Lật lại hồ sơ vụ ám sát Vua Edward VIII

Thứ Sáu, 24/07/2020, 08:22
Vụ ám sát hụt Vua Edward VIII đã được xét xử xong gần 1 thế kỷ, hung thủ đã bị tuyên án với tội danh rất nhẹ nhàng. Thế nhưng mới đây, một nhà nghiên cứu sử học đã tình cờ phát hiện ra sự thật, cho rằng vụ án đã được che đậy ở cấp cao nhất.

Vụ ám sát hụt Vua Edward VIII xảy ra vào năm 1936 đã được khép lại. Hung thủ được xác định là một chỉ điểm viên của cơ quan tình báo đối nội MI-5 tên là George McMahon.

Thời điểm xảy ra vụ việc, vào khoảng quá trưa ngày 16/7/1936, Vua Edward cưỡi ngựa trở về Điện Buckingham giữa lực lượng 6 tiểu đoàn vệ binh Hoàng gia. McMahon đột ngột chen lấn đám lính bảo vệ giương khẩu súng lục ổ xoay nhắm vào nhà vua và định bóp cò. Lúc ấy, một phụ nữ chộp lấy cánh tay y giật mạnh, đồng thời một toán cảnh sát canh gác gần đó ập đến, một viên cảnh sát tung cú đấm vào McMahon.

Cuộc giằng co lộn xộn khiến cho khẩu súng văng ra đường, trúng vào chân con ngựa của nhà vua. Hôm sau, Vua Edward VIII viết thư cho một người bạn, kể lại sự việc và “cảm ơn Đấng Quyền năng” vì khẩu súng của McMahon đã không phát nổ.

Tại phiên tòa ở Old Bailey vào tháng 9/1936, McMahon bị kết án tù 12 tháng vì tội… sở hữu vũ khí với ý đồ “làm kinh sợ nhà vua”. Có vẻ như vụ việc đã khép lại với án phạt dành cho McMahon, như cách nhà chức trách Anh mong muốn đưa ra trước công chúng. Nhưng sự thực không đơn giản như thế.

McMahon bị cảnh sát bắt, kết án tù 12 tháng sau vụ ám sát hụt.

Trong quá trình tra cứu hồ sơ phục vụ công trình nghiên cứu của mình, nhà sử học Alexander Larman đã phát hiện ra sự thật của câu chuyện đằng sau. Điều quan trọng nhất là nhà sử học Larman đã phát hiện ra quyển hồi ký chưa từng được công bố của McMahon, nhan đề “Ông ấy là Đức Vua của tôi” (He Was My King). Qua đối chiếu những gì McMahon viết trong quyển hồi ký với các tài liệu đã được giải mật của MI-5, nhà sử học Larman cho rằng sự thật nằm trong quyển hồi ký đó.

Theo nhà sử học Larman, McMahon tên thật là Jerome Bannigan, là một tên tội phạm vặt, nghiện ngập nhưng lại được MI-5 tuyển mộ làm chỉ điểm viên. Y được MI-5 biệt phái tham gia đường dây buôn lậu vũ khí chuyên vận chuyển súng lậu từ Anh đến Abyssinia.

Trong lúc tham gia làm nhiệm vụ, y được người Italy chú ý và móc nối quan hệ. Họ đề nghị trả cho y tiền mặt để y cung cấp thông tin về tình hình vận chuyển vũ khí, nguồn gốc của vũ khí. Sau tình báo Italy, người Đức cũng quan tâm đến McMahon. Trong  hồi ký của mình, McMahon cho rằng y thường xuyên liên hệ với tình báo Italy và Đức thông qua điệp viên ngầm bên trong đại sứ quán 2 nước tại London.

Theo quyển hồi ký, sau khi nhận được đề nghị ám sát Vua Edward VIII, McMahon không chỉ cảnh báo với MI-5 về một âm mưu ám sát, mà còn nói cho MI-5 biết mình có tham gia vụ việc. Y thậm chí còn đưa cho người quản lý MI-5 của mình xem khẩu súng ngắn ổ xoay mình được trao cho để ám sát nhà vua.

Kế tiếp, McMahon thông tin cho quản lý tình báo của MI-5 và đơn vị Đặc nhiệm Cảnh sát Đô thị Anh biết về thời gian và địa điểm y sẽ thực hiện vụ ám sát, nhưng cả 2 cơ quan này đều im lặng, không quan tâm đến lời cảnh báo của McMahon và cũng chẳng có hành động gì để ngăn chặn y.

Một loạt câu hỏi được đặt ra: Tại sao lại có chuyện như thế? Phải chăng có mối liên quan nào đó với người Ailen? Trong những ngày sau khi vụ việc xảy ra, truyền thông Anh và một bộ phận công chúng Anh đã nghĩ rằng chắc chắn phải có mối liên hệ nào đó. Thời kỳ đó, giữa Anh và Ailen có mối hận thù vì người Anh từng cai trị Ailen với chế độ phong kiến hà khắc.

Người ta suy luận rằng có thể gốc gác Ailen đã “gieo hận thù” trong lòng McMahon khiến y nảy sinh ý định giết chết Vua Edward để “rửa hận” chăng? Một số tài liệu MI-5 cho biết, McMahon có mối quan hệ khá nhiều với Ailen, nhưng không hẳn là mối quan hệ trực tiếp. Có thể là do y sinh ra ở Ailen, nhưng dưới triều đại cai trị của Vương quốc Anh. Nhưng trước tòa, McMahon đã khẳng định y luôn suy nghĩ mình “là người Anh chính gốc, không phải người Ailen”.

Những gì McMahon viết trong quyển nhật ký cùng với một số tư liệu cảnh sát Anh cho thấy gốc gác Ailen hầu như chẳng liên quan gì đến động cơ ám sát Vua Edward của McMahon. Người ta đã nghe một trong những viên sĩ quan bắt giữ McMahon và dẫn y về đồn cảnh sát thẩm vấn phát ra những câu nói như thế này: “Bọn người nước ngoài này đã đến đây để sát hại Đức Vua của chúng ta”.

Tại phiên tòa ở Old Bailey, McMahon cũng khăng khăng bảo rằng mình được một cường quốc nước ngoài trả tiền thuê giết chết nhà vua và rằng y đã cố tình “giả bộ” vụng về để làm hỏng nhiệm vụ ám sát.

Một đoạn đối thoại chất vấn tại phiên tòa ở Old Bailey đã được ghi chép lại như sau: “Họ có nói cho ông biết về những điều đúng và sai của Ailen không?”. McMahon đáp: “Có”. “Họ có gợi ý với ông rằng đây là một chính phủ không tốt?” Trả lời: “Có”. “Và họ có cố tình kích xúi ông căm ghét chính phủ Anh và dân tôc Anh?”. Trả lời: “Có”.

Nhà sử học Larman lý giải lý do vì sao vụ việc lại được che đậy: Rằng do vụ ám sát Vua Edward có nguy cơ trở thành một vụ bê bối lớn, gây khủng hoảng nghiêm trọng cho Hoàng gia, nên vụ việc phải được ém nhẹm. Theo Larman, cách tốt nhất mà những người nắm quyền lực có thể làm vào lúc đó là lái câu chuyện đi theo hướng khác để cho công chúng nghĩ rằng “gã đó chẳng qua chỉ muốn gây chú ý” mà thôi.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.
.