Lật lại hồ sơ vụ lấy cắp tài liệu mật lớn nhất lịch sử tình báo Mỹ (kỳ cuối)

Thứ Ba, 08/11/2016, 11:00
Vào một buổi sáng tháng 12-2000, đặc vụ Steven Carr của FBI tại Trạm FBI Washington DC vội vã rời buồng làm việc và chạy nhanh xuống thang bộ tầng dưới để lấy một gói "hàng" từ Văn phòng FBI New York gửi đến qua dịch vụ chuyển phát nhanh FedEx.

Bên trong gói "hàng" đó là 3 chiếc phong bì lạ chứa đựng "hàng quảng cáo" mà Brian Regan định gửi đến cho Chính phủ Libya thông qua cơ quan đại diện ngoại giao của nước này tại Mỹ. Chính 3 chiếc phong bì này đã lật tẩy âm mưu bán tài liệu mật của Regan, khiến cho "giấc mơ" làm gián điệp của ông bị đổ vỡ.

Kể từ khi gia nhập FBI vào năm 1995, Carr đóng vai trò hỗ trợ tích cực trong nhiều vụ phản gián nổi cộm, nhưng cũng như bao đồng nghiệp khác ông khởi đầu từ công tác điều tra phá án và yêu thích công việc này hơn.

Hình họa Brian Regan tại phiên tòa năm 2003 (ảnh trái). Bảng mật mã vô phương giải của Regan.

Nhặt gói "hàng" trên tay, Carr quay trở lại bàn làm việc và mở nó ra. Tất cả bày ra trước mắt ông: một bó giấy tờ có đến hàng chục trang. Chúng được phân chia theo 3 chiếc phong bì được chuyển đến FBI bởi một kẻ chỉ điểm làm việc bên trong Lãnh sự quán Libya ở New York. Các phong bì được dán tem và gửi riêng lẻ đến Lãnh sự quán bởi một người không rõ danh tính.

Hết sức khẩn trương, Carr lật nhanh những trang tài liệu. Theo hướng dẫn từ New York, Carr có thể phân loại mớ tài liệu đó thành 3 xấp tương ứng với 3 chiếc phong bì giống nhau, phía trên có ghi dòng chữ cảnh báo: "Thư này chứa đựng thông tin nhạy cảm", bên dưới ghi thêm nội dung: "Đây là thư mật và gửi đến cho Trưởng cơ quan tình báo của quý vị. Xin hãy chuyển thư này bằng túi ngoại giao và đừng thảo luận về nó với người trong cơ quan, gia đình hay qua mạng viễn thông. Nếu quý vị không làm theo hướng dẫn này thì bức thư và nội dung của nó có thể bị lộ và bị các cơ quan tình báo Mỹ tịch thu".

Carr mở các phong bì ra kiểm tra. Bên trong chiếc phong bì thứ nhất là một bức thư dài 4 trang giấy với 149 dòng đánh máy các chữ cái ABC và các con số.

Chiếc phong bì thứ hai chứa nội dung hướng dẫn cách giải mã bức thư trong phong bì thứ nhất. Phong bì thứ ba chứa các tờ giấy ghi hai bộ ký hiệu. Bộ thứ nhất là danh sách mật mã. Bộ thứ hai gồm 6 trang giấy, liệt kê hàng chục từ khóa đi kèm các chữ viết tắt bí mật được xác định là hệ thống mật mã viết tắt. Hai bộ ký hiệu gộp lại sẽ tạo ra chìa khóa giải mã bức thư.

Carr lật từng trang bức thư, đọc lướt qua chuỗi các chữ cái và "chóng mặt" vì không thể nào hiểu được nó nói gì nếu không có bộ giải mã đi kèm. Dụng ý của người gửi thư khi gửi riêng lẻ từng phong bì là nhằm đề phòng trường hợp một trong các phong bì thư bị cơ quan tình báo Mỹ xem trộm.

Người gửi thư còn thận trọng bỏ vào mỗi bì thư một mảnh giấy đánh máy với nội dung thông báo cho người nhận biết còn có hai phong bì khác cũng được gửi đến cùng địa chỉ, và nếu bì thư nào không đến đúng địa chỉ thì hãy đăng thông báo trên báo Washington Post. Người gửi thư đã không ngờ rằng cả ba phong bì đều đến đúng địa chỉ và đều được chuyển cho FBI.

Trạm FBI New York đã giải mã được một đoạn đầu bức thư viết như sau: "Tôi là một chuyên viên phân tích tình báo của CIA. Tôi mong muốn làm gián điệp chống lại nước Mỹ bằng cách cung cấp cho quý quốc những thông tin có độ bí mật cao. Tôi có chứng nhận an ninh hạng tối mật và có quyền tiếp cận hồ sơ của tất cả các cơ quan tình báo Mỹ, như NSA, DIA, CentCom và những cơ quan nhỏ khác".

Brian Regan lái xe đi vào khu rừng quốc gia nơi ông chôn các tài liệu lấy cắp.

Ngoài bức thư, trong các phong bì còn chứa một số văn bản giấy tờ của CIA và Chính phủ Mỹ có đóng dấu tối mật để chứng minh đó là "hàng thật".

Carr chưa bao giờ gặp thứ gì ghê gớm như thế này. Hẳn kẻ gửi chúng là một người trong cộng đồng tình báo Mỹ và có chứng nhận an ninh hạng tối mật mới làm được. Carr nhận ra ý đồ của người này là muốn thiết lập quan hệ bí mật với một cơ quan tình báo nước ngoài. Bằng cách gửi thông tin bí mật cho một quốc gia thù địch, người gửi bức thư đã phạm tội gián điệp rồi.

Carr sắp xếp các tài liệu ngay ngắn và bó lại cẩn thận rồi bước vào phòng làm việc của cấp trên trực tiếp là Lydia Jechorek, một phụ nữ khoảng 50 tuổi. Carr để gói tài liệu lên bàn làm việc ngay trước mặt Jechorek và giải thích thêm về việc Trạm FBI đã "bắt" được gói tài liệu này như thế nào.

Trong đoạn thư mà Trạm FBI New York đã giải mã được, Carr và Jechorek tìm thấy một địa chỉ e-mail mà người gửi muốn sử dụng để liên lạc thông tin thêm. Yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ e-mail (bằng lệnh đặc biệt của Bộ trưởng Tư pháp), Carr phát hiện địa chỉ e-mail được tạo tại một thư viện công cộng ở Quận Prince George, bang Maryland bởi một người dùng tự xưng tên là Steven Jacobs.

Carr cùng Jechorek rà soát một số dấu hiệu để xác định danh tính, địa vị và thân phận người gửi thư, xem lướt qua một đoạn danh sách các từ kèm ký hiệu viết tắt, Carr phát hiện một chi tiết quan trọng: người viết bức thư có khiếm khuyết nghiêm trọng về lỗi chính tả. Lướt qua 6 trang thư, Carr phát hiện các lỗi chính tả xuất hiện liên tục như một thuộc tính chữ viết của người viết.

Dò xét một lúc, Carr phát hiện thêm một chi tiết nữa: các vị trí gửi e-mail của tên người dùng được xác định ở những khu vực xung quanh thị trấn Bowie và Crofton ở bang Maryland, rất gần Tổng hành dinh NSA. Carr biết NSA có đến hàng ngàn nhân viên quân sự, nhiều người trong số họ có năng lực tạo mật mã, và nhiều người có nhà ở thị trấn Bowie và Crofton. Carr yêu cầu Jechorek mang tài liệu đến gặp Robert McCashin, Trưởng bộ phận phản gián của NSA.

6 tháng săn lùng gián điệp, Carr và các đồng nghiệp trong đội điều tra đã nghiên cứu nhiều hồ sơ, đối chiếu các chi tiết, dấu hiệu thu thập được qua tập tài liệu. Carr và các đồng nghiệp đã đối chiếu các tài liệu trong gói "hàng" nhận được với tài liệu Regan tải từ mạng nội bộ Intelink về lưu trong máy tính ở bàn làm việc tại NRO. Từ đó, Carr và các đồng nghiệp dần dần xác định được đối tượng mục tiêu cần theo dõi.

Đó là Brian Regan, người thỏa mãn những chi tiết quan trọng: mắc lỗi chính tả nghiêm trọng, nhà ở khu vực thị trấn Bowie và Crofton, và quan trọng nhất là có chứng nhận an ninh hạng tối mật để có thể tiếp cận được nguồn thông tin nhạy cảm. Như vậy là từ cuối tháng 4-2001, FBI bắt đầu theo dõi Regan.

Ngày 23-5-2001, Regan mắc một sai lầm khi nghĩ rằng không ai có thể phát hiện ra việc mình làm. Vào hôm đó, Carr và các đồng nghiệp theo dõi và phát hiện Regan lao xe vun vút từ nơi làm việc ở công ty TRW đi về hướng Công viên Quốc gia Manassas Battlefield.

Do không để ý quan sát, Regan không biết rằng mình đang có những "cái đuôi" mang mật danh Smitty bám theo. "Cái đuôi" theo Regan vào khu Công viên và khi Regan dừng xe để đến chỗ chôn tài liệu, anh ta ngay lập tức điện thoại về báo cho Carr biết "mục tiêu" đang hành động. Tuy nhiên, Regan cũng rất "cáo" khi chỉ giả vờ thả xuống đất một quyển tạp chí rồi lên xe trở về làm việc. Thản nhiên không hay biết có người theo dõi, chiều muộn hôm đó, Regan quay trở lại khu rừng và thấy quyển tạp chí vẫn còn y chỗ cũ. Regan yên tâm, nghĩ rằng "không có ai đi qua đây".

Ông ta đã sai. Một chiếc xe bán tải do Smitty lái đã chạy qua khu vực này khi ông từ trên xe mình bước xuống và thả quyển tạp chí trên nền đất. Smitty đã hiểu ý đồ của Regan nên đã không làm xáo trộn hiện trường, giữ nguyên để chờ Regan đến hành động.

Tại NRO, nhóm của Carr đã bí mật gắn camera quan sát để theo dõi nơi làm việc cũ của Regan chờ ông quay trở lại làm việc theo dạng hợp đồng. Ngày 23-8-2001, vài tuần sau khi nghỉ hưu theo quy định, Regan quay trở lại NRO làm công việc cũ theo dạng hợp đồng với tư cách là người của Công ty TRW.

Regan lái xe đi làm bình thường, nhưng đó cũng là ngày làm việc cuối cùng của ông ta trước khi bị bắt. Regan ung dung mở máy vi tính, vào mạng Intelink trong 20 phút như từng làm trước đây, và cũng lén lút tải tài liệu mật từ mạng Intelink về máy tính cá nhân, sau đó thoát ra khỏi mạng, tắt máy, ghi chép cẩn thận vào quyển sổ tay gáy lò xo bỏ túi.

Regan xin phép công ty cho nghỉ phép để cùng vợ con về Orlando thăm gia đình. Thực ra, ông ta không đi cùng vợ con mà mua vé máy bay để đi Zurich. Tại đó, ông đã có hẹn trước với đại sứ quán các nước Trung Quốc, Libya và Iraq để cho họ xem "hàng mẫu" trước khi ký hợp đồng bán hàng chục ngàn trang tài liệu mật với giá lên đến 13 triệu USD.

Tuy nhiên, ý đồ "làm giàu" một lần cho mãi mãi của Regan đã không thành. Ông đã bị Carr và các đồng nghiệp chặn bắt ngay trước khi bước vào cổng lên máy bay ở sân bay Quốc tế Dulles.

Khi bị bắt, Regan mang theo mình nhiều giấy tờ được mã hóa khác nhau. Để biết được ông ta mang những bí mật gì để bán cho nước ngoài, các nhà điều tra buộc phải giải cho được các văn bản giấy tờ đó với ba loại mật mã. Trong số các tài liệu tịch thu trên người Regan có 4 trang giấy chứa đầy các dải 3 con số, một tập sổ tay, thẻ chỉ mục, và mẩu giấy ghi chú bỏ trong ví.

Đây quả là những bài toán vô cùng khó giải đối với các chuyên gia giải mã của NSA. Suốt hơn 4 tháng, từ tháng 8-2001 đến tháng 2-2002, toán chuyên gia giải mã của NSA vẫn loay hoay với những dải ký tự và số "tam phân" liên tục và ngắt quãng một cách bí hiểm, không theo quy luật nào. Những dải ký tự và các con số ấy cứ như trêu ngươi.

Vì quá nhiều dữ liệu tình báo cần xử lý sau sự kiện 11-9, NSA không thể tiếp tục công việc giải mã bảng mật mã của Regan, nên đành chuyển giao lại cho FBI xử lý. Và người được giao nhiệm vụ này có tên là Daniel Olson, một chuyên viên phân tích mật mã làm việc tại Phòng thí nghiệm FBI ở Quantico, bang Virginia. Tuy nhiên, sau nhiều tuần lễ miệt mài nghiên cứu, Olson vẫn không thể nào giải được bảng mật mã kỳ quái của Regan.

Bảng mật mã đó đúng là "bùa hộ mệnh" cho Regan. Tại phiên tòa xét xử tháng 1-2003, Regan bị đề nghị án tử hình vì hành vi gián điệp phản bội tổ quốc. Tuy nhiên, vì muốn thu hồi các tài liệu đã bị ông ta lấy trộm mà chưa kịp bán, theo yêu cầu của NRO, Viện công tố đã chấp nhận giảm án cho Regan xuống còn chung thân sau khi ông này đồng ý giải mã và chỉ chỗ chôn giấu tài liệu.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.
.