Cộng đồng tình báo EU chia sẻ dữ liệu chống khủng bố

Thứ Ba, 04/10/2016, 22:05
Theo tiết lộ từ Bộ Nội vụ liên bang Đức, nhằm đối phó hiệu quả những cuộc tấn công khủng bố cũng như mối đe dọa từ những chiến binh Hồi giáo từ Syria trở về châu Âu, hàng chục cơ quan tình báo của Lực lượng chống khủng bố (CTG) ở thành phố The Hague miền tây Hà Lan thành lập một "hệ thống thông tin hoạt động tương tác" về những nghi can thánh chiến Hồi giáo.

CTG là tổ chức tình báo phối hợp của Liên minh châu Âu (EU) bao gồm khoảng 30 cơ quan tình báo. Hệ thống Operation Platform (tạm dịch: Chiến dịch Nền tảng) được triển khai hồi tháng 7-2016 nhưng mới đây mới được tiết lộ với công chúng. Một quan chức cao cấp EU mô tả đó là một hệ thống IT với những chuyên gia dạn dày kinh nghiệm làm việc 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần.

Bất chấp những câu hỏi về sự giám sát cũng như phản ứng giận dữ về hoạt động gián điệp hàng loạt của Mỹ được "người thổi còi" là cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ hồi năm 2014, 30 cơ quan tình báo và an ninh châu Âu cam kết tham gia Operation Platform.

Gilles De Kerchove, điều phối viên chống khủng bố của EU.

Trong thời gian qua, sự thiếu hợp tác giữa các cơ quan tình báo nội địa và hành pháp ở châu Âu bị chỉ trích đã dẫn đến những cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ). Theo chính quyền Đức, hai phần ba số người tham gia chiến đấu ở Syria hay Iraq nằm trong danh sách theo dõi của lực lượng cảnh sát và 1 phần 3 còn lại có tiền án phạm tội. Dữ liệu tương tự cũng tìm thấy trong hồ sơ cảnh sát ở Pháp và Hà Lan.

Vào đầu năm 2016, Bernard Barbier - cựu lãnh đạo bộ phận tình báo tín hiệu cơ quan phản gián Pháp (DGSE) - nảy sinh ý tưởng về một liên minh tình báo với đối tác Đức (BND) dẫn đến sự ra đời của Operation Platform. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát hình sự Europol của EU (cũng đặt trụ sở tại The Hague) cũng thành lập mối quan hệ "chiến lược" với Operation Platform.

Trụ sở Europol ở The Hague.

Europol sở hữu hơn 80 terabyte dữ liệu  và trong đó chứa hơn 12 triệu bit thông tin giao tiếp được xử lý. Hệ thống riêng của Europol, gọi là Ứng dụng mạng trao đổi thông tin an toàn (SIENA) kết nối 43 đơn vị làm việc về lĩnh vực chống khủng bố, cho phép chia sẻ thông tin nhạy cảm. Europol cũng hợp tác với 44 quốc gia khác và tiếp nhận khoảng 210 chuyên gia an ninh cùng làm việc trong tòa nhà trụ sở ở The Hague.

Gilles de Kerchove, điều phối viên chống khủng bố của EU, chính là người thúc đẩy sự hợp tác tăng cường giữa lực lượng cảnh sát và tình báo. Mặc dù không có vai trò nào trong CTG, song Kerchove đều có cuộc gặp mặt với giới lãnh đạo tình báo các quốc gia thành viên tổ chức này vào mỗi 6 tháng.

Andrej Hunko, một nghị sĩ Đức thuộc Đảng Cánh tả (Die Linke) và lãnh đạo nhóm điều tra về các hoạt động tình báo và an ninh Đức từng chỉ trích sự thất bại của EU trong việc giám sát an ninh nội địa và hải ngoại.

Andrej Hunko cho biết, Operation Platform đang phát triển nhanh và CTG cũng được mời hợp tác với các nhóm chống khủng bố bên trong Hội đồng châu Âu (EC), tổ chức chính trị cao nhất đại diện cho các quốc gia thành viên của EU. Kể từ bây giờ, EU có thể đóng băng tài sản đồng thời áp đặt lệnh cấm đối với những cá nhân dính líu đến tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Al Qaeda cho dù họ không nằm trong danh sách đen của Liên Hiệp Quốc.

Với sự ra đời của Operation Platform, những cá nhân cố gắng vượt biên đến Syria hay những người từ Syria trở về một quốc gia khác trong EU, nơi mà họ không có hộ chiếu, sẽ bị ngăn chặn ngay từ đầu.

Operation Platform cũng tạo điều kiện dễ dàng cho các quốc gia thành viên EU tiến hành truy tố những công dân của họ liên can đến khủng bố. Nền tảng hệ thống của CTG cũng giúp ngăn chặn những người liên quan đến tổ chức khủng bố mà không phải là công dân EU bước vào lãnh thổ EU.

Tài sản của những đối tượng này bên trong EU cũng sẽ bị đóng băng và những cá nhân hay tổ chức nào chuyển tiền vào những tài khoản này đều bị coi là bất hợp pháp. Những cá nhân trở thành đối tượng giám sát của Operational Platform là những người lập kế hoạch hay tiến hành những cuộc tấn công khủng bố hay được huấn luyện bởi IS và Al Qaeda. Thêm vào đó là những người hỗ trợ cho các nhóm khủng bố về tài chính, dầu mỏ hay vũ khí, chiêu mộ chiến binh thánh chiến Hồi giáo.

Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ, EU bắt đầu thành lập danh sách các phần tử khủng bố song cho đến nay (trước khi Operational Platform ra đời) chỉ có thể áp đặt lệnh trừng phạt đối với những cá nhân nằm trong danh sách đen của Liên Hiệp Quốc.

Europol đánh giá trong thời gian qua có hơn 5.000 công dân EU vượt biên đến Syria - một phần ba trong số đó đã trở về châu Âu và khoảng 14% được xác định đã bị giết chết. Pháp là quốc gia có nhiều người vượt biên nhất với 2.147 người - theo số liệu do Thủ tướng Pháp Manuel Valls công bố hồi tháng 7-2016.

Diên San (tổng hợp)
.
.
.