25 năm cuộc đảo chính tháng 8-1991 tại Liên Xô

Thứ Năm, 18/08/2016, 06:59
Chính biến tháng 8-1991 là tiếng chuông cáo chung đầu tiên cho sự sụp đổ của Liên bang Xôviết mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng gọi đây là "thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ". Và hai nhân vật đóng vai trò tối quan trọng tạo nên thảm họa này là "kiến trúc sư" cải tổ Mikhail Gorbachev và "Sa hoàng Nga thời hiện đại" Boris Yeltsin.

Bài 1: Kẻ đốt đền quyền thế

Cuộc chính biến tháng 8-1991 là hệ quả tất yếu của quá trình chuyển đổi lệch hướng công cuộc cải tổ và công khai hóa, từng được Tổng bí thư Mikhail Gorbachev khởi xướng từ tháng 3-1985.

Được "khua chiêng gióng trống" ầm ĩ, công cuộc cải tổ không những không chữa được những căn bệnh trầm kha của xã hội Xôviết mà cuối cùng lại còn giúp cho thế lực hữu khuynh, những kẻ thù giai cấp và đầy tham vọng cá nhân tận dụng triệt để trong việc kích động lực lượng phản kháng tác động đến phần lớn quần chúng đang mất dần niềm tin vào thể chế.

Chính biến tháng 8-1991 là tiếng chuông cáo chung đầu tiên cho sự sụp đổ của Liên bang Xôviết mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng gọi đây là "thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ". Và hai nhân vật đóng vai trò tối quan trọng tạo nên thảm họa này là "kiến trúc sư" cải tổ Mikhail Gorbachev và "Sa hoàng Nga thời hiện đại" Boris Yeltsin.

Sai nhiều ly, đi muôn dặm

Kể từ khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1985, Gorbachev đã theo đuổi và tiến hành nhiều cải cách toàn diện trong hệ thống Xôviết. Thoạt đầu, Mikhail Gorbachev chỉ muốn cải cách chế độ Xôviết lúc đó đang mắc chứng bệnh trì trệ khá trầm trọng do những nguyên nhân phần nhiều mang tính chủ quan.

Từ trái sang phải: Boris Yeltsin, Ivan Laptev, Chủ tịch đoàn Xôviết tối cao Liên Xô và Mikhail Gorbachev trong một phiên họp của Đại biểu Hội đồng nhân dân Moskva năm 1991.

Không vượt lên trên được các đối thủ phương Tây trong Chiến tranh Lạnh về hiệu suất cũng như thành quả lao động, không kiên quyết đấu tranh bài trừ những căn bệnh vốn bắt rễ và âm thầm lây lan trong giới cầm quyền như nạn tham nhũng, bè phái, hưởng nhiều đặc lợi vượt giới hạn, sùng bái chủ nghĩa hình thức, xa rời hay diễn giải sai lệch theo kiểu xu thời những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin trong khi Gorbachev không có phương án nào khả dĩ để đối phó với trào lưu dân tộc chủ nghĩa đang sinh sôi nảy nở và biến tướng từng ngày hay các vụ tranh chấp lãnh thổ giữa các nước cộng hòa... đó chính là những nguyên nhân chính khiến Nhà nước Xôviết dần dà suy giảm tiềm lực và vị trí của mình trên trường quốc tế.

Công bằng mà nói, chủ trương kết hợp "cải tổ" (perestroika) nền kinh tế, trong đó chú trọng hơn vào các chính sách thị trường tự do, và "cởi mở hay công khai hóa" (glasnost) trong ngoại giao, Mikhail Gorbachev đã cải thiện đáng kể quan hệ với nhiều nền dân chủ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Nhưng trên bình diện đối nội, Mikhail Gorbachev càng ngày càng phải đối mặt với nhiều chỉ trích đến từ cả những người ủng hộ cải cách và những người bảo thủ cứng rắn.

Đại diện cho phe cải cách như Boris Yeltsin cũng cho rằng nghị trình cải cách của Gorbachev quá chậm chạp, còn những người theo phe bảo thủ lại chỉ trích chính sách và hành động của Mikhail Gorbachev là xa rời các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác. Trong nỗ lực thúc đẩy chương trình cải cách của mình, Gorbachev đã dẫn đầu một phong trào sửa đổi Hiến pháp Liên Xô, bao gồm việc thiết lập một vị trí tổng thống mới tập trung nhiều quyền lực hơn.

Những nỗ lực ấy đã tạo điều kiện cho một số lực lượng và phong trào mà Gorbachev không hề ngờ tới xuất hiện, đặc biệt là sự kích động và phát triển của chủ nghĩa dân tộc quốc gia từ phía các nước cộng hòa bên trong Liên bang Xôviết mà dân tộc Nga chỉ chiếm thiểu số, làm nảy sinh xu hướng ly khai khỏi thể chế trung ương tập quyền.

Ngày 15-3-1990, Đại hội Đại biểu Nhân dân Liên Xô bầu Tổng bí thư Mikhail Gorbachev lên làm Tổng thống đầu tiên của Liên bang Xôviết với nhiệm kỳ 5 năm. Tuy đây là một thắng lợi của  Mikhail Gorbachev, nhưng để đi đến thắng lợi này, ông ta đã làm việc không ngừng nghỉ và dùng nhiều chiêu thức như liên tục đe dọa sẽ từ chức để đảm bảo rằng Đại hội sẽ dành cho ông ta hai phần ba số phiếu đa số cần thiết.

Vì nếu thất bại, ông ta sẽ phải chạy đua với những ứng cử viên khác trong một cuộc tổng tuyển cử. Vòng bầu cử cuối cùng trong Đại hội diễn ra hết sức gay cấn, và cuối cùng, với khoảng cách 46 phiếu mong manh, Gorbachev  đã giành được hai phần ba số phiếu bầu cho mình.

Liên bang Nga, chủ thể quan trọng nhất trong Liên bang Xôviết tuyên bố chủ quyền vào ngày 12-6-1990 và sau đó giới hạn áp dụng luật Xôviết, đặc biệt các luật lệ liên hệ tới tài chính và kinh tế, trên lãnh thổ Nga. Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao đề nghị tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn Liên bang vào ngày 17-3.

Trong khi các nước cộng hòa vùng Baltic và các nước Armenia, Gruzia, Moldova tẩy chay thì đa số công dân của tất cả các nước cộng hòa khác trong Liên bang đều thể hiện mong muốn gìn giữ Liên bang Xôviết.

Sau nhiều cuộc đàm phán, tám trong số chín nước cộng hoà (ngoại trừ Ukraine) đã thông qua Hiệp ước Liên bang mới với mục tiêu biến Liên Xô thành một liên bang của những nước cộng hòa độc lập với một vị tổng thống, có chính sách đối ngoại và quân đội chung. Liên bang Nga, Kazakhstan và Uzbekistan dự định sẽ ký kết hiệp ước tại Moskva ngày 20-8-1991.

Theo lời kể của Vladimir Kriuchkov, nguyên Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia (KGB), chính Boris Yeltsin đã thuyết phục được Mikhail Gorbachev cho biên soạn dự thảo Hiệp ước Liên bang mới trong vòng bí mật mà không cho bất cứ ủy viên nào trong Xôviết tối cao Liên Xô hay Đại hội các đại biểu nhân dân hay biết. Theo tinh thần bản dự thảo được hoàn thành vào cuối tháng 7-1991 này, hạn mức đóng góp tài chính và số lượng thuế nộp cho ngân sách Liên bang chỉ do chính quyền các địa phương quy định.

Trong tất cả các cơ quan quyền lực thì sẽ chỉ có KGB mang quy mô liên bang, còn các lực lượng vũ trang, Bộ Nội vụ cũng như một số cơ quan chức năng khác thuộc các lĩnh vực đối ngoại, truyền thông… sẽ nằm trong tay chính quyền các nước cộng hòa.

Điều này có nghĩa là chính quyền Liên bang sẽ không còn công cụ hữu hiệu nào để kiểm soát và quản lý ở tầm quốc gia. Boris Yeltsin vào thời điểm này là nhân vật có tầm ảnh hưởng như thế nào mà có thể dùng "ba tấc lưỡi" cùng bộ sậu thân tín của mình thuyết phục được M. Gorbachev cho soạn thảo một Hiệp ước liên bang mang tính dự báo ngày tan vỡ của Liên bang Xôviết hùng mạnh bậc nhất ở phần Đông bán cầu?

Kẻ đốt đền “Danh vang như cồn”

Boris Nicolaievich Yeltsin sinh trưởng ở vùng Sverdlovsk, gia nhập Đảng cộng sản Liên Xô từ năm 1961, bắt đầu làm việc trong bộ máy hành chính của đảng năm 1968 với cương vị lãnh đạo phụ trách xây dựng Ủy ban vùng Sverdlovsk. Năm 1975, Boris Yeltsin trở thành Bí thư Ủy ban vùng và chịu trách nhiệm phát triển công nghiệp vùng.

Năm 1977, chính B. Yeltsin là người  ra lệnh phá huỷ chứng tích tòa nhà của thương gia Ipatiev,  nơi giam giữ Sa hoàng Nicolai II, gia quyến và những tùy tùng thân tín nhất, cuối cùng toàn bộ họ bị hành quyết vào năm 1918. Tòa nhà này bị phá hủy chóng vánh chỉ trong đêm và rạng sáng ngày 18-9. Phát huy năng lực của một lãnh đạo phụ trách xây dựng ủy ban vùng ngày trước, trong 30 năm hoạt động, Yeltsin đã phát triển các mối quan hệ với những nhân vật chủ chốt bên trong cơ cấu quyền lực Xôviết.

Boris Yeltsin và Alexander Korzakov trong những ngày xảy ra cuộc đảo chính.

Yeltsin được bầu vào Bộ Chính trị và kiêm chức Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Ủy ban thành phố Moskva (có thể hiểu vị trí lãnh đạo này nôm na là thị trưởng) từ ngày 24-12-1985 đến năm 1987. Ông ta được đề bạt lên tới các chức vụ đó nhờ Mikhail Gorbachev và Yegor Ligachev, những người tin tưởng rằng Yeltsin sẽ trở thành "người phe mình". Yeltsin ngoài việc được hưởng những chế độ ưu đãi đặc biệt dành cho lãnh đạo cấp cao còn được cấp một căn biệt thự "khiêm tốn" ở thôn quê trước kia từng thuộc quyền sở hữu của Gorbachev.

Trong thời gian này, Yeltsin rất biết cách tự thể hiện mình như một nhà cải cách và gần gũi quần chúng như chuyện ông ta đến công sở bằng xe điện bánh hơi (một trong các phương tiện giao thông công cộng phổ biến trong các thành phố lớn của Liên Xô), liên tục sa thải "những kẻ quan liêu, ù lì" và không ngừng cải tổ bộ máy nhân sự của mình. Những động thái và cách hành xử của một nhân vật như thế trong cỗ máy lãnh đạo hành chính già cỗi nghiễm nhiên biến ông ta thành một "ngôi sao" chói lòa và được dân chúng thủ đô truyền tai nhau trong niềm phấn khích.

Năm 1987, Yeltsin công khai bày tỏ sự bất bình với những bước tiến hành cải tổ chậm chạp trong xã hội, đòi ra khỏi Bộ chính trị. Gorbachev sau khi phê phán Yeltsin "non nớt về chính trị" và "có cách hành xử hoàn toàn vô trách nhiệm", đã đưa vấn đề bãi miễn chức vụ Bí thư thứ nhất của Yeltsin tại phiên họp toàn thể Thành ủy Moskva. Tháng 11-1987, Yeltsin bị cách chức và bị "chuyển vị trí công tác" làm Phó ủy viên thường trực Ủy ban nhà nước về xây dựng.

Cú giáng này khiến Yeltsin choáng váng và đau đớn đến mức phải nhập viện. Trong tâm trạng rối loạn và nhục nhã, Yeltsin bắt đầu sắp đặt kế hoạch trả thù. Có thể thấy, một khi thể chế đã bộc lộ những lỗ hổng mang tính hệ thống khiến những kẻ cơ hội có thể luồn sâu leo cao thì tất yếu sẽ sản sinh ra những kẻ thù cốt tử ngay trong chính đội ngũ quyền cao chức trọng nhất. Những nhân vật như thế chỉ mượn hệ tư tưởng làm công cụ tiến thân chứ không phải là những người thực sự mang sứ mệnh làm lãnh đạo.

Trong sử sách Hy Lạp, Herostratos là một gã thanh niên sống lêu têu nhưng luôn hy vọng sẽ trở nên nổi tiếng, vì thế hắn đã phóng hỏa đền thờ thần Artemis ở Ephesus (nay nằm ở miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 21-7-356 trước Công nguyên. Đền thờ này là ngôi đền đẹp nhất trong số khoảng 30 ngôi đền của người Hy Lạp xây dựng để thờ phụng thần Artemis, nữ thần săn bắn.

Đây cũng là một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Không những không thèm lẩn tránh vì đã cố ý phóng hỏa ngôi đền linh thiêng, Herostratos còn rất tự hào nhận trách nhiệm với hy vọng tên tuổi mình sẽ trở thành bất tử trong lịch sử. Vì vậy, những nhà chức trách ở Ephesus đã không chỉ xử tử hình Herostratos mà còn biến hắn trở thành một người vô danh khi tuyên án. Đương nhiên biện pháp này cũng không thể ngăn cản Herostratos đi vào lịch sử như hắn mong muốn.

Trung tướng Alexander Korzhakov từng là chỉ huy lực lượng bảo vệ Boris Yeltsin ngay từ khi ông này chưa trở thành ông chủ Điện Kremli đã chứng kiến toàn bộ đoạn đường thay đổi của kẻ từ chỗ là một trong những nhân vật hàng đầu của thể chế Xôviết trở thành một trong những thủ phạm chính khiến Liên Xô tan rã. Khi "Sa hoàng tương lai" Boris bị đẩy khỏi ghế Bí thư Thành ủy Moskva, trong khi đội vệ sĩ riêng của ông ấy theo đúng quy chế phải giải tán thì Alexander Korzhakov đã chấp nhận ở lại bên Yeltsin và còn đưa cho ông ta dùng chiếc ôtô hiệu Niva của mình.

Thời gian đó, giữa A. Korzhakov và  Yeltsin vẫn còn những quan hệ nằm ngoài công vụ: thỉnh thoảng họ gọi điện thoại cho nhau, tới nhà nhau chơi… A. Korzhakov quay về Bộ Tư lệnh cảnh vệ xin làm… chân trực ban. Lịch làm việc của A. Korzhakov khi ấy là  cứ ba ngày thì một ngày phải trực, vì hai ngày còn lại thì được quay về khu Prostokvashino là nơi gia đình bên vợ sinh sống cách Moskva 90km. A. Korzhakov vẫn giữ liên lạc với ông Yeltsin.

Ông ta cũng hay tới chỗ A. Korzhakov chơi nếu ngày nghỉ của hai người trùng nhau. Cũng chính vì hay gặp gỡ bù khú "vài ly" với Yeltsin mà đến giữa năm 1988, A. Korzhakov bị sa thải. Sau khi bị sa thải, mọi sự trở nên đơn giản hơn vì A. Korzhakov đi làm cho một công ty an ninh tư nhân nên chuyện gặp gỡ Yeltsin còn diễn ra thường xuyên hơn. Đến mùa thu cùng năm thì xảy ra chuyện Yeltsin "bị mưu sát"!

Korzhakov kể lại: Tại diễn đàn Đại hội Đại biểu Nhân dân Liên Xô, có ai đó đã khuấy động khán phòng bằng tin dường như là có "kẻ thù" định mưu sát ông Yeltsin bằng cách đẩy ông ta từ trên cầu xuống. Nhưng vài năm sau thì một số người cũng từng là Ủy viên Trung ương lại khẳng định với A. Korzhakov rằng, mọi việc không phải như thế. Trước khi tin "bị mưu sát" loang ra, ông Yeltsin có tới chỗ nhà cô nhân tình của mình, một "chị nuôi" làm việc trong khu nghỉ dưỡng chính phủ Uspenskoie. Đến nhà cô ấy, Yeltsin chơi trò của thanh niên là nhặt viên đá nhỏ rồi ném lên cửa sổ nhà cô ta. Không may là lúc đó trong nhà cô ấy lại có mặt cậu nhân tình trẻ nên cậu ta nổi cơn ghen, chạy ra gây gổ với ông Yeltsin rồi nổi đóa xô ông ta ngã vào một vũng nước. Thế là ông Yeltsin đi kể lại với mọi người rằng ông ấy bị "kẻ thù xô xuống cầu" (!)…

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.
.