977 ngày trong tay cướp biển Somali: Số phận trớ trêu

Chủ Nhật, 16/10/2016, 10:20
Giữa tháng 1-2012, Michael Scott Moore, một nhà văn và cũng là nhà báo nổi tiếng người Đức gốc Mỹ khi đến Somali để lấy tư liệu cho một cuốn sách nói về những tổ chức hải tặc ở Ấn Độ dương, đã bị bọn cướp biển bắt giữ tại thị trấn Galkayo, miền trung Somali và đòi 20 triệu USD tiền chuộc.

Qua nhiều cuộc đàm phán, phối hợp giữa các quan chức Mỹ và Bộ Ngoại giao Đức, Michael Scott Moore được bọn cướp biển trả tự do hôm 22-9-2014, sau 977 ngày bị cầm tù.

Bị bắt vì… nổi tiếng!

"…Tôi bay đến Mogadishu, thủ đô Somalia rồi sau đó đến thị trấn Galkacyo, miền trung Somalia vào giữa tháng 1-2012 để viết về một nhóm cướp biển bị Hải quân Đức bắt giam tại Hamburg từ 2 năm trước, lúc bọn chúng tiến hành đánh cướp con tàu MV Taipan, quốc tịch Đức, đang hành trình trong vùng biển gần Somalia…"- Michael Scott Moore mở đầu câu chuyện kể về 977 ngày bị giam cầm của mình - "Vụ bắt giữ này là vụ đầu tiên kể từ khi nước Đức tham gia chống hải tặc cùng các quốc gia khác. Trước đó, tôi đã báo cáo với Ban Biên tập Tạp chí Tấm gương (Spiegel), nơi tôi làm việc ở Berlin, rằng đây là một đề tài rất thú vị".

Moore lúc mới đến thị trấn Galkacyo.

Cùng đi với Moore còn có Ashwin Raman, một nhà làm phim gốc Ấn Độ, người từng thực hiện những phóng sự về Afghanistan và đã giành nhiều giải thưởng trong các kỳ liên hoan phim tài liệu quốc tế.

Moore kể: "Trước lúc lên đường, chúng tôi được Mohammed Sahal Gerlach, một cụ già người Somali, sinh trưởng ở thị trấn Galkacyo nhưng sống tại Berlin, giới thiệu chúng tôi với trưởng lão Sa'ad, là nhân vật rất có uy tín trong hội đồng các trưởng lão ở Galkacyo. Chính trưởng lão Sa'ad cũng là người đã hướng dẫn một phóng viên truyền hình Đức thực hiện  bộ phim tài liệu khoảng tám tháng trước".

Tuy nhiên có một điều mà Moore không biết rằng, thị trấn Galkacyo là cái nôi của hải tặc Somalia. Do sự gửi gắm của Mohammed Sahal Gerlach nên trong thời gian ở Galkacyo, Moore và Ashwin Raman được trưởng lão Sa'ad đón tiếp như thượng khách. Moore kể: "Tôi đã phỏng vấn một nhân vật tên là Mustaf Mohammed Sheikh - người được coi như "ông chủ" của một nhóm cướp biển.

Theo Sheikh, ông ta tuyên chiến với các nước phương Tây vì họ đã "đổ thuốc độc xuống những rạn san hô, đánh bắt cá trong vùng biển Somalia bất hợp pháp, bán phá giá những loại thủy hải sản". Vì vậy, theo lời Sheikh, "cướp biển là một trong những hình thức phản kháng của người dân ở các quốc gia nằm dọc bờ biển châu Phi, và Somalia không phải là ngoại lệ".
Moore bị bắt cóc (ảnh do cướp biển Somalia chụp và gửi về gia đình Moore để đòi tiền chuộc).

Sau 10 ngày ở Galkacyo, Moore đã thu thập được một số tư liệu cho loạt bài của mình trong lúc nhà quay phim Ashwin chẳng có việc gì làm nên ông ta muốn rời khỏi thị trấn càng sớm càng tốt. Moore nói: "Ashwin luôn bị ám ảnh về vấn đề an ninh vì vài tháng trước, đã có 2 nhân viên cứu trợ nhân đạo người Mỹ và Đan Mạch bị bắt cóc. Tôi phải trấn an anh ấy rằng chúng tôi là khách của Sa'ad, đồng thời điện thoại về Berlin để Ashwin nói chuyện với ông già Mohammed Sahal Gerlach. Trả lời Ashwin, ông Gerlach khẳng định chừng nào lời gửi gắm của ông với trưởng lão Sa'ad vẫn còn nguyên vẹn thì chừng đó chúng tôi không phải lo lắng gì hết ".

Dù vậy, Ashwin vẫn nhất quyết đòi về. Sáng 27-1-2012, Moore đưa Ashwin ra sân bay Galkacyo. Theo kế hoạch, Ashwin sẽ đi Mogadishu rồi từ đó, ông ta bay đến Berlin, Đức, còn Moore thì ở lại để thu thập thêm một số thông tin cần thiết. Nhằm bảo đảm an toàn cho họ, trưởng lão Sa'ad điều một chiếc ôtô hiệu Land Rover cùng một tay súng tên là Yassin đến khách sạn đón Moore và Ashwin.

Những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm bắt đầu xuất hiện khi Moore và Ashwin ngồi uống trà trong phòng chờ của sân bay Galkacyo. Moore kể: "Yassin đột nhiên hỏi tôi: "Anh là Michael Scott Moore?" trong lúc một thanh niên Somalia liếc xéo tôi từ một cái bàn bên cạnh. Tôi đáp: "Vâng". Yassin nói tiếp: "Tôi đã thấy anh trên Internet. Anh rất nổi tiếng".

Moore khẽ cau mày. Linh tính cho anh biết đang có điều gì bất thường nhưng lúc ấy, Moore hoàn toàn không ngờ rằng vài ngày trước, một tên cướp biển Somalia khi lên mạng Internet, đã tình cờ nhìn thấy hình anh trong một cuộc phỏng vấn nói về nạn hải tặc với tờ New York Times, đăng cách đó 2 năm, và gã đã tải bức hình này về điện thoại của mình. Bên cạnh đó, qua bài phỏng vấn, gã cướp biển cũng biết Moore là một nhà văn người Mỹ, quốc tịch Đức.

Gần 10 giờ, Moore tiễn Ashwin ra tận cửa máy bay rồi quay lại chiếc Land Rover để trở về khách sạn. Trên con đường đầy bụi, hai bên rải rác những ngôi mộ của những thường dân Somalia thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài suốt nhiều năm, Moore bất ngờ nhìn thấy một chiếc xe bán tải, trên thùng sau là một khẩu đại liên, đang nhắm thẳng về phía chiếc Land Rover. Giây lát, khẩu đại liên khạc ra một luồng lửa sáng trắng kèm với những tiếng nổ chát chúa, tiếng đạn rít ngay trên đầu Moore.

Loạt súng có vẻ như chỉ mang tính thị uy vì ngay sau đó, khoảng 6 hay 7 người đàn ông da đen nhảy xuống, tay cầm tiểu liên AK lao về phía chiếc Land Rover. Một tên trong bọn giật mạnh cánh cửa, lôi Moore ra rồi nện báng súng vào cổ tay anh khi anh cố giữ chặt cái chốt cửa. Lúc vừa ngã xuống đất, Moore lại nhận thêm một báng súng vào đầu, làm vỡ cặp kính cận trong lúc cả tài xế lẫn người hộ vệ Yassin cũng bị lôi ra nhưng không ai bị đánh.

Cố nén đau, Moore cất tiếng yếu ớt, thanh minh rằng mình chỉ là một nhà văn nhưng nhóm bắt cóc nhanh chóng đẩy anh lên thùng sau chiếc xe. Moore kể: "Trước khi họ bắn, tôi đã cố tin rằng họ chỉ muốn kiểm tra giấy tờ nhưng sau khi súng nổ, trong tôi bỗng xuất hiện một nỗi sợ kinh hoàng. Tôi nghĩ đến gia đình tôi và ước gì tôi đừng có mặt ở nơi này. Tôi muốn tất cả chỉ là một giấc mơ và khi mở mắt, tôi vẫn ở trong căn phòng quen thuộc của tòa soạn Tạp chí Spiegel".

Chiếc xe bán tải chuyển bánh, còn túi hành lý cá nhân của Moore được bọn bắt cóc đưa cho một gã đàn ông đứng dưới đất, có tia nhìn rất dữ tợn. Xe nhanh chóng lướt qua những ngôi nhà trong thị trấn Galkacyo, nơi mới chỉ 3 tiếng trước, Moore vẫn là "thương khách" rồi tiến về phía đông. Moore ngồi co ro bên cạnh 3 tay súng mặt mũi cáu kỉnh mỗi lần chiếc xe vượt qua những ổ gà, ổ trâu lồi lõm. Có lúc, chiếc xe đột ngột nghiêng hẳn sang một bên khiến đầu Moore đập mạnh vào tấm vách kim loại, ngăn cách giữa buồng lái và thùng sau. Cố thu hết can đảm, Moore hỏi: "Các anh đưa tôi đi đâu?".

"Ok, ok", tên ngồi phía trước, cạnh tài xế trả lời: "Không vấn đề gì. Cứ ngồi im đó".

Thà chết còn hơn

Chạy suốt 6 tiếng đồng hồ, lúc mặt trời gần lặn, chiếc bán tải dừng lại trước một ngôi nhà nằm khuất sau những bụi cây, dưới một mô đất khá lớn. Moore kể: "Chúng đưa tôi vào nhà, chỉ cho tôi chỗ nằm là một tấm nệm bẩn thỉu, đặt sát vách đất. Vì không có kính, tôi hầu như chẳng nhìn thấy rõ vật gì, và tôi đã phải chịu đựng điều này trong suốt 977 ngày bị giam cầm với trạng thái gần như mù lòa. Sống như thế thì thà chết còn hơn".

Xẩm tối, một tên lính gác đưa cho Moore một ổ bánh mỳ, một chai nước và một hộp cá ngừ bé tí. Moore kể tiếp: "Lúc ấy, tôi vẫn chưa biết đó sẽ là chế độ ăn uống của tôi trong vài tháng sắp tới, cùng với mỳ ống hoặc cơm nhưng không thường xuyên". Trong 2 tháng đầu tiên sau khi bị bắt, từ một người nặng 75kg, Moore chỉ còn 55kg!

Đến sáng, lúc Moore vẫn đang nằm co ro trên tấm nệm thì một người đàn ông Somali còn trẻ, đầu đội khăn xếp theo kiểu Arab, nước da đen nhạt, tay cầm khẩu AK bước vào. Khẽ đá vào lưng Moore, ông ta nói: "Ok Michael. Ngồi dậy".

Moore mở mắt ra, cố gắng quan sát cảnh vật xung quanh. Người đàn ông hỏi tiếp: "Anh khỏe không?". "Không. Tôi bị gãy tay và bị thương", Moore chỉ lên đầu: "Họ đã lấy cái túi xách của tôi. Nó làm bằng da, màu hạt dẻ. Ông có thể nói với họ cho tôi xin lại được không. Trong đó có giấy tờ, hộ chiếu và cái máy ảnh". Người đàn ông cười khẩy: "Vậy anh nói rằng họ ăn cắp máy ảnh của anh?". "Không! Không".

Moore run rẩy khi nhận ra ẩn ý trong câu hỏi của gã đàn ông: "Tôi không nói là họ ăn cắp, mà chỉ là… họ thu giữ của tôi". Gã đàn ông chĩa khẩu AK vào đầu Moore, tay gã kéo cần lên đạn. Một âm thanh khô khốc phát ra khi khối cơ bẩm đẩy viên đạn vào nòng súng. Gã gằn giọng: "Người Somalia không trộm cắp như lũ da trắng các anh. Hãy nhớ rõ điều đó nếu anh còn muốn sống".

Một tên cướp biển Somalia canh giữ chiếc tàu câu cá ngừ bị cướp và bị đưa về bờ biển Hobyo.

Sáng hôm sau, bọn bắt cóc đưa Moore đến một ngôi làng khác. Moore kể: "Lúc bị dẫn ra xe, tôi thấy trên thùng xe có 2 con tin. Cả hai đều khoảng 60 tuổi. Một người là dân châu Phi còn người kia là thổ dân ở một hòn đảo nào đó ngoài Ấn Độ Dương. Ông ta có nước da màu cacao, mắt nhỏ. Sau này tôi biết tên ông ấy là Rolly Tambara, người sẽ gắn bó với tôi suốt một thời gian dài".

Bị trói chặt cả chân lẫn tay, chiếc xe bán tải chở Moore cùng 2 con tin chạy dọc theo bờ biển suốt hơn 4 tiếng đồng hồ rồi dừng lại trước một căn nhà bẩn thỉu, nằm cạnh rìa thị trấn Hobyo. Bọn bắt cóc giam 3 người trong 3 phòng riêng biệt, mỗi lần đi vệ sinh đều phải xin phép lính gác.

Gần cuối buổi chiều, một gã đàn ông Somali - là bác sĩ thú y theo như lời ông ta - đến kiểm tra cổ tay của Moore. Xem xét xong, gã bác sĩ thú y tuyên bố "không sao cả" mặc dù khi sờ nắn, có thể thấy rõ vài mảnh xương di chuyển dưới lớp da. Moore kể: "Ông ta dùng một cái nẹp bằng gỗ, bó vào cổ tay tôi rồi cho biết sẽ lành trong 3 tuần nhưng thực tế, phải mất 6 tuần, nó mới ổn định".

Lợi dụng những lần con tin được phép đi vệ sinh, Moore hỏi Rolly Tambara về hoàn cảnh của ông. Là ngư dân quần đảo Seychelles, nằm ở Ấn Độ Dương, tên chính thức là Cộng hòa Seychelles, Tambara bị bọn cướp biển Somalia bắt hồi cuối năm 2011, khi ông cùng một bạn chài tên Marc đang đánh cá cách bờ biển đảo Les Amirantes chỉ 80km nhưng cách Somalia những 1.200km.

Tambara kể: "Tôi không thích ăn cá nên khi đi đánh cá, tôi thường mang theo thịt và xúc xích heo. Lúc bọn cướp biển trèo lên thuyền và lúc thấy tôi đang cắt thịt heo để chuẩn bị bữa trưa, chúng ném hết xuống biển vì chúng theo đạo Hồi, mà Hồi giáo thì ăn thịt heo là xúc phạm đến đức Allah. Sau đó, chúng lấy hết số cá tôi đánh bắt được rồi đưa tôi về đây…".

Cao Trí (theo History - Michael Scott Moore - Three years as a hostage)
.
.
.