Bên trong thế giới ngầm buôn lậu uranium

Thứ Năm, 20/12/2018, 14:28
Cùng với sự xuất hiện của các tổ chức khủng bố, các nhóm vũ trang theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chưa bao giờ thị trường vũ khí chợ đen trên thế giới lại sôi động như hiện nay mà trong đó, việc mua bán các loại vật liệu phóng xạ dùng để chế tạo “bom bẩn” như Uranium 325, Caesium 137…, đã hình thành những đường dây bí mật, điều khiển bởi các “bố già” trong thế giới ngầm...


1. Một tối mùa xuân năm 2016, Amiran Chaduneli, công dân nước Cộng hòa Georgia thuộc Liên Xô cũ, chuyên mua bán các loại hàng hóa chợ trời nhưng là hàng hóa thuộc dạng đặc biệt, chẳng hạn như súng ngắn Glock, tiểu liên AK, súng chống tăng RPG, đại liên M-60, tên lửa vác vai AT-6, chất nổ TNT, C4…,   nhận được điện thoại của một người lạ, hẹn gặp tại một cây cầu nằm ven rìa thị trấn Kobuleti trên bờ biển Đen.

Đã quá quen với những thương vụ kiểu này nên Amiran Chaduneli nhận lời. Trong cuộc gặp, đối tác của Chaduneli tự giới thiệu mình là người Thổ Nhĩ Kỳ, đang tìm kiếm một mặt hàng rất hiếm trên thị trường chợ đen nên ông ta sẵn sàng trả giá cao để có được nó. Đó chính là chất phóng xạ Uranium 325.

Sau khi thảo luận thêm vài chi tiết, Chaduneli dẫn người khách đến một căn hộ gần đó, nơi bạn anh ta là Mikheil Jincharadze đang cất giữ một cái hộp bằng chì, kích thước chỉ nhỏ bằng chiếc điện thoại di động, bên trong chứa 60 gam Uranium 325. 

Bà Tamila và chiếc điện thoại có ảnh Amiran Chaduneli, con trai bà bị tù vì mua bán vật liệu phóng xạ.

Nó quá ít để có thể chế tạo vũ khí hạt nhân nhưng nếu nó được gài kèm với một khối chất nổ thì khi phát nổ, phóng xạ từ 60 gam Uranium 325 đủ để làm nhiễm xạ một khu vực bán kính từ 3 đến 5km nếu gặp gió lớn. Ngoài những nạn nhân chết ngay tại chỗ hoặc chết tại bệnh viện vì hậu quả của vụ nổ, hàng chục nghìn người khác cũng sẽ chết bởi các bệnh ung thư do phóng xạ trong những tháng về sau.

Tiến hành ngã giá, cuối cùng người mua đồng ý trả 3 triệu USD, thời hạn giao hàng là 6 giờ chiều hôm sau, cũng tại căn hộ của Mikheil Jincharadze. Tuy nhiên, Amiran Chaduneli không hề biết rằng khách hàng của anh ta là đặc vụ ngầm thuộc Cơ quan Cảnh sát nước Cộng hòa Georgia nên ngay khi chiếc hộp chì vừa được đưa ra để nhận lại va li chứa 3 triệu USD tiền mặt, cả Amiran Chaduneli lẫn Mikheil Jincharadze đều phải cho tay vào còng. 

Theo lời khai của Jincharadze, chiếc hộp đựng 60 gam uranium 325 anh ta “nhặt được” tại một bãi phế liệu kim khí và không hề biết nó chứa chất phóng xạ. Riêng Chaduneli, ông trùm này luôn miệng cho rằng mình chỉ là người môi giới để hưởng hoa hồng, còn ai mua gì, bán gì, thì anh ta không chịu trách nhiệm!

Vụ bắt giữ Amiran Chaduneli và Mikheil Jincharadze chỉ là một trong những trường hợp mua bán vật liệu hạt nhân mà cảnh sát nước Cộng hòa Georgia phát hiện trong năm 2016. Và mặc dù quốc gia này chỉ có 3,7 triệu dân, lại không có nhiên liệu hạt nhân của riêng mình nhưng về mặt địa lý, Georgia nằm trên tuyến đường buôn lậu hạt nhân quốc tế. Từ đây, Uranium chỉ mất vài tiếng đồng hồ bằng ôtô, đi qua những lối mòn hoang vu, hẻo lánh thuộc dãy núi Kavkaz đến Thổ Nhĩ Kỳ, Iran rồi thêm vài ngày nữa, đến các vùng lãnh thổ do Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS kiểm soát ở Iraq và Syria. 

Hồ sơ lưu trữ của Cơ quan Kiểm soát vật liệu hạt nhân tại Tbilisi, thủ đô nước Cộng hòa Georgia cho thấy cũng trong năm 2016, cảnh sát nước này đã bắt giữ ba nhóm buôn lậu khi đang vận chuyển vật liệu hạt nhân xuất xứ từ nước Cộng hòa Georgia, đích đến là Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 24 gam chất thải phóng xạ Caesium-137, là loại được ưa chuộng trong việc chế tạo “bom bẩn”. 

Oleg Khintsagov, kẻ đã bán Uranium giàu cho đặc vụ Georgia.

Gần cuối năm, cảnh sát Georgia bắt tiếp một nhóm buôn lậu khi họ đang bán một lô hàng Uranium trị giá 200 triệu USD nhưng đến nay, Chính quyền vẫn chưa thể xác định nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này. Trước đó, các cuộc điều tra tiến hành trong 2 năm 2010, 2011 về một nhân vật có tên Oleg Khintsagov, người đã bán một mẩu Uranium hàm lượng cao (thường được gọi là Uranium giàu) cho một sĩ quan cảnh sát Georgia đóng giả là một thương gia Thổ Nhĩ Kỳ với lời cam kết “sẽ có số lượng lớn hơn từ các nguồn ở Siberia” đã cho thấy trên thị trường chợ đen, vật liệu hạt nhân không phải là thứ khó kiếm.

2. Khi Liên bang Xôviết sụp đổ vào đầu thập niên 1990 dẫn đến tình trạng hỗn loạn, đã xảy ra nhiều vụ đánh cắp chất phóng xạ từ các lò phản ứng và các cơ sở hạt nhân chỉ được bảo vệ sơ sài ở Nga và các quốc gia nằm trong Liên bang. Vụ bắt giữ Amiran Chaduneli và Mikheil Jincharadze với chiếc hộp chì chứa 60 gam Uranium 325 đã khiến cảnh sát Georgia đặt sự chú ý vào Abkhazia, một vùng lãnh thổ đã tách khỏi sự kiểm soát của nước này hồi đầu thập niên 1990. 

Mặc dù tự xưng là “quốc gia” nhưng Abkhazia không được thế giới công nhận vì không có đường biên giới. Tuy nhiên, Abkhazia lại là nơi đặt những kho chứa vật liệu hạt nhân bởi lẽ khi Thế chiến II kết thúc, các nhà vật lý người Đức được Liên Xô tuyển dụng đã xây dựng các máy ly tâm đầu tiên tại Viện Vật lý và Công nghệ Sukhumi, thủ đô của Abkhazia. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đây vẫn là trụ cột chính của chương trình hạt nhân Liên Xô.

Sự sụp đổ của Liên bang Xôviết đã dẫn đến nội chiến ở Abkhazia giữa một bên là chính phủ mới của Georgia và một bên là những kẻ ly khai muốn chiếm giữ Viện Vật lý và Công nghệ Sukhumi. Để bảo vệ nguồn phóng xạ, chính phủ Georgia đã thành lập một lực lượng đặc biệt, chuyên trấn áp những kẻ trộm cắp. Khi cuộc nội chiến kết thúc, Abkhazia chính thức ly khai khỏi phần còn lại của Georgia thì kể từ đó, số phận của các kho dự trữ hạt nhân là điều bí ẩn đối với các nhà quan sát quốc tế.

Chiếc túi xách chứa hộp chì với 60 gam Uranium 325 bị phát hiện và bắt giữ.

Và rồi bắt đầu từ năm 1992, Abkhazia trở thành trạm trung chuyển cho những kẻ buôn lậu với các loại súng đạn, tên lửa vác vai, thuốc lá, trứng cá hồi và dĩ nhiên là không thể thiếu Uranium mà không hề có bất kỳ một sự can thiệp nào. Ở những dải đất dọc theo con sông Dniestr nằm trên biên giới giữa Moldova và Ukraine, nơi Moscow có khoảng 1.000 quân trấn đóng kể từ khi khu vực này bị chia cắt khỏi Moldova vào đầu thập niên 1990, đã trở thành căn cứ của một trong những nhân vật buôn lậu hạt nhân khét tiếng nhất thế giới. 

Đó là Alexandr Agheenco, một công dân Nga - Ukraine, có biệt danh là “đại tá”, kẻ bị chính quyền Mỹ và Moldova truy nã vì đã bán Uranium. cho các nhóm khủng bố Hồi giáo hồi năm 2011. Đến cuối năm đó, khi bắt giữ một trung gian của “đại tá”, cảnh sát Moldova tìm thấy bản thiết kế một quả “bom bẩn” giấu trong nhà người này nhưng “đại tá” thì vẫn ngoài vòng pháp luật.

Kể từ khi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới tăng lên đến con số 9 thì mối đe dọa “bom bẩn”, chế tạo bằng vật liệu hạt nhân thứ cấp cũng tăng lên. Những ảnh hưởng lâu dài về môi trường của một quả “bom bẩn” đã khiến loại vũ khí này đặc biệt hấp dẫn đối với bọn khủng bố.

Theo các chuyên gia thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, khả năng một hoặc vài đầu đạn hạt nhân bị đánh cắp rồi lọt vào tay bọn khủng bố, những nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan là điều rất khó xảy ra, nhưng các chất phóng xạ Uranium 325, Caesium-137 có thể dễ dàng tìm mua trên thị trường chợ đen bởi lẽ một số thiết bị sử dụng trong y học cùng một số ngành công nghiệp nặng lại chứa các chất phóng xạ này, và chúng rất dễ bị đánh cắp.

Theo Sharon Squassoni, người đứng đầu Chương trình ngăn chặn phổ biến hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, DC, Mỹ, đã có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS muốn sở hữu “bom bẩn”.

Sau một loạt những vụ đánh bom xảy ra ở Brussels, Bỉ, giết chết 32 người vào tháng 3-2016, nhà chức trách Bỉ tiết lộ khi tiến hành khám xét nơi ở của một thành viên IS có liên quan trực tiếp đến những vụ đánh bom, cảnh sát đã thu được nhiều tài liệu, chỉ dẫn cụ thể về cơ sở dữ liệu của 4 địa điểm chứa vật liệu hạt nhân trên đất Bỉ.

Tại Iraq, sau khi quân đội chính phủ chiếm quyền kiểm soát thành phố Mosul từ tay IS, họ đã thu được 40kg Uranium cất dấu trong một phòng thí nghiệm của một trường đại học và người bán là “đại tá” Alexandr Agheenco.

Theo IAEA, số Uranium này là vật liệu hạt nhân thứ cấp, không có khả năng gây hại nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian bởi lẽ mặc dù các “nhà khoa học” của tổ chức IS chưa đủ kinh nghiệm, kiến thức để chế tạo thành công vũ khí hạt nhân, nhưng việc làm giàu lượng Uranium nói trên để biến chúng thành “bom bẩn” thì rất có thể nhiều nơi thế giới sẽ phải chứng kiến và gánh chịu hậu quả.

3. Cho đến nay, nước Mỹ vẫn là mục tiêu hàng đầu của các tổ chức khủng bố cực đoan, đặc biệt là Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Chính vì thế, Mỹ đã cung cấp hơn 50 triệu USD viện trợ để nước Cộng hòa Georgia chống lại việc buôn lậu vật liệu hạt nhân. Với số tiền này, tất cả các tuyến đường biên giới giữa Georgia và vùng lãnh thổ ly khai Abkhazia đều được đặt máy dò phóng xạ,  các đơn vị cảnh sát được đào tạo để cung cấp thông tin tình báo cho cơ quan quản lý vật liệu hạt nhân, cũng như ngăn chặn và bắt giữ bọn buôn lậu. Vasil Gedev Bienvili.

Cảnh sát biên giới Georgia với thiết bị dò tìm phóng xạ ở phía đông dãy núi Caucasus, một phần trong tuyến đường buôn lậu hạt nhân.

Giám đốc Cơ quan An toàn hạt nhân và bức xạ Georgia cho biết: “Chúng tôi có tất cả những công nghệ mới nhất để bảo đảm không một gam Uranium nào có thể đi lọt”.

Về phía Cộng hòa Liên bang Nga, quốc gia này có lý do riêng để lo lắng về “bom bẩn”. Vụ khủng bố giết chết 14 người và làm bị thương hàng chục người khác trong ga tàu điện ngầm St. Petersburg đã là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ vật liệu hạt nhân nằm trong tay những nhóm Hồi giáo cực đoan Chechnya.

Vì vậy, Moscow đã tích cực tiến hành các biện pháp nhằm bảo đảm cho sự an toàn của các kho dự trữ hạt nhân trên khắp Liên Xô cũ, cũng như thiết lập một mạng lưới nhằm phát hiện và ngăn chặn mọi vụ mua bán vật liệu hạt nhân trong bối cảnh phiến quân ly khai đang tìm cách chiếm giữ các vùng lãnh thổ xung quanh thành phố Luhansk và Donetsk, miền Đông Ukraine.Theo một nghiên cứu do CSIS công bố, phiến quân đã phá hủy 29 máy dò phóng xạ theo dõi sự chuyển động của vật liệu hạt nhân, được Nga đặt dọc theo biên giới với Ukraine.

Cuối cùng là số phận của ông trùm Amiran Chaduneli. Tại phiên tòa diễn ra hồi cuối tháng 12-2007, Chaduneli lĩnh 3 năm tù giam còn đồng phạm Mikheil Jincharadze lĩnh 10 năm. Trong ngôi nhà tồi tàn của mình, bà Tamila, mẹ của Chaduneli nói rằng bà không hiểu tại sao con trai bà lại tham gia vào việc mua bán hàng cấm. Bà nói: “3 triệu USD có lẽ đã làm mờ mắt nó rồi…”.

Vũ Cao (theo Global Witness)
.
.
.