Hồ Con Rùa và vận số của “thầy bói quốc gia”

Thứ Hai, 03/03/2014, 16:55

Nằm ở trung tâm TP HCM, Hồ Con Rùa mang nét kiến trúc độc đáo và ẩn chứa trong mình nhiều câu chuyện có thật xen lẫn những chi tiết hư cấu đã trở thành tâm điểm thu hút sự tò mò của nhiều du khách quốc tế. Nó nổi tiếng đến nỗi, vào ngày Cá Tháng Tư năm 1998, một tạp chí Anh quốc đã loan báo một bản tin ngắn: “Chính phủ Mỹ quyết định mua toàn bộ công trình kiến trúc Hồ Con Rùa đem về tòa Bạch Ốc. Quân đội Mỹ phải điều 4 máy bay trực thăng treo cáp 4 hướng để đưa Hồ Con Rùa vượt nửa vòng trái đất đem về Mỹ”. Dù chỉ là dòng tin Cá Tháng Tư mua vui cho độc giả nhưng điều đó chứng tỏ Hồ Con Rùa đã được nhiều người biết danh tiếng.

Từ cổng Khảm Khuyết đến cổng Trường Quốc tế

Hồ Con Rùa nằm tại giao lộ ngã 4 đường Võ Văn Tần, đường Trần Cao Vân và 2 nhánh đường Phạm Ngọc Thạch ở trung tâm quận I, TP HCM. Do nằm giữa 4 ngã đường nên ngoài chức năng tạo cảnh quan kiến trúc đô thị, tạo không gian thoáng đãng, Hồ Con Rùa còn kiêm thêm chức năng phân luồng giao thông như một vòng xoay điều tiết lưu lượng xe.

Điều thú vị là, từ thuở mở cõi phương Nam, khi xây dựng thành Bát Quái vào năm 1790 để trấn thủ hướng Tây Nam, chúa Nguyễn đã chọn vị trí của Hồ Con Rùa ngày nay làm cổng Khảm Khuyết của thành Bát Quái. Thành Bát Quái (tên gọi dân gian là thành Quy) được xây theo hình bát quái đồ có 8 cổng: Càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài.

Theo các nhà phong thủy học, từ thuở hoang sơ rừng rú ấy, chúa Nguyễn đã nhìn thấy địa thế chiến lược quan trọng của cổng Khảm. Từ cổng Khảm, lính canh có thể quan sát toàn bộ mạn bắc của Gia Định. Đến thời Vua Minh Mạng, cổng thành Khảm được đổi tên thành Vọng Khuyết.

Sau vụ án oan của Lê Văn Duyệt, vào ngày 5/7/1833, Lê Văn Khôi cùng 27 thuộc hạ chiếm thành Bát Quái, giết những viên quan sàm tấu, trả thù cho cha nuôi. Đêm đó, Lê Văn Khôi cùng thuộc hạ dùng đầu lâu kẻ thù lập đàn tế cha tại cổng Vọng Khuyết. Cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi bị dập tắt 2 năm sau.

Khi triệt hạ xong Lê Văn Khôi, vào năm 1837, Minh Mạng cho phá bỏ thành Bát Quái, xây một thành nhỏ hơn mang tên thành Phụng. Vọng Khuyết trở thành một trạm gác tiền tiêu ở ngoài vòng thành Phụng, được người dân gọi là trạm Vọng Khuyết.

Bản sơ đồ thành Quy và cổng Khảm Khuyết. Ảnh tư liệu.

Giữa thế kỷ XIX, sau khi đánh chiếm Việt Nam, Pháp xây dựng đô thị Gia Định đồng thời nâng cấp một số tuyến đường, trong đó có con đường đi ngang trạm Vọng Khuyết được đặt tên là đường số 16. Vào ngày 1/2/1865, Thống đốc Nam Kỳ Grandière đã đặt tên con đường số 16 là đường Catinat. Khi đô thị bắt đầu hình thành, nhu cầu về nước sinh hoạt đã khiến chính quyền thực dân chú ý đến vị trí gò cao nơi trạm Vọng Khuyết. Năm 1878, một tháp trữ nước được xây tại vị trí trạm Vọng Khuyết gọi là Place de Château d'Eau.

Đến năm 1921, dân số Sài Gòn tăng cao, nhu cầu giao thông cũng tăng theo, thực dân Pháp phá bỏ tháp nước để mở rộng đường. Con đường mới có tên là Garcerie. Và vị trí tháp nước trở thành giao lộ 4 ngã. Ở giữa vòng xoay, họ cho xây một tượng đài ba binh sĩ bằng đồng và hồ nước nhỏ để kỷ niệm 6 vạn binh sĩ thuộc khối quân sự Pháp chết trong Thế chiến I. Người Việt gọi tượng đài ấy bằng cái tên khinh miệt là "tượng ba hình". Vị trí tượng đài được gọi là Quảng trường Maréchal Joffre - Tên một thống chế Pháp từng cầm quân xâm lược nước ta.

Năm 1956, Ngô Đình Diệm ra lệnh đập bỏ tượng đài, chừa lại hồ nước. Vị trí này được đổi tên thành Công trường Chiến sĩ trận vong, sau đổi thành Công trường Chiến sĩ Tự do.

Năm 1965, sau khi được Mỹ cất nhắc lên làm Tổng thống Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Văn Thiệu nghe lời xúi của thầy bói Huỳnh Liên bắt đầu xây dựng tượng đài Chiến sĩ Tự do. Để tìm bản thiết kế đẹp nhất, Nguyễn Văn Thiệu chi ngân sách tổ chức một cuộc thi thiết kế. Và bản vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ đoạt giải nhất được chọn xây dựng. Theo mẫu này, tượng đài chỉ có một cột cao. Trên đỉnh cột là hình hoa xòe nở. Dưới chân cột là đường viền trồng cỏ.

Đến năm 1967, công trình kiến trúc này chịu thêm một lần chỉnh trang, cũng do "thầy bói quốc gia" Huỳnh Liên xúi giục.

Năm 1970, thầy bói Huỳnh Liên còn xúi Nguyễn Văn Thiệu tái thiết thêm vài lần nữa để "trấn mạch, yểm cung mạng nhằm được làm vua vĩnh viễn". Việc thay đổi đã biến tượng đài Chiến sĩ Tự do không còn nguyên mẫu ban đầu của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ.

Theo mẫu vẽ “bằng mồm” của Huỳnh Liên, tượng đài có thêm 5 cột bê tông để chống đỡ cho đóa hoa xòe. Dưới chân cột là ao nước có đường kính 99,99m (chứ không tròn 100m như nhiều người vẫn nghĩ). Trên mặt ao nước có 4 đường đi hình bán nguyệt nối bờ mép ao, lơ lửng trên mặt nước hồ giao nhau tại trung tâm.

Điểm nhấn đặc biệt của Công trường Chiến sĩ Tự do là tượng 1 con rùa to đúc bằng đồng đang gồng mình đỡ một tấm bia thạch anh ghi danh sách một loạt các nước. Sau khi hoàn tất, công trình này được đổi thành tên hành chính là Công trường Quốc tế nhưng người dân vẫn thích gọi là Hồ Con Rùa. Năm 1976, tượng con rùa đội bia bị một nhóm phản động phá bỏ.

Suốt gần nửa thế kỷ qua, nhiều người vẫn không hiểu ý nghĩa của con số 99,99m lối đi trên mặt hồ và 5 cột chống đỡ của Hồ Con Rùa. Bí ẩn của những chi tiết đó hoàn toàn không có trong bất kỳ tài liệu nào trong dinh Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cũng như tàng thư quốc gia. Nó không là bí ẩn tuyệt mật của chính quyền Việt Nam Cộng hòa nhưng lại là tư liệu cá nhân tuyệt đối bí mật của Nguyễn Văn Thiệu.

Với Nguyễn Văn Thiệu, những bí ẩn đó mang ý nghĩa sống còn, chỉ có thầy bói Huỳnh Liên biết. Để giữ bí mật, Huỳnh Liên đã phải tuyên thệ "sống để dạ, chết mang theo" với Nguyễn Văn Thiệu.

Sau này, do nghèo túng, Huỳnh Liên đã dùng bí mật này đổi vài ký gạo với một người hàng xóm. Chính xác là, ông ta đã phải dùng câu chuyện bí ẩn này chứng minh mình là thầy bói tầm cỡ quốc gia của Việt Nam Cộng hòa nhằm tạo lòng tin kiếm khách coi bói độ nhật qua ngày. Thế là trước khi chết, Huỳnh Liên đã "sống để dạ, chết quên mang theo".--PageBreak--

Con đường đưa Huỳnh Liên bước vào dinh Tổng thống làm thầy bói quốc gia?

Sau khi nền “đệ nhất Cộng hòa” của nhà Ngô sụp đổ, chính quyền Mỹ quyết định bỏ hết, xây dựng một vở kịch dân chủ mới. Mỹ bắt đầu tìm những diễn viên chính trị mới từ đội ngũ những viên tướng trẻ như Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu…

Sau khi cho CIA thẩm tra lý lịch từng viên tướng trẻ này, Mỹ chốt danh sách 2 người. Đó là Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ và Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu. Cả Thiệu lẫn Kỳ đều biết mình đang được Mỹ casting vai diễn lãnh đạo tối cao Việt Nam Cộng hòa. Cả hai đều biết sẽ phải thi đấu nhau tại một cuộc bầu cử để bước lên ghế tổng thống.

Thời đó, hầu hết những viên tướng Việt Nam Cộng hòa có mốt "nuôi" mật vụ riêng. Thời chiến tranh loạn lạc, những người giàu có bị bắt lính tìm cách đút lót cho tướng để khỏi phải cầm súng. Họ vẫn có quân số nhưng được "ông thầy" rút về tư dinh làm lính kiểng. Những tên lính kiểng này thường làm công việc nhà cho vợ "ông thầy". Nếu không quét dọn vườn tược thì làm sốp phơ (tài xế) cho vợ ông thầy. Người ta gọi đám này là "lính kiểng". Mỗi vị tướng thường nuôi tại tư gia ít nhất một tiểu đội dư "lính kiểng".

Đến thời điểm Ngô Đình Diệm bị giết, Sài Gòn trở thành nồi cháo hổ lốn hàng trăm món rau chính trị. Ngày nay đảo chính, ngày mai chỉnh lý, ngày mốt cải tổ. Tướng tá tranh giành quyền lực, đấu đá nhau loạn xạ. Thế là những vị tướng xua đám lính kiểng “tay sai” đi rình mò, nghe ngóng đối thủ rồi mật báo về. Từ đó các viên tướng có mốt nuôi "lính rình" trong nhà, gọi cho sang là "mật báo biệt lập". Nuôi "mật báo biệt lập" giống như chơi dao 2 lưỡi. Vì được nuôi trong nhà nên chuyện thâm cung bí sử gì của "ông thầy" chúng đều biết.

Do mang tính đa nghi cao độ, Nguyễn Văn Thiệu không thèm nuôi bầy "mật báo biệt lập" trong nhà mà chỉ nuôi 1 "con". Đó là người bạn đồng khóa sĩ quan, đồng thời là cậu họ bên vợ tên Q. gốc Gò Công, Tiền Giang. Q. được đi Mỹ học thêm một khóa ngắn hạn về quân sự. Ngoài vai trò cậu vợ, Q. còn là "quân sư quạt mo" về an ninh cho Thiệu.

Q. ngăn cản Thiệu nuôi lính "mật báo biệt lập" vừa tốn cơm vừa dễ bị bán đứng. Q. xui Thiệu nên nuôi một… thầy bói. Nếu nhìn từ khía cạnh nghiệp vụ tình báo thì một thầy bói có giá trị gấp 10 lần một nhân viên ăn học bài bản. Nhân viên tình báo đi thu thập thông tin dễ bị ăn đòn hơn một thầy bói đi lê la hỏi chuyện. Ngoài ra, thầy bói còn có khả năng tuyên truyền, thuyết phục và lôi kéo quần chúng theo mục tiêu chính trị. Thế là Thiệu duyệt.

Lúc ấy chưa ai biết "chiêm tinh gia Huỳnh Liên" là ai.

Hằng ngày, các tiểu thương ở chợ Bến Thành thấy một người đàn ông nói giọng miền Trung, đầu tóc chải dầu dừa bóng mượt, mặc áo veston sờn cũ, mang giầy bot - ta - na - ca - ni đã há mõm lẳng lặng trải chiếu ngồi ở một góc chợ. Ông ta dựng 1 tấm bảng viết chữ nguệch ngoạc "Chiêm tinh gia đoán vận mạng, tình duyên, tài lộc". Ông ta không buồn trò chuyện với ai. Vì không biết tên nên các tiểu thương chợ Bến Thành gọi ông ta là thầy Chiêm (gọi tắt chiêm tinh gia). Do giọng miền Nam, người ta cứ gọi ông là thầy Chim.

Con đường Catinat, ngày nay là Phạm Ngọc Thạch, trước Nhà văn hóa Thanh Niên (ảnh tư liệu).

Thầy Chim có biệt tài xủ quẻ ngày xuất hành buôn may bán đắt nên hầu hết các tiểu thương Bến Thành đều tin. Do mụ mị mê tín nên người ta ít chú ý đến một số chi tiết ma mãnh của thầy Chim. Cứ hễ ai xin xuất hành mở cửa buôn bán thì thầy Chim luôn chọn ngày thứ bảy hoặc chủ nhật. Bởi 2 ngày ấy, dân công chức, binh lính được nghỉ phép ắt sức mua tăng.

Những ngày có biểu tình, thầy Chim đều khuyên giới buôn bán mỹ phẩm, vải vóc nên đóng cửa, riêng giới bán trà đá, thuốc lá thì nên mở cửa. Hễ cô gái nào đến xin xủ quẻ tình duyên với gương mặt nhàu nát thì thầy Chim đoán chuyện yêu đương lận đận.

Dần dà, hầu hết tiểu thương chợ Bến Thành đều xem thầy Chim là Quỷ Cốc tiên sinh. Người ta xúm xít mời thầy Chim về nhà bày hương án, coi phong thủy, định hướng cách bài trí trong nhà. Nếu nhà nào nằm ở mặt phố mà nhếch nhác, dơ bẩn, thầy khuyên dọn dẹp ngăn nắp, quét vôi cho cửa nhà sáng sủa, khang trang. Chỉ sau một ngày "chỉnh phong thủy" khách hàng đến tấp nập, thế là người ta phong thánh cho thầy Chim.

Đặc điểm của thầy Chim là kiệm lời. Hỏi tới đâu trả lời tới đó và thường chỉ phán 1 câu, ai muốn hiểu sao cứ hiểu. Hỏi lại lần thứ hai, thầy không thèm trả lời. Thầy cũng không bao giờ nói về mình nên cũng không ai biết thân thế, sự nghiệp, quê quán, tên tuổi. Đó là yếu tố Q. chọn thầy Chim mời về nhà Thiệu ra mắt.

(Còn nữa)

Nông Huyền Sơn
.
.
.