Điệp viên nước ngoài tràn ngập Canada

Thứ Tư, 30/09/2009, 10:10
Do thiếu  sự quan tâm của chính quyền liên bang, từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc Canada trở thành vùng đất lý tưởng cho những điệp viên từ khắp nơi trên hành tinh đổ về không chỉ để đánh cắp những bí mật nhạy cảm nhất của quốc gia này mà còn nhằm mục đích truy lùng xử lý những phần tử hay phong trào chống đối nước họ.

Hàng trăm gián điệp Trung Quốc, Nga, Iran, Tunisia, Algeria, Morocco, Ấn Độ và những nơi khác tự do đi lại trên lãnh thổ Canada và các hoạt động của họ đã gây thiệt hại từ 10 đến 12 tỉ USD một năm cho nền kinh tế Canada. Đó là tiết lộ của nhà báo Fabrice De Pierrebourg và Michel Juneau-Katsuya, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo an ninh Canada (SCRS), trong cuốn sách mới xuất bản năm nay có tựa đề "Những điệp viên đến từ nước ngoài".

Cuốn sách của hai tác giả chứng minh sự tồn tại của các mạng lưới gián điệp kinh tế, công nghiệp và quân sự cũng như sự can dự  của điệp viên nước ngoài vào cơ cấu điều hành những vấn đề của Canada. Theo hai tác giả, ngân sách dành cho các cơ quan phản gián của Canada thiếu thốn trầm trọng đến mức những mật vụ có nhiệm vụ theo dõi những cá nhân nghi ngờ là điệp viên nước ngoài không làm việc vào ngày cuối tuần!

Theo tiết lộ của cuốn sách "Những điệp viên đến từ nước ngoài", tuyệt đại đa số điệp viên hoạt động ở Canada dưới vỏ bọc nhà ngoại giao, vì theo luật định thì với tư cách này họ hoàn toàn được phép gặp gỡ công dân Canada trong mọi tầng lớp xã hội. Nhưng nguyên do chính là,  trong trường hợp bị phát hiện là điệp viên hay tội phạm, họ có thể sử dụng quyền miễn trừ ngoại giao. Kết quả là họ sẽ không bị đưa ra xét xử trước tòa án Canada mà chỉ bị trục xuất về nước.

Ngoài những tiết lộ về hoạt động của các điệp viên Trung Quốc tại Canada, cuốn sách còn cho biết hoạt động của tình báo Nga vẫn không hề bị ảnh hưởng gì sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Và, theo đánh giá của hai tác giả De Pierrebourg và Juneau-Katsuya, điệp viên Nga rất quan tâm đến các vấn đề nóng bỏng như là tương lai hạm đội tàu ngầm của Canada hay các hoạt động an ninh quân sự phối hợp Canada - Mỹ ở Bắc Cực.

Hai tác giả cũng trình bày trong cuốn sách về những vụ bắt giữ điệp viên nội gián trong các năm 1980, 1990 và 2000. Ví dụ như vụ FBI của Mỹ bắt giữ Robert Philip Hanssen trong tháng 11/2001. Hay vụ bắt giữ Paul William Hampel vào cuối năm 2006 đã cho thấy mức độ hoạt động gián điệp của người Nga ở Canada quy mô đến thế nào. "Các siêu điệp viên này từ lâu được đánh giá là những sĩ quan tình báo ưu tú. Khác với những điệp viên khoác vỏ bọc nhà ngoại giao, nhà báo hay doanh nhân, những siêu điệp viên này chính là những con tắc kè giấu mình rất kỹ. Họ có lý lịch giả, quá khứ giả v.v...", hai tác giả viết. 

Nếu tin vào hai tác giả De Pierrebourg và Juneau-Katsuya thì thủ môn hockey huyền thoại Vladislav Tretiak chính là điệp viên của Nga hoạt động trên đất Canada. Theo cuốn sách, SCRS đã xác định được những mối quan hệ giữa cựu Trung tá Hồng quân Liên Xô này với KGB vào giữa thập niên 90.

Hai tác giả viết: "Theo những gì mà chúng tôi biết được từ những nguồn đáng tin cậy, hồ sơ Tretiak được dán nhãn là "người được tuyển lựa bổ sung", tức là người cung cấp thông tin tình báo được tuyển lựa và trả công trong số hàng trăm người khác vào thời đó hoạt động ngoài biên giới Nga".

Nhà báo Fabrice De Pierrebourg và Michel Juneau-Katsuya, cựu điệp viên SCRS.

Nhà báo Fabrice De Pierrebourg còn xác định Vladislav Tretiak không chỉ là điệp viên đánh cắp những bí mật của Canada mà còn đóng vai trò người tuyển mộ những thông tín viên khác cho KGB. Cuốn sách "Những điệp viên đến từ nước ngoài" còn quan tâm đến một người Quebec (Canada) khác gần gũi với Tretiak - đó là Michel Bordeleau.

Sinh trưởng ở Shawinigan thuộc bang Quebec) và đam mê môn hockey, người thân Nga này từng lưu trú 2 năm ở Liên Xô trong thập niên 80 thế kỷ XX. Trong thời gian này, Michel Bordeleau nhận được một học bổng học tiếng Nga ở Viện Pouchkine ở Moskva. Bordeleau cũng chơi cho một đội hockey của Nga và có quan hệ thân thiết với những vận động viên Nga như Igor Larionov và Vatcheslav Fetisov.

Vào mùa hè năm 1988, tức 3 ngày trước khi trở về Canada, Bordeleau có gặp gỡ một số nhân viên KGB. Theo tác giả cuốn sách thì đây là lúc Michel Bordeleau bắt đầu trở thành gián điệp cho Nga. Ngày nay Tretiak là nghị sĩ trong Nghị viện Nga và là Chủ tịch Liên đoàn hockey trên băng Nga. Tretiak cũng đang giảng dạy trong một trường học về hockey mang tên ông ở Toronto (Canada) - "Vladislav Tretiak School of Goaltending".  

Trước mối đe dọa an ninh quốc gia thấy rõ này, hai chuyên gia De Pierrebourg và Juneau-Katsuya tin rằng Nhà nước Canada phải hành động ngay lập tức bằng cách giao các công cụ pháp lý cho những nhà điều tra của SCRS cũng như lực lượng cảnh sát quốc gia để buộc tội những đối tượng gián điệp, như những gì đã làm trên thế giới nhất là ở Mỹ. Trong cuốn sách, hai tác giả cũng khuyên các chủ doanh nghiệp Canada nên cẩn thận để bảo vệ bí mật công nghệ cũng như sản phẩm của mình.

Để cho thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề, hai tác giả cho biết Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều công ty bình phong ở Canada, Mỹ và Nga cũng có khoảng 100 công ty như thế và Iran chừng độ vài chục. Các công ty này có thể được sử dụng như lá chắn hiệu quả cho hàng hóa nhập lậu nhưng cũng để đánh cắp các công nghệ của Canada

Thục Miên (tổng hợp)
.
.
.