Iran: Một nhà máy hạt nhân phải ngừng hoạt động vì gặp sự cố

Thứ Năm, 17/03/2011, 07:25
Ngày 26/2/2011, Iran chính thức tuyên bố nhà máy hạt nhân quy mô mới hoàn thành của nước này đang gặp sự cố nghiêm trọng buộc phải đóng cửa, và vấn đề còn chưa rõ là do phá hoại hay có thể đây là sự khởi đầu của kế hoạch chấm dứt dự án được cho là điện hạt nhân của Iran.

Trong một báo cáo mới đây, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiết lộ, Iran nói với phái đoàn thanh tra rằng, nước này đang có kế hoạch tháo dỡ nhiên liệu hạt nhân ra khỏi lò phản ứng Bushehr - dấu hiệu của một sự thất bại đáng kể. Trong khi lý do thật sự đằng sau động tác tháo dỡ nhiên liệu chưa được biết rõ ràng, người ta có thể thừa nhận đây là thất bại chua chát cho Iran bởi vì nước này đánh giá lò phản ứng Bushehr - nhà máy năng lượng nguyên tử đầu tiên của Iran - là niềm tự hào quốc gia của người Iran.

Khi nước Cộng hòa Hồi giáo bắt đầu nạp nhiên liệu cho lò phản ứng Bushehr cách đây chỉ vài tháng, các quan chức Iran đã tưng bừng ăn mừng thắng lợi của dự án hạt nhân mà họ tuyên bố là phục vụ điện lưới quốc gia.

Đại diện ngoại giao của Iran có mặt tại trụ sở IAEA ở Vienna cũng cho biết: Nước Nga - nhà cung cấp nhiên liệu và giúp đỡ xây dựng nhà máy hạt nhân Bushehr - đã yêu cầu tạm thời rút 163 thanh nhiên liệu ra khỏi lõi  lò phản ứng để tiến hành các thử nghiệm và có những biện pháp khắc phục kỹ thuật.

Hamid Khadem Qaemi, người phát ngôn của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran cho biết, việc tháo dỡ nhiên liệu không là trường hợp bất thường, đồng thời chỉ trích các phương tiện truyền thông trên thế giới đã thổi phồng sự việc đến mức nghiêm trọng.

Nhà máy ở Bushehr không nằm trong phạm vi chương trình hạt nhân của Iran gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế trong thời gian qua, và cũng không là đối tượng trực tiếp của những biện pháp trừng phạt, bởi vì nhà máy Bushehr đã được sự chấp thuận của quốc tế và nằm trong sự giám sát của IAEA. Nasser Rastkhah, quan chức chịu trách nhiệm về an toàn hạt nhân của Iran, nói với hãng thông tấn nước này, IRNA: "Virus Stuxnet không tác động đến các hệ thống kiểm soát trong nhà máy năng lượng hạt nhân Bushehr".

Theo các báo cáo của tình báo phương Tây, virus Stuxnet đã xâm nhập được các hệ thống kiểm soát ở nhà máy Bushehr, nhưng người Iran luôn khẳng định Stuxnet chỉ được tìm thấy ở vài máy laptop của nhân viên nhà máy và không gây ảnh hưởng gì đến các hệ thống kiểm soát. David A. Lochbaum, kỹ sư hạt nhân ở Hội Liên hiệp khoa học liên ngành Hoa Kỳ (UCS) và cựu quan chức của Ủy ban Điều hòa hạt nhân Hoa Kỳ (NRC), cơ quan giám sát những lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ thì cho rằng, có thể sự cố ở nhà máy Bushehr là sự kết thúc tham vọng hạt nhân của Iran.

David Albright - Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh quốc tế, một tổ chức tư nhân ở Washington giám sát sự phát triển hạt nhân thế giới - nhận định về vấn đề ẩn đằng sau sự cố ở Bushehr: "Sự cố có thể là dấu hiệu cho thấy sự thất bại của chương trình hạt nhân Iran. Nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi liệu Iran có thể vận hành lò phản ứng hạt nhân hiện đại một cách an toàn hay không. Nguy cơ là rất cao. Chúng ta có thể chạm trán với một thảm họa như kiểu Chernobyl trong quá khứ với loại lò phản ứng (Bushehr) này, và có nhiều câu hỏi về tính khả thi (hạt nhân) trong khu vực".

Báo cáo mới từ IAEA - đánh giá hàng quý về chương trình hạt nhân Iran của ban lãnh đạo cơ quan - chỉ đưa ra nhận xét ngắn gọn về sự việc di chuyển nhiên liệu khỏi lò phản ứng, bên cạnh đó còn tập trung chỉ trích Iran đã từ chối trả lời những câu hỏi mà các thanh sát viên IAEA gọi là "mức độ quân sự có thể có" đối với chương trình hạt nhân của nước này. Báo cáo đề cập đến "thông tin mới nhận được", cho rằng Tehran tiếp tục hướng đến việc phát triển đầu đạn hạt nhân. Nhưng các thanh sát viên không hề cung cấp chi tiết nào về "thông tin mới" hay việc họ đã nhận được chúng như thế nào.

IAEA thường có được thông tin từ các cơ quan tình báo của các quốc gia thành viên, bao gồm Mỹ, cũng như cố gắng thu thập dữ liệu từ chính các nguồn riêng của mình. Báo cáo trực tiếp bày tỏ mối lo ngại Iran đang cố gắng "phát triển một lượng chất nổ hạt nhân cho tên lửa", đồng thời cũng cho biết mọi yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan đã bị lờ đi từ nhiều năm và các quan chức Iran biện luận rằng, bất cứ thông tin nào mà các cơ quan trên có được đều dựa trên những chứng cứ giả mạo.

Lò phản ứng nằm ở bên ngoài thành phố Bushehr có giá hơn 1 tỉ USD và nó được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hệ thống pháo chống máy bay cũng như các trạm radar lớn để dò tìm và phát hiện sự xuất hiện của một chiếc máy bay.

Lịch sử phức tạp của lò phản ứng này bắt đầu từ khoảng năm 1979 với một hợp đồng ký với CHLB Đức. Sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, người Đức rút khỏi Iran. Iraq đã nhiều lần đánh bom lò phản ứng đang xây dựng dở dang vào giữa các năm 1984 và 1988. Iran ký hiệp ước tái xây dựng lò phản ứng với Nga năm 1995, và theo đó dự án sẽ hoàn thành vào năm 1999. Nhưng kế hoạch đã gặp khó khăn dẫn đến những sự đình trệ kéo dài.

Mỹ cũng từng phản đối dự án lò phản ứng Bushehr. Nhưng sau đó Mỹ rút lại sự phản đối sau khi Nga đồng ý thu hồi những thanh nhiên liệu đã sử dụng, vô hiệu hóa khả năng chạy đua vũ trang hạt nhân của Iran.

Về sự cố mới đây của lò phản ứng Bushehr, một nhà ngoại giao của châu Âu (người biết rõ chương trình hạt nhân của Iran) nhận định, đội ngũ kỹ sư ở Bushehr có lẽ đã xác định được sự cố kỹ thuật nhưng đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân. Ông nói: "Hãy còn quá sớm để đánh giá. Tôi đoán chắc rằng người Iran đang nghiên cứu vấn đề trong tuyệt vọng"

Thục Miên (tổng hợp)
.
.
.