Cha đẻ vũ khí hạt nhân Iran tái xuất

Thứ Hai, 10/09/2012, 20:35

Theo báo cáo của các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc (LHQ), các quan chức Mỹ và Israel, nhà khoa học hạt nhân được coi là cha đẻ của vũ khí hạt nhân Iran "về hưu" cách đây vài năm nay đã quay trở lại làm việc. Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học và sĩ quan cao cấp của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) - được mọi người so sánh với Robert Oppenheimer, nhà vật lý người Mỹ giám sát nỗ lực cấp tốc chế tạo quả bom nguyên tử trong thập niên 40, thế kỷ trước - là người giúp Iran bước vào kỷ nguyên hạt nhân trong 2 thập niên qua.

Năm 2006, Mohsen Fakhrizadeh than phiền quỹ tài trợ cho công trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân của ông bị chính quyền Iran đóng băng - theo kết quả gián điệp e-mail và điện thoại của tình báo Mỹ. Thông tin này cũng dẫn đến việc báo cáo tình báo năm 2007 của Mỹ kết luận Iran đã ngưng những nỗ lực chế tạo một quả bom hạt nhân vào năm 2003.

Tuy nhiên, hiện nay Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tin rằng, nhà khoa học Fakhrizadeh đã cho mở cửa một cơ sở nghiên cứu liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân tại vùng ngoại ô phía bắc thủ đô Tehran của Iran và số chuyên gia của Fakhrizadeh cũng là những người từng tham gia nghiên cứu trước đây. Ngoài ra, con số đồng nghiệp của Fakhrizadeh cũng tăng lên trong những tháng gần đây giúp cho chương trình hạt nhân của Iran phát triển thuận lợi hơn.

Trong số những người này có mặt Fereydoun Abbasi-Davani, Phó tổng thống Iran và lãnh đạo Tổ chức Năng lượng Nguyên tử nước này. Thông tin về việc Mohsen Fakhrizadeh làm việc trở lại nổi lên giữa lúc những nỗ lực ngoại giao quốc tế nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran bị chững lại và Israel đe dọa tấn công quân sự vào nước này. Sự tái xuất của Fakhrizadeh cũng đặt vấn đề về bản báo cáo Đánh giá Tình báo Quốc gia (NIE) của Mỹ về sự đóng băng chương trình hạt nhân của Iran.

Trong khi đó báo cáo hàng quý mới đây của IAEA kết luận, Iran vẫn tiếp tục tăng cường thêm nhiều thiết bị ly tâm làm giàu uranium và di chuyển nhiều thiết bị loại này xuống một cơ sở ngầm gần thành phố thánh Qom - địa điểm Fordow, được coi là không thể bị tấn công.

Theo quan chức chính quyền Tổng thống Barack Obama, báo cáo NIE năm 2007 vẫn còn chính xác. Họ đều cho rằng, một số nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân có sự tham gia của Fakhrzadeh có lẽ vẫn đang tiếp tục, song về mức độ tập trung và hệ thống hóa thì không như trước năm 2003.

Israel và một số quốc gia châu Âu cảm thấy lo ngại khi mà sự xuất hiện trở lại của Fakhrizadeh trùng hợp với kế hoạch tăng cường thêm hai mục tiêu của chương trình vũ khí hạt nhân - đó là các hệ thống tên lửa và sản xuất nhiều hơn nữa uranium làm giàu. IAEA và phương Tây tin rằng, bên trong Iran tồn tại một cơ quan gọi là SPND -  Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới phòng thủ.

Theo IAEA, có lẽ Fakhrizadeh bí mật mở cửa SPND vào năm 2011 và những hạng mục trong chương trình hạt nhân của Iran diễn ra tại cơ sở này. Đặt căn cứ tại vùng ngoại ô Mojdeh của Tehran, SPND - có trách nhiệm báo cáo trực tiếp đến Bộ chỉ huy IRGC - bao gồm 6 bộ phận chỉ huy chính với nhiều phòng thí nghiệm nghiên cứu về luyện kim, hóa học và thử nghiệm chất nổ.

Iran đã có chương trình nghiên cứu năng lượng hạt nhân từ trước cuộc cách mạng Hồi giáo. Các tài liệu mà IAEA và các tổ chức khác cho thấy Iran bắt đầu vận hành chương trình hạt nhân riêng của mình vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỷ trước, dưới sự lãnh đạo của Bộ Quốc phòng. Ban đầu chương trình được giao cho cơ quan gọi là Trung tâm Nghiên cứu Vật lý (PHRC) thuộc  quyền lãnh đạo của Mohsen Fakhrizadeh và một giáo sư Đại học Sharif. Hơn 1.600 telex của PHRC mà Viện Khoa học và An ninh Quốc tế có được trong năm 2012 cũng cho thấy mọi hoạt động liên quan đến hạt nhân của PHRC là có thật.

Fereydoun Abbasi-Davani, Phó Tổng thống kiêm lãnh đạo Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran.

Năm 2000, theo giới chức IAEA, Fakhrizadeh được thuyên chuyển đến một viện mới của Bộ Quốc phòng Iran để tiến hành một số nghiên cứu liên quan đến vũ khí hạt nhân. Viện này sử dụng một địa điểm quân sự ở phía nam Tehran gọi là Parchin để tiến hành thử nghiệm các chất nổ mạnh. Nhiều nỗ lực nghiên cứu hạt nhân của Iran trong năm qua diễn ra tại Parchin, địa danh mà Tehran luôn phủ nhận.

Các thanh tra của IAEA cũng nhiều lần cố gắng tiếp xúc với Fakhrizadeh nhưng không thành công. Trong một chuyến đi đến Tehran vào năm 2008, nhà khoa học Phần Lan Olli Heinonen - cựu trưởng thanh tra vũ khí hạt nhân của IAEA và hiện làm việc tại Trung tâm Belfer về các vấn đề khoa học và quốc tế Đại học Havard - cũng bị khước từ đề nghị gặp Fakhrizadeh.

Năm 2007, Hội đồng Bảo an LHQ đã áp đặt những biện pháp trừng phạt và lệnh cấm đi lại đối với Mohsen Fakhrizadeh; đồng thời Abbasi-Davani cũng bị trừng phạt tương tự vì những mối quan hệ với Fakhrizadeh.

Tháng 11/2010, Abbasi-Davani là một trong hai nhà khoa học Iran trở thành mục tiêu ám sát bằng bom từ gắn vào xe của họ ở Tehran. Nhưng chỉ có Abbasi-Davani may mắn sống sót. Về sau, Abbasi-Davani được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo Tổ chức Năng lượng nguyên tử của Iran.

Tháng 7/2012, Abbasi-Davani tuyên bố Iran hiện nay có công nghệ để nhanh chóng hướng đến việc sản xuất uranium cấp độ vũ khí. Chất liệu như thế có thể được sử dụng để chế tạo lớp vỏ quả bom hạt nhân.

Vào cuối tháng 9/2011, Abbasi-Davani xuất hiện trên diễn đàn thế giới khi tham gia một hội nghị của IAEA tổ chức ở thành phố Vienna nước Áo, bất chấp lệnh cấm đi lại của LHQ. Xuất hiện trước các phóng viên bên lề hội nghị, Abbasi-Davani khẳng định Iran sẽ không trì hoãn các hoạt động làm giàu uranium. Abbasi-Davani cũng chỉ trích cộng đồng tình báo Anh, Israel và Mỹ có âm mưu ám sát ông vào năm 2011

Duy Ân (tổng hợp)
.
.
.