Đội quân Facebook của quân đội Anh

Thứ Bảy, 11/04/2015, 07:30
Trước sự bùng nổ thông tin trên mạng, quân đội Anh đang tiến hành thành lập một đội quân chuyên về mạng xã hội có tên là "Lữ đoàn 77". Đây sẽ là lực lượng "mũi nhọn" trong cuộc chiến tâm lý thông qua các phương tiện truyền thông. Các quan chức hy vọng, "Lữ đoàn 77" chính thức đi vào hoạt động trong tháng 4 này sẽ nhân lên sức mạnh của quân đội Anh trong thời đại công nghệ số.

Sử dụng vũ khí "chiến tranh tâm lý"

Theo nhận định của các chuyên gia thì trong thời kỳ hiện nay, sức mạnh quân sự không chỉ đơn thuần được thể hiện thông qua vũ khí vật lý, hóa học, mà còn được thể hiện thông qua cuộc chiến tâm lý trên phương tiện truyền thông. Đây là lý do để "Lữ đoàn 77" ra đời. Vũ khí được sử dụng trong cuộc chiến tranh tâm lý là các mạng xã hội.

Theo đó, những thông tin được định hướng, có chủ đích sẽ được đưa lên mạng xã hội và có thể lan tỏa đến "mọi ngóc ngách" của thế giới. Cách làm này sẽ khiến đối phương khó phát hiện và ngăn chặn. Báo chí Anh nhận định, phương thức chiến tranh mà "Lữ đoàn 77" thực hiện là "chiến tranh không gây chết người", "cuộc chiến độc đáo trong thời đại thông tin".

Đội quân Facebook của quân đội Anh chính thức đi vào hoạt động tháng 4 này.

Nhiệm vụ chính của "Lữ đoàn 77" là "kiểm soát tin tức 24 giờ, điện thoại thông minh và các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook và Twitter". Một quan chức quân đội nói rằng, việc ra đời của "Lữ đoàn 77" xuất phát từ mối quan tâm sâu sắc của Anh về các vấn đề quốc tế, trong đó có Nhà nước tự xưng (IS).

Một phát ngôn viên quân đội Anh cho biết, "Lữ đoàn 77" ra đời với mục đích đáp ứng những đòi hỏi cần thiết trước thách thức của cuộc chiến tranh thời hiện đại. Thực tế cho thấy, hành động của những người khác trong chiến trường hiện đại có thể bị ảnh hưởng theo cách không nhất thiết phải bạo lực". 

Sự ra đời của "Lữ đoàn 77" được cho là một phần kinh nghiệm được rút ra từ hoạt động chống quân nổi dậy ở Afghanistan, cũng như từ sự kiện IS tỏ ra thành thạo trong việc khai thác các phương tiện truyền thông xã hội để thu hút chiến binh thánh chiến từ khắp nơi trên thế giới.

Những quân nhân "siêu cao thủ" về mạng xã hội

"Lữ đoàn 77" được đặt tại Hermitage, gần Newbury, Berkshire, dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động trong tháng 4 này.

Theo kế hoạch, "Lữ đoàn 77" sẽ bao gồm lực lượng chính quy và dự bị, bắt đầu tuyển dụng vào đầu năm nay. Khoảng 1.500 quân nhân được tuyển chọn từ các nhà báo và những người hiểu biết sâu sắc về mạng xã hội hoặc những "cao thủ" tin học trong các lực lượng thuộc quân đội Anh. Những quân nhân sau khi được tuyển dụng sẽ sử dụng công cụ là Facebook, Twitter để thu thập thông tin tình báo, lan truyền thông tin và làm sai lệch thông tin tuyên truyền của đối thủ.

Tờ Guardian (Anh) cho biết, tên "Lữ đoàn 77" được đặt để tưởng nhớ đến lực lượng du kích của Anh dẫn đầu bởi Thiếu tướng Orde Wingate chống Nhật ở Myanmar trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai. Các thành viên của “Lữ đoàn 77” sẽ có phù hiệu là một sinh vật thần thoại Myanmar trên cánh tay. Kỹ thuật mà "Đội quân Facebook" sử dụng được gọi là "kiểm soát phản thân".

Nhiều tài liệu ghi nhận, cách làm này từng được Liên Xô trước đây sử dụng bằng cách truyền bá tin tức và thông tin theo một cách nào đó để đối phương phản ứng lại theo cách mà người truyền tin muốn.

Lực lượng quân đội Israel tiên phong trong cuộc chiến bằng truyền thông xã hội

Được biết, hiện nay, lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) cũng đầu tư rất lớn trong cuộc chiến thông tin và được coi là quốc gia đi tiên phong trong cuộc chiến bằng phương tiện truyền thông xã hội. Israel đã tuyển chọn các chuyên viên giỏi trong lĩnh vực công nghệ và sử dụng mạng xã hội như một phần quan trọng trong cuộc chiến với các đối thủ thời gian gần đây. Chiến dịch mang tên "Operation Cast Lead" đã được Israel thực hiện trong cuộc chiến ở Gaza trong năm 2008 - 2009.

Hiện nay, IDF có đội quân khá hùng mạnh trong lĩnh vực này. Mạng xã hội mà Israel sử dụng bao gồm cả Twitter, Facebook, Youtube và Instagram với 6 ngôn ngữ.

Trong suốt cuộc chiến mùa hè năm ngoái ở Gaza, lực lượng thuộc chiến dịch "Operation Cast Lead" đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của IDF. "Nó phục vụ rất hữu ích cho các hoạt động của IDF. Nếu không có những công cụ này, các mục đích của chúng tôi sẽ khó đạt được", một phát ngôn viên của quân đội Israel cho biết.

Phát ngôn viên của quân đội Israel nói thêm, hiện nay, một số nước phương Tây đã có ý định học hỏi kinh nghiệm của Israel trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Mỹ cũng là quốc gia được cho là đã tham gia rất nhiều vào hoạt động chiến tranh tâm lý.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.