Chiến dịch giải cứu con tin nổi tiếng nhất trong lịch sử Israel

Thứ Năm, 20/07/2006, 20:17
Cuộc tấn công của quân đội Israel vào dải Gaza buộc phải thả 1 binh sĩ bị phía Palestine bắt giữ là chiến dịch mới nhất trong lịch sử các hành động quân sự tương tự của Israel. Tuy nhiên, có sự trùng hợp hết sức kỳ lạ: cuộc tấn công nổ ra gần với ngày kỷ niệm 30 năm sứ mạng giải cứu con tin nổi tiếng nhất của Israel tại thành phố Entebbe (Uganda) ngay trước nửa đêm ngày 3/7/1976.

Cuộc bắt cóc con tin xảy ra vào 6 ngày trước đó, khi 2 người Palestine và 2 người Đức cướp chiếc máy bay Airbus của Hãng Hàng không Pháp Air France trong chuyến bay 139 tuyến Athens - Paris.

Chuyến bay bắt đầu từ Lod (Israel) và gần 1/3 hành khách trên máy bay là công dân Israel hoặc người gốc Do Thái. Ilan Hartuv, một trong số những con tin ngày đó, nói: “Nữ không tặc người Đức trông rất hung tợn đã nói đủ điều xấu xa chống Do Thái. Ả ta cầm quả lựu đạn trong tay đe dọa sẽ cho nổ tung máy bay”. Bọn không tặc - từ Mặt trận dân tộc giải phóng Palestine (PFLP) - ban đầu buộc máy bay hướng đến Benghazi ở Libya để tiếp thêm nhiên liệu trước khi bay đến thành phố Entebbe của Uganda, nơi máy bay sẽ hạ cánh vào đầu giờ ngày 28/6.

Đến Entebbe, bọn không tặc được tiếp ứng bởi 3 tên khác, 245 hành khách (có một phụ nữ trẻ bịa rằng mình đang mang thai nên được trả tự do ở Benghazi) cùng với phi hành đoàn 12 người bị cầm giữ trong nhà khách cũ của sân bay. Nhà cầm quyền Israel nhanh chóng nhận được hung tin và họ chọn ngay phương án tấn công để giải cứu con tin.

Nguyên Thủ tướng Israel Ehud Barak (vào thời điểm đó là Đại tá chỉ huy Đội tác chiến IDF nhận nhiệm vụ thảo kế hoạch giải cứu con tin) nói: "Điều lo lắng thật sự của chúng tôi là yếu tố bất ngờ sẽ thành công như thế nào, bởi vì nếu cuộc đột kích thất bại thì chỉ trong vài giây thôi bọn không tặc sẽ giết chết không ít con tin”.

Sang ngày hôm sau, bọn không tặc ra yêu cầu: hoặc là Israel, Pháp, Đức, Thụy Sĩ và Kenya phải phóng thích 53 chiến hữu của họ đang bị các quốc gia này cầm tù, hoặc là họ sẽ bắt đầu giết chết con tin vào lúc 14 giờ ngày 1/7. Ông Barak nhớ lại: “Lúc đó các nhà lãnh đạo chính trị rất căng thẳng trong lựa chọn phương án hành động. Mọi áp lực tâm lý đè nặng lên Thủ tướng Yitzhak Rabin.

Một số con tin là bạn thân của Rabin, song ông đã thể hiện là vị thủ tướng ưu tú trong những ngày đó”. 3 ngày căng thẳng tột cùng, nhưng cũng có cái để lạc quan khi bọn bắt cóc chịu thả 47 hành khách (không phải công dân Israel) và sau đó số người này đã bay đi Paris.

Israel ngay lập tức cử nhân viên Mossad đến thương lượng với bọn bắt cóc. Ông Barak cho biết: “Từ đây chúng tôi biết được hai sự việc quan trọng đã làm thay đổi hoàn toàn kế hoạch giải cứu. Một là, binh lính Uganda hợp tác hoàn toàn với bọn khủng bố; và hai là, chúng tôi biết được sơ đồ bên trong nhà khách cũ của sân bay đến mức có thể dễ dàng hành động”. Kết quả cuộc thương lượng với bọn bắt cóc là bọn chúng đồng ý dời ngày bắt đầu giết chết con tin đến trưa chủ nhật ngày 4/7.

Trong vòng 24 giờ, Đội Commando của đơn vị tác chiến đặc biệt Sayeret Matkal bắt đầu diễn tập kế hoạch giải cứu con tin do Trung tá Yonatan Netanyahu (anh của Thủ tướng Binyamin sau này) đề ra. Đó là một kế hoạch rất mạo hiểm, buộc Đội Commando phải bay đến sân bay Entebbe, di chuyển đến nhà khách cũ trong chiếc xe Mercedes màu đen và được xe Land Rover hộ tống, đánh lừa vệ binh Uganda. Sau khi kế hoạch được phê chuẩn, Đội Commando 29 người bắt đầu bước vào cuộc hành trình bí mật kéo dài 8 giờ rưỡi, vượt quãng đường 4.000 km, trong 4 chiếc máy bay vận tải C-130.

Đoàn máy bay rời Israel bay theo các hướng khác nhau để tránh sự nghi ngờ, và cũng chỉ bay ở độ cao 30 mét trên mặt Biển Đỏ để tránh radar của Ai Cập và Arập Xêút. Khoảng 23 giờ, nhóm của Commando hạ cánh xuống Entebbe và những chiếc xe Mercedes và Land Rover - chở Commando Israel mặc quân phục Uganda - bắt đầu lăn bánh.

Cuộc đụng độ đầu tiên diễn ra gần tháp kiểm soát không lưu, khi 2 lính gác Uganda bị bắn chết lúc bắt dừng đoàn xe. Bây giờ yếu tố bất ngờ hết sức quan trọng đã qua, nhóm Commando Israel chạy nhanh đến nhà khách sân bay Entebbe và chính lúc này Trung tá Netanyahu bị thương.

Binh nhất Ofer là người đầu tiên tiến đến gần sảnh đường đang nhốt các con tin và mặt đối mặt với một tên khủng bố lăm lăm súng trong tay. Ofer nhớ lại: “Ai đó bắn vào tôi khiến kính vỡ loảng xoảng - đạn bay quanh người và một viên ghim vào chân tôi, viên khác sượt qua tai trái”.

Con tin Hartuv nhớ lại giây phút súng nổ: Binh lính bắt đầu tràn vào nhà khách sân bay, mặc dù họ mặc quân phục Uganda nhưng chúng tôi biết đó là Tsahal (quân đội Israel). Mọi người bắt đầu gào lên “Nes! Nes!” (tiếng Do Thái, nghĩa là “thật kỳ diệu!). Thậm chí 2 sĩ quan dự bị Israel trong số con tin chúng tôi cũng cho rằng điều này không thể xảy ra”.

Trong cuộc đọ súng này, 7 tên khủng bố và tòng phạm, với khoảng 20 lính Uganda, đã bị tiêu diệt. Về phía Israel, Trung tá Netanyahu không may tử trận. Chiến dịch ban đầu được đặt tên là “Thunderball”, nhưng sau đó đã đổi lại thành “Chiến dịch Yonatan” để tưởng nhớ sự hy sinh của Trung tá Netanyahu.

Về phía con tin, có 3 người thiệt mạng, còn mẹ của con tin Hartuv là bà Dora Bloch (người đầu tiên được chuyển đến bệnh viện ở Kampala) đã bị Amin ra lệnh giết chết một ngày sau chiến dịch giải cứu con tin

Trần Thanh Phong (Theo BBC)
.
.
.