Ergenekon - Tổ chức điệp báo bí mật tại Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Tư, 18/02/2009, 16:45
Vào hai ngày 7 và 8/1/2009, lực lượng An ninh Thổ Nhĩ Kỳ (SOB) đã tiến hành bắt giữ tại hai thành phố lớn là Istanbul và Ankara, 37 người liên quan đến âm mưu lật đổ chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan vào tháng 2/2008. Trong số những người bị bắt giữ có 2 sĩ quan cao cấp của quân đội là tướng Kemal Yavuz và tướng Tuncer Kilinc.

Trước đó từ tháng 3 đến tháng 10/2008, 86 người liên quan đến âm mưu đảo chính vào tháng 2/2008 cũng đã bị bắt giữ. Theo điều tra của SOB, tất cả 123 người này đều là thành viên của một tổ chức điệp báo bí mật hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ có tên gọi Ergenekon.

Theo cáo trạng của Tòa án Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức điệp báo này được thành lập vào năm 1971, vài tháng sau khi xảy ra cuộc binh biến lật đổ chính phủ bài xích phương Tây của Thủ tướng Suleyman Demirel. Hạt nhân đầu tiên của tổ chức điệp báo này là một nhóm sĩ quan quân đội cao cấp do tướng Veli Kucuk đứng đầu. Nhiều người cho rằng tướng Kucuk chính là chỉ huy đầu tiên của tổ chức Ergenekon. Nhưng theo báo  Cumhurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ và báo Kommersant của Nga thì tổ chức Ergenekon được điều hành bởi một hội đồng chỉ huy gồm nhiều sĩ quan cao cấp của quân đội và chính trị gia.

Vào những năm đầu thập niên 70 thế kỷ XX, tình hình chính trị và xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ biến động theo hướng rối loạn trầm trọng, bắt nguồn từ cuộc đối đầu giữa hai xu hướng thân phương Tây do các tướng lĩnh quân đội và chính trị gia cánh hữu đứng đầu, và xu hướng dân tộc và nghiêng về các quốc gia XHCN  do các chính trị gia cấp tiến đứng đầu. Cuộc đối đầu này đã gây chia rẽ nghiêm trọng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đến những âm mưu đảo chính, bạo loạn của giới quân sự được phương Tây hậu thuẫn.

Cũng vào thời kỳ này, Mỹ và Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) quyết định thành lập một tổ chức bí mật có tên Gladio. Tổ chức này vừa mang tính chất khủng bố lại vừa mang tính chất điệp báo hoạt động tại hầu hết các quốc gia Tây Âu để tiến hành một chiến dịch làm bùng phát lòng hận thù  trong dân chúng đối với Liên Xô và các quốc gia XHCN thông qua các hoạt động khủng bố rồi đổ tội là do các quốc gia XHCN gây ra hay giựt dây. Đương nhiên, tổ chức Gladio cũng vươn vòi đến tận Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hỗ trợ cho hoạt động của tổ chức Ergenekon.

Theo tiết lộ của tướng Memduh Unluturk, cựu chỉ huy SOB, tổ chức Ergenekon còn nhận được sự hỗ trợ đáng kể và tích cực của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA).

Tổ chức điệp báo Ergenekon hoạt động và phát triển mạnh nhất là vào thập niên 80, 90 với việc gây ra hàng loạt các vụ khủng bố, trong đó có vụ đánh bom gây thiệt hại nặng cho tòa soạn báo Hurriyet ở thành phố Ankara vào tháng 7/1986, vụ đánh bom vào tòa soạn báo Cumhurriyet tại thành phố Istanbul vào tháng 1/1991, tổ chức sát hại Andrea Santoro, người đứng đầu đạo Thiên Chúa tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2/1996. Tổ chức Ergenekon còn bị buộc tội có dính dáng đến vụ đảo chính vào năm 1991 thông qua việc xúi giục, tổ chức các vụ bạo loạn, biểu tình lấy cớ để quân đội can thiệp và làm binh biến.

Phát triển mạng lưới khắp các thành phố lớn và trong nhiều tầng lớp của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức này có các điệp viên nội gián, cộng tác viên và chỉ điểm trong các cơ quan quân sự, tình báo, an ninh, cảnh sát, các đảng phái, tổ chức xã hội và cả trong các cơ quan chính phủ.

Theo cáo trạng  của Tòa án tối cao Thổ Nhĩ Kỳ thì tổ chức điệp báo Ergenekon có các nhiệm vụ chính là bài trừ chế độ cộng sản, bí mật hỗ trợ cho các chính phủ thân phương Tây, hợp tác với quân đội làm binh biến và gây rối loạn xã hội. Cũng theo cáo trạng này, tổ chức Ergenekon đã hình thành đến 10 bộ phận, mỗi bộ phận đều do một thành viên trong hội đồng lãnh đạo của tổ chức Ergenekon đứng đầu. Ba bộ phận quan trọng nhất là hành động, quan hệ bí mật với các tổ chức tình báo nước ngoài, quan hệ bí mật với các tổ chức quân sự, tình báo, an ninh và dân sự trong nước đều do 3 nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của tổ chức  phụ trách.

Lần đầu tiên, người ta mới biết đến sự tồn tại của tổ chức điệp báo Ergenekon là vào năm 1996 khi Tuncay Guney, một nhân viên của Cơ quan Tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (NTO), bị bắt giữ về tội làm điệp viên nội gián cho tổ chức Ergenekon. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó là Necmettin Erbakan đã ra lệnh mở một cuộc điều tra sâu rộng về tổ chức điệp báo này, nhưng không biết vì lý do gì mà chỉ sau có vài tháng, cuộc điều tra đã bị đình chỉ vô thời hạn. Dư luận lúc đó cho rằng, chính giới tướng lĩnh quân đội có quan hệ bí mật với tổ chức Ergenekon đã gây áp lực buộc Thủ tướng Erbakan phải đình chỉ điều tra.

Tuy nhiên, cho đến khi âm mưu lật đổ chính phủ bị phá vỡ vào tháng 2/2008, Thủ tướng Erdogan quyết định không nương tay với tổ chức Ergenekon. Được sự hậu thuẫn của tướng Yasar Buyukanit, Tổng tư lệnh quân đội và người kế nhiệm ông từ tháng 8/2008 là tướng Ilker Basbug, Thủ tướng Erdogan quyết định đưa ra ánh sáng và truy tố những thành viên của tổ chức Ergenekon có dính líu đến âm mưu lật đổ chính phủ. Kết quả là từ tháng 3/2008 đến tháng 1/2009 đã có tất cả 123 thành viên, trong đó có nhiều tướng lĩnh quân đội, chính trị gia đã bị bắt giữ.

Các phương tiện thông tin đại chúng nhận định rằng vụ bắt giữ các thành viên của tổ chức Ergenekon không chỉ dừng lại ở con số 123 mà có thể còn nhiều hơn thế nữa vì  tổ chức này có chân rết và mạng lưới hoạt động tại nhiều thành phố, trong các tổ chức quân sự và dân sự, trong giới tướng lĩnh và chính trị gia. Người ta còn cho rằng đây là vụ án thế kỷ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Hoàng Phú (theo Huriyet Online)
.
.
.