CIA tuyển mộ điệp viên như thế nào?

Chủ Nhật, 22/11/2020, 08:16
Ngay từ những ngày đầu thành lập, CIA (Cục Tình báo trung ương Mỹ) và nhân viên của họ đã là đối tượng ưa thích của các tiểu thuyết gia cũng như những nhà sản xuất phim của Hollywood. Họ khắc họa hình ảnh những điệp viên CIA hào hoa, quyến rũ, và vô cùng nguy hiểm.

Với những cá nhân đặc biệt như thế, chắc hẳn CIA đã và đang tốn rất nhiều công sức, tiền bạc để tìm kiếm và đào tạo họ trở thành một nhân viên theo đúng ý mình muốn? Và liệu có phải tất cả quá trình tuyển dụng cũng như đào tạo một nhân viên đều phải được diễn ra trong bí mật để bảo vệ CIA lẫn điệp viên của mình trong tương lai?

“Doanh nghiệp” đặc biệt

Như mọi thứ trong xã hội, sự thật kém hấp dẫn hơn giả tưởng rất nhiều. Người Mỹ chỉ cần mở TV hay Youtube ra là đã có thể thấy quảng cáo CIA tuyển nhân viên. Họ đưa ra những yêu cầu rất bình thường: Tốt nghiệp đại học; không có tiền án tiền sự, biết ngoại ngữ; có kinh nghiệm công tác… Ngay cả tỷ lệ xin việc tại cơ quan này cũng không có gì là khó khăn cả: 1 chọi 17 người. Nhiều trường đại học danh tiếng còn có tỷ lệ chọi cao hơn. Trên nhiều mặt, CIA tuyển mộ nhân viên không khác gì các đơn vị tư nhân ngoài xã hội cả.

Trưởng bộ phận tuyển chọn nhân viên của CIA tại một buổi hội chợ việc làm.

Tổ chức tiền thân của CIA, OSS (Cơ quan Tình báo chiến lược) được thành lập năm 1942 nhằm mục đích hỗ trợ Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ. Những thành viên chủ chốt của OAS tuy vậy đều là những người của phố Wall. Họ là chuyên gia marketing; phân tích thị trường; quan hệ công chúng,… Từ những con người này mà trong lòng OSS rồi sau đó là CIA hình thành nên một nền văn hoá doanh nghiệp. CIA được điều hành giống như một tập đoàn hơn là giống với cơ quan nhà nước.

Và như đa số doanh nghiệp tư nhân, việc tuyển chọn nhân viên CIA bắt đầu ngay từ khi người nhân viên tương lai còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Hầu hết những nhân viên của CIA đã từng thực tập tại cơ quan này trong khi đang theo đuổi tấm bằng cử nhân hay thạc sỹ. Quá trình thực tập của họ không có gì đặc biệt cả và được tổ chức vì mục đích giúp những cá nhân này tìm hiểu về CIA để có thể đưa ra quyết định đúng đắn về sự nghiệp bản thân. Những người quyết định lựa chọn CIA sẽ tham gia một cuộc thi tuyển vừa nhằm chứng tỏ khả năng bản thân, vừa để tìm cho họ một vị trí phù hợp nhất.

Mary (tên giả), một điệp viên CIA phụ trách khu vực Đông Nam Á, tiết lộ trên mặt báo với điều kiện được giữ bí mật tên họ mình, như sau: “Tôi được sinh ra tại một mảnh đất Đông Á. Vì lý do kinh tế mà gia đình tôi di cư đến Mỹ. Trước khi tốt nghiệp đại học Yale, tôi thực tập một thời gian tại CIA, rồi sau đó trúng tuyển chương trình đào tạo điệp viên nằm vùng của cơ quan này. Từ đó đến nay tôi đã làm việc cho CIA được 20 năm!” Hiện Mary nắm giữ vai trò điều phối và phân tích thông tin gián điệp từ Đông Nam Á, một công việc vô cùng quan trọng trong nội bộ CIA.

Vậy nhưng điều gì đã thúc đẩy một người phụ nữ như Mary đi vào cơ quan bí mật và nguy hiểm bậc nhất trong bộ máy chính quyền Mỹ? “Tôi xem rất nhiều phim về điệp viên khi còn nhỏ nên luôn muốn mình sau này trở thành một người như James Bond hay Jack Ryan…” - Mary thổ lộ - “Tất nhiên là cũng có những thời điểm tôi nản chí. Trong khoảng thời gian huấn luyện, nhiều đêm tôi mất ngủ vì suy nghĩ muốn từ bỏ. Nhưng rồi vụ khủng bố 11-9 xảy ra và khiến cho tất cả học viên cố gắng gấp đôi!”.

Một quy luật không bao giờ sai là bất kì khi nào nước Mỹ chịu một cuộc tấn công khủng bố, số đơn xin việc gửi đến CIA đều tăng vọt. Nguyên giám đốc CIA Michael Hayden trả lời phỏng vấn cho biết, vào năm cuối cùng ông tại vị, số đơn xin việc mà bộ phận nhân sự CIA nhận lên đến 160.000, phần nhiều trong số đó là những người trẻ tuổi mong muốn có một sự nghiệp cống hiến được cho tổ quốc.

Những trường hợp đặc biệt

Tất nhiên là có những vị trí tại CIA mà không phải ai cũng đảm nhận được. Trong những trường hợp này, cơ quan tình báo có những phương pháp khác để tìm được người phù hợp. Đơn cử như đơn vị đặc nhiệm trực thuộc SAC (Trung tâm Hoạt động đặc biệt) của CIA. Đây là tổ chức bán quân sự khét tiếng nhất tại Mỹ chuyên thực hiện những nhiệm vụ như ám sát, bắt cóc, và đảo chính. Chính phủ Mỹ không thừa nhận bất kỳ hành động nào của SAC vì theo luật pháp quốc tế, thành viên đơn vị đặc nhiệm hoàn toàn có thể bị coi là tội phạm chiến tranh.

Giám đốc CIA Gina Haspel đã và đang đẩy mạnh hoạt động tuyển mộ của cơ quan này.

Yêu cầu tuyển mộ nhân viên của SAC rất khắc nghiệt. SAC cần người không những có sức khoẻ lẫn kỹ năng, mà còn sở hữu lòng trung thành với đất nước và cấp trên đến mức họ sẵn sàng bỏ mạng. Bất kỳ người nào muốn thi tuyển vào SAC trước hết phải từng là sỹ quan trong số các đơn vị lính đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của quân đội Mỹ: Delta Force, Ranger, SEAL, lính Mũ nồi xanh,… Họ sẽ phải trải qua những bài kiểm tra thể chất và quan trọng hơn là tinh thần đến giới hạn. Từ lâu đã có tin đồn rằng, một trong những bài kiểm tra nguy hiểm nhất là… tra tấn thí sinh. Người thi tuyển sẽ phải vượt qua một loạt những hình thức tra tấn như đánh đập; cho sặc nước, bỏ đói,… mới được trúng tuyển.

Trong vài trường hợp khác, một số cá nhân còn không biết mình được CIA tuyển chọn. Tại Iran đã có không dưới 30 nhà khoa học hàng đầu được CIA bí mật đưa sang Mỹ ngay trước mắt chính phủ nước này. Điệp viên CIA sẽ tìm cách tiếp cận những nhà khoa học này với lời hứa về tiền bạc, danh vọng, an toàn. 

Và quan trọng nhất là sự tự do để họ có thể theo đuổi bất kỳ dự án nghiên cứu nào mình muốn. Các nhà khoa học khi đến Mỹ sẽ nhận được tất cả những điều này cùng với một điều kiện: làm việc cho CIA dưới tư cách một nhà phân tích hay cố vấn. Những nhà khoa học không có nhiều sự lựa chọn do họ đang ở tại một mảnh đất lạ lẫm với gia đình sau lưng. Ngược lại, nhờ phương pháp tuyển mộ này mà CIA đã nhận được vô số thông tin và phân tích quý giá về chương trình phát triển hạt nhân của Iran.

Thay đổi theo thời gian

Ngày nay CIA có rất nhiều cách khác nhau để tiếp cận giới trẻ. Ngoài việc quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, họ còn có quan hệ chặt chẽ với các trường đại học. CIA thường xuyên đặt bàn tư vấn trong những buổi hội chợ việc làm được tổ chức bởi các trường Ivy League  -  Columbia, Cornell, Dartmouth, Harvard, Yale,… CIA cũng thường xuyên tham gia tài trợ các buổi hội thảo và dự án khoa học. Không những họ nhận được những kết quả nghiên cứu hữu ích, mà trong nhiều trường hợp còn tìm ra những cá nhân tiềm năng để tuyển mộ sau này.

Bộ phim truyền hình Homeland khắc họa hình ảnh điệp viên CIA như những anh hùng yêu nước.

Dưới thời của giám đốc Gina Haspel, CIA kể từ năm 2018 đến nay đã đẩy mạnh hoạt động tuyển mộ thông qua những kênh phi truyền thống. Mới chỉ cách đây hai tháng thôi, cơ quan này đã hợp tác với kênh truyền tải video trực tuyến Hulu để cho ra mắt một series phim tài liệu về nội bộ CIA. Mục tiêu chính của những nhà làm phim là khơi gợi trong lòng khán giả tinh thần yêu nước cùng với việc giới thiệu những đãi ngộ mà nhân viên CIA nhận được.

Một kênh tuyển mộ khác được CIA sử dụng là mạng xã hội. Từ lâu nay CIA đã sử dụng Facebook và Twitter vừa để thông tin, vừa nhằm gây sự chú ý trong giới trẻ. Nhưng họ gặt hái nhiều thành công nhất với Instagram nhờ vào một phương pháp đầy sáng tạo. Đó là, trên trang Instagram của CIA tràn ngập hình ảnh của những diễn viên, đạo diễn nổi tiếng. Các nhà làm phim Hollywood khi muốn làm phim về chủ đề điệp viên chỉ cần liên lạc trực tiếp với CIA để được sắp xếp gặp gỡ, phỏng vấn những chuyên gia đầu ngành. Ngược lại, bao giờ trong những bộ phim họ làm cố vấn, CIA cũng được khắc họa một cách tốt đẹp nhất. Họ cũng sử dụng danh tiếng của các minh tinh màn bạc thu hút sự chú ý từ người hâm mộ, chủ yếu là thanh thiếu niên.

Đối với các nhà tâm lý, việc CIA đa dạng hoá kênh tuyển mộ của mình quả thật là một động thái lạ lùng. Nhà báo Daniel Golden, tác giả của cuốn sách “Trường học của điệp viên: Cách mà CIA và FBI tuyển mộ sinh viên”, đã đưa ra nhận xét thế này: “Vào thời điểm chiến tranh Việt Nam lên đến cao trào, chỉ cần nghe tin lãnh đạo nhà trường có quan hệ với CIA là lập tức sinh viên sẽ tổ chức biểu tình phản đối. Các giáo sư và giới học thuật nói chung cũng cho rằng, CIA hoàn toàn không được xen vào nội bộ những trường đại học vì mục đích tuyển mộ… Trong vòng 20 năm gần đây, hoạt động tìm kiếm nhân viên của CIA diễn ra công khai tại không chỉ các trường đại học mà còn trên cả các kênh thông tin đại chúng nữa. Không ai có thể ngờ rằng, họ lại trở nên công khai chỉ sau khoảng thời gian ngắn như vậy!”

CIA luôn tranh thủ đủ mọi cách tiếp cận tuyển dụng.

Daniel cũng chỉ ra lý do mấu chốt khiến CIA đẩy mạnh hoạt động tuyển mộ: Khu vực tư nhân! Những kỹ năng của một người điệp viên giỏi như giao tiếp và phân tích thông tin cũng có thể khiến họ gặt hái thành công tại nhiều công ty tư nhân. CIA không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cạnh tranh với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ tại thung lũng Silicon.

Mặt khác, hoạt động của CIA vẫn tiếp tục mở rộng. Chiến trường của họ không còn giới hạn trong những sa mạc Trung Đông hay rừng rậm Nam Mỹ mà đã “bành trướng” ra trên cả mạng Internet. Hai nhiệm vụ chính của bộ phận tác chiến điện tử thuộc CIA hiện nay là phòng chống các cuộc tấn công mạng vào những cơ sở công quyền trọng yếu (nhà máy điện, nhà máy lọc nước,…) và dẹp trừ nạn tin giả. Phải là một cá nhân có rất nhiều kỹ năng cùng một lúc mới thực hiện được hai trách nhiệm nói trên, vậy nên CIA buộc phải mở rộng các kênh tìm kiếm của mình để làm đầy lực lượng của mình ngay trong thời gian trước mắt cũng như tương lai.

Lê Công Vũ (tổng hợp)
.
.
.