Ukraine đối mặt với thảm họa hạt nhân mới

Thứ Bảy, 09/05/2015, 14:30
Ngày 26/4/1986, tổ máy số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát nổ, gây ra nguy cơ nhiễm xạ cho một khu vực rất rộng ở châu Âu...

Nhân dịp tưởng niệm 29 năm ngày xảy ra thảm họa Chernobyl, ngày 25/4/2014, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, đại diện thường trực của Nga, Ukraine và Belarus tại Liên hợp quốc đã ra tuyên bố chung về vấn đề này, đồng thời đánh giá cao Nghị quyết 68/99 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc tăng cường sự hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu và khắc phục hậu quả tai hại của thảm họa Chernobyl, cũng như hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ có những cách tiếp cận mới để tiếp tục khắc phục hậu quả sau năm 2016, khi tròn 30 năm sau thảm họa.

Ngày 26/4/1986, tổ máy số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát nổ, gây ra nguy cơ nhiễm xạ cho một khu vực rất rộng ở châu Âu.

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

Theo ước tính, lượng phát xạ từ vụ tai nạn này tương đương với 400 quả bom nguyên tử từng ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Chernobyl và khu vực lân cận đã bị bỏ hoang và cách ly hoàn toàn sau thảm họa ngày 26/4/1986. Do không có tường chắn, bụi phóng xạ phát tán ra nhiều vùng phía Tây nước Nga, Đông và Tây Âu, Scandinavia, Anh và phía Đông nước Mỹ. Nhiều vùng thuộc Ukraine, Belarus và Nga bị ảnh hưởng nặng nề. Thảm họa khiến 31 người thiệt mạng và gần 400.000 người phải sơ tán. Và cho tới nay Chernobyl vẫn là thảm họa hạt nhân lớn nhất trong lịch sử nhân loại về mức độ thương vong cũng như chi phí tái thiết.

Việc các thành viên nhóm G7 và một số nước châu Âu đồng ý viện trợ 201 triệu USD (bổ sung để hoàn tất dự án trị giá 2,15 tỉ euro vào năm 2017) cho dự án xây dựng một khối bảo vệ mới cho lò hạt nhân Chernobyl, Ukraine hôm 30/4 càng khiến dư luận quan ngại hơn trước tin đồn "Ukraine đang phải đối mặt với thảm họa hạt nhân mới".

Bởi cũng trong ngày 30/4, chính quyền Ukraine cho biết, đám cháy xảy ra gần Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã được kiểm soát và "mức phóng xạ tại Chernobyl vẫn không thay đổi". Trước đó (29/4), Quốc vụ khanh của Đức về vấn đề môi trường Jochen Flasbarth cho biết, việc xây dựng một khối bảo vệ lò hạt nhân Chernobyl sẽ được hoàn thành vào tháng 11/2017, nhưng kinh phí để hoàn thành dự án này vẫn còn thiếu.

Ngày 27/4, tại thủ đô Kiev, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã công bố quyết định tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine về khoản bổ sung thêm 70 triệu euro hỗ trợ Ukraine khôi phục hoàn toàn môi trường cho Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

Theo hãng tin ITAR TASS (Nga), vụ cháy kể trên đang dấy lên tranh luận về nguy cơ chất phóng xạ xâm nhập vào không khí sau khi cây bị cháy kể từ tối 28/4 cách Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl khoảng 20 km. 

Bởi theo người phụ trách các chương trình bảo vệ rừng của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Nikolay Shmatkov, cháy rừng ở những khu vực bị nhiễm phóng xạ sẽ gây nguy hiểm, khi các chất phóng xạ chứa trong thân cây vẫn chưa ngấm sâu vào đất và có thể xâm nhập vào không khí qua khói. 

Trước đó Kiev đã điều 200 lính cứu hỏa, 15 xe chữa cháy, 2 máy bay cùng máy bay trực thăng, còn Vệ binh quốc gia Ukraine được đặt trong tình trạng báo động cao để kiểm soát đám cháy rừng.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine Arsen Avakov, tình hình cháy rừng tồi tệ và ngọn lửa có thể tiếp cận với tàn tích của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Bộ tình trạng khẩn cấp Ukraine từng cảnh báo, nếu ngọn lửa không được khống chế có thể khiến Ukraine phải đối mặt với thảm họa hạt nhân mới bởi có khoảng 400 ha rừng nằm trong khu vực nguy hiểm.

Được biết, một khối bê tông bảo vệ đã được đổ quanh lò phản ứng số 4 trong 6 tháng sau khi vụ nổ xảy ra hôm 26/4/1986 để ngăn 190 tấn bụi phóng xạ tiếp tục phát tán ra môi trường. Nhưng khối bê tông này chỉ có tuổi thọ khoảng 30 năm và đang có dấu hiệu xuống cấp. Do đó, một khối bảo vệ mới đang được xây dựng trên bộ khung cũ với hi vọng sẽ bao phủ toàn bộ lò phản ứng. Ukraine đã cho xây một vỏ bọc mới bằng thép, hình mái vòm với chiều cao 105m, dài 150m và rộng 260m xung quanh lò phản ứng số 4 (được gọi là quan tài đá) với tuổi thọ khoảng 100 năm.

Tập đoàn Novarka xây dựng dự án kể trên từ năm 2010 và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhằm bảo vệ môi trường bức xạ và thiết lập hệ thống hạ tầng cho việc tháo dỡ cốppha và phần còn sót lại của lò phản ứng cũng như quản lý chất thải hạt nhân. Nhưng theo ước tính của giới kinh tế, dự án này tốn khoảng 2,15 tỉ euro khi hoàn thành, và nhóm G7 cùng Ủy ban châu Âu đang phải huy động thêm vốn để đẩy nhanh việc xây dựng.

Theo kết luận của Cơ quan y tế Italy, thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã gây ô nhiễm môi trường tại các nước châu Âu kể từ năm 1986 và vẫn đang gây ảnh hưởng đến ngày nay. 

Tuệ Sỹ
.
.
.