Interpol mạnh tay tới tân dược giả

Thứ Ba, 29/12/2015, 11:22
Thông báo hôm 22-12 của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) khiến người tiêu dùng giật mình bởi một khối lượng lớn tân dược giả trị giá 7 triệu USD vừa bị thu giữ tại 13 quốc gia châu Á. 

Theo tuyên bố của Interpol, vụ bắt giữ nằm trong "chiến dịch Storm VI" và thành công nhờ sự phối hợp của cảnh sát tại các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines... Và họ đã bắt 87 nghi can và những đối tượng này đến từ mạng lưới tội phạm có tổ chức tại châu Á.

Người đứng đầu đơn vị An ninh và Sức khỏe thế giới của Interpol, bà Aline Plancon tuyên bố "chiến dịch Storm VI" cho thấy, các tổ chức tội phạm tinh vi và xảo quyệt có liên quan đến tội phạm dược, tạo ra mối nguy hại cho sức khỏe cộng đồng và sự an toàn của người dân. Bởi trong số tân dược giả mà Interpol thu giữ có thuốc kháng sinh, thuốc trị tăng huyết áp, thuốc chữa rối loạn sinh lý nam giới, vácxin phòng dại, thuốc giảm cân... Và đây là những dược phẩm giả phổ biến nhất. Interpol cho biết, có hơn 500 cửa hàng dược phẩm và khoảng 100 địa chỉ trên mạng đã bị cảnh sát điều tra. Và có đến 50% tân dược bán qua mạng là hàng giả.

Tân dược thật giả khó phân biệt.

Hơn 4 năm trước (1-11-2011), bên lề kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 80, bà Aline Plancon từng nhận định, tội phạm sản xuất, buôn bán tân dược giả liên kết chặt chẽ với tội phạm rửa tiền, tham nhũng và sản xuất hàng giả. Và tại châu Á, các loại thuốc chống ung thư bị làm giả nhiều nhất vì siêu lợi nhuận.

Theo bà Aline Plancon, tân dược giả (bao gồm cả thuốc kém chất lượng) gần như đều được nhập khẩu qua con đường chính thống vào các nước và để quy trình sản xuất, buôn bán tân dược giả vận hành thuận lợi, chúng phải bắt tay, liên kết với tội phạm tham nhũng. Và Interpol cũng đã phát hiện một số vụ tội phạm làm giả tân dược có liên quan đến quan tham.

Vẫn theo bà Aline Plancon, chỉ 1 tuần khảo sát tại 81 quốc gia, Interpol đã phát hiện 200 loại thuốc bị làm giả và trung bình mỗi nước này có nhu cầu nhập khẩu từ 15.000 đến 20.000 loại thuốc, nên đây là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm hoạt động.

Giới truyền thông cho biết, từ đầu năm 2014, Interpol đã triển khai một chiến dịch lớn tại 110 quốc gia, bắt giữ một lượng thuốc giả tương đương 30 triệu USD. Nhưng theo giới chuyên môn, các chiến dịch truy quét tân dược giả dường như quá nhỏ so với doanh thu 200 tỷ USD của thị trường khổng lồ này. Bởi một trong những nguyên nhân khiến bọn tội phạm bất chấp sức khỏe và mạng sống con người là do lợi nhuận từ thuốc giả có thể gấp từ 20 đến 45 lần so với buôn bán ma túy.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, việc buôn bán thuốc giả ảnh hưởng nhiều nhất tại châu Á, châu Mỹ Latin và đặc biệt là châu Phi, nơi "các hệ thống về tiêu chuẩn dược phẩm và kiểm tra giấy phép thể hiện sự yếu kém". WHO cũng cho rằng, quy mô của nạn buôn bán thuốc giả rất khó xác định và hiện có khoảng 10% dược phẩm lưu hành trên thế giới là hàng giả. Và thuốc giả là thủ phạm trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho khoảng 800.000 người tử vong mỗi năm. Tỷ lệ thuốc giả tại các nước đang phát triển vào khoảng 30%, trong khi tại các nước mới nổi khoảng 15%, còn ở các nước phát triển là 1%. Nhưng tại châu Phi, tỷ lệ này có thể từ 30% đến 70%.

Hơn 3 năm trước (21-11-2012) tại thủ đô Buenos Aires của Argentina, hội nghị quốc tế của WHO đã kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường khả năng của các nước trong cuộc chiến phòng chống tân dược giả. Đây là hội nghị đầu tiên cấp toàn cầu của WHO về kiểm soát tân dược giả.

Hơn 1 năm trước (2-12-2014), Chỉ huy lực lượng Hiến binh Italia Cosimo Piccinno đã đưa ra nhận định trước Ủy ban Quốc gia Olympique rằng, các băng đảng tội phạm tại Italia đang kiếm lợi nhuận "khủng" từ việc sản xuất, buôn lậu tân dược giả hơn là chế xuất và buôn lậu ma túy. Và thị trường buôn lậu tân dược này hiện trị giá khoảng 50 tỷ euro/năm.

Cơ quan chức năng Italia còn cho biết, có khoảng 40.000 địa chỉ bán tân dược qua mạng và tất cả các giao dịch đều vô danh, dễ dàng với giá cả giảm từ 60%-70% so với giá thị trường. Gần 3 năm trước (20-2-2013), Cục Quản lý giám sát thực phẩm-dược phẩm nhà nước và Bộ Công an Trung Quốc đã công bố các vụ án điển hình về sản xuất và tiêu thụ dược phẩm giả của nước này trong năm 2012.

Theo đó, riêng năm 2012, cơ quan chức năng Trung Quốc đã phá hơn 14.000 vụ sản xuất và tiêu thụ dược phẩm giả, với tổng giá trị hơn 16 tỷ NDT (hơn 56.000 tỷ VND), bắt giữ hơn 20.000 đối tượng liên quan. Trước đó (1-11-2011), cảnh sát và giới chức y tế Trung Quốc đã phá đường dây sản xuất tân dược giả, chủ yếu tiêu thụ qua bán hàng trên mạng, bắt 114 nghi can, thu giữ số thuốc giả trị giá 30 triệu USD.

Khắc Tuấn
.
.
.