Bộ phim gây khốn đốn cho nữ điệp viên săn lùng Osama bin Laden

Thứ Năm, 20/12/2012, 22:45

Ngày 19/12, bộ phim về nữ điệp viên CIA đóng vai trò chính trong cuộc săn lùng trùm khủng bố Osama bin Laden ra mắt công chúng tại Mỹ. Đây là bộ phim từng được xem là màn PR của Tổng thống Barack Obama trong kỳ bầu cử đầu tháng 11 vừa qua, nhưng nó đã được hoãn lại đến nay do trục trặc kỹ thuật. Đằng sau bộ phim đó là cả một câu chuyện không hay liên quan đến nữ điệp viên CIA và các đồng nghiệp.

Bộ phim có tên là "Zero dark thirty", lấy cốt truyện về cuộc đời của một nữ điệp viên CIA hiện còn hoạt động bí mật nên không thể nêu tên, là một câu chuyện khá chi tiết về cuộc săn lùng Osama bin Laden suốt 10 năm của tình báo Mỹ, và dự kiến sẽ là bộ phim dẫn đầu danh sách tranh giải Oscar đầu năm tới.

Trong phim, nhân vật nữ điệp viên có tên là Maya, được mô tả là một điệp viên tài năng, một người nhiệt thành quan tâm đến người khác, nhưng có những phát biểu có thể "gây sốc" cho các đồng nghiệp của nữ điệp viên ngoài đời thực.

Phim chưa chiếu, nhưng những thông tin rò rỉ có chủ đích đã gây nên những dư luận ồn ào trong nội bộ CIA và cả công chúng, bởi vì cuộc săn lùng và sự kiện tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vào tháng 5/2011 quá nổi tiếng, được nhiều người quan tâm và biết đến. Đặc biệt, bộ phim đã khiến cho nữ điệp viên ngầm kia và một số đồng nghiệp của cô gặp không ít rắc rối.

Nữ điệp viên - hình mẫu ngoài đời thực của nhân vật Maya - còn khá trẻ, mới ngoài 30 tuổi nhưng đã hoạt động ngầm trong hàng ngũ CIA nhiều năm. Chính Maya là người cả quyết và đã dành nhiều năm theo đuổi ý tưởng theo dõi những "người truyền tin" truyền thống của người Hồi giáo để lần ra dấu vết nơi ẩn náu của Bin Laden. Trên thực tế, phán đoán của Maya là hoàn toàn đúng.

Nữ điệp viên Maya ngoài đời thực gia nhập CIA từ trước sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, với nhiệm vụ ban đầu là "săn mục tiêu", tức tìm kiếm những người có thể tuyển mộ làm điệp viên cho CIA hoặc làm mục tiêu để máy bay không người lái tiêu diệt, được biệt phái đến công tác tại Văn phòng CIA ở Islamabad, Pakistan. Đây là một vùng đất "lửa" trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Nam Á, là địa bàn trọng yếu trong cuộc truy lùng Osama bin Laden.

Cuộc săn lùng Osama bin Laden là thành công điển hình thời gian gần đây của CIA.

Khi Maya ngoài đời đến Pakistan, cuộc săn lùng Bin Laden bỗng dưng nóng trở lại sau nhiều năm lắng xuống. Và sau khi ông Obama nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ I vào đầu năm 2009, các điệp viên CIA tại Pakistan được lệnh kiểm tra lại một số đầu mối tiềm năng có thể giúp ích cho cuộc săn lùng, đặc biệt là việc Bin Laden sử dụng những "người truyền tin" để thông tin liên lạc với các bộ tướng và đồng bọn bên ngoài". Và CIA đã thực sự tìm ra nơi ẩn náu của Bin Laden bằng cách theo dõi "người truyền tin" riêng của y.

Câu chuyện về nữ điệp viên CIA ngoài đời thực đóng vai trò quan trọng trong cuộc săn lùng Bin Laden đã từng được báo chí nhắc đến (không lâu sau khi Bin Laden bị tiêu diệt, Chuyên đề ANTG cũng đã từng có bài viết về nữ điệp viên này). Nhưng theo thói đời, khi một chiến công vinh quang được công bố rộng rãi, nhiều người đều có ý muốn nhận phần vinh quang về mình. Đó là căn nguyên gây ra những xích mích, hục hặc trong nội bộ CIA từ ngay sau khi chiến dịch tiêu diệt Bin Laden thành công.

Và mâu thuẫn nội bộ bắt đầu bùng phát vào đầu năm nay, khi nữ điệp viên này cùng với một số đồng nghiệp được trao Huy chương Tình báo xuất chúng (Distinguished Intelligence Medal) cho thành tích trong cuộc săn lùng Bin Laden, trong khi hàng chục người khác thì không được. Những người thua thiệt đã tức giận gửi e-mail chỉ trích cô. Nữ điệp viên cũng đáp trả lại bằng lời lẽ đầy thách thức, đại khái cô khẳng định "mình hoàn toàn xứng đáng được nhận phần thưởng" so với những người kia.

Trong khi những mâu thuẫn nội bộ đó chưa kịp lắng dịu, việc Hollywood tung ra bộ phim "Zero dark thirty" giống như châm dầu vào lửa. Nhân vật chính của bộ phim được xây dựng theo hình mẫu nữ điệp viên CIA giống như một phần thưởng thứ hai dành cho người nữ điệp viên này, và điều này là không thể chấp nhận được đối với những người còn lại vốn đã có sẵn mâu thuẫn. Vấn đề có lẽ sẽ không đến nỗi ồn ào nếu như không có những thông tin do ai đó cố tình tung lên mặt báo khẳng định rằng nhân vật chính của phim dựa theo câu chuyện "người thật việc thật".

Sự việc càng phức tạp khi có thông tin rằng đạo diễn Kathryn Bigelow và nhà viết kịch bản bộ phim Mark Boal đã trực tiếp tiếp xúc với nữ điệp viên này ngoài đời và nhiều quan chức thuộc Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng và CIA để thu thập tư liệu thực hiện bộ phim. Những cuộc tiếp xúc này đều được cấp phép và có sự chứng kiến của bộ phận quan hệ công chúng của CIA. Tuy nhiên, việc cho phép các nhà làm phim tiếp xúc các quan chức chính quyền quá thoải mái như thế cũng là điều ít thấy xảy ra nên người ta đặt vấn đề về động cơ của những nhà làm phim.

Hiện tại, một số nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ đang yêu cầu mở cuộc điền tra xem liệu các cuộc tiếp xúc nói trên có làm lộ những thông tin bí mật quốc gia nào không. Đây là một trong những trường hợp nhạy cảm khi ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ thực hiện những bộ phim về nhân vật thật còn đang hoạt động trong ngành tình báo. Nó làm nảy sinh lòng ghen tị nơi những người cũng nghĩ rằng, sự nghiệp của mình đáng được dựng phim.

Sự tôn vinh bằng phim ảnh hay những giải thưởng danh giá dành cho những trường hợp lập công xuất chúng trong ngành tình báo thường chỉ được thực hiện khi đương sự đã về hưu hoặc đã ra khỏi ngành để phục vụ trong một lĩnh vực khác để tránh sự so đo, ganh tị

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.
.