington D.C với vai trò chuyên gia máy tính. Nhưng sau khi các thành viên trong nhóm điệp viên lần lượt bị bắt giữ ở Mỹ, tình báo Nga ở hải ngoại  hoạt động không còn hiệu quả nữa.

Nỗ lực đưa con trẻ tham gia vào công cuộc kinh doanh của gia đình là dấu hiệu cho thấy mạng lưới gián điệp Nga ở Mỹ đã có định hướng lâu dài - trẻ con chào đời hay được nuôi nấng tại Mỹ có nhiều cơ hội trở thành điệp viên có giá trị hơn cha mẹ bởi vì khi lớn lên chúng sẽ dễ dàng vượt qua việc kiểm tra lý lịch. Người phát ngôn của Đại sứ quán Nga ở Washington từ chối bình luận về điều này, đồng thời giới quan chức ở Moskva mặc dù biết rõ về những toan tính của mạng lưới gián điệp song họ cũng không có bình luận gì.

Nổi bật trong số những đứa trẻ có triển vọng trở thành "điệp viên tương lai" này là Tim Foley.  Mặc dù Tim Foley không được sinh ra tại Mỹ song cha mẹ cậu bé - Donald Heathfield và Tracey Foley - đã sinh sống ở nước này qua hơn một thập niên. Năm Tim Foley 20 tuổi và vừa kết thúc năm thứ hai Đại học George Washington thì cha mẹ cậu bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ. Theo các quan chức liên bang, Tim Foley được cha mẹ tiết lộ sự thật về cuộc sống hai mặt của họ từ lâu trước khi bị bắt giữ và đồng thời họ cũng mong muốn đứa con trai nối tiếp sự nghiệp gián điệp của gia đình.

Sau khi đồng ý bước tiếp con đường của cha mẹ, Tim Foley bay đến Nga để bắt đầu chương trình huấn luyện điệp viên chính thức. Các quan chức liên bang hiện vẫn còn giữ bí mật nhiều chi tiết điều tra về mạng lưới gián điệp Nga ở Mỹ - ví dụ họ không cho biết cuộc nói chuyện giữa Tim Foley và cha mẹ diễn ra khi nào và ở đâu, hay người thanh niên này bay đến Nga trước hay sau khi cha mẹ bị bắt giữ.

Từ trái qua: Tim Foley rời phiên tòa xét xử cha mẹ cậu ở Boston, năm 2010; Donald Howard Heathfield và Tracey Lee Ann Foley.

Peter Krupp, luật sư ở Boston đại diện cho cha của Foley trong vụ án gián điệp, gọi những báo cáo của giới chức Mỹ là "tào lao" bởi vì việc tiết lộ hoạt động bí mật cho con trai là điều cực kỳ mạo hiểm. Căn cứ vào quá trình theo dõi sát sao các điệp viên mật của Nga và những thông điệp của họ gửi về Moskva, phản gián Mỹ tin rằng Tim Foley là một phần trong mục tiêu dài hạn hướng đến việc thu dụng con cái của các điệp viên mật để đào tạo lực lượng kế cận.

Vào thời điểm bị bắt giữ, các điệp viên Nga có tổng cộng 7 đứa con tuổi từ 1 đến 20, trong đó phần đông chào đời ở Mỹ, và một điệp viên có con trai lớn tuổi hơn từ mối quan hệ trước khi gia nhập mạng lưới gián điệp. Anna Chapman, nữ điệp viên Nga xinh đẹp nổi tiếng trong thời gian qua, không có con.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng thừa nhận rằng không phải đứa trẻ nào cũng đồng ý đi theo sự nghiệp của cha mẹ. Ví dụ, một thiếu niên - con của điệp viên được gọi tên là Juan Lazaro - được phép ở lại Mỹ sau khi cha mẹ bị bắt giữ bởi vì cậu bé này không muốn mạo hiểm với an ninh quốc gia mà chỉ mong trở thành nghệ sĩ piano.

Phần đông các thành viên của mạng lưới gián điệp Nga sử dụng giấy tờ giả và không có vỏ bọc chính thức như là vai trò ngoại giao khi họ tới Mỹ. Do đó, nếu bị bắt giữ số người này sẽ không được đất nước của họ giải cứu. Nhiệm vụ của mạng lưới gián điệp Nga tập trung vào những bí mật kinh tế cũng như quân sự và thông tin chính trị. Theo hồ sơ điều tra của FBI, điệp viên mật của Nga được SVR - cơ quan kế thừa Cục An ninh Liên Xô cũ (KGB) - huấn luyện và chỉ huy mọi hoạt động của họ ở hải ngoại.

Danh tính giả của các gián điệp Nga đủ cho phép họ tìm việc làm và bắt đầu cuộc sống gia đình ở Mỹ, song một cuộc kiểm tra lý lịch của chính quyền có thể phát giác thân phận của họ ngay. Do đó, điệp viên mật rất cẩn thận tránh tiếp xúc quá gần với chính quyền Mỹ. Một nguyên nhân khiến mạng lưới gián điệp Nga ở Mỹ chọn con cái của họ nối nghiệp bởi vì chúng nói thông thạo tiếng Anh như người bản xứ nên tránh gây chú ý cho chính quyền.

Sau khi các điệp viên mật bị bắt giữ, con cái của họ trở thành yếu tố quan trọng trong những cuộc thương lượng giữa chính quyền Nga và Mỹ. Cuối cùng, các điệp viên được đưa đến Áo để trao đổi 4 người bị giam giữ ở Nga vì tội làm gián điệp cho phương Tây

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.
.