IS kiếm tiền khủng bố từ buôn cổ vật

Thứ Ba, 10/03/2015, 09:00
Tờ Daily Mail (Anh) hôm đầu tuần đưa tin, một trong những nguồn tiền mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có để phục vụ cho hoạt động khủng bố là buôn bán cổ vật cướp được ở Syria. Món đồ càng cổ thì giá trị càng cao, đồ cổ 10 nghìn năm tuổi có thể được bán với giá 1 triệu USD.

Nguồn thu khổng lồ

Các chiến binh thánh chiến đang làm giàu cho nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Syria hàng triệu bảng Anh từ việc bán tượng và tranh ghép cổ cho phương Tây thông qua đường dây khá phức tạp với những kẻ buôn lậu. Khi cướp phá và chiếm giữ được các vùng đất mới, ví dụ như khu vực ở Raqqa, IS có thể có được rất nhiều cổ vật quý. Cổ vật 10.000 năm tuổi có thể được bán "trao tay" với giá 1 triệu USD. Các mặt hàng đắt nhất thường được buôn lậu ra nước ngoài.

Theo phân tích của Daily Mail thì "đích" đến cuối cùng của cổ vật thường là những quốc gia châu Âu giàu có. Số cổ vật  không có nhiều giá trị lịch sử nhưng ít nhất cũng có trên 1000 năm tuổi sẽ được bày bán trong các cửa hàng lưu niệm tại các quốc gia láng giềng như Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo điều tra của các phóng viên, IS đã bán rất nhiều đồ cổ mà chúng tìm thấy hoặc cướp phá trong lãnh thổ kiểm soát được. Nếu chiến binh thánh chiến không bán được các mặt hàng cho những tay buôn lậu, họ có thể sẽ đập tan chúng thành từng mảnh, bất kể cổ vật đó là bức tượng quý hoặc có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn.

Việc kinh doanh đồ cổ là một trong những nguồn kiếm tiền chính của IS cùng với khoản tiền kiếm được từ dầu mỏ, bắt cóc đòi tiền chuộc... Ước tính, mỗi ngày, IS có thể kiếm được vài triệu bảng Anh, trong đó khoảng 400 nghìn bảng từ việc bán dầu mỏ; hơn 250 nghìn bảng Anh từ việc tống tiền, bảo kê cho các công ty và cá nhân hoạt động trong khu vực mà IS kiểm soát.

Ngoài ra, IS cũng kiếm tiền từ nông nghiệp, dịch vụ cung cấp nước và điện. Doanh thu từ những món tiền chuộc do các gia đình hoặc chính phủ chi trả để đổi lấy con tin bị bắt cóc cũng là nguồn thu đáng kể của IS. Theo nhiều nguồn tin thì các công ty và tài xế xe tải phải nộp tiền khi đi qua các tuyến đường trong khu vực kiểm soát của IS. Tài xế xe tải trả 500 bảng Anh cho mỗi cuộc hành trình, cộng thêm 250 bảng Anh phí sử dụng các dịch vụ điện tử, nếu vận chuyển thực phẩm thì phải nộp thêm 200 bảng Anh.

Trong các nguồn thu của IS thì việc cướp bóc cổ vật từ nhiều địa điểm tôn giáo cổ xưa trong khu vực mà chúng kiểm soát để bán ra nước ngoài là nguồn thu không hề nhỏ. Một quan chức tình báo Iraq nói rằng, IS kiếm được 23 triệu bảng Anh trong những tháng đầu năm 2014 bằng việc bán 800 cổ vật đánh cắp được từ các thành phố cổ của Al-Nabk, gần Damascus.

Một bức tượng bằng đồng, mạ vàng bị đánh cắp từ bảo tàng ở Hama, miền Tây Syria.

Đường dây buôn lậu cổ vật hoàn hảo

Một tay buôn lậu 21 tuổi di chuyển từ thủ đô Damascus (Syria) đến Beirut (Lebanon) cho biết, để đưa được các cổ vật qua biên giới không phải chuyện gì quá phức tạp. "Chúng tôi chỉ cần thuê một chiếc taxi và di chuyển, tất nhiên, phải mất một khoản phí cho các lực lượng bảo vệ biên giới". Chàng thanh niên tự xưng mình là "Mohammed" nói thêm rằng, mặt hàng mà anh và các đồng nghiệp của mình buôn bán là bông tai, nhẫn, bức tượng nhỏ được đánh cắp từ nhiều viện bảo tàng ở Syria, hầu hết trong số đó nằm trong khu vực Aleppo.

"Tuy nhiên, hoạt động của chúng tôi là quá nhỏ bé so với hoạt động của các nhóm tội phạm có tổ chức, cổ vật họ buôn bán có trị giá hàng triệu bảng Anh", Mohammed nói. Ahmed, một nhà môi giới cổ vật ở Syria và miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, gần đây ông đã bán một mặt hàng "độc" nhất với giá 1,1 triệu USD. "Đó là cổ vật có niên đại 8500 năm trước công nguyên", ông Ahmed nói.

Những kẻ buôn lậu cổ vật sử dụng taxi để di chuyển từ Syria đến Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo điều tra, khi các cổ vật được đưa ra ngoài Syria, chúng thường được bán lại cho một người đàn ông trung niên để người đàn ông này kết nối với những đại lý chuyên bán đồ cổ cho các nhà sưu tầm nghệ thuật, thường ở châu Âu hay các quốc gia vùng Vịnh như Qatar hay Dubai. Phương tiện liên lạc chính của người đàn ông trung niên là thông qua mạng xã hội Skyper.

Ông ta đưa lên đó những hình ảnh, trao đổi, thỏa thuận giá cả trước khi chính thức đưa cổ vật đến các đại lý. Các đại lý này có hẳn một đội chuyên kiểm tra, thu thập thông tin về các mặt hàng trước khi chuyển tiền đến. "Công đoạn" tiếp theo của các đại lý là tiến hành liên lạc với những người giàu có, có sở thích sưu tầm cổ vật nghệ thuật để bán. Rất nhiều người trong số họ sở hữu hẳn bộ sưu tập cổ vật tư nhân vô cùng đồ sộ. Đồ cổ sau khi được mua sẽ được cất giấu trong bảo tàng bí mật.

T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.