50 năm sự kiện Vịnh Con heo: Tất cả đều do người Mỹ gây nên

Thứ Sáu, 13/05/2011, 11:35

Một chiến dịch xâm lược được thực hiện bởi 2 đời Tổng thống Mỹ nhằm mục đích duy nhất là lật đổ chính quyền non trẻ của nhà cách mạng Cuba Fidel Castro cuối cùng đã biến thành thảm họa đối với những kẻ đã tạo ra nó. Nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện lịch sử tại Vịnh Con heo, báo chí Cuba và quốc tế cho rằng toàn bộ cuộc xâm lược đều do người Mỹ làm.

Kế hoạch do Phó tổng thống Richard Nixon đề xuất, Tổng thống Eisenhower phê chuẩn, Thượng nghị sĩ Robert Kennedy ủng hộ từ bên trong Quốc hội, Tổng thống John F. Kennedy phát lệnh tấn công và giao toàn bộ cho CIA trực tiếp triển khai.

Kế hoạch của Richard Nixon và Dwight Eisenhower

Theo tài liệu lưu trữ trên trang History of Cuba, cuộc xâm lược tại Vịnh Con heo (tiếng Tây Ban Nha là Bahía de Cochinos) bắt nguồn từ nỗi ám ảnh chung của giới chính trị nước Mỹ thời Chiến tranh lạnh rằng "Cộng sản sẽ thay thế chủ nghĩa đế quốc thống trị thế giới". Một năm sau khi Cách mạng Cuba thành công (1/1/1959), Tổng thống Dwight D.Eisenhower bắt đầu trở mặt, làm cho quan hệ 2 nước xấu đi, liên tục có những hành động quấy phá Cuba.

Bắt đầu từ tháng 1/1960, với việc máy bay của CIA xuất phát từ Florida thực hiện nhiều vụ ném bom napal xuống các cánh đồng mía - nguồn kinh tế chủ lực của Cuba thời bấy giờ. Còn ý tưởng về một cuộc xâm lược Cuba đã tượng hình trong suy nghĩ của Phó tổng thống Nixon từ tháng 4/1959, tức 3 tháng sau khi Cách mạng Cuba thành công và đã được Nixon chỉ đạo CIA triển khai thành một kế hoạch lật đổ chính quyền cách mạng ở Cuba. Kế hoạch hành động này do đích thân Giám đốc CIA Allen Dulles và Phó giám đốc phụ trách kế hoạch Richard Mervin Bissell, Jr. trực tiếp biên soạn.

Tổng thống John Kennedy trong Chiến dịch Pluto.

Kế hoạch bao gồm: Một là, tạo ra một lực lượng đối lập đoàn kết và có “trách nhiệm” chống lại Cách mạng Cuba, được dung dưỡng ở bên ngoài lãnh thổ Cuba; hai là, triển khai phương tiện thông tin đại chúng nhằm phục vụ mục đích tâm lý chiến, tuyên truyền chống phá Nhà nước Cuba; ba là, xây dựng và phát triển một đội ngũ tình báo bí mật bên trong Cuba, phối hợp chặt chẽ với thành phần Cuba lưu vong; và bốn là, xây dựng lực lượng bán quân sự bên ngoài Cuba phục vụ cho "chiến tranh du kích" sau này. Tất cả hành động này đều phải làm sao giấu thật kỹ "bàn tay" can thiệp của Mỹ.

Ngày 17/3/1960, “Chiến dịch Pluto”, đã được Tổng thống Eisenhower phê chuẩn tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia (NSC). 9 tháng sau, ngày 3/1/1961, Eisenhower đã biểu lộ sự nôn nóng muốn tiến hành ngay kế hoạch xâm lược Cuba, bày tỏ một thái độ hung hãn chống lại Cách mạng Cuba và quyết định cắt quan hệ ngoại giao vĩnh viễn với Cuba.

Bước chuẩn bị tiếp theo, Eisenhower duyệt chi ngân sách 4,4 triệu USD (theo thời giá lúc đó) chi phí cho việc triển khai kế hoạch, trong đó dành 950.000USD cho hoạt động chính trị, 1,7 triệu USD cho công tác tuyên truyền tâm lý chiến, 1,5 triệu USD tài trợ cho lực lượng bán quân sự và 250.000USD chi phí cho hoạt động tình báo. Một năm sau, khi tiến hành chiến dịch xâm lược, chi phí đã đội lên đến 46 triệu USD.

Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Kennedy đã tỏ ra rất "tâm huyết" với kế hoạch tấn công Cuba của Eisenhower. Điều này được thể hiện rõ trong Thông điệp liên bang đầu tiên mà Tổng thống Kennedy đọc trước công chúng Mỹ ngày 30/1/1961, trong đó Kennedy tuyên bố "không thể để cho Cộng sản thống trị Tây bán cầu". Theo các tài liệu về Vịnh Con heo, ngoài Tổng thống Kennedy, anh trai ông  là Thượng nghị sĩ Robert Kennedy cũng là người ủng hộ rất nhiệt tình Chiến dịch Pluto.

Quyết định của Kennedy, CIA trực tiếp triển khai

Từ tháng 4/1960, CIA đã bắt đầu tuyển mộ các phần tử Cuba lưu vong ở Miami, bang Florida và tiến hành công tác huấn luyện. Theo tài liệu lưu trữ, CIA đã chi trả lương huấn luyện cho các phần tử Cuba lưu vong 400USD/người/tháng, cộng thêm 175 USD/tháng để nuôi vợ con kèm theo.

Từ tháng 4 đến 7/1960, việc tuyển chọn nhân sự và huấn luyện được tiến hành trên đảo Useppa và một số cơ sở tại Nam Florida, còn các bài huấn luyện chiến tranh du kích đặc biệt được huấn luyện tại 2 căn cứ của Mỹ ở Panama là Fort Gulick và Fort Clayton. Khi quân số tuyển mộ tăng lên, CIA bắt đầu tiến hành huấn luyện tác chiến trên bộ tại căn cứ CIA mang mật danh “JMTrax” ở gần Retalhuleu, vùng duyên hải Sierra Madre của Guatemala. Lực lượng Cuba lưu vong tham gia huấn luyện tự đặt tên cho đơn vị mình là Lữ đoàn 2506.

Mùa hè 1960, một sân bay dã chiến (mật danh “JMMadd”, còn gọi là Căn cứ Rayo) đã được xây dựng gần Retalhuleu. Đơn vị Alabama ANG (Vệ binh Quốc gia đóng tại Alabama) được giao phụ trách huấn luyện kỹ thuật bắn súng và lái máy bay cho Lữ đoàn 2506. Theo tài liệu lưu trữ, hơn 30 máy bay chiến đấu loại B-26 đã được sử dụng cho công tác huấn luyện, sau đó 20 chiếc được cải tiến thành máy bay tấn công phục vụ Chiến dịch Pluto.

Ngoài ra, một căn cứ khác là Garrapatenango ở Guatemala cũng được sử dụng để huấn luyện lực lượng bán quân sự, hỗ trợ tiền phương; còn công tác huấn luyện người nhái, sử dụng tàu thuyền đổ bộ tiến hành tại đảo Vieques, Puerto Rico. Ngày 9/4/1961, Lữ đoàn 2506 cùng toàn tàu chiến, xe tăng và máy bay từ Guatemala được chuyển đến mật cứ JMTide trong Thung lũng Hạnh phúc ở Puerto Cabezas, Nicaragua bằng máy bay Curtiss C-46.

Trước khi tiến hành việc đổ bộ lên bãi biển Playa Giron (Vịnh Con heo), CIA đã thực hiện một số cuộc oanh tạc bằng máy bay xuống các doanh trại dân quân Cuba ở Bayamo (3/4/1961), Nhà máy đường Hershey ở Mantanzas (ngày 6/4/1961). Ngoài ra, một chuyến bay của Hàng không Cuba (Cubana Airliner) cũng bị cướp và điều đến Jacksonville, bang Florida.

Theo kế hoạch ban đầu, việc đổ bộ sẽ diễn ra vào ban ngày, địa điểm là thành phố biển Trinidad, miền Tây Nam Cuba. Tuy nhiên, vì Tổng thống Kennedy sợ đổ bộ ban ngày sẽ làm lộ diện vai trò chủ mưu của Mỹ nên đã quyết định thay đổi kế hoạch đổ bộ vào ban đêm tại Vịnh Con heo, nơi được xem là thuận tiện hơn cho việc sử dụng máy bay tấn công trên bộ.

Kennedy tính toán rằng, một khi đã làm chủ được khu vực Vịnh Con heo, bước đầu tiên là CIA dựng lên chính quyền kháng chiến lâm thời sẽ ngay lập tức được Mỹ công khai công nhận là "Chính phủ hợp pháp ở Cuba". "Chính phủ" này ngay sau đó sẽ chính thức yêu cầu Mỹ hỗ trợ về mặt quân sự và một cuộc can thiệp mới với quy mô toàn diện sẽ được bắt đầu.

Các phần tử Cuba phản động thuộc Lữ đoàn 2506 bị bắt sau khi đổ bộ vào Playa Giron và Playa Larga trong Vịnh Con heo.

Ngày 12/4/1961, tức 5 ngày trước khi Chiến dịch Pluto mở màn, Tổng thống Kennedy thêm một lần nữa cố tình tạo bức màn che đậy âm mưu đen tối của Mỹ khi phát biểu trên báo chí rằng "sẽ không có, dù trong bất cứ điều kiện nào, một sự can thiệp của lực lượng vũ trang Mỹ vào Cuba", rằng chính quyền Mỹ "có trách nhiệm bảo đảm rằng không người Mỹ nào có hành động can thiệp vào Cuba"... và "vấn đề cơ bản ở Cuba không phải giữa Mỹ với Cuba mà là giữa người Cuba với nhau"…

Ngày 14/4/1961, Lữ đoàn 2506 đã rời căn cứ huấn luyện Puerto Cabezas ở Nicaragua để đến điểm tập kết ở Retalhuleu, Guatemala. Đến thời điểm này thì chính quyền cách mạng Cuba đã biết được kế hoạch tấn công của địch, chỉ có điều chưa nắm chính xác thời gian và địa điểm đổ bộ. Bởi vậy, khi phi đội máy bay B-26 đầu tiên của Mỹ bắt đầu ném bom đồng loạt các sân bay vào ngày Chủ nhật 15/4 thì Cuba đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó, toàn bộ các máy bay, xe tăng chiến đấu đã được sơ tán, ngụy trang và cất giấu cẩn thận, chỉ có những chiếc hư hỏng, không còn khả năng sử dụng được để lại để tạo hiện trường giả nhằm thu hút hỏa lực của địch.

Trong khi đó, CIA đã phái nhiều điệp viên bí mật xâm nhập Cuba để chuẩn bị cho việc hỗ trợ lực lượng đổ bộ và phá hoại những công trình công cộng bên trong Cuba.

Nửa đêm 16/4/1961, Chiến dịch Pluto chính thức mở màn với một toán người nhái thâm nhập bãi biển Playa Giron và bật tín hiệu dẫn đường cho 6 tiểu đoàn gồm 1.500 phiến quân Cuba lưu vong đổ bộ vào 2 bãi biển Playa Giron và Playa Larga. Manuel Artime được chọn làm thủ lĩnh chính trị cho đội quân xâm lược.

Tuy nhiên, "thiên bất dung gian", những rặng san hô có hình dạng sắc bén như dao mà máy bay do thám U2 chụp ảnh từ trên không trung khiến cho CIA tưởng nhầm là "rong biển", đã phá hỏng một số chiến thuyền đổ bộ, làm trì hoãn cuộc đổ bộ đủ lâu để cho kế hoạch xâm lược bị bại lộ. Trong khi đó, CIA và lực lượng đổ bộ cũng không hề biết rằng, 5 dân quân Cuba đã chờ sẵn ở Playa Giron để báo tin về cuộc xâm lược cho các chỉ huy quân đội cách mạng.

3h sáng ngày 17/4, Chủ tịch Fidel Castro đã nắm rõ về cuộc đổ bộ trong đêm và ra lệnh phản công ngay lập tức. Chiếc chiến đấu cơ đầu tiên của Cuba cất cánh giáng đòn chí tử đánh chìm tàu chỉ huy mang tên Maroqa và tàu chở khí tài hạng nặng Houston khi chúng còn cách bờ biển 120km.

Ngay sáng hôm sau cuộc đổ bộ, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Dean Rusk đã tổ chức một cuộc họp báo, tiếp tục lừa bịp dư luận rằng Mỹ "không can thiệp vào Cuba", rằng "những gì xảy ra ở Cuba là do người Cuba tự quyết định". Đại sứ Mỹ tại LHQ Adlai Stevenson còn thẳng thừng bác bỏ thông báo của phái đoàn Cuba về hành động xâm lược của Mỹ, bảo rằng đó là máy bay của… quân đội Cuba(?)

Người Mỹ nham hiểm đến độ đã ngụy trang các máy bay B-26 cho giống hệt như máy bay của quân đội Cuba, sử dụng các phi công Cuba lưu vong đóng giả làm phi công Không quân Cuba rồi chụp hình để ngụy tạo rằng các máy bay đó là "của quân đội Cuba", là "phi công Cuba đào tẩu" nhằm che đậy hành động xâm lược của mình.

Tuy nhiên, "gian mà không ngoan", máy bay của Cuba là do Liên Xô sản xuất thì giống thế nào được với loại B-26 của Mỹ? Vì vậy, chỉ sau vài giờ kiểm tra các bức ảnh do Đại sứ Stevenson trưng ra, Đại hội đồng LHQ không khó để nhận ra trò lừa bịp của Mỹ.

Bài học đắng cay

Mọi chuyện đổ bể tại Đại hội đồng LHQ khiến Mỹ hết sức bẽ mặt. Đại sứ Mỹ đã rất tức giận và công khai yêu cầu Kennedy "ngưng ngay cuộc xâm lược" để tránh bị mất mặt thêm. 12h trưa ngày 17/4, Tổng thống Kennedy nhận được bức thư của Tổng Bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev trong đó viết: "Chẳng có ai mà không biết đội quân xâm lược được người Mỹ huấn luyện, trang bị và vũ trang. Những chiếc máy bay đang thả bom ở các thành phố Cuba và những quả bom được thả xuống đều là của Mỹ". "…Vẫn còn chưa muộn để tránh đi quá đà…".

21h ngày 17/4, McGeorge Bundy, trợ lý đặc biệt của Tổng thống Kennedy, đã điện thoại cho tướng chỉ huy CIA C.P. Cabell yêu cầu không triển khai đợt tấn công bãi biển Giron vào sáng hôm sau. Nhưng người Mỹ vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Trong tình thế Lữ đoàn 2506 đang bị kẹt và rất cần cứu viện, các máy bay Mỹ lại tiếp tục "vớt cú chót" vào rạng sáng ngày 19/4 nhằm cứu vãn cục diện của quân xâm lược, nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Các máy bay Mỹ đã không thoát được phòng tuyến phòng không hiện đại của Cuba.

Kết quả của cuộc xâm lược Vịnh Con heo không gì tệ hơn: toàn bộ 1.500 quân Cuba lưu vong do Mỹ huấn luyện bài bản đã bị quân Cách mạng Cuba tiêu diệt gọn, trong đó hơn 200 tên bị giết, còn lại gần 1.200 tên bị bắt sống, mỗi tên sau đó bị tuyên án 30 năm tù, hầu hết được trả về Mỹ sau 20 năm thương lượng và chính quyền Mỹ chấp nhận bồi thường cho Cuba, ngoại trừ 3 tên bị giam 25 năm.

Phía Mỹ, ngoài những thiệt hại về vật chất, khí tài quân sự còn có 4 phi công bỏ mạng sáng ngày 19/4. Sau khi vụ việc kết thúc, Giám đốc CIA Allen Dulles và các Phó giám đốc Charles P. Cabell và Richard Bissell đều bị cách chức. Nội bộ CIA trở nên xáo trộn nghiêm trọng do những báo cáo sai phạm từ vụ Vịnh Con heo.

Bài học đau đớn nhất của Kennedy và bộ sậu chính quyền ở Washington chính là tư tưởng chủ quan, suy nghĩ viển vông phi thực tế của họ về tiềm lực và ý chí của quân dân Cuba. Chính nhờ tinh thần cảnh giác cách mạng mà Cuba do Chủ tịch Fidel Castro lãnh đạo đã không bị bất ngờ và đã có những bước phòng bị sẵn, kể cả việc tung gián điệp xâm nhập vào hàng ngũ huấn luyện ở Guatemala để nắm thông tin chi tiết từng hoạt động của chúng

An Tôn (tổng hợp)
.
.
.