Đội quân bí mật do CIA hậu thuẫn ở Kenya

Thứ Tư, 14/10/2020, 07:38
Một đơn vị cảnh sát bán quân sự của Kenya do Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hậu thuẫn được gọi là Đội phản ứng nhanh (RRT) là trọng tâm của các nỗ lực chống khủng bố do Mỹ tiến hành ở Kenya. Tiết lộ được đưa ra khi các quân nhân Mỹ thiệt mạng trong một cuộc tấn công của nhóm khủng bố al-Shabaab hồi đầu năm 2020 nhằm vào một căn cứ ở đông bắc Kenya.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton được các vũ công truyền thống tặng chuỗi hạt tại nhà hàng Carnivore ở Nairobi, Kenya, ngày 5/8/2009. RRT, với sự giúp đỡ của CIA, đã ngăn chặn âm mưu khủng bố chống lại bà trong chuyến thăm này

Sự ra đời của RRT

Câu chuyện đằng sau sự phát triển của RRT - từ một lực lượng non trẻ ban đầu được thiết kế và đào tạo để bắt giữ các nghi phạm khủng bố có giá trị cao hoặc nguy hiểm cao, thẩm vấn và có thể di lý sang các quốc gia khác; đến đội chống khủng bố chiến thuật ở Kenya đứng sau một số vụ giết người gây tranh cãi - được tiết lộ bởi một số nhân viên ngoại giao, tình báo và bán quân sự của Mỹ và Kenya.

Đội RRT được thành lập từ năm 2004, rất lâu trước khi Kenya bị lôi kéo vào cuộc nội chiến ở Somalia và chống lại phiến quân al-Shabaab dẫn đến hàng loạt cuộc tấn công bạo lực bên trong Kenya. Henry Crumpton cho biết Mỹ "bắt buộc" phải có lập trường tích cực hơn chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Đông Phi nổi lên vào cuối thập niên 1990. Henry Crumpton từng là phó giám đốc trung tâm chống khủng bố của CIA tại Afghanistan giai đoạn 2001-2002, sau   được biệt phái làm phó giám đốc phụ trách hoạt động chống khủng bố quốc tế của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton được các vũ công truyền thống tặng chuỗi hạt tại nhà hàng Carnivore ở Nairobi, Kenya, ngày 5/8/2009. RRT, với sự giúp đỡ của CIA, đã ngăn chặn âm mưu khủng bố chống lại bà trong chuyến thăm này.

Michael Ranneberger, đại sứ Mỹ tại Kenya trong giai đoạn 2006-2011, bình luận: "Kenya là một quốc gia rất quan trọng về mặt chiến lược đối với Mỹ. Không chỉ về cuộc chiến chống khủng bố, mà Kenya có vị trí quan trọng ở khu vực bờ biển Đông Phi - nơi đặt đại sứ quán Mỹ  lớn nhất ở châu Phi và là một trong những đại sứ quán lớn nhất thế giới - và cũng là nơi chúng tôi thực hiện rất nhiều hoạt động trong khu vực". Một nhân vật quan trọng khác của Mỹ được giao nhiệm vụ phát triển nền tảng ngoại giao cho các hoạt động tổng hợp ở Kenya là William Bellamy - đại sứ Mỹ tại nước này từ năm 2003-2006.

RRT là một phần của chương trình bí mật của CIA nhằm đào tạo và quản lý lực lượng bán quân sự địa phương tại nhiều điểm nóng trên toàn cầu, từ Afghanistan đến Georgia. RRT bắt đầu với chỉ 18 sĩ quan (được gọi là "Team 18") ưu tú được chọn lọc từ lực lượng cảnh sát và tình báo Kenya để được đào tạo ở Mỹ. Sau khi hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Dulles ở Washington DC, nhóm nhân viên CIA yêu cầu các học viên RRT khai báo với giới chức quản lý người nhập cư rằng họ đến Mỹ theo học bổng thể thao.

Mặc dù không bao giờ biết được đào tạo ở đâu, nhiều sĩ quan RRT cho biết họ tin rằng khóa đào tạo ban đầu và các khóa học tiếp theo diễn ra tại Học viện Hải quân Annapolis ở bang Maryland. Trong khi đó, một cựu quan chức cấp cao của Mỹ có kiến thức trực tiếp về chương trình cho biết các học viên được đưa đến cơ sở đào tạo của CIA tại "Camp Peary" ("Trại Peary") hay cũng được gọi là "The Farm" ("Trang trại") nằm gần thành phố Williamsburg thuộc bang Virginia.

Thành viên RRT dự lễ Giáng sinh năm 2019 trong chuyến thăm của Tổng thanh tra cảnh sát Kenya và các sĩ quan cảnh sát cấp cao khác.

Một cựu sĩ quan RRT nhớ lại đã hỏi người phụ trách CIA của mình tại sao họ không muốn các học viên biết chính xác vị trí đào tạo ở Mỹ. "Chúng tôi có ý định tốt và không hành động với ý đồ xấu. Nhưng Mỹ không muốn lặp lại sai sót từng xảy ra khi đối phó với trùm khủng bố Osama bin Laden", người điều hành CIA trả lời, đồng thời đề cập đến những sai lầm xảy ra trong việc bí mật hỗ trợ cho mujahideen (chiến binh du kích Hồi giáo) ở Afghanistan vào thập niên 1980.

Khi đến cơ sở đào tạo, nhóm tân binh RRT được đào tạo trực tiếp từ các nhà thầu CIA, cựu lực lượng hoạt động đặc biệt và thành viên đội đặc nhiệm SWAT của cảnh sát Mỹ. Họ được huấn luyện kỹ về hoạt động chiến thuật, kỹ thuật cận chiến, cách xử lý mọi loại vũ khí, trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo. Sau khóa học đầu tiên và thứ hai năm 2004, nhóm tân binh chính thức trở thành những thành viên đầu tiên của RRT.

Một bộ phận của GSU

Các thành viên của RRT là một phần của Đơn vị Hoạt động Tổng hợp (GSU) thuộc lực lượng cảnh sát bán quân sự Kenya. Tại trụ sở chính của RRT ở Ruiru gần Nairobi, họ được hưởng nhiều đặc quyền. Tuy nhiên, do sự nhạy cảm trong hoạt động của họ, các sĩ quan RRT không được phép cư trú cùng khu với các đội khác của GSU. Quy định cũng bao gồm các "đội đặc biệt" khác, chẳng hạn Đội Ứng phó Khủng hoảng (CRT) - được Bộ Ngoại giao Mỹ và FBI hỗ trợ - chuyên trách giám sát và giải cứu con tin, và đôi khi cũng phối hợp hành động với RRT trong một số hoạt động chiến thuật.

Chứng chỉ đào tạo được cấp cho lính biệt kích RRT đã trải qua khóa đào tạo do CIA tổ chức năm 2004.

Trong vài năm đầu tiên sau khi thành lập, RRT thực hiện tương đối ít hoạt động tấn công chống khủng bố. Một số hoạt động chống khủng bố do RRT thực hiện trong những năm đầu tiên tập trung vào việc bắt giữ và di lý các nghi phạm khủng bố có giá trị cao. Một trong những hành động táo bạo của RRT xảy ra trong tháng 8-2009 khi Kenya và tình báo phương Tây phát hiện âm mưu tiến hành vụ tấn công khủng bố hàng loạt nhằm vào 3 khách sạn tại thủ đô Nairobi - một trong số đó là điểm đến của Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hillary Clinton.

Một hoạt động tiếp theo của RRT - được CIA và Tình báo Quốc gia Kenya (NIS) chỉ đạo - là xác định chính xác vị trí của những nghi phạm khủng bố và sau đó bí mật tiến hành bắt giữ. Đầu năm 2010, giám đốc CIA Leon Panetta đã có chuyến thăm bí mật đến Kenya để gặp gỡ giám đốc NIS lúc đó là Michael Gichangi "để tỏ lòng biết ơn đối với tình báo Kenya cũng như củng cố những gì chúng tôi nghĩ là một mối quan hệ khá tốt đẹp" - theo lời kể từ một quan chức tình báo cao cấp Kenya.

Sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001, CIA thừa nhận phụ thuộc rất nhiều vào đối tác tình báo Kenya và lực lượng biệt kích RRT. Vào ngày 11/7/2010, những người hâm mộ bóng đá đã tụ tập để xem một trận đấu World Cup ở Uganda khi các chiến binh đánh bom một nhà hàng và câu lạc bộ bóng bầu dục, giết chết 74 người.

Nhóm chiến binh Somali al-Shabaab đã công khai nhận trách nhiệm, gọi các cuộc tấn công là sự trả đũa cho việc Uganda tham gia vào một sứ mệnh quân sự do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn để bảo vệ Chính phủ Liên bang Chuyển tiếp Somali (TFG). Để đáp trả cuộc tấn công, tình báo và cảnh sát Kenya đã tóm gọn nhiều nghi phạm trên khắp vùng Sừng châu Phi - trong đó Đơn vị Cảnh sát Chống Khủng bố (ATPU) của Kenya được cho là chịu trách nhiệm chính.

Giới chức Mỹ và RRT xác nhận mối quan hệ của CIA với RRT kéo dài dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nhưng dưới thời ông Trump, các hoạt động của RRT thậm chí còn ít bị hạn chế hơn trước, theo các quan chức Mỹ. Một cựu quan chức chống khủng bố cấp cao của CIA cho biết CIA và các đội bán quân sự mà cơ quan này hỗ trợ gặp phải rất ít chỉ trích từ Nhà Trắng.

Grant Harris, cựu trợ lý đặc biệt của cựu tổng thống Barack Obama và là giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Phi giai đoạn 2011-2015, cho biết: "Những gì chúng ta đang thấy ở chính quyền ông Trump là chú trọng nhiều hơn không chỉ đến các vấn đề an ninh, mà đặc biệt là các công cụ an ninh và chống khủng bố".

Tránh bị phát hiện

Trong suốt những năm hoạt động, RRT cố gắng tránh bị công chúng phát hiện. Nhiều sĩ quan RRT - những người mặc thường phục khi thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố - thừa nhận đã sử dụng những chiếc xe không có nhãn hiệu thuê từ các công ty tư nhân và hoán đổi giữa các biển số tư nhân hoặc không đăng ký, để tránh bị nhận dạng. Một xe RRT thường mang ít nhất 3 biển số được hoán đổi ít nhất một lần trong các hoạt động, khi khởi hành từ vị trí của mục tiêu.

“Đội 18”: Lứa tân binh đầu tiên trải qua khóa đào tạo do CIA tài trợ tại một cơ sở năm 2004.

Các phương tiện được sử dụng khác nhau nhưng các cựu sĩ quan RRT xác nhận rằng Mỹ cung cấp ít nhất 6 chiếc Toyota Landcruiser màu trắng (kiểu 76), được đặt hàng đặc biệt với cửa sổ đen và cabin tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu của biệt kích. Các sĩ quan Kenya tiến hành giám sát trong các khu vực đô thị đôi khi cũng xuất hiện trên những chiếc sedan Toyota Premio.

Trong một số hoạt động đặc biệt, nhân viên CIA thỉnh thoảng sẽ tham gia cùng họ nhưng vẫn giữ khoảng cách an toàn trong những chiếc SUV Landcruiser Prado (kiểu J120) màu đen. Kể từ năm 2004, thành viên RRT đã cải trang thành nhân viên cứu trợ khi hoạt động trong các trại tị nạn như Dadaab ở phía đông Kenya hay thị trấn Kakuma.

Tại Dadaab, lo ngại về việc al-Shabaab xâm nhập vào các trại tị nạn để buôn lậu vũ khí và các kế hoạch tấn công trên đất Kenya, sĩ quan RRT sử dụng xe của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) và mặc áo phông WFP trong khi đóng giả là nhà phân phối viện trợ tìm cách xác định những người bị tình nghi mang vũ khí và cộng tác với nhóm chiến binh. Một khi các nghi phạm được xác định và báo cáo, một đội RRT thứ hai nhanh chóng được cử đến để "quét sạch" và vô hiệu hóa các mục tiêu, một cựu sĩ quan RRT quen thuộc với các hoạt động cho biết.

RRT thường xuyên cử các sĩ quan chìm đến các trại theo hình thức luân chuyển. Người phát ngôn của WFP cho biết cơ quan không hề biết gì về các hoạt động bí mật bên trong các trại tị nạn. UNHCR, cơ quan quản lý các trại tị nạn không bình luận về việc liệu nó có bất kỳ kiến thức hoặc liên quan nào trong việc hỗ trợ các hoạt động bí mật hay không, thay vào đó lưu ý rằng chính phủ Kenya vẫn chịu trách nhiệm về an ninh của họ.

Một biệt kích RRT (giấu tên) tiết lộ đội của anh ta hoạt động trong bí mật để tránh bị soi mói và bảo vệ tinh thần của cả đội. "Công việc mà đội đặc biệt của chúng tôi thực hiện cần rất nhiều bí mật. Nếu tôi để lộ bản thân và đội của mình, chúng tôi sẽ trở nên yếu kém", anh ta nói.

Maria Burnett, trước đây từng làm việc cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết bà rất "lo ngại từ lâu rằng một số lực lượng an ninh Kenya có những nỗ lực đáng kể để che giấu danh tính của họ, đặc biệt là trong các hoạt động chống khủng bố. Những nỗ lực như vậy không chỉ trái với luật pháp Kenya. Cuối cùng lực lượng an ninh hoạt động để bảo vệ thủ phạm lạm dụng khỏi bất kỳ phần trách nhiệm nào".

Duy Minh (Tổng hợp)
.
.
.