Edward Snowden muốn ngồi tù ở Mỹ

Thứ Bảy, 10/10/2015, 08:00
"Tôi tình nguyện ở tù và đề nghị việc này với Chính phủ Mỹ nhiều lần, nhưng vẫn chưa được Bộ Tư pháp chấp thuận", là tuyên bố của cựu nhân viên CIA Edward Snowden khi trả lời phỏng vấn với đài BBC tối 5/10.

4 tháng trước (tháng 6/2015), thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest từng khẳng định, Edward Snowden phải bị truy tố bởi "phạm tội rất nghiêm trọng và nên đối mặt với các cáo buộc này". Sau đó, cựu Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Michael Hayden còn cho rằng, Edward Snowden nhiều khả năng không bao giờ được trở về Mỹ và sẽ bỏ xác tại Nga.

Edward Snowden muốn được trở về Mỹ.

Đầu năm 2015, cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder nói, có thể mở phiên tố tụng về trường hợp của Edward Snowden. Trước đó, ông Anatoly Kucherena, luật sư người Nga của Edward Snowden cho biết, cựu nhân viên CIA suy nghĩ nhiều về việc quay trở lại Mỹ với điều kiện sẽ được đảm bảo xét xử một cách công bằng. Luật sư Anatoly Kucherena cũng tiết lộ, mới có ông Eric Holder đảm bảo, Edward Snowden sẽ không phải đối mặt với mức án tử hình, nếu bị xét xử tại Mỹ.

Cũng trong ngày 5/10, hãng ABC News đưa tin, Edward Snowden có thể phải ngồi tù 30 năm vì đã tiết lộ bí mật của NSA. Mấy ngày trước (29/9), chỉ khoảng 60 phút sau khi đăng ký thành công Twitter, Edward Snowden đã có 185.000 người theo dõi, sau 2 giờ là 300.000 và 6 giờ là 650.000. Tài khoản @Snowden đã được Twitter xác thực và chỉ 9 tiếng sau khi xuất hiện, tài khoản này đã thu hút hơn 710.000 theo dõi.

Tờ Los Angeles Times dẫn lời luật sư Ben Wizner xác nhận tài khoản của Edward Snowden. Kể từ đó đến nay địa chỉ kể trên luôn được giới chuyên môn chú ý, theo dõi bởi rất có thể Edward Snowden sẽ tiết lộ thông tin bí mật của NSA và những vấn đề nhạy cảm khác của nhiều quốc gia trên thế giới.

Và một lần nữa Edward Snowden lại gây sốc khi đưa ra những tiết lộ mới tại cuộc phỏng vấn kể trên. Theo đó, các nhân viên tình báo Anh có thể nghe lén các cuộc điện thoại từ xa chỉ bằng một đoạn tin nhắn đơn giản, thậm chí có thể ghi âm lại nội dung cuộc nói chuyện hoặc chụp hình lại, mà chủ nhân của các cuộc nói chuyện đó không biết. Edward Snowden cho biết, hoạt động trái phép này có liên quan đến Cơ quan Tình báo Thông tin Anh (GCHQ) - họ sử dụng những công cụ nghe lén được gọi là "bộ Xì trum" sau khi xuất hiện các nhân vật hoạt hình trong phim "Xì trum". Và những công cụ này có thể kết nối với micro của điện thoại thông minh ngay cả khi cuộc gọi đã kết thúc. GCHQ sử dụng 2 chương trình với mật danh "Truy tìm Xì trum" và " Xì trum mơ mộng" để điều khiển bật-tắt điện thoại từ xa.

Gần 7 tháng trước (12/3), Edward Snowden cho biết, GCHQ đã đọc hàng nghìn thư điện tử cá nhân mỗi ngày, đã chặn thu trên diện rộng nhằm phát hiện những mối đe dọa thông qua việc tìm kiếm các mô hình, cũng như mối liên hệ để lần ra đầu mối cần tìm. Và nhân viên GCHQ chỉ đọc những mục được cho là "có giá trị tình báo cao nhất".

Edward Snowden xuất hiện trên video trong một hội nghị.

GCHQ từng công bố quyết định của Chính phủ Anh - GCHQ có thể theo dõi, can thiệp vào việc sử dụng các dịch vụ của Facebook, Twitter, Youtube, Google. Ông Charles Farr, Giám đốc Văn phòng An ninh và Chống khủng bố trực thuộc Bộ Nội vụ Anh cho biết, những dịch vụ trên thuộc các công ty được đăng ký và có trụ sở hoạt động ở Mỹ nên Anh xếp chúng vào nhóm các phương tiện truyền thông bên ngoài. Điều này được cho là hợp pháp ở Anh và đó là động thái cụ thể nhằm bảo vệ chính sách do thám của London kể từ khi Edward Snowden công bố tài liệu về việc NSA yêu cầu những dịch vụ trên cung cấp thông tin liên quan đến người dùng.

Theo ông Hazel Blears, thành viên Ủy ban An ninh và Tình báo Quốc hội Anh (ISC), các nhà phân tích có thể chỉ kiểm tra những liên lạc cá nhân với sự cho phép của một bộ trưởng trong chính phủ và "chỉ một lượng nhỏ thư điện tử thu thập được xem bằng mắt thường".

Ông Hazel Blears cũng nhấn mạnh, GCHQ không thu thập hoặc đọc trộm thư điện tử của tất cả mọi người, bởi họ không có quyền về mặt pháp lý, nguồn lực, cũng như khả năng chuyên môn. Edward Snowden từng cho biết, GCHQ đã hợp tác với Cơ quan Tình báo tín hiệu Quốc gia Israel (ISNU), trong đó có việc theo dõi và khoanh vùng các mục tiêu của Palestine. Theo giới truyền thông Đức, Cơ quan Tình báo nước ngoài (BND) của Đức muốn thực hiện dự án "Phân tích dòng dữ liệu theo thời gian thực" và đây là một phần trong Công nghệ sáng kiến chiến lược (SIT) tới năm 2020, dựa theo một phần mô hình các phương pháp tình báo từng được NSA và GCHQ sử dụng.

Thiện Lân
.
.
.