Barry Seal và những hoạt động bí mật của CIA ở Nicaragua

Thứ Ba, 29/08/2017, 19:51
Ngày 19-2-1986, Adler Berriman "Barry" Seal, một chỉ điểm viên của cả Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) lẫn Cục Bài trừ ma túy Mỹ (DEA) bị bắn chết trên đường cao tốc số 61, ngoại ô thành phố Baton Rouge, bang Louisiana, Mỹ. Không lâu sau đó, DEA xác định những kẻ đã hạ sát Barry là ba thành viên của tập đoàn ma túy Medellin, Colombia.

Cái chết đột ngột của Barry đã khiến những cuộc điều tra về các đường dây chuyển lậu ma túy từ Colombia vào Mỹ trở nên bế tắc nhưng quan trọng hơn cả là những hoạt động chống lại Chính phủ Sandinista ở Nicaragua của CIA cũng đi vào ngõ cụt…

Phi công ma túy

Là con của ông Benjamin Curtis Seal, một người bán sỉ bánh kẹo và bà Mary Lou, Adler Berriman "Barry" Seal sinh ngày 16-7-1939 tại thành phố Baton Rouge, bang Louisiana, Mỹ. Lúc mới 15 tuổi, Barry đã có giấy phép lái máy bay thể thao rồi 1 năm sau đó, anh ta được cấp bằng chứng nhận phi công máy bay thương mại.

23 tuổi, Barry gia nhập Lực lượng Vệ binh quốc gia bang Louisiana. 29 tuổi, anh ta giải ngũ rồi đầu quân cho hãng Hàng không TWA (Trans World Airlines) trong cương vị phi công Boeing 707, bay tuyến Tây Âu. Hai năm sau đó, Barry chuyển sang tuyến Nam Mỹ và tại Colombia, anh ta đã bị Tập đoàn ma túy Medellin mua chuộc. Mờ mắt trước lợi nhuận khủng khiếp, Barry nhận lời vận chuyển cocain từ Colombia và từ Panama đến Mỹ bằng cách giấu nó trong khoang chứa thức ăn. Cứ mỗi chuyến thành công, Tập đoàn Medellin trả cho anh ta 50.000 USD!

Barry khi còn là phi công của hãng TWA.

Có tiền, Barry mua một căn biệt thự sang trọng ở Louisiana. Nhận thức rằng "cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra", Barry xin nghỉ việc ở TWA rồi thành lập một công ty vận tải hàng không tư nhân, trụ sở đặt tại sân bay Mena Intermountain Municipal, bang Arkansas. Theo các quan chức thuộc Hiệp hội Hàng không Mỹ, công ty của Barry đã rất thành công trong nhiều thương vụ mua bán máy bay. Ở thời điểm huy hoàng nhất, Barry sở hữu 24 máy bay, có đường bay đến 27 thành phố lớn trên toàn nước Mỹ cùng 2 đường bay đến Colombia và Nicaragua, Nam Mỹ.

Tuy nhiên trước đó, những hoạt động của Barry đã lọt vào tầm ngắm của DEA. Sau nhiều vụ bắt giữ các chân rết trong đường dây mua bán cocain của Tập đoàn Medellin, Colombia, DEA lần ra Barry. Hồ sơ do DEA thu thập được cho thấy trong suốt thời gian từ 1970 đến 1978, 20% ma túy thẩm lậu vào nước Mỹ là do Barry vận chuyển thông qua các chuyến bay của Hãng TWA, từ Colombia và Panama đến bang Florida.

Tháng 9-1983, Barry bị DEA bắt rồi bị tòa án liên bang Florida kết án 10 năm tù vì hành vi vận chuyển ma túy trái phép vào Mỹ. Đến ngày 28-3-1984, trong một buổi làm việc với Ernst Jake Jacobson, chuyên gia chống ma túy của DEA, Barry đề nghị hợp tác với cơ quan này để cung cấp thông tin về tập đoàn ma túy Medellin. Đề nghị ấy được các quan chức tư pháp liên bang đồng ý vì họ cần anh ta có mặt trong những buổi điều trần với tư cách là nhân chứng sống. Đổi lại, Barry được tha tù trước thời hạn.

Kế hoạch đặt ra là một số máy bay của Barry sẽ lắp đặt các thiết bị truyền tin công nghệ cao, và hễ cứ chuyến nào chở ma túy thì Barry sẽ gửi tín hiệu về, báo cho DEA biết.

Theo Ernst Jake Jacobson, nhằm bảo vệ Barry, DEA sẽ không chặn bắt lô hàng ma túy ngay tại sân bay, mà cứ để nó chuyển đến các đại lý. Chỉ tới khi đại lý phân phối hàng cho các nhà bán sỉ thì mẻ lưới mới được tung ra. Bằng cách này, rất nhiều kẻ đã lần lượt nối đuôi nhau vào nhà giam, trong đó có cả Caicos Norman Saunders và Quaalude, hai nhân vật  cộm cán của tập đoàn Medellin, chuyên về rửa tiền.

Từ ma túy đến chính trị

Tháng 6-1984, Barry thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của mình với các cơ quan đặc biệt Mỹ. Trong một chuyến bay từ Nicaragua đến căn cứ không quân Homestead ở bang Florida, Mỹ, Barry chở theo một lô hàng cocain - được cho là thông qua sự môi giới của một viên tướng quân đội Nicaragua. Do có sự bất nhất trong kế hoạch, số ma túy này bị DEA bắt giữ trước khi đến tay các đại lý. Điều đó khiến những bố già tập đoàn Medellin nghi ngờ nhưng họ chưa có bằng chứng cụ thể.

Barry chết vì 3 phát đạn bắn vào đầu và cổ.

Tháng 2-1985, trong một chuyến bay đến Nicaragua, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã lắp đặt trên máy bay của Barry một camera đặc biệt. Nó được kích hoạt để thực hiện việc ghi hình từ khi máy bay cất cánh cho đến lúc hạ cánh. Cuộn phim cho thấy Pablo Escobar, Jorge Luis Ochoa - là 2 kẻ cầm đầu tập đoàn ma túy Medellin cùng một số thành viên cao cấp khác, trực tiếp chỉ đạo việc đưa cocain lên một chiếc máy bay vận tải C-123. Chưa hết, trong phim còn có sự xuất hiện của Frederico Vaughan, trợ lý của Tomas Borges, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nicaragua cùng những người lính Nicaragua giúp đỡ việc chất "hàng".

Những hình ảnh trong cuốn phim đã tạo ra một chấn động trong chính trường Mỹ. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, những chứng cứ ấy đã làm xói mòn nền tảng của mối liên kết giữa Mỹ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nicaragua là ông Humberto Ortega, anh trai của Tổng thống Ortega. Đích thân Tổng thống Reagan đã điện thoại cho một lãnh đạo cao cấp của quân đội Nicaragua nhưng người này trả lời: "Chưa chắc hình ảnh trong phim đã là đúng", và ông ta "không tìm thấy thông tin nào chứng tỏ quân đội Nicaragua có dính líu đến việc buôn bán ma túy".

Sự việc càng bung bét khi tờ Wall Street Journal cho đăng một bài báo, trong đó có hình chụp những kẻ lãnh đạo tập đoàn ma túy Medellin Colombia và Bộ trưởng Nội vụ Nicaragua khi cocain đang được chuyển lên máy bay, còn trên trang bìa của tờ Washington Times là một cái tít lớn với hàng chữ: "Phải chăng Barry Seal là nhân viên mật của chính phủ?". Bài báo tiết lộ rằng đầu những năm 1960, khi đang là phi công thuộc Lực lượng vệ binh quốc gia bang Louisiana, Barry còn là thành viên của đội "Operation 40" do CIA chỉ huy. Anh ta đã nhiều lần lén lút bay vào không phận Cuba để chụp hình trinh sát các vị trí của quân đội Cuba nhằm phục vụ kế hoạch đổ bộ lên Vịnh Con Lợn.

Vẫn theo Washington Times, ngày 1-7-1972, ở thành phố New Orleans, bang Louisiana, Barry bị bắt cùng với James Miller, Richmond Harper, Marlon Hagler và Murray Kessler. Họ bị cáo buộc âm mưu gửi chất nổ C4 cho những người Cuba lưu vong ở Mexico chống Fidel Castro. Gần 7 tấn C4 cùng 2.250 mét dây cháy chậm và 2.600 kíp nổ được tìm thấy trong chiếc máy bay vận tải DC-4 tại sân bay Shreveport Regional. Chiếc máy bay này thuộc sở hữu của James Boy, cộng tác viên CIA.

Hai năm sau đó, tháng 6-1974, Barry bị đưa ra xét xử nhưng các công tố viên cho rằng số chất nổ nêu trên không liên quan đến việc hỗ trợ những người Cuba lưu vong chống Fidel Castro. Kết quả là Barry và các đồng phạm được thả. Chưa hết, Tổng thống Reagan còn cho phép các kênh truyền hình đưa lên một bức ảnh mà camera gắn trên máy bay của Barry đã ghi được, với hàm ý "một quan chức hàng đầu Nicaragua đã tham gia vào việc buôn lậu ma túy". Sự tiết lộ công khai này đặt tính mạng Barry vào vòng nguy hiểm.

Pablo Escobar (bên trái) và Jorge Luis Ochoa (đội mũ), hai kẻ cầm đầu Tập đoàn Medellin.

Trước những cơn địa chấn chính trị ấy, CIA phủi tay, cho rằng họ không liên quan gì đến Barry. Trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, đại diện CIA nói rằng cơ quan này chưa từng bao giờ cộng tác với Barry trong lĩnh vực thu thập thông tin về các đường dây đưa lậu ma túy vào Mỹ, cũng như Barry không hề hỗ trợ CIA trong bất kỳ một hoạt động nào. Về phía Barry, anh ta cũng tuyên thệ rằng anh ta không làm việc cho CIA. Việc chiếc camera bí mật gắn trên máy bay của anh ta là do "một ai đó" thực hiện, và người thực hiện cũng chẳng hề nói gì cho anh ta biết.

Bị bỏ rơi, đồng thời lo sợ bị tập đoàn Medellin trả thù, Barry "về quê ở ẩn" nhưng đến tháng 9-1985, anh ta bị Cơ quan Điều tra liên bang (FBI) bắt vì những hoạt động liên quan đến ma túy.

Tuy nhiên, do những "thành tích" đã lập được trong suốt quá trình cộng tác với DEA, thẩm phán Polozola, tòa án bang Louisiana chỉ xử phạt Barry 5 năm quản chế tại địa phương. Theo lệnh quản chế ấy, ngày nào cũng vậy, từ 6 giờ chiều hôm trước 6 giờ sáng hôm sau, Barry phải đến ngủ tại ngôi nhà của một tổ chức từ thiện có tên "Đạo quân cứu rỗi - Salvation Army" dưới sự canh chừng của cảnh sát.

“Sinh nghề tử nghiệp”

Đầu tháng 2-1986, sau khi đã có đủ bằng chứng về sự "một mặt hai lòng" của Barry, kẻ cầm đầu tập đoàn ma túy Medellin là Jorge Luis Ochoa cho gọi 3 sát thủ là Luis Carlos Quinter Cruz, Miguel Velez và Bernardo Antonio Vasquez đến rồi ra lệnh: Hoặc bắt cóc Barry đưa về Colombia, hoặc giết chết anh ta. Nếu bắt cóc thành công, họ sẽ được thưởng 1 triệu USD còn nếu giết chết, số tiền thưởng sẽ là 500.000USD!

9 giờ sáng ngày 16-2-1986, Barry thức dậy trong ngôi nhà của "Đạo quân cứu rỗi", nơi anh ta bị tòa án buộc phải ở qua đêm trong suốt 5 năm quản chế. Sau khi làm vệ sinh cá nhân, Barry bước ra ngoài rồi ngồi vào chiếc xe hơi hiệu Ford Pinto. Ngay lúc ấy, một chiếc xe khác hiệu Buick màu đen tiến đến sát cạnh xe anh ta. Từ trong chiếc Buick thò ra một nòng súng rồi lập tức vang lên 3 tiếng nổ. Barry bị 3 viên đạn cỡ 9mm găm vào đầu và cổ, chết ngay tại chỗ.

Vài tiếng sau đó, Luis Carlos Quinter Cruz, Miguel Velez và Bernardo Antonio Vasquez bị bắt khi đang cố gắng rời khỏi Louisiana để quay về Colombia. Lời khai của những tên sát thủ cho thấy họ thực hiện việc giết Barry theo lệnh của kẻ cầm đầu tập đoàn ma túy Medellin là Jorge Luis Ochoa .

Tháng 5-1987, Luis Carlos Quinter Cruz, Miguel Velez và Bernardo Antonio Vasquez  ra tòa với tội danh giết người cấp độ 1. Họ bị tòa án liên bang Louisiana kết án tù chung thân không ân xá. Trong bức thư gửi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Edwin Meese, người đứng đầu ngành tư pháp bang Louisiana là William Guste đã chỉ trích sự thất bại của chính phủ trong chương trình bảo vệ nhân chứng - mà cụ thể ở đây là Barry Seal.

Bức thư có đoạn viết: "Hồi tháng 10, với tư cách là chủ tịch tiểu ban về ma tuý, trực thuộc ủy ban về tội phạm có tổ chức của tổng thống, tôi đã chủ trì buổi điều trần nhân chứng Barry Seal. Với cương vị của ông (tức Edwin Meese), lẽ ra ông đã phải thông báo cho ủy ban và các quan chức hàng đầu của Mỹ vì Barry Seal sẽ là nhân chứng chính trong vụ kiện ra Tòa án hình sự quốc tế của Chính phủ Mỹ chống lại Jorge Louis Ochoa, kẻ đứng đầu một trong  những tập đoàn buôn lậu ma túy lớn nhất thế giới nhưng tiếc thay, mọi sự đã không như kế hoạch…".

Cao Trí (theo History)
.
.
.