Bí mật về chương trình tra tấn tù nhân của CIA: Công lý có được thực thi?

Thứ Tư, 04/01/2017, 18:35
Ngay trước khi Bản báo cáo về tra tấn tù nhân của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ ra đời, cả Jessen lẫn Michel đã phải đối mặt với những cáo buộc và những kiện tụng của nhiều tổ chức ở nước Mỹ và thế giới vì đã "tra tấn tàn bạo, vô nhân đạo, gây ra tội ác chiến tranh, thử nghiệm trên thân thể tù nhân những kỹ thuật mà Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền con người đã nghiêm cấm…".

Tuy nhiên, từ kiện tụng đến thực thi công lý là cả một quãng đường mù mịt bởi lẽ Jessen và Michel làm những điều này vì… CIA!

Khai láo để đỡ bị đánh đau?

Ba năm sau khi bắt được Khalid Sheikh Mohammed, ngày 6-9-2006, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ George W. Bush khẳng định CIA đã tiến hành thẩm vấn "những tù nhân rất có giá trị về mặt tình báo" tại các nhà tù bí mật ở nhiều nơi trên thế giới. Ông cũng thông báo rằng 14  tù nhân cao cấp của Al Qaeda, trong đó có Khalid Sheikh Mohammed, đã được chuyển từ nơi giam giữ của CIA đến Trại Guantanamo, nơi họ sẽ phải đối mặt với một Ủy ban quân sự.

Một tù nhân bị điều tra viên cho “lên vũ trụ" bằng cách bó người trong một chiếc túi bằng da, nằm giữa hai cáng cứu thương buộc chặt.

Tổng thống Bush nói: "Abu Zubaydah, Ramzi bin al Shibh và Khalid Sheikh Mohammed đã bị bắt giam bởi  Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Những lời khai của họ và các nghi can khủng bố khác đã cung cấp thông tin, giúp chúng ta bảo vệ người dân Mỹ, giúp chúng ta phá vỡ những âm mưu được chuẩn bị để tấn công vào bên trong cũng như bên ngoài nước Mỹ cùng các quốc gia đồng minh của Mỹ, chẳng hạn như gieo rắc bệnh than, đánh bom một căn cứ Thủy quân lục chiến Mỹ ở Djibouti, đánh bom Lãnh sự quán Mỹ tại Karachi, cướp máy bay chở khách lao vào sân bay Heathrow và Canary Wharf, London, Anh quốc".

Tháng 3-2007, Mohammed được đưa ra làm chứng trước một buổi điều trần kín ở Trại Guantanamo. Theo công bố của Lầu Năm Góc, Mohammed đóng vai con chó sói trong câu chuyện "Cô bé quàng khăn đỏ": "Tôi chịu trách nhiệm từ A đến Z cho các hoạt động xảy ra vào ngày 11-9. Vả đã là chiến tranh nên chắc chắn sẽ có nạn nhân. Nếu tôi nói rằng tôi không vui, tôi cảm thấy có lỗi vì gần 3.000 người Mỹ thiệt mạng trong vụ Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới thì quý vị sẽ không tin nhưng thật sự là vậy".

Cũng trong phiên điều trần này, Mohammed cho rằng ông ta đã bị tra tấn, và những lời khai được nói ra trong lúc bị tra tấn: "Họ trấn nước tôi nhiều lần, mỗi lần hai phút rưỡi trước khi bắt đầu hỏi cung. Khi bị đau, người ta sẽ nói bất cứ điều gì để nỗi đau dừng lại". Michael Welner, chuyên gia về tội phạm học giải thích: "Điều đó ám chỉ rằng do bị đau nên Mohammed đã bịa ra những âm mưu, kế hoạch khủng bố, cốt để cho điều tra viên dừng tay, đỡ đau".

Mike Rogers, thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện cho biết Mohammed thừa nhận trách nhiệm trong vụ đánh bom các hộp đêm ở khu du lịch Bali, Indonesia nhưng ông ta biện minh là "chỉ sắp xếp một ngôi nhà an toàn và giúp đỡ tài chính cho nhóm khủng bố". Mohammed cũng thừa nhận mình chịu trách nhiệm về vụ đánh bom Trung tâm thương mại thế giới năm 1993, giết chết 6 người, làm bị thương hơn 1.000 người khi một quả bom phát nổ trong tầng hầm dùng làm nơi để xe, và vụ chặt đầu phóng viên Daniel Pearl của tờ Wall Street Journal nhưng ông ta nói "không lập kế hoạch tấn công, mà chỉ hỗ trợ".

Theo luật sư của tên khủng bố Ahmed Omar Saeed Sheikh, kẻ đã bị Tòa án Pakistan kết án tử hình vì đã chặt đầu phóng viên Daniel Pearl của tờ Wall Street Journal thì trong vụ này, thì Saeed Sheikh chỉ là kẻ thừa hành, còn chủ mưu là Mohammed nên không thể tin vào những lý do biện hộ, chưa kể năm 2009, Tòa án Pháp đã mở phiên xét xử vắng mặt Khalid Sheikh Mohammed vì đã đánh bom giáo đường Do Thái Ghriba trên đảo Djerba, Tunisia, xảy ra vào năm 2002, làm chết 14 du khách người Đức, 5 người Tunisia và 2 người Pháp.

Và những cáo buộc về tra tấn tù nhân

Ngày 13-10-2015, nghĩa là sau khi khi Bản báo cáo về tra tấn tù nhân của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ được công bố, Tổ chức Liên hiệp tự do dân sự Mỹ - American Civil Liberties Union - đã đệ đơn kiện James Mitchell và Bruce Jessen: "Vi phạm các chuẩn mực của luật pháp quốc tế".

Sau khi đi hỏi cung, nhiều tù nhân phải về bằng xe đẩy.

Hội Chữ thập đỏ Mỹ và Tổ chức Quan sát nhân quyền (Human Rights Watch) cũng khẳng định Mohammed đã bị trấn nước 183 lần, bị làm cho mất ngủ trong suốt 7 ngày rưỡi vì phải đứng trần truồng. Theo Tổ chức Quan sát nhân quyền, lúc mới bị bắt, Mohammed đã nói với các điều tra viên của CIA rằng ông ta sẽ không trả lời bất kỳ một câu hỏi nào nếu không có sự chứng kiến của luật sư.

Tuy nhiên, yêu cầu ấy đã bị từ chối. Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Trung tâm quyền hiến pháp cũng chỉ trích Ủy ban quân sự Mỹ "thiếu các thủ tục đảm bảo cho việc xét xử công bằng" trong lúc Mohammed sẽ phải ra trước tòa án liên bang hoặc tòa án quân sự, và có thể đối mặt với án tử hình chỉ vì những lời nhận tội trong lúc bị hành hạ…

Phản bác lại những cáo buộc nói trên, CIA trưng ra bằng chứng là một ổ cứng máy tính, thu được khi bắt giữ Mohammed. Trong đó chứa đựng thông tin về 4 máy bay bị cướp vào ngày 11-9-2001 bao gồm mã số chuyến bay, tên của công ty hàng không, lịch trình bay, điểm đi và đến, họ tên, tiểu sử của những kẻ không tặc. Hình ảnh của 19 cá nhân trong ổ cứng cũng xác định đó chính là những kẻ không tặc đã gây ra vụ khủng bố 11-9.

Chưa hết, trong ổ cứng còn lưu những file ghi âm cuộc nói chuyện của bọn không tặc trước lúc chúng lên máy bay, một biểu đồ mô tả sự hỗ trợ tài chính của Al Qaeda cho vụ khủng bố 11-9, một bức thư do Mohammed viết, gửi cho Hãng hàng không United Arab Emirates, nội dung đe dọa sẽ tấn công nếu chính phủ của họ cứ tiếp tục liên minh với Mỹ, tài liệu tóm tắt các nguyên tắc hoạt động và kế hoạch đào tạo chiến binh thánh chiến cho Al Qaeda, danh sách các chiến binh Al-Qaeda đã chết và bị thương.

Một sĩ quan cao cấp của CIA nói: "Tra tấn để làm gì khi mà chúng tôi đã có đủ bằng cớ", trong lúc Mohammed cho rằng ổ cứng ấy không phải của ông ta, mà là của Mustafa Ahmad al-Hawsawi, người đã bị bắt cùng với Mohammed.

Tháng 1-2014, 36 trang viết tay bằng bút chì từ với tựa đề: "Tuyên bố của Khalid Sheikh Mohammad về cuộc thập tự chinh của Ủy ban Quân sự tại Guantanamo", do chính Mohammed thực hiện, được một số tờ báo đăng tải. Tuyên bố gồm 3 phần, trong đó phần đầu mô tả "những con đường dẫn đến hạnh phúc".

Mohammed đã sử dụng những trích đoạn văn chương, thần học và tài liệu lịch sử để giải thích lý do vì sao một người ăn học ở Tây phương lại theo đạo Hồi. Phần thứ hai, Mohammed lập luận rằng chính sách ngoại giao phương Tây chỉ là cái vỏ đạo đức giả.

Nó cho phép lực lượng Mujahideen trong cuộc chiến chống Liên Xô ở Afghanistan trỗi dậy nhưng các phương tiện truyền thông phương Tây lại đánh đồng "tên tuổi" Mujahideen với những kẻ khủng bố, hoặc cố tình nhầm lẫn Mujahideen là những tay súng nước ngoài. Mohammed khẳng định rằng những quy tắc Hồi giáo nghiêm ngặt do Taliban áp dụng đã tạo cho xã hội Afghanistan có được sự an ninh tốt nhất trong những năm 1990 (?!).`

CIA cầm đèn chạy trước ôtô!

Nói một cách chính xác, việc tra tấn tù nhân do CIA thực hiện dựa trên những sáng tác của cặp đôi Mitchell, Jessen sẽ khó mà thực hiện nếu không có sự "bật đèn xanh" của những cấp cao hơn. Ngay từ năm 2002, một số nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ trong Quốc Hội Mỹ đã đề xuất "tăng cường kỹ thuật thẩm vấn khắc nghiệt".

Các tài liệu cho thấy nhiều quan chức hàng đầu của Mỹ đã tham gia những cuộc thảo luận và thông qua "kỹ thuật thẩm vấn khắc nghiệt" mà sau đó, được áp dụng với tù nhân Zubaydah. Cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice nói với CIA rằng: "Chiến thuật thẩm vấn khắc nghiệt là chấp nhận được". Phó Tổng thống Dick Cheney cho biết tiếp: "Tôi đã ký tắt vào nó, vì vậy người khác phải làm theo".

Do tính cấp bách của việc thẩm vấn tù nhân Zubaydah, CIA đã tham khảo ý kiến với Tổng thống George W. Bush về cách thức tiến hành nhưng để tránh những hệ lụy có thể xảy ra về sau, các luật sư của CIA yêu cầu Bộ Tư pháp cho ý kiến pháp lý bằng văn bản về những gì được phép thực hiện trong quá trình thẩm vấn.

Đến tháng 8-2002,  Jay Bybee và trợ lý của ông là John Yoo, thuộc Văn phòng Luật sư Bộ Tư pháp đã soạn thảo một bản ghi nhớ, mô tả quyền cụ thể về các "kỹ thuật thẩm vấn tăng cường" rồi chuyến đến cho CIA, bao gồm các hình thức "chú ý nắm bắt", "xây tường", "cố định khuôn mặt", "tát vào mặt", "giam trong môi trường chật chội", "đứng thẳng", "tình thế căng thẳng", "thiếu ngủ", "cho côn trùng vào buồng giam" và "đổ nước".

Tuy nhiên, theo các nhà báo Jane Mayer, Joby Warrick, Peter Finn và Alex Koppelman thì CIA đã sử dụng những kỹ thuật tra tấn tàn bạo này trước khi bản ghi nhớ ra đời. John Kiriakou, trưởng nhóm CIA tại Pakistan cho biết Zubaydah đã bị "đổ nước" từ đầu mùa hè năm 2002, vài tháng trước ngày 1-8- 2002, là ngày bản ghi nhớ được viết.

Ngày 5-3-2009, Ủy ban Tình báo Thượng viện bỏ phiếu quyết định mở cuộc điều tra về việc giam giữ và thẩm vấn của CIA. Kết quả là Bản báo cáo ra đời sau 5 năm biên soạn, tiêu tốn 40 triệu USD, dài 600 trang và rất chi tiết về "Chương trình giam giữ, thẩm vấn bằng những kỹ thuật khắc nghiệt" dựa trên 6 triệu trang tài liệu, video, e-mail và các tư liệu khác, chủ yếu được cung cấp bởi CIA. Báo cáo viết: "Nhiều tù nhân bị đối xử khắc nghiệt hơn, các hình thức tra tấn ác độc hơn so với những gì mà CIA công bố trước đó cũng đã được áp dụng, làm hư hỏng vị thế quốc tế của Mỹ...".

Về phía CIA, Bản báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ phê phán: "Kỹ thuật thẩm vấn tăng cường do CIA sử dụng không phải là phương tiện hiệu quả. Các cuộc thẩm vấn tù nhân của CIA tàn bạo và tồi tệ hơn, điều kiện giam giữ tù nhân của CIA đáng sợ hơn với chính sách mà CIA đã hoạch định, liên tục cung cấp thông tin không chính xác cho Bộ Tư pháp, chủ động tránh né hoặc cản trở sự giám sát của Quốc hội về chương trình thẩm vấn tù nhân, cản trở sự giám sát của Văn phòng Tổng Thanh tra, cung cấp thông tin mật cho giới truyền thông, bao gồm cả thông tin không chính xác liên quan đến hiệu quả của kỹ thuật thẩm vấn tăng cường, đã để cho hai nhà tâm lý học đồng phát minh ra kỹ thuật thẩm vấn đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động, đánh giá, quản lý chương trình giam giữ và thẩm vấn…".

Với hai ông "vua thẩm vấn", John Bruce Jessen thì im hơi lặng tiếng trước những cáo buộc về tội ác của mình. Còn James Elmer Mitchell, ông ta nghỉ hưu năm 2012 rồi chuyển đến sống ở Lakes Land, bang Florida, ngày ngày chèo thuyền, câu cá. Khi được hỏi về những hành động tàn bạo trong việc tra tấn tù nhân, Mitchell nhún vai: "Tôi không có gì để phải xin lỗi vì tôi chỉ là một anh chàng, được nhiều người hỏi rằng tôi đã làm gì cho đất nước…".

Cao Trí (theo Nhân chứng toàn cầu)
.
.
.