Cơ quan chuyên trách bảo vệ nguyên thủ Nga

Thứ Ba, 14/11/2017, 10:38
Trước năm 1991, nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các tổng bí thư và các nhà lãnh đạo cao cấp của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô do Cục 9 thuộc Cơ quan tình báo KGB chịu trách nhiệm. Từ sau năm 1991, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ các tổng thống Nga là Cục bảo vệ Liên bang FSO. Dĩ nhiên, hoạt động của FSO dựa trên kinh nghiệm nhiều năm của Cục 9 huyền thoại.


Những “hiệp sĩ áo đen”

Tổng thống Nga Vladimir Putin nổi tiếng là người đặc biệt coi trọng vấn đề an ninh. Chịu trách nhiệm bảo vệ ông là các vệ sĩ được tuyển chọn kỹ càng bởi Cục Bảo vệ liên bang (FSO) xuất thân từ Trung đoàn Tổng thống với quân số 5.500 người, chịu trách nhiệm bảo vệ điện Kremlin và một số vị trí chiến lược. Sứ mệnh bảo vệ Tổng thống Nga - một trong những người quyền lực nhất thế giới - của FSO rất nặng nề. Các vệ sĩ chịu trách nhiệm đảm bảo tính mạng của Tổng thống Nga được mệnh danh là “những hiệp sĩ áo đen”.

Có không ít giai thoại về nhiệm vụ bảo vệ tổng thống nhà nước Liên bang Nga của FSO  trong suốt 17 năm qua. Người ta cho rằng, các sĩ quan FSO sử dụng nhân vật đóng thế cho Tổng thống Putin khi ông thực hiện những pha mạo hiểm - ví dụ như lặn xuống dưới hồ Baikal hay điều khiển máy bay tiêm kích.

Những “hiệp sĩ áo đen” là tấm khiên bảo vệ Tổng thống Nga.

Thông thường các sĩ quan FSO mặc complet và đeo tai nghe, đôi khi họ lại mặc quần áo dân sự và lẩn vào trong đám đông. Nhưng chắc chắn một điều rằng, chỉ có những người được tin tưởng nhất mới có mặt trong FSO.

Theo nhật báo Komsomolskaya Pravda, khoảng 1 đến 2 tháng trước chuyến thăm của Tổng thống, nhân viên FSO sẽ bắt đầu thu thập thông tin về địa phương đó và thậm chí họ còn tới khảo sát thực địa để có kế hoạch bảo vệ tốt nhất cho người đứng đầu nhà nước Nga. Mỗi lần xuất hiện trước công chúng trong nước hay nước ngoài, Tổng thống Putin luôn được vây quanh bởi một nhóm từ 10 đến 12 vệ sĩ vũ trang.

Còn trong mỗi chuyến công du của Tổng thống Putin, hàng trăm vệ sĩ giám sát và bảo vệ mọi hoạt động của ông suốt cả hành trình. Lực lượng vệ sĩ của Tổng thống Putin được phân chia các nhiệm vụ cụ thể, từ việc làm “tấm khiên” luôn che chắn cho Tổng thống, ngăn chặn từ xa những người muốn tiếp cận ông cho đến các tay súng bắn tỉa và nhiệm vụ tối thượng là bảo vệ tính mạng Tổng thống Putin bằng mọi giá.

“Những hiệp sĩ áo đen” thường được trang bị loại súng Gyurza 9mm và một trong những tính năng đặc biệt của đạn súng Gyurza là có thể xuyên thủng áo giáp chống đạn trong phạm vi 50m.

Trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, dù trời nóng bức hay tuyết giá, kể cả khi nhiệt độ ở mức âm độ C, các vệ sĩ của Tổng thống Putin vẫn mặc complet đen và khoác bên ngoài chiếc áo mỏng để họ có thể xoay sở hoặc di chuyển dễ dàng trong những tình huống khẩn cấp.

Tổng thống Putin từng là mục tiêu của 7 vụ ám sát hụt, lần đầu tiên vào năm 2000. Đã có ít nhất 7 vụ đâm xe có liên quan đến ông Putin và không vụ nào là một tai nạn bình thường. Năm 2004, tổ chức khủng bố Lữ đoàn Islambuli từng công khai đe dọa “lấy mạng” Tổng thống Putin. Những tổ chức vũ trang cực đoan ở Chechnya cũng đưa ra tuyên bố tương tự trong năm đó. Xuất thân là một sĩ quan tình báo, ông Putin hiểu rõ các nguy cơ mình phải đối mặt và nhiệm vụ của những người hộ tống mình nặng nề như thế nào, vì thế đối với các vệ sĩ, ông đối xử với họ rất thân tình.

Tổng thống Mỹ Reagan tiếp vợ chồng Tổng Bí thư Mikhail Gorbachev tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow ngày 31-5-1988.

Trong nước Nga, đoàn xe của Tổng thống Putin thường có từ 5 đến 7 ôtô hộ tống cùng với 3 hoặc 4 ôtô tuần tra cao tốc. Những ứng viên cho vị trí cầm lái trong đoàn xe này phải vượt qua kỳ kiểm tra tâm lý học khắc nghiệt và tập huấn dài ngày.

Ngoài ra, người lái xe phải làm việc trong bộ phận của FSO trước khi chính thức được trọng dụng. Nhìn chung, quá trình đào tạo và kiểm tra này có thể kéo dài từ 7 đến 15 năm. Nguồn tin từ điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin có hơn 10 lái xe, tất cả đều là những người dày dạn kinh nghiệm, nhưng họ vẫn phải trải qua đào tạo mỗi tuần một lần.

Các khóa đào tạo bao gồm thực hành những việc bắt buộc trong khi lái xe: lái xe trong điều kiện mô phỏng băng, lái xe qua các rào cản nước và cả các vụ nổ. Ngày làm việc của họ bắt đầu với một cuộc kiểm tra y tế, hướng dẫn và phân tích các vụ tai nạn gần đây tại các thực địa trong nước cũng như nước ngoài.

Được đứng vào đội ngũ “Những hiệp sĩ áo đen” là niềm vinh dự của nhiều thanh niên Nga, đặc biệt những người từng trải qua quá trình phục vụ trong lực lượng vũ trang. Để trở thành vệ sĩ của Tổng thống Nga, các vệ sĩ phải đáp ứng những tiêu chuẩn ngặt nghèo như không quá 35 tuổi, cao từ 1,75 đến 1,9m, nặng từ 75 đến 90kg, điêu luyện trong những những môn võ cận chiến, thể lực hoàn hảo.

FSO ưu tiên những người có kinh nghiệm quân sự dù đây không phải là tiêu chí bắt buộc. Một quan chức FSO tiết lộ: Cơ quan này không thích tuyển dụng các cựu cảnh sát bởi vì cảnh sát thường có tâm lý bắn súng cảnh báo và áp sát để khống chế, bắt giữ nghi can.

Không chỉ bảo vệ cho Tổng thống Nga, các sĩ quan FSO còn bảo vệ cho các thẩm phán, nhân chứng, các chính khách và quan chức chính phủ trong điện Kremlin hay Duma quốc gia. Các sĩ quan FSO còn phải chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho các tuyến đường nơi những người được họ bảo vệ đi qua. Họ có quyền kiểm soát mọi ngóc ngách của khu vực xung quanh Điện Kremlin, cũng như thu thập dữ liệu về tất cả các công dân đã và đang sinh sống tại khu vực này.

Các dữ liệu thu thập sau đó được chuyển thẳng cho những người đứng đầu nước Nga và người ta cho rằng Tổng thống Nga, Hội đồng an ninh và Chính phủ Nga dựa vào chúng để đưa ra các quyết định.

Một trong những quyền hạn mà FSO được trao trong những năm gần đây là xây dựng hệ thống liên lạc đặc biệt cho các quan chức cao cấp của Chính phủ Nga. Ngoài ra, FSO còn chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo tính bí mật của các kênh liên lạc được mã hóa của tổng thống Nga và những quan chức Nga cao cấp khác.

Câu chuyện của người từ Cục 9

Quay trở lại với thời kỳ đầu hoạt động của FSO, như trên đã đề cập, tiền thân của cơ quan này là Cục 9 của Cơ quan tình báo KGB được thành lập dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Yuri Andropov. Một cựu sĩ quan của cục này là Valeri Velichko đã tiết lộ nhiều thông tin thú vị về thời gian ông phục vụ tại đây.

Đoàn xe hộ tống Tổng thống Putin.

Cơ duyên khiến Valeri Velichko gắn kết với Cục 9 hoàn toàn tình cờ vì ông vốn là một chuyên gia vật lý, từng tham gia vào nghiên cứu chế tạo các động cơ dành cho tên lửa, sau đó, ông chính thức làm việc cho KGB trong vai trò một nhân viên phản gián.

Năm 1985, ông được cử làm trợ lý cho chỉ huy Cục Bảo vệ chính phủ, sau đó làm phó rồi Tham mưu trưởng của Cục 9. Trong suốt thời gian này, Velichko đã trực tiếp tham gia bảo vệ một loạt các nguyên thủ Liên Xô và nước ngoài. Đáng chú ý có tất cả những chuyến viếng thăm quan trọng của các tổng thống Mỹ Reagan, Bush, Tổng thống Pháp Mitterrand và các nhà lãnh đạo Palestine...

Trong chuyến viếng thăm Liên Xô của Tổng thống Bush (cha), Cục 9 đã phải triển khai một loạt các nhân viên bắn tỉa trên những nóc nhà xung quanh nơi ông đến. Đúng vào lúc ông Bush xuất hiện, các nhân viên này thông báo phát hiện một nhân vật đáng nghi trên cửa sổ một ngôi nhà gần đó. Valeri Velichko kiểm tra qua ống nhòm, nhận thấy một người đàn ông lấp ló bên cửa sổ, trên tay cầm một bàn điều khiển gì đó.

Các nhân viên an ninh được lệnh đột nhập vào căn phòng trên chỉ sau 3 phút. Kẻ bị nghi ngờ khủng bố thực ra chỉ là một người đàn ông vừa muốn ngắm những cảnh náo nhiệt ngoài đường phố, vừa dùng điều khiển từ xa để đảo qua các kênh truyền hình. Trước thời điểm đó, một tay súng bắn tỉa của Cục 9 đã liên tục bám sát “mục tiêu” chờ lệnh khai hỏa.

Valeri Velichko còn thường xuyên phải điều hành công tác bảo vệ tại khu vực Nhà hát Lớn, là nơi vợ chồng ông Gorbachev thường xuyên tới xem biểu diễn. Vài ngày trước thời điểm diễn ra sự kiện, Valeri Velichko theo quy định phải thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra về yếu tố đảm bảo kỹ thuật và yêu cầu chuyên môn tại nhà hát này. Thủ tục kiểm tra có thể rất đa dạng: chẳng hạn như vứt một viên đạn vào một vị trí tình cờ nào đó (dưới tầng hầm hay trên gác mái) – nếu viên đạn này không được phát hiện kịp thời, có nghĩa là công tác chuẩn bị về an ninh chưa đảm bảo.

Cục 9 đã quyết định phải mang theo những chiếc xe ZIL đặc biệt để chở nguyên thủ mỗi lần đi công du nước ngoài sau một sự cố xảy ra dưới thời Tổng bí thư Khrutsev. Trong chuyến đi tới Mỹ, phía chủ nhà dành cho ông Nikita Khrutsev một chiếc xe hiệu Cadillac riêng để đi lại.

Khi hội đàm kết thúc, ông Nikita Khrutsev lúc ngồi trên xe cùng các vị bộ trưởng đã có nhiều nhận xét và bàn bạc riêng mà không biết trên xe đã bị gắn thiết bị nghe trộm. Khi KGB phát hiện được âm mưu này, những chiếc xe riêng theo nguyên tắc đảm bảo bí mật phải được vận chuyển tới bất cứ đâu ở nước ngoài mà nguyên thủ đặt chân tới.

Công tác bảo vệ các nguyên thủ nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn riêng vì chuyện sở thích và tính cách của mỗi người. Chẳng hạn như có lần Tổng thống Phần Lan Urho Kaleva Kekkonen tới Moscow. Vị nguyên thủ này là người đặc biệt ưa thích luyện tập chạy bộ đường trường vào buổi sáng. Lần ấy, chưa nói tới chuyện đảm bảo yêu cầu nghiệp vụ, các nhân viên bảo vệ phải khá vất vả mới theo kịp vị tổng thống. Thế là Cục 9 phải tìm gấp một nhân viên bảo vệ mới là kiện tướng điền kinh, bổ sung vào đội hình.

Ngay từ khi vào làm trợ lý cho chỉ huy Cục 9, Valeri Velichko đã nghiên cứu rất kỹ những âm mưu ám sát nhằm vào các lãnh tụ Xôviết trước đây để rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết. Một số biện pháp giúp bảo vệ Stalin an toàn trước những âm mưu ám sát trước đây đã được áp dụng để bảo vệ hữu hiệu cho Gorbachev, chẳng hạn như sử dụng các đoàn xe giống hệt nhau để đánh lạc hướng.

Bản thân Gorbachev cũng từng là đối tượng của hai âm mưu ám sát bất thành. Một kẻ có dấu hiệu tâm thần tên là Smonov đã âm mưu bắn Gorbachev trong thời gian diễn ra một cuộc diễu hành tại Quảng trường Đỏ vào tháng 11-1990. Về sau tên này còn tặng lại cho Velichko một cuốn sách nhỏ do chính anh ta xuất bản kể về động cơ vì sao anh ta muốn bắn Gorbachev.

Valeri Velichko đặc biệt hãnh diện khi kể về chiến công ngăn chặn kịp thời một âm mưu ám sát Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trong chuyến thăm Liên Xô ngay tại Moscow. Cụ thể vào năm 1988, Cục 9 nhận được thông tin mật về một tay nhà báo nước ngoài dự định sát hại cả hai Tổng thống Reagan và Gorbachev.

Công tác điều tra đã được gấp rút tiến hành. Tay phóng viên được phát hiện hóa ra mắc một căn bệnh nan y. Những kẻ đặt hàng đã thuê anh ta thực hiện “sứ mệnh cảm tử” này với khoản tiền lớn. Đối tượng trên đã bị bắt giữ kịp thời và bị trục xuất khỏi Liên Xô.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.
.