Cuộc đào thoát kinh hoàng ở trại Sobibor: Cái giá của tự do

Thứ Ba, 15/05/2018, 21:59
Năm ngày sau khi đến trại Sobibor, một lần nữa trung úy Hồng quân Pechersky gặp Leon Feldhendler cũng với sự phiên dịch của Solomon Leitman. Trong buổi gặp này, còn có một nhóm những người lãnh đạo tù nhân Do Thái Pháp, Tiệp Khắc, Hungary, Áo, Đức…

Thoạt đầu, khi Leon Feldhendler đề cập đến việc đào thoát thì có ý kiến cho rằng nên chờ những người kháng chiến Ba Lan tấn công trại, giải phóng họ.

Lúc được mời phát biểu, Pechersky nói: “Quân kháng chiến có công việc của họ. Họ không còn thì giờ để nghĩ đến chuyện này đâu. Với tình hình hiện tại, chẳng ai có thể giải phóng chúng ta bằng chính chúng ta mặc dù cái giá phải trả sẽ rất đắt…”.

Khởi động cuộc đào thoát

Những ngày sau đó, lại có thêm các chuyến xe lửa chở tù nhân đến Sobibor và tất cả đều bị đưa vào phòng hơi ngạt. Điều này càng khiến trung úy Hồng quân Pechersky và Leon Feldhendler tin rằng việc xóa sổ Sobibor vào ngày 15-10-1943 là thật bởi lẽ không một tù nhân mới nào được “cho sống” để làm việc. Pechersky kể: “Thông tin chúng tôi nhận từ các tù nhân ở xưởng may quần áo là ngày 10-10, trung tá Gustav Wagner, chỉ huy trại về Đức nghỉ phép. Ông ta giục xưởng may phải may xong mấy bộ quần áo cho ông ta trước ngày mùng 10. Điều đó rất thuận lợi cho kế hoạch đào thoát của chúng tôi vì Gustav Wagner là kẻ cực kỳ nhạy bén, chỉ một sơ suất nhỏ cũng đủ để ông ta đánh hơi được điều bất thường …”.

Trung úy Hồng quân Pechersky (đội mũ) và những tù nhân đào thoát khỏi trại Sobibor trong cuộc họp mặt năm 1945.

Thời điểm ấy, trại Sobibor có 9 sĩ quan, 120 lính SS và một số nhân viên trật tự người Ucraine canh giữ 600 tù nhân lao động. Ngoài 4 tên SS ngồi trên 4 chòi canh đặt ở 4 góc trại,  số còn lại thay phiên nhau giám sát việc đưa tù nhân vào phòng hơi ngạt, lò thiêu xác. Do tin rằng các tù nhân lao động đã được “cho sống”, không dám bỏ trốn nên việc canh gác có phần lơ là. Pechersky kể tiếp: “Tôi yêu cầu xưởng may, xưởng giày báo cáo số lượng quần áo, giày, lính Đức đặt làm. Tiếp theo, tôi chỉ thị tất cả phải thống nhất giờ hẹn thử hàng hoặc giao hàng cho lính Đức là 16 giờ ngày 14-10”.

Hôm sau, xưởng may báo cáo có 4 lính Đức đặt may 4 bộ quần áo vest, xưởng giày báo cáo có 2 lính Đức đặt đóng giày, và họ đã hẹn giờ thử hàng, giao hàng đúng như chỉ thị. Kế hoạch của Pechersky và Leon Feldhendler đặt ra là đầu tiên, nhóm tù nhân cơ khí sẽ cắt đứt mọi đường dây điện thoại để lính Đức không thể gọi ra thị trấn Chelm gần đó báo động xin cứu viện. Tiếp theo, trước khi lính Đức vào xưởng may, 4 tù nhân Ba Lan bí mật trốn sau những kiện vật liệu. Khi lính Đức đang  thử quần áo, họ sẽ xông ra, giết chúng thật êm thấm.

Phía xưởng giày cũng vậy, 2 tù nhân Ba Lan vào trước. Lúc lính Đức thử giày, họ cũng sẽ giết hết. Theo Pechersky, sở dĩ ông và Leon Feldhendler chọn tù nhân Do Thái Ba Lan để hành động vì trại Sobibor và những hành động tàn ác của Đức Quốc xã diễn ra trên đất Ba Lan nên sự căm thù của người Do Thái Ba Lan rất lớn. 

Ở nhóm thiêu xác, tù nhân sẽ dùng xẻng đánh chết lính SS rồi đẩy xác vào lò thiêu, còn ở khu chôn cất tro cốt, lính SS sau khi bị giết sẽ bị ném xuống những hố này. Sau cùng, với số vũ khí lấy được của những lính Đức đã chết, tù nhân xông vào nơi làm việc của ban chỉ huy trại, bắn hết những ai họ gặp. Lúc mọi việc đã xong, 600 tù nhân đồng loạt lao ra cổng, phá đổ hàng rào thép gai rồi chạy vào rừng.

Pechersky nói: “Chắc chắn sẽ có nhiều người chết bởi 4 khẩu đại liên đặt trên 4 chòi gác mà chúng tôi không thể khống chế được. Chưa kể còn một bãi mìn dài hơn 200m phía trước trại. Nhưng sau khi hội ý, tất cả chúng tôi đều cùng chấp nhận bởi tự do nào cũng có giá của nó…”.

Phút giây sinh tử

Sáng 14-10, nhóm tù nhân Do Thái Ba Lan chịu trách nhiệm giết lính Đức chuẩn bị liềm, rìu, dao, lưỡi đục thợ mộc cùng những thanh sắt ngắn. Đến khoảng 9 giờ, một tù nhân làm công việc quét dọn trên văn phòng ban chỉ huy trại báo rằng thiếu tá Erich Bauer, phó chỉ huy trại đã lái xe ra thị trấn Chelm để mua thứ gì đó, không biết bao giờ mới về. 

Tù nhân trại Sobibor chờ lĩnh khẩu phần ăn hàng ngày.

Trong danh sách những sĩ quan SS ưu tiên cần phải tiêu diệt, Erich Bauer đứng hàng thứ nhất nên việc ông ta đột ngột đi khỏi đã khiến kế hoạch đào thoát gần như phải hoãn lại. Theo trung úy Hồng quân Pechersky, Erich Bauer là kẻ rất được lính Đức ở trại tôn sùng. Việc giết ông ta sẽ khiến lính Đức hoảng hốt và rất có thể, họ sẽ bỏ chạy thay vì bắn vào tù nhân.

16 giờ, lính Đức đầu tiên là Siegfried Graetschus vào xưởng may, và trong khi anh ta đang loay hoay xỏ chân vào chiếc quần mới thì 1 tù nhân Ba Lan từ phía sau ập tới. Bằng cái lưỡi liềm, tù nhân này cắt đứt cổ tên lính Đức. Xác Siegfried Graetschus được giấu sau những súc vải trong khi 6 tù nhân nữ là thợ may vội vã lau sạch máu trên sàn nhà.

Vài phút sau, 2 lính Đức vào tiếp. Cũng như tên lính đầu tiên, cả hai đều chết vì bị cắt cổ. Đến tên lính cuối cùng là Johann Niemann, khi gã vừa cúi xuống cởi đôi ủng để thử quần thì một nữ tù nhân đứng ngay bên cạnh, cầm chiếc bàn ủi bằng sắt nện thẳng vào gáy. 4 tù nhân Ba Lan thu được 1 súng ngắn và 3 tiểu liên Sten. Họ chờ hiệu lệnh của Pechersky để xông lên nhà ban chỉ huy.

Ở xưởng giày, 2 lính Đức là Christian Wirth và Max Bree cũng cùng chung số phận, còn ở bộ phận thiêu xác, chôn lấp tro cốt, 4 lính Đức dẫn giải tù nhân bị đánh chết ngay. Echwaff, một trong những người sống sót kể lại: “Nhiệm vụ của tôi là tiêu diệt trung úy Rudolf Beckmann, chỉ huy đội cảnh vệ SS. Theo quy luật, cứ đúng 16 giờ 10 phút là Beckmann ra khỏi phòng, chạy bộ thể dục bên ngoài hàng rào trại nhưng hôm ấy, đã 16 giờ 20 phút mà vẫn không thấy ra. Sốt ruột, tôi liều mạng xông vào phòng ông ta. Rudolf Beckmann khi đó đã mặc xong quần đùi và áo may ô. Nhìn thấy tôi, ông ta  trợn mắt và trong lúc chưa kịp hiểu ra chuyện gì, tôi đã lao đến, đâm túi bụi vào ngực ông ta. Phải công nhận Beckmann rất khỏe, bị đâm nhiều nhát nhưng ông ta vẫn vùng vẫy chống cự. Chỉ khi tôi đâm nhát cuối cùng vào cuống họng thì Beckmann mới tắt thở”.

Quần áo mặt mày đầy máu, Echwaff vội vã lao ra, quên cả việc đóng cửa phòng Beckmann. Đúng lúc ấy, thiếu tá Erich Bauer, chỉ huy phó trại Sobibor lái xe về. Ngang qua phòng Beckmann, ông ta nhìn thấy xác Beckmann nằm ngửa, máu chảy lênh láng trên sàn nhà. 

Biết là có sự cố, Bauer mở cửa xe nhảy xuống, rút súng ngắn chĩa về phía một số tù nhân đang đứng lấp ló sau mấy dãy nhà, bắn liền lập tức 4 phát. Trung úy Hồng quân Pechersky kể lại: “Nghe thấy tiếng súng, tôi hiểu là không thể chần chừ được nữa. Tôi hét lớn theo như đã quy ước: “Hỡi các bạn, cuộc nổi dậy của chúng ta bắt đầu”.

Chỉ 53 người còn sống

Nghe tiếng hét của Pechersky, chỉ có 470 trong tổng số 600 tù nhân chia thành nhiều nhóm, ào ào chạy đến hàng rào cổng trại. 130 người ở lại vì quá yếu hoặc vì bệnh nặng. Ada Lichtman, một người trốn thoát cho biết: “Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng súng đại liên trên chòi gác bên phải nổ giòn, nhiều tù nhân ngã sấp ngay trước mặt tôi nhưng chẳng hiểu sao chỉ có 1 khẩu bắn trong lúc cả trại có 4 khẩu. Về sau mới biết lính SS chạy tán loạn nên 3 khẩu kia sợ bắn nhầm”. 

Lính Đức tổ chức tang lễ cho những tên bị giết trong vụ đào thoát Sobibor.

Bằng những thanh gỗ dài, tù nhân đè rạp hàng rào xuống rồi thoát ra nhưng ngay lập tức, xen lẫn tiếng súng đại liên, tiếng tiểu liên Sten của những lính Đức còn sống là tiếng mìn nổ. Xác người tung lên theo những cuộn khói dày đặc. Theo Pechersky, ước lượng có khoảng 80 người chết, phần lớn là vì mìn nhưng cái chết của họ đã mở đường cho những người đi sau, sống sót.

Chạy được vào rừng, một nhóm khoảng 50 tù nhân bám theo Pechersky. Suốt 3 ngày, họ đi không nghỉ từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối để tránh sự truy lùng của quân Đức. Đến ngày thứ 4, Pechersky tập họp cả nhóm lại rồi nói: “Công việc của tôi đã xong. Các bạn là người Do Thái Ba Lan, đây là đất của các bạn. Tôi thuộc về Liên Xô và tôi vẫn là một người lính. Nếu chúng ta chia thành từng nhóm nhỏ, cơ hội sống sót sẽ nhiều hơn vì trong trường hợp này, khẩu hiệu “chúng ta là một” sẽ không có tác dụng…”.

Vài phút sau, Pechersky cùng 2 tù nhân Do Thái Liên Xô rẽ sang hướng khác. Đến ngày thứ 7 kể từ khi đào thoát, họ gặp tù nhân Yakov Biskowitz và 1 tù nhân nữa, cũng chạy ra từ trại Sobibor. Cả 5 người đi xuyên qua khu rừng Skrodnitze. Gần đến bìa rừng, họ bị chặn lại bởi lực lượng du kích dưới sự chỉ huy của Yehiel Grynszpan, người Do Thái Ba Lan. Biết họ vừa thoát khỏi Sobibor, Grynszpan nhận họ vào đội ngũ. Trong hơn 1 năm, Pechersky cùng du kích tiến hành phá hoại đường sắt, cắt dây điện thoại, phục kích và tiêu diệt các toán lính Đức đi tuần tra.

Tháng 6-1944, Pechersky bắt liên lạc được với nhóm kháng chiến Do Thái Liên Xô, chỉ huy bởi Voroshilov. Cho đến khi Hồng quân Liên Xô tiến vào Berlin, thủ đô của Đức Quốc xã, Pechersky vẫn chiến đấu cùng đơn vị này. Trong những ngày cuối của cuộc chiến, Pechersky bị thương nặng ở chân và được đưa về Moscow. Ông được phong cấp hàm đại úy và được thưởng huân chương vệ quốc vì lòng dũng cảm. Cũng tại bệnh viện ở Moscow, Pechersky gặp y tá Olga Kotova, người sau này sẽ là vợ ông.

Về số phận của những tù nhân còn lại, 170 người bị lính Đức bắt khi họ đang lẩn trốn trong rừng. Một số khác chết vì kiệt sức và vì đói. Tất cả những người bị bắt cùng 130 người ở lại trại đều bị xử bắn. Đến đầu tháng 10-1943, tư lệnh lực lượng SS là Heinrich Himmler ra lệnh phá hủy tất cả những phòng hơi ngạt cùng nhà cửa, doanh trại. Tiếp theo, Himmler cho xe ủi san phẳng mọi dấu tích rồi trồng cây nhằm xóa đi chứng cứ diệt chủng.

Với 53 người sống sót, ngoài trung úy Hồng quân Pechersky thì còn có Leon Feldhendler, lãnh đạo tù nhân Do Thái Ba Lan ở trại Sobibor. Khi phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh do Chính phủ Ba Lan mở ra ở Warsaw, Leon Feldhendler được mời với tư cách nhân chứng trong vụ Sobibor. Tại phiên tòa này, thiếu tá Erich Bauer, chỉ huy phó trại Sobibor bị kết án chung thân nhưng sau 16 năm ở tù, Bauer được thả vì lý do sức khỏe. Riêng trung tá Gustav Wagner, chỉ huy trại, ông ta chết trong một trận đánh trước ngày Đức Quốc xã đầu hàng.

Sau chiến tranh, Pechersky cùng vợ trở về quê hương là thành phố Rostov trên sông Đông, làm quản trị viên tại nhà hát Operetta. Ông qua đời ngày 19-1-1990 vì một cơn viêm phổi…

Vũ Cao (theo History)
.
.
.