Bên trong căn cứ tàu ngầm – Bảo tàng quân sự hiếm hoi bậc nhất thế giới

Thứ Tư, 03/05/2017, 11:10
Không có cơ sở quân sự bí mật nào của Nga rộng lớn hơn căn cứ tàu ngầm Balaklava tại thị trấn cùng tên nằm bên bờ Biển Đen ở vùng Crimea. Được khởi công xây dựng từ năm 1957 với mật danh 825 GTS trong bối cảnh Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ leo thang, đây là một trong số ít các căn cứ quân sự “tuyệt mật và bất khả xâm phạm” của Liên Xô cũ.

Các cựu lãnh đạo lĩnh vực an ninh quốc phòng Liên Xô cho biết, nếu một quả bom nguyên tử 100 kiloton tấn công vào căn cứ này, hàng ngàn sĩ quan, chiến sĩ và nhân viên kỹ thuật làm việc trong căn cứ, tàu ngầm, kho đạn dược vẫn có thể an toàn trước sức chấn động và phóng xạ. 

Từ lâu, giới lãnh đạo quân sự Liên Xô và các nhà nghiên cứu quốc phòng đã nhắm đến Balaklava vì các điều kiện tự nhiên ở đây rất lý tưởng cho việc xây dựng một căn cứ tàu ngầm: Eo biển hẹp mở ra một vũng biển rộng từ 200-400m thích hợp cho việc bảo vệ cảng trước những cơn gió bão cấp độ mạnh cũng như trước các khí tài trinh sát của đối phương; nước biển ở khu vực này sâu khoảng 17m, thích hợp cho tàu ngầm di chuyển.

Toàn cảnh căn cứ Balaklava nhìn từ trên cao.

Bên cạnh đó, núi Tavor được cấu tạo bằng đá cẩm thạch với độ dày lên đến 126m, một khi xây dựng căn cứ tàu ngầm ở đây sẽ chống đỡ được những cuộc tấn công hạt nhân.

Năm 1947, I. Stalin đã phê duyệt kế hoạch xây dựng cơ sở bí mật cho tàu ngầm hạt nhân, tạo nên ngôi nhà chung cho các hoạt động của Hạm đội Biển Đen của Liên Xô. Được chính thức khởi công vào năm 1953, chính quyền Xôviết đã chi một khoản tiền đầu tư khổng lồ; theo thông tin giải mật, chỉ riêng việc mở đường hầm chính đã tiêu tốn 70 triệu rúp (hơn 2 triệu USD thời giá năm1957).

Liên Xô đã phải mất 9 năm để xây dựng cơ sở này và ngụy trang lối vào. Theo thiết kế, toàn bộ công trình có diện tích khoảng 15.000m2, bao gồm nhiều khu vực khác nhau như: khu vực neo đậu tàu ngầm, xưởng sữa chữa, khu vực cất giữ vũ khí hạt nhân, lắp ráp ngư lôi, đặt máy phát điện...

Căn cứ có thể lưu giữ tối đa 9 tàu ngầm cỡ nhỏ hoặc 7 tàu ngầm hạng trung, các tàu ngầm lớn có thể ra vào căn cứ này ở trạng thái ngầm, đảm bảo tránh được những con mắt tò mò từ nhiều phía. Ngoài ra, cơ sở này có thể cung cấp năng lượng hạt nhân và trong trường hợp bị tấn công hạt nhân có thể duy trì cuộc sống cho tối đa 3.000 cư dân Balaklava trong vòng một tháng.

Công việc đào và vận chuyển bí mật hàng trăm tấn đá trong đêm tối bằng xà lan trên biển để xây dựng hạng mục chính - đường hầm dài 608m. Để có thể chống lại các cuộc tấn công hạt nhân, các bức tường bê tông trong căn cứ đều dày từ 3 - 5m, thậm chí có những đoạn dày 6m. Chính vì vậy, căn cứ có thể chịu được bom nguyên tử với sức công phá tối đa 100.000 tấn. Khi bị tấn công, Hạm đội biển Đen với 11 tàu ngầm tiêu chuẩn có thể ẩn náu tại căn cứ này.

Nơi tàu ngầm neo đậu.

Căn cứ Balaklava vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Sau khi Liên Xô tan rã và Ukraine trở thành một quốc gia độc lập, căn cứ này đã không còn được sử dụng và chính thức đóng cửa vào năm 1995, từ đó căn cứ bị bỏ hoang dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng.

Ngày nay căn cứ này đã trở thành Bảo tàng quân sự hải quân Balaklava, một bảo tàng quân sự hiếm hoi bậc nhất thế giới, giúp du khách hiểu sâu thêm về mối tương quan quân sự giữa hai cường quốc Liên Xô- Mỹ trong thời Chiến tranh lạnh. Ngay ở khu cổng vào là những tảng đá lớn, du khách đã có cảm giác như thời gian bị lui lại nửa thế kỷ khi đối diện với tấm biển báo vẽ chiếc chong chóng ba cánh - ký hiệu nguy hiểm phóng xạ hạt nhân - và bên dưới là dòng chữ lạnh lùng “Đây là khu vực cấm, kẻ lạ mặt xâm nhập vào sẽ bị bắn mà không cần cảnh báo trước”.

Hướng dẫn viên người địa phương cho biết, nhiều khu vực trong căn hầm này có độ sâu thấp hơn mực nước biển nên cực kỳ lạnh và nước đọng lại bên trong bị đóng băng quanh năm và không thể đi qua được. Hướng dẫn viên vừa chỉ tay vào hai bên vách hầm cao và dày vừa thuyết minh việc những kỹ sư trước kia đã làm thế nào để hoàn thành hai lối đi dọc hai bên kênh dẫn tàu ngầm trong căn cứ này, một bên để phục vụ cho các hoạt động của căn cứ, một bên để chứa các đầu đạn hạt nhân.

Người hướng dẫn viên này đã từng làm việc tại đây trong vòng 5 năm nhưng thực sự bà cũng không biết sự tồn tại của vũ khí hạt nhân tại đây. Chỉ sau khi làm hướng dẫn viên vài năm, bà mới biết đến sự thật này. Bà nói: “Đó là văn hóa của chúng tôi, không hỏi về những gì không liên quan đến mình. Thời đó chúng tôi có câu “Biết càng ít, ngủ càng ngon”.

Không chỉ là nơi bí mật ngay cả với các nhân viên của mình, mọi biện pháp an ninh đã được thực hiện để Balaklava được hoàn toàn bảo mật với bên ngoài. Đầu tiên là việc địa danh Balaklava bị loại ra khỏi tất cả các bản đồ Liên Xô từ năm 1957 (cho đến tận năm 1992 mới lại được khôi phục lại), và thành viên của các gia đình nhân viên làm việc cho Balaklava, sống ở vùng lân cận Sevastopol cũng cần phải nhận được sự cho phép trước khi bước vào khu này.

Bên trong căn cứ, các du khách được tiếp xúc với phương thức hoạt động, làm việc ở các mạng lưới rộng lớn suốt dọc đường hầm cho đến khi tới khu vực xung quanh bến cảng. Ở đó có những bến tàu ngầm rất rộng, một khoảng không gian đủ lớn để có thể tiếp nhận sáu chiếc tàu ngầm liên tiếp nối đuôi nhau. Bên trong căn cứ, các kiến trúc được tạo thành đường cong để làm chệch hướng bất kể vụ nổ nào, những đường kênh được lát các tấm thép phía trên tầm cao hơn đầu người.

Một mô hình tàu ngầm đặt ở bến tàu.

Không gian thật ấn tượng, mang lại cảm giác rờn rợn, khi một chiếc tàu ngầm lớn (mô hình) nổi lên giữa làn nước đen ngòm, âm thanh vang vọng của tiếng động cơ, những bước chân dồn dập.

Đi sang phía bên kia của căn cứ, mọi thứ trở nên thú vị hơn. Những đường hầm được uốn cong để bảo vệ khi có các vụ nổ. Cả đoàn nhìn thấy một căn phòng lưu giữ các bộ phận phóng xạ của các loại vũ khí. Bây giờ mọi thứ chỉ còn là cái vỏ trống rỗng.Tiếp đến là trung tâm của căn hầm, nơi chứa các tên lửa; trước đây, nơi này từng chứa đến 50 trang thiết bị hạt nhân, mọi thứ vẫn còn lưu lại dấu ấn.

Hướng dẫn viên còn chỉ cho đoàn một miếng nhựa được gắn kết rất đơn giản, gắn vào bức tường của căn phòng và giữ sợi tóc của người. Đó là nơi để kiểm tra độ ẩm trong căn phòng, độ ẩm luôn được giữ ở mức 60%. Độ ẩm cao hơn hay thấp hơn mức này đều có thể dẫn đến một vụ nổ lớn có thể phá hủy cả căn cứ và phần lớn khu vực xung quanh. Nếu sợi tóc bắt đầu cong đi, đó là dấu hiệu để các kỹ sư nhanh chóng điều chỉnh mức thông gió cho phù hợp.

Trong năm 2016, kế hoạch tăng cường tàu ngầm cho Hạm đội Biển Đen của Nga theo dự kiến sẽ có thêm 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo đề án 636.3, nâng cao cực mạnh khả năng tác chiến của hạm đội. Mặc dù căn cứ tàu ngầm ở Balaklava đã lâu không hoạt động nhưng nếu nơi đây được khôi phục, các tàu ngầm của hạm đội Biển Đen vẫn có thể dễ dàng phong tỏa một vùng rộng lớn.

Q.H. (tổng hợp)
.
.
.