Hợp tác tình báo Liên Xô - Cuba trong Chiến tranh lạnh

Thứ Tư, 24/06/2009, 15:15
Trong lịch sử của Chiến tranh lạnh, Cuba luôn nhận được sự hậu thuẫn và giúp đỡ hết lòng của Liên Xô, nhất là trong bối cảnh quốc gia nhỏ bé tại khu vực Mỹ Latinh này thường xuyên phải đương đầu với những âm mưu chống phá và cấm vận của đế quốc Mỹ. Quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan mật vụ của hai nước cũng không phải là chuyện ngoại lệ, cho dù những chiến dịch phối hợp cụ thể của hai bên rất hiếm khi được tiết lộ...

Có một thực tế rõ ràng là nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp Xôviết, tình báo Cuba đã trở thành một trong những cơ quan mật vụ hoạt động hiệu quả nhất tại Tây bán cầu. Một phần nhỏ của mối quan hệ hợp tác đặc biệt này mới được công chúng biết đến qua hồi ức của một số cựu quan chức tình báo Xôviết…

Trước khi Cách mạng Cuba thành công vào năm 1959, tình báo Xôviết hầu như không có một hoạt động nào tại đảo quốc nhỏ bé này cũng như trên toàn khu vực Mỹ Latinh. Vào thời điểm đó, Liên Xô đang có nhiều mối quan tâm lớn hơn, khi Mỹ và NATO không ngừng đẩy mạnh các hoạt động chống phá tại Liên Xô và các nước Đông Âu.

Ngoài địa bàn chính là Mỹ và Tây Âu, một số điểm nóng khác như Afghanistan hay Trung Đông vẫn được tình báo Xôviết quan tâm hơn. Khu vực Mỹ Latinh thường chỉ là "bước đệm" để KGB triển khai những chiến dịch tại Mỹ. Ngoài khả năng khai thác thông tin dễ dàng hơn, Mỹ Latinh cũng là nơi có thể tạo vỏ bọc cho các điệp viên Xôviết trước khi chính thức xâm nhập vào đất Mỹ.

Khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào cuối năm 1960, song song với việc cung cấp các trang thiết bị quân sự, vấn đề hỗ trợ về hoạt động mật vụ cũng được triển khai ngay do Cuba khi đó vẫn chưa có được một hệ thống cơ quan an ninh của riêng mình. Trong lĩnh vực này, Liên Xô đã rất nhiệt tình giúp đỡ Cuba từ trang thiết bị cho tới đào tạo và tư vấn - bắt đầu từ những đề xuất về bảo vệ cho các quan chức cao cấp trong chính phủ, cho tới kinh nghiệm đấu tranh chống thổ phỉ và phản gián v.v...

Nhưng phải đến cuộc khủng hoảng Caribbean năm 1962, quan hệ hợp tác tình báo Liên Xô - Cuba mới thực sự bước sang một giai đoạn hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn. Vào những ngày căng thẳng nhất của cuộc khủng hoảng, các chi nhánh của KGB tại châu Mỹ đã được giao nhiệm vụ bằng mọi giá phải khai thác được những thông tin cần thiết giúp đảm bảo an toàn cho đất nước và nhân dân Cuba trước bất kỳ một âm mưu gây hấn nào của Washington.

Theo đó, bất kỳ một thông tin cảnh báo về mối đe dọa nào đó đối với Hòn đảo tự do đều được KGB nhanh chóng báo cho các đồng nghiệp tại Cuba. Điển hình trong chiến dịch này là vai trò chi nhánh của KGB tại Mexico, là nơi các điệp viên đã làm rõ hầu hết mọi hoạt động triển khai và tập trung quân của Mỹ - từ hải quân, không quân, lục quân và lực lượng đổ bộ hàng không - cũng như nội dung những kế hoạch và phương án sử dụng các lực lượng này. 

Theo đánh giá của các cựu chiến binh tình báo Xôviết, tình báo Cuba đã nhanh chóng trưởng thành trở thành một trong những cơ quan mật vụ hiệu quả nhất tại Tây bán cầu là nhờ hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân hàng đầu là hầu như mọi chiến sĩ tình báo tại hòn đảo này đều hết sức trung thành với lý tưởng cách mạng, với đất nước. Nếu như với mọi cơ quan tình báo khác, nguy cơ các điệp viên phản bội hay bị tuyển mộ lại thường chiếm một tỉ lệ không hề nhỏ. Còn những trường hợp như vậy trong hàng ngũ các điệp viên Cuba lại cực kỳ hiếm.

Đơn cử như vụ 5 chiến sĩ tình báo Cuba hiện đang bị giam giữ trong nhà tù của Mỹ với những mức án rất nặng - từ 15 năm tù cho tới chung thân. Tất cả mọi biện pháp mua chuộc dụ dỗ đều không thể làm lung lay ý chí của họ. Tất cả chỉ thừa nhận có hoạt động tình báo trên đất Mỹ, nhưng mục đích của họ không phải gây tổn hại cho nước Mỹ cũng như nhân dân Mỹ, mà chỉ để ngăn chặn những hành động phá hoại cách mạng Cuba từ phía những tên phản động lưu vong. Nguyên nhân quan trọng thứ hai chính là những kỹ năng chuyên nghiệp rất cao của đội ngũ tình báo viên Cuba.

Hoạt động hợp tác trao đổi thông tin tình báo giữa Liên Xô và Cuba cũng được các cựu chiến binh từ KGB đánh giá rất cao. Theo họ, chuyện trao đổi thông tin tình báo từ lâu đã trở thành truyền thống giữa cơ quan mật vụ các nước XHCN, và mỗi cơ quan thường có một thế mạnh hay lĩnh vực sở trường riêng. Chẳng hạn như Cơ quan tình báo CHDC Đức có mạng lưới điệp viên rất hiệu quả trong các cơ cấu của NATO, cơ quan chính phủ CHLB Đức, thường khai thác được những thông tin hàng đầu về chính trị - quân sự.

Trong lĩnh vực tình báo kinh tế, các điệp viên của Đức, Tiệp Khắc và Hungary được đánh giá cao. Còn tình báo Cuba lại có sở trường về Mỹ Latinh, đặc biệt là Mỹ, nên những thông tin được họ cung cấp thường có vai trò bổ sung rất tốt cho các mục tiêu của KGB tại địa bàn này.

Tình báo Cuba là cơ quan đầu tiên đưa ra những cảnh báo về những mối đe dọa đối với chính phủ tiến bộ của Tổng thống Salvador Allende, sau đó tiếp tục dự đoán chính xác thời điểm nổ ra cuộc đảo chính quân sự của Pinochet tại Chile. Tiếp đó, họ luôn nắm rất rõ tình hình tại Nicaragua nhờ những thông tin chính xác đã khai thác được.

Cũng phải nhắc tới đóng góp của cơ quan mật vụ Cuba trong cuộc chiến bảo vệ an ninh cho đất nước mình, đầu tiên là đảm bảo an toàn cho các lãnh tụ cách mạng. Kể từ khi cách mạng thành công trên hòn đảo tự do, đã có vô số những âm mưu ám sát nhằm vào Chủ tịch Fidel Castro, nhưng tất cả đều gặp thất bại. Trong đó có rất nhiều trường hợp cảnh báo từ phía cơ quan mật vụ đã giúp ngăn chặn được những âm mưu này.

Mới cách đây vài năm, thông tin khai thác được của tình báo Cuba đã giúp chặn đứng kế hoạch ám sát Chủ tịch Fidel Castro tại Panama. Các chiến sĩ tình báo thậm chí còn xác định rõ được những đối tượng tham gia cũng như cả thời gian cụ thể, giúp các nhà chức trách Panama kịp thời bắt giữ chúng

Thái Quân (tổng hợp)
.
.
.