Grigori Perelman - Thiên tài ẩn dật
Ông đã cắt đứt mọi liên hệ với xã hội để tự giam mình trong một căn hộ tồi tàn cũ kỹ ở ngoại ô Saint-Pétersbourg. Hai nhà báo Marc Nexon và Katia Swarovskaya của tờ Le Point (Pháp) đã tổ chức một chuyến đi dài ngày tới nước Nga để viết một phóng sự về nhà toán học kỳ dị này.
Từ chối mọi vinh quang và tiền bạc
Để đến được chỗ ở của Grigori Perelman, bạn phải xuống ở ga tàu điện ngầm Kupchino, ngoại ô Saint-Pétersbourg. Tòa nhà chung cư của Perelman cũng giống hệt những tòa chung cư khác ở xung quanh.
Một tòa chung cư cũ đã xập xệ, xuống cấp. Những bức tranh graffitis vẽ loang lổ trên tường ở lối ra vào. Gầm cầu thang nơi treo các hộp thư, chỉ riêng hộp thư của Perelman là mở toang, chất đầy các loại hóa đơn. Không có thang máy, những bậc cầu thang ximăng dẫn lên tầng 6 - căn hộ số 355. Đó là nơi Grigori Perelman ở chung cùng bà mẹ. Một căn hộ 3 phòng ngủ, 65m².
Nhà Toán Học Grigori Perelman (ảnh chụp năm 2017). |
Grigori Perelman, 52 tuổi, từ lâu đã sống một cuộc sống ẩn dật, xa lánh với xã hội. Một cách sống do chính anh chọn lựa. Nhưng anh có đầy đủ điều kiện để có một cuộc sống hoàn toàn khác. Bởi người đàn ông này là một thiên tài toán học, nhà toán học duy nhất đã giải quyết được thách đố lớn nhất của thế kỷ: Giả thuyết Poincaré.
“Một kết quả đẹp như trong mơ, một món quà kỳ diệu để tặng cho nhân loại”. Nhà toán học Pháp Cédric Villani đã ngây ngất thốt lên. Villani cũng là một tài năng toán học đặc biệt, giải thưởng Fields - một giải thưởng ví như giải Nobel trong toán học - vào năm 2010. “Grigori Perelman đã mở toang cánh cửa từ lâu vẫn khép chặt, giúp chúng ta sáng tỏ được đâu là hình dạng của vũ trụ”. Michel Boileau, một chuyên gia hình học đã nhấn mạnh như vậy.
Perelman đã “cày cuốc” một mình, tự giam hãm trong công việc thầm lặng này trong suốt 8 năm trước khi công bố chúng trên mạng Internet vào năm 2002… Ngay sau đó anh lại quay trở lại ẩn mình trong bóng tối. Nhà toán học kỳ dị với mái tóc rậm rịt, bù xù, chòm râu xồm xoàm uốn lượn thành sóng này đã từ chối tất cả: những sự vinh danh và tiền bạc. Princeton, Berkeley, MIT… các trường đại học hàng đầu của Mỹ đều đã gửi lời mời tới Perelman, mong mỏi anh đến cộng tác và định cư vĩnh viễn ở Mỹ. Nhưng Grigori Perelman đã từ chối tất cả.
Nhất là tiền bạc. Perelman đã từ chối nhận một triệu USD mà Quỹ Clay đã quyết định trao cho anh (năm 2010), đó là số tiền quỹ này treo thưởng cho ai giải được bài toán về “Giả thiết Poincaré”, bài toán khó khăn nhất trong “Bẩy bài toán của thiên niên kỷ”.
Trong một thông cáo ngắn gọn gửi cho báo chí vào tháng 6-2010, Perelman đã bày tỏ rõ ràng quan điểm của mình: “Sau khi cân nhắc kỹ giữa việc nhận hay không nhận giải thưởng, tôi tuyên bố từ chối giải thưởng mà Quỹ Clay dự định trao cho tôi”. Đây là lần thứ hai Perelman từ chối một giải thưởng. Năm 2006 anh cũng đã từ chối nhận giải thưởng Fields. Lí do: “Anh ấy có một đòi hỏi rất cao về đạo đức và từ chối tất cả các dạng thương mại hóa những nghiên cứu khoa học”.
Serguei Roukchine, giáo viên cũ của Perelman, người điều hành một trong các câu lạc bộ toán học nổi tiếng nhất của Saint - Pétersbourg đã lý giải như vậy. Còn Valery Ryzhik - cựu giáo viên môn toán của Perelman thì cho rằng: “Perelman đã mơ ước chinh phục được đỉnh Everest trong toán và cậu ấy đã làm được điều đó. Giờ đây cậu ấy cảm thấy trống rỗng và muốn rằng mọi người để cậu ấy được yên”.
Trong lần trả lời phỏng vấn duy nhất trên tờ Komsomolskai Pravda, Perelman đã thổ lộ đôi chút về quan niệm của mình: “Tại sao tôi lại bỏ tới chừng ấy năm để giải quyết bài toán về giả thiết Poincaré? Tôi đã học được cách dò tìm những trống rỗng. Cùng với các đồng nghiệp, chúng tôi nghiên cứu các phương thức lấp đầy sự trống rỗng xã hội và kinh tế. Trống rỗng có mặt ở khắp nơi. Người ta có thể truy tìm chúng… điều này đem đến nhiều khả năng. Nói ngắn gọn, tôi đã tìm ra cơ chế điều khiển vũ trụ, vậy hãy nói cho tôi biết, tôi cần đến một triệu đôla kia để làm gì chứ?”.
Danh mục mua sắm của nhà toán học
Căn hộ số 355. Sau khi gõ cửa vài giây, Ferelman mở cửa. Câu trả lời ngắn gọn cắt đứt mọi hy vọng được trò chuyện. “Tôi không trả lời phỏng vấn”. Giọng nói lạnh lùng với một âm vực khàn đục. Những vị khách cố níu kéo, mong kéo dài thêm cuộc trò chuyện: “Nhưng anh vẫn mạnh khỏe chứ?”. “Vẫn khỏe, cám ơn và xin chào”. Cánh cửa nhanh chóng khép lại.
Nhà Toán Học Grigori Perelman với công việc yêu thích của ông. |
Nexon và Swarovskaya quay xuống sân và tìm cách trò truyện với cư dân tòa nhà về Perelman. Nhưng hàng xóm cũng không biết gì nhiều về nhà toán học lánh đời này. Bà hàng xóm cùng tầng kể lại: “ Anh ta hầu như không đi ra ngoài. Một lần, khi giáp mặt, tôi nói với anh ta: “Hôm nay nóng quá nhỉ”. Anh ấy trả lời: “Vâng nóng quá”. Maria, cô gái sống ở tầng 8 cho biết: “Tôi đã nghĩ đến chuyện nhờ anh ấy dạy cho một số buổi về toán, nhưng nhìn vẻ bề ngoài như thế, tôi cảm thấy sờ sợ”.
16 giờ. Đột nhiên Perelman xuất hiện ở cầu thang. Anh rời khỏi tòa chung cư. Những bước đi khập khiễng nhưng khá nhanh. Perelman đi dọc theo đường tàu điện. Một chiếc quần cộc, giày vải màu đen, áo pull chui cổ, khoác ngoài một chiếc áo len mỏng. “Không, không...” - anh xua tay từ chối lời nài nỉ níu kéo của các nhà báo muốn có được một cuộc phỏng vấn. Perelman rẽ vào một quầy báo, lật giở qua một hai tờ nhật báo của Nga rồi vội vã rời đi.
“Từ hai năm nay, anh ấy chẳng mua gì ở chỗ tôi” - bà bán báo khẳng định. Perelman đây rồi, đang đứng trước một quầy hàng trong siêu thị. Bộ óc tài năng nhất của nhân loại, với khả năng tư duy và phân tích vô cùng mạnh mẽ đã rút ra từ trong túi một tờ giấy nhỏ ghi chép lại những thứ cần mua bán và lần lượt xếp chúng vào chiếc làn của mình: Mơ khô, trà xanh, bánh mì đen, hạt ngũ cốc và thêm vào là táo, cam, những mặt hàng đang được khuyến mại. Tổng chi tiêu trong ngày của Perelman: 6 euro. 20 phút sau, Grigori Perelman đã quay trở lại căn hộ của mình, thế giới riêng tư quen thuộc của anh.
Lập dị và cô độc
Perelman sinh ra và lớn lên ở chính khu phố này trong một gia đình Do Thái. Thời kỳ còn Liên bang Xôviết, mẹ cậu, bà Ludmila dạy toán cho một trường trung cấp kỹ thuật còn cha cậu là một kỹ sư điện. Thú vui duy nhất của ông là giảng giải cho cậu con trai còn nhỏ tuổi các bài học về vật lý.
Từ năm 11 tuổi, cậu bé Grigori đã tỏ ra vượt trội về các môn khoa học và cả trong việc học đàn violon. Perelman lao vào học hành như một kẻ tử vì đạo. Sốt 39,5oC, cậu nhúng chiếc cặp nhiệt độ vào nước đá để được phép đi học. Nhưng cậu bé Grigori luôn chẳng để tâm gì đến chuyện ăn mặc: cài lệch khuy, quên buộc dây giày và không đi tất vào mùa đông.
Vào năm 14 tuổi, Grigori vào học ở trường số 239 Leningrad (nay là Saint- Pétersbourg), lớp chuyên toán. 16 tuổi, Grigori bước lên bục vinh quang khi giành huy chương vàng cuộc thi Olympic quốc tế về toán (1982) trong thành phần đội tuyển Liên Xô. Đột nhiên cậu quyết định để móng tay, có lúc dài tới tận 5cm. “Giống như việc người ta vẫn để những củ hành mọc ở ban công đó thôi”, đấy là lời giải thích của Grigori cho những người tò mò gặng hỏi cậu về cách hành xử kỳ lạ này.
Ở khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp Saint-Pétersbourg, tài năng của cậu ngày càng tỏa sáng. Lĩnh vực được cậu say mê: Hình học. Evgueni Abakoumov, một người bạn cùng đi trại hè với Perelman cho biết: “Đừng mất công rủ cậu ấy đi uống bia , bởi tâm trí cậu ấy luôn vẩn vơ ở một nơi nào đó rất xa”. “Thế đối với các cô gái thì sao ?” – “Cậu ấy không quan tâm”.
Khi Perelman tốt nghiệp đại học, cánh cửa Viện nghiên cứu toán Steklov đã rộng mở để đón anh. Và rồi ở tuổi 26, Perelman bay sang Mỹ, đọc một loạt bài giảng tại các trường đại học hàng đầu trong một thời gian 3 năm. Kể từ lúc này giả thuyết Poincaré bắt đầu ám ảnh tâm trí Perelman. Anh quyết định quay trở về Saint- Pétersbourg.
Khi các đồng nghiệp hỏi dò về các công trình anh đang nghiên cứu, câu trả lời đầy mơ hồ: “Tôi đang nghĩ về một vài bài toán quan trọng”. Perelman hầu như không lai vãng tới viện nữa. Giam mình trong nhà, anh tập trung cao độ vào công việc.
Quả bom đã phát nổ vào tháng 11-2002. Trái với thông lệ, Perelman không gửi công trình của mình đến bất cứ tạp chí danh tiếng nào mà công bố trực tiếp trên Internet, một bài báo 59 trang về giả thuyết Poincaré. Đó thực sự là một cú sốc với toàn thế giới. Ở Mỹ, Richard Haminton, một nhà toán học danh tiếng, nhận tin này như nhận một gáo nước lạnh. Hai mươi năm trước ông là người đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường chinh phục giả thuyết Poimcaré. Nhưng sau đó ông đã không thể tiến thêm được bước nào. Khắp nơi là tình trạng náo loạn.
“Chúng tôi đã phải cần tới 6 tháng nghiền ngẫm để có thể hiểu được những lập luận trong phần đầu của bài báo này”. Gérard Besson, thành viên của một trong bốn nhóm nghiên cứu độc lập được giao nhiệm vụ đọc và giải mã các kết quả của Perelman đã thừa nhận như vậy. Sau bốn năm kiểm tra với hơn 1.000 trang báo cáo kết quả, tất cả đã rõ ràng. Bài toán khó khăn và bí ẩn nhất của thiên niên kỷ - giả thuyết Poinacaré đã được giải quyết xong.
Nhưng dường như Perelman không hề cảm thấy thoải mái, anh cảm thấy khó chịu vì thái độ tránh né và ghen tỵ của các đồng nghiệp ở viện.
“Anh ấy là như vậy. Perelman luôn nghĩ rằng các nhà toán học phải là một cái gì đó rất thuần khiết và trong sáng”. Serguei Roukchine giải thích thêm. Ở Viện Steklov, Perelman càng khép kín mình hơn nữa. “Khi các thành viên của viện ngồi quanh bàn trò chuyện, uống nước chè và ăn bánh ngọt thì Perelman vẫn luôn nán ngồi lại ở góc phòng, trước màn hình máy vi tính”. Để giải tỏa căng thẳng, Perelman chọn cách liên tục ném một quả bóng tenis vào tường và bắt nó, hay đi lên đi xuống cầu thang không ngừng nghỉ.
Người bí ẩn?
Cuối cùng cuộc chia tay cũng đã diễn ra vào năm 2005. Perelman nộp đơn từ nhiệm cho Viện Steklov và tuyên bố rút khỏi cộng đồng toán học. Anh yêu cầu người ta hủy hết những thư từ liên lạc có liên quan đến anh. “Tôi không có bạn và tôi cũng đã tỉnh mộng”. Perelman tuyên bố với viện trưởng Serguei Kisliakov. Khi Kisliakov ngỏ lời mời Perelman quay trở lại viện bất cứ lúc nào anh muốn, Perelman cám ơn và nói rằng điều đó có rất ít cơ may xảy ra.
Hiện tại Perelman làm gì? Không ai có thể trả lời câu hỏi này. Gia đình anh không có nguồn thu nhập nào khác ngoài tiền lương hưu của bà mẹ và những món tiền nhỏ mà Léna - cô em gái, hiện sống ở Thụy Điển thỉnh thoảng gửi về cho. Đôi khi Perelman phá lệ ra ngoài buổi tối để đi xem giao hưởng, một thói quen cũ. Những lúc đó anh ăn mặc khá chỉnh tề với một chiếc mũ đen.
Nghi vấn cuối cùng luôn ám ảnh tất cả mọi người: phải chăng Perelman đã thực sự ngừng làm việc? Gần như không có ai tin vào điều đó. Người ta nhớ lại điều Grigori Perelman nhắc đến trong cuộc phỏng vấn duy nhất dành cho báo chí: “Mọi người ai cũng đều biết đến cái huyền thoại trong Kinh Thánh, chuyện chúa Jésus lướt đi trên mặt nước? Tôi cần tính toán xem với vận tốc bao nhiêu thì người ta có thể làm được việc đấy?”.
Liệu có phải Perelman đang bắt tay vào giải quyết Bài toán Navier-Stokes về các dòng chảy rối - bài toán thiên niên kỷ thứ hai? Mikhail Gromov, giáo sư cũ của Perelman khẳng định một cách dứt khoát: “Perelman là một thiên tài, anh ấy sẽ giải quyết được tất cả các bài toán được đặt ra”.