Mạng lưới gián điệp khổng lồ của NSA

Thứ Ba, 03/04/2012, 10:05

Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) - cơ quan tình báo tín hiệu lớn nhất của Mỹ và thế giới - vừa gây xôn xao dư luận bằng dự án xây dựng trung tâm lưu trữ dữ liệu tình báo lớn nhất từ trước đến nay đặt tại bang Utah. Nhân dịp này, báo chí Mỹ đã tung ra những thông tin cho thấy hoạt động gián điệp khổng lồ của MSA không chỉ nhắm vào công dân nước Mỹ mà cả toàn thế giới.

Trung tâm dữ liệu tình báo lớn nhất nước Mỹ

Khu đô thị Bluffdale nằm trong thung lũng ngoại ô phía nam thành phố Salt Lake City, bang Utah (Mỹ), kẹp giữa 2 dãy núi Wasatch ở phía đông và Oquirrh ở phía tây. Người dân nơi đây xôn xao bàn tán và không giấu được vẻ lo lắng mỗi khi nói về một dự án xây dựng vừa động thổ. Đó là dự án xây dựng Trung tâm Dữ liệu tình báo Utah - trung tâm dữ liệu lớn nhất của tình báo Mỹ. Khu vực xây dựng Trung tâm dữ liệu Utah nằm dọc đại lộ Beef Hollow, trên phần đất thuộc Trại Williams - khu huấn luyện của Vệ binh Quốc gia. Với kinh phí đầu tư lên đến 2 tỉ USD, dự án Trung tâm dữ liệu Utah (UDC) được động thổ xây dựng từ tháng 1/2011 và mới vừa khánh thành đi vào hoạt động vào đầu tháng 3/2012.

Theo thiết kế, trung tâm UDC sẽ được trang bị hệ thống an ninh chống khủng bố trị giá 10 triệu USD, bao gồm hàng rào an ninh chịu được sức công phá của một chiếc xe tải 10 tấn lao vào với vận tốc 50 km/h, một hệ thống camera quan sát khép kín, một hệ thống nhận dạng sinh trắc, một bộ phận kiểm tra xe cộ và một trung tâm kiểm soát khách ra vào. Toàn bộ khuôn viên của trung tâm bao gồm một sảnh rộng hơn 2.300 m2 chứa đầy các máy chủ lưu trữ nối mạng đến các trung tâm, cơ sở khác trên toàn nước Mỹ.

Bên cạnh đó là khu nhà hành chính và hỗ trợ kỹ thuật rộng hơn 8 hécta. Cả khu trung tâm dự kiến sẽ ngốn đến 65 megawatt điện, có trạm hạ thế riêng. Và, trong trường hợp bị tấn công khủng bố, trung tâm có đủ nhiên liệu để phát điện và đủ nước để sinh hoạt trong 3 ngày. Điều đặc biệt quan trọng là năng lực hoạt động của trung tâm UDC. Với mức độ phát triển lưu lượng Internet khổng lồ hiện nay, Từ nay đến năm 2015, NSA còn dự tính sẽ gia tăng năng lực lưu trữ của UDC lên 1 yottabyte, tương đương 500 tỉ trang văn bản.

Theo một số chuyên gia, trung tâm UDC không đơn thuần chỉ là một trung tâm lưu trữ dữ liệu tình báo, mà nó còn thực hiện phần việc quan trọng khác của tình báo tín hiệu: phân tích dữ liệu an ninh mạng. Quan trọng hơn, trung tâm này còn là nơi sẽ thực hiện một nhiệm vụ tối mật: bẻ khóa mật mã những thông tin, dữ liệu thu thập được trên tất cả các lĩnh vực, như tài chính, giao dịch chứng khoán, kinh doanh, quân sự nước ngoài, các thông tin mật trong lĩnh vực ngoại giao và cả những thông tin cá nhân.

Tham vọng hơn, NSA còn tính lưu trữ dữ liệu tại Bluffdale dưới dạng "web sâu", vượt tầm truy cập của người dùng Internet công cộng, bao gồm việc lưu dữ liệu có mật mã bảo vệ, hoặc chia sẻ thông tin, giao tiếp Internet theo hệ thống đường truyền bảo mật cao giữa những đối tác tin cậy với nhau.

UDC là dự án lớn nhất mà NSA bắt buộc phải xây dựng để đáp ứng yêu cầu của hoạt động tình báo tín hiệu giai đoạn hiện nay. Nó là biểu hiện của sự gia tăng hoạt động tình báo tín hiệu, bao gồm các hoạt động thu thập thông tin trên sóng vô tuyến từ vệ tinh cho đến việc can thiệp nghe lén điện thoại, đọc trộm e-mail, Internet.

Việc xây dựng trung tâm UDC cũng như việc mở rộng cơ sở vật chất nhiều trung tâm tình báo khác của mạng lưới NSA toàn nước Mỹ, cho thấy NSA đang tăng cường và mở rộng quy mô hoạt động chưa từng có. Ra đời sau sự kiện Trân Châu Cảng nhằm mục đích giúp Bộ Quốc phòng Mỹ ngăn ngừa những vụ tấn công bất ngờ tái diễn, NSA đã trải qua những năm đầy khó khăn sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đầu thập niên 90 thế kỷ XX, với hàng loạt vụ tiết lộ bí mật hoạt động và những thất bại không thể bào chữa của hệ thống vệ tinh tình báo cũ kỹ, lạc hậu.

Trung tâm dữ liệu Utah (UDC) về đêm.

Tuy nhiên, từ khi xảy ra sự kiện khủng bố 11/9/2001, NSA bắt đầu được Chính phủ Mỹ quan tâm đầu tư mạnh, với ngân sách hoạt động lên đến hàng chục tỉ USD mỗi năm. Tiền nhiều, lại được giúp sức bởi các đạo luật mới về an ninh quốc gia được ban hành, như Luật Ái quốc,… NSA bắt đầu gia tăng quy mô hoạt động nghe lén và dần dần hướng các hoạt động theo dõi tín hiệu truyền thông đó vào bên trong nước Mỹ, vào công dân Mỹ.

Một mạng lưới gián điệp khổng lồ

Trung tâm dữ liệu Utah ở Bluffdale sẽ là nơi lưu giữ tất cả thông tin, dữ liệu thu thập được từ các cơ sở nghe lén, đọc trộm của NSA trên khắp nước Mỹ và cả thế giới gửi về. Hiện tại, cùng với các cơ quan tình báo khác của Mỹ đang theo đuổi công nghệ mới, NSA đang nghiên cứu sẽ đưa vào ứng dụng công nghệ "đám mây" (cloud) để lưu trữ thông tin.

Trung tâm UDC được lập ra nhằm hỗ trợ hoạt động cho các cơ quan thu thập thông tin trong hệ thống NSA toàn nước Mỹ và trên thế giới. Đầu tiên là Cơ quan quản lý dữ liệu từ không gian (ADF) đặt tại Căn cứ Không quân Buckley, ngoại ô thành phố Denver, bang Colorado. Cơ quan này phụ trách việc thu thập thông tin tình báo từ các vệ tinh địa tĩnh cũng như tín hiệu thông tin từ các thiết bị không gian và các trạm nghe lén ở nước ngoài.

Tại cơ quan ADF, có khoảng 850 nhân viên của NSA làm việc không mệt mỏi, theo dõi và tải dữ liệu từ các vệ tinh về trung tâm xử lý. Các vệ tinh địa tĩnh được xem là công cụ tình báo tín hiệu quan trọng nhất của NSA. Cơ quan này hiện sở hữu 4 vệ tinh địa tĩnh được bố trí khắp thế giới. Nhiệm vụ chính của 4 vệ tinh địa tĩnh là theo dõi mọi vật có phát và thu sóng vô tuyến, từ các máy bộ đàm và điện thoại di động ở Libya cho đến hoạt động của các hệ thống radar ở CHDCND Triều Tiên.

Trung tâm thu thập và phân tích dữ liệu NSA tại Căn cứ Fort Gordon, Augusta, bang Georgia.

Phần mềm tin học cài đặt sẵn trên vệ tinh làm công việc sàng lọc dữ liệu sơ bộ, loại bỏ bớt thông tin, dữ liệu không cần thiết, từ những quốc gia, thành phố "đồng minh", chỉ tập trung thu thập và truyền về trạm mặt đất những thông tin, dữ liệu từ các quốc gia, thành phố, khu vực trọng yếu, đáng quan tâm nhất, thậm chí những số điện thoại, địa chỉ e-mail của các cá nhân cần chú ý theo dõi.

Thông tin, dữ liệu thu thập từ 4 vệ tinh này sẽ được truyền trực tiếp về cơ quan UDC ở Căn cứ Không quân Buckley, bang Colorado. Sau khi phân tích, UDC sẽ tổng hợp thông tin theo định kỳ truyền về Tổng hành dinh NSA. Phần thông tin lưu trữ sẽ được lưu trữ dự phòng (backup) tại trung tâm dữ liệu của NSA Texas.

Trong mạng lưới các trạm, trung tâm và cơ sở tình báo tín hiệu của NSA trên toàn nước Mỹ ngoài các vệ tinh và trung tâm thu thập dữ liệu nêu trên còn có các trung tâm thu thập dữ liệu khác được giao phụ trách từng khu vực khác nhau trên phạm vi toàn cầu và trong nước Mỹ. Chẳng hạn, phân nhánh NSA Hawaii đặt tại thành phố Oahu, Hawaii, nơi có 2.700 nhân viên làm việc thường xuyên. NSA Hawaii phụ trách việc thu thập thông tin dữ liệu bằng cách can thiệp nghe lén, độc trộm các tín hiệu truyền thông từ châu Á.

Còn phân nhánh NSA Georgia đặt bên trong Căn cứ Fort Gordon, quận Augusta, bang Georgia, mang mật danh "Trà đường" (Sweet Tea), phụ trách theo dõi và can thiệp để thu thập thông tin, dữ liệu từ châu Âu, khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Trung tâm NSA Georgia vừa được mở rộng thêm và khánh thành đi vào hoạt động từ ngày 5/3/2012 vừa qua, với hơn 4.000 nhân viên thường xuyên, bao gồm các chuyên viên nghe lén, chuyên gia phân tích và các chuyên gia nhiều lĩnh vực khác.

Cũng có nhiệm vụ tương tự như NSA Georgia là phân nhánh NSA Texas, đặt bên trong Căn cứ Không quân Lackland, San Antonio, bang Texas. NSA Texas có nhiệm vụ theo dõi thông tin tình báo từ Mỹ Latinh và kể từ sau sự kiện 11/9/2011 bổ sung thêm châu Âu và khu vực Trung Đông. Khoảng 2.000 nhân viên làm việc tại phân nhánh này. Gần đây, NSA Texas được xây dựng thêm một trung tâm dữ liệu khổng lồ trị giá 100 triệu USD. Đây sẽ là nơi lưu trữ dự phòng cho những thông tin, dữ liệu của trung tâm dữ liệu Utah (UDC).

Bổ sung vào mạng lưới gián điệp khổng lồ của NSA là hệ thống các trạm nghe lén cả trong và ngoài nước. Trên phạm vi toàn thế giới, ngoài hệ thống nghe lén Echelon chủ yếu đón sóng truyền âm vô tuyến đặt tại một số quốc gia đồng minh, NSA còn sử dụng kỹ thuật can thiệp để nghe lén. Thông tin trong giới tình báo cho biết, NSA đã cài đặt thiết bị can thiệp nghe lén vào ít nhất 12 kết nối truyền thông quốc tế, mỗi trạm can thiệp như thế có khả năng "nghe lén, đọc trộm" thông tin với lưu lượng rất cao. Điều này đang đặt ra vấn đề nghiêm trọng về an ninh thông tin cho nhiều nước trên thế giới, vì mọi sự trao đổi thông tin đều đã bị NSA hứng trọn và nắm rõ từng chi tiết.

Hệ thống máy chủ tại một phòng nghe lén của NSA.

Song song với các trạm nghe lén toàn cầu là mạng lưới các trạm nghe lén nội địa đặt ở khắp nước Mỹ. Từ sau sự kiện 11/9/2001, NSA đã hướng hoạt động nghe lén vào nội địa nhiều hơn. Một cựu quan chức từng nhiều năm công tác tại NSA cho báo chí biết, NSA hiện có đến 20 trạm nghe lén ở nước Mỹ, cho phép NSA tự do can thiệp vào bất kỳ cuộc liên lạc thông tin nào của công dân Mỹ, không cần biết người đó có đồng ý hay không và luật pháp hiện hành của nước Mỹ có cho phép hay không.

Với sứ mệnh bảo đảm "an ninh trên mạng Internet", NSA đang quyết liệt triển khai chương trình an ninh chống tình báo mạng, chống khủng bố và tội phạm mạng. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng của các trạm nghe lén nội địa của NSA.

Một cơ quan không thể thiếu trong mạng lưới gián điệp NSA là Cơ sở Nghiên cứu đa ngành (MPRF) đặt tại Oak Ridge, bang Tennessee. Nơi đây tập hợp khoảng 300 nhà khoa học và kỹ sư máy tính vượt qua mức độ kiểm soát an ninh cao nhất. Nhiệm vụ của họ là nghiên cứu chế tạo ra các siêu máy tính nhanh nhất thế giới và xây dựng các phần mềm phân tích mật mã và hàng loạt dự án bí mật khác.

Đứng đầu trong mạng lưới các cơ sở gián điệp khổng lồ của NSA là trụ sở Tổng hành dinh NSA đặt tại Fort Meade, bang Maryland. Cơ quan đầu não của NSA là nơi chứa đựng nhiều điều bí mật nhất trong hệ thống NSA toàn nước Mỹ. Thậm chí, cả một thời gian dài trước đây, người ta còn chưa được biết đến sự tồn tại của nó. Tổng hành dinh là nơi điều tiết mọi hoạt động của toàn bộ các phân nhánh, trung tâm và các hệ thống vệ tinh tình báo, thiết bị nghe lén, đọc trộm.

Những thông tin, dữ liệu thu thập tại trung tâm UDC Colorado, sau khi phân tích, chắt lọc, sẽ được truyền về Tổng hành dinh để chuyển thành báo cáo định kỳ trình lên các nhà hoạch định chính sách ở Washington DC. Để đáp ứng sự gia tăng hoạt động của mạng lưới NSA toàn cầu và lưu lượng dữ liệu ngày càng lớn, Tổng hành dinh NSA vừa trang bị thêm một trung tâm "siêu máy tính" trị giá 896 triệu USD.

Với mạng lưới trang thiết bị gián điệp khổng lồ này, mọi động tĩnh của không chỉ người dân Mỹ mà cả thế giới cũng đều khó lọt ra khỏi "vùng phủ sóng" của NSA. Washington đang ngày đêm "lắng nghe" toàn nước Mỹ và cả thế giới nói chuyện, và "đọc trộm" thư điện tử, điện báo của tất cả mọi người, tùy khu vực quan tâm và mục đích quan tâm

An Tôn - Tiểu Khang (tổng hợp)
.
.
.