IS và Taliban tranh giành lãnh địa Afghanistan bằng những hành động tàn bạo
Những vụ giết người của các chiến binh IS không phải là điều quá lạ nhưng đáng nói là các phần tử cực đoan đã giết đồng bọn chỉ vì cáo buộc họ đào ngũ theo Taliban - một kẻ thù không đội trời chung với IS. Để trả thù, Taliban cũng hành quyết nhiều phần tử có ý định đi theo tiếng gọi của IS và quay vụ thảm sát lên video. Trước đó, Taliban đã gửi cho thủ lĩnh IS một bức thư cảnh báo, không nên "nhòm ngó" Afghanistan, bởi vùng đất này đã có chủ theo chế độ "một lá cờ, một lãnh tụ". Trong thực tế, IS chưa bao giờ thừa nhận ý đồ vươn "vòi bạch tuộc" vào Afghanistan, nhưng những lo ngại về việc IS mở rộng lãnh thổ sang vùng đất này ngày càng tăng.
Vốn theo đuổi những dòng tư tưởng Hồi giáo khác nhau nên giữa Taliban và IS thường xuyên xảy ra những cuộc chạm trán. Hai nhóm đã tuyên chiến với nhau vào tháng 4-2015, sau khi Taliban tuyên bố IS là bất hợp pháp và từ chối trung thành với thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi.
IS tuyên bố đã đặt chân vào Afghanistan. |
Bức thư được gửi đi trong bối cảnh các cuộc giao tranh đẫm máu giữa Taliban với các tay súng trung thành với IS, ở miền đông Afghanistan. Dù sự tham gia của IS vào Afghanistan còn nhỏ, nhưng chiến tranh đã leo thang tại đất nước này khi hầu hết quân đội nước ngoài đã rút vào cuối năm ngoái.
Trong năm qua, nhiều nhóm chiến binh của Taliban bất mãn đã chuyển lòng trung thành với lãnh đạo Al Baghdadi của IS. Một số người đào ngũ đã bày tỏ sự thất vọng, Taliban không giữ được các vùng lãnh thổ và đặt câu hỏi liệu lãnh tụ tối cao một mắt Mullah Mohammad Omar có còn sống? Mullah Mohammad Omar từng thân cận với trùm khủng bố Bin laden và gả cả con gái cho hắn. Ông ta lãnh đạo Afghanistan nhiều năm liền cho tới khi bị Mỹ lật đổ năm 2001.
Những ngày gần đây, lực lượng Taliban đẩy mạnh tấn công các tòa nhà quốc hội, chính phủ, quân đội, cơ quan cảnh sát và đã sát hại nhiều người ở cả Afghanistan và Pakistan. Các chiến dịch khủng bố của chúng lên cao trào khi Mỹ và liên quân rút khỏi Afghanistan.
Theo các nhà phân tích, những vụ tấn công trên có thể xem là thông điệp Taliban gửi tới IS khi thời gian qua nhóm cực đoan này đã mở rộng mục tiêu ban đầu từ Iraq, Syria sang các nước ở Trung và Nam Á. Hồi đầu năm nay, IS đã tuyên bố thành lập "Tỉnh Khorasan", với lãnh thổ trải dài từ miền Đông Iran tới Afghanistan, Turkmenistan và vùng đất phía Tây của sông Sindhu ở Pakistan. Ahmad Zia Abdulzai, một quan chức của tỉnh Nangarhar cho biết, 1.000 gia đình đã phải chạy trốn khỏi cuộc chiến sau khi hai chỉ huy Taliban ở địa phương là Bakhtyar và Abdul Khaliq, đào ngũ tham gia IS và cầm súng chống lại lãnh đạo trước đây của họ.
Các quan chức Afghanistan và Mỹ nói rằng, cho đến nay dường như đã có một chút hỗ trợ vật chất của IS chảy vào Afghanistan, nhưng lo ngại hơn là hệ tư tưởng đáng sợ của IS đang lan tràn trong khu vực.
Những lo ngại về sự gia tăng của IS cùng sự phát triển đồng thời của Taliban đã tạo thành một áp lực song song thúc đẩy quá trình đàm phán của chính phủ Afghanistan. Ông Nicolas Haysom, đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và người đứng đầu phái bộ hỗ trợ Liên Hợp Quốc tại Afghanistan nói: "Chúng ta đang phải chứng kiến sự gia tăng các vụ bạo lực trên toàn quốc, kể cả những khu vực trước đây được coi là an toàn. Đất nước đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh.
Cùng với Taliban, IS cũng đang tìm cách thiết lập chỗ đứng tại Afghanistan". Trong những năm qua, khu vực dầu mỏ này, trung tâm của chủ nghĩa khủng bố quốc tế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi hệ quả của những biến động trên chính trường từ Tunisia đến Syria hay sự yếu kém của các chính quyền khu vực. Điều này đã tạo cơ hội thuận lợi cho hoạt động và phát triển của IS, cũng như củng cố sức mạnh cho các nhóm cực đoan truyền thống tại khu vực như Taliban, Alqaeda.