Đối mặt với các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen

Thứ Hai, 22/06/2015, 08:00
Chúng tôi có mặt tại Công an huyện Kinh Môn (Hải Dương) vào những ngày miền Bắc đang trong đợt nắng, nóng kéo dài. Trong các đội nghiệp vụ, cường độ, bầu không khí làm việc khẩn trương, sôi động… cũng khiến sức nóng ở một đơn vị chiến đấu càng thêm sôi sục. Suốt những ngày qua, toàn bộ quân số của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an huyện Kinh Môn gồm Đội Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về trật tự xã hội (TTXH); Đội điều tra Tổng hợp được huy động vào cuộc, anh em ăn ngủ ở đơn vị…

1.Khoảng cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2015, trên địa bàn huyện Kinh Môn liên tiếp xảy ra nhiều vụ cố ý gây thương tích. Các vụ án do một số đối tượng gây ra, nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn bộc phát trong cuộc sống thường nhật, trong làm ăn kinh tế…

Tần xuất xảy ra sự việc vô hình trung gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Những ngày này, anh em trinh sát ở hai đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an huyện Kinh Môn như chạy đua với thời gian, 100% quân số được huy động vào cuộc. Đối tượng được triệu tập phần lớn là những kẻ mình đầy xăm trổ. Mỗi đối tượng lại có cách thể hiện khác nhau, kẻ thì lỳ lợm, không khai báo, đối tượng thì nói như "rót mật vào tai"…

Được chứng kiến một ngày làm việc của các cán bộ Công an huyện Kinh Môn, chúng tôi phần nào hiểu được  công việc thường ngày, các anh đang phải đối mặt. "Ngoài những khó khăn trong quá trình thu thập tài liệu, điều tra vụ án còn phải đối mặt với áp lực từ dư luận, thậm chí từ phía người bị hại", Thiếu tá Phạm Chí Hiếu, Phó trưởng Công an huyện Kinh Môn bộc bạch, đôi mắt ẩn sâu sự chất chứa.

Thiếu tá Hiếu và các đồng đội còn nhớ vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại chợ Kinh Môn. Đến thời điểm này, vụ việc đã được làm sáng tỏ, ba đối tượng gây án gồm Bùi Văn Dương; Nguyễn Hữu Hùng và Phạm Văn Đăng (cùng trú tại huyện Kinh Môn) cũng lần lượt đến cơ quan Công an đầu thú, sau thời gian dài lẩn trốn ở nước ngoài. Vụ án mở ra từ lá đơn của người mẹ mất con, bà Trương Thị Thoa (trú tại thị trấn Kinh Môn) gửi đến Công an huyện, tố cáo việc con trai là Nguyễn Tuấn Khanh (SN 1998) bị một nhóm đối tượng bắt cóc, các đối tượng yêu cầu gia đình người bị hại nộp 2 triệu đồng.

Trong khi các đơn vị nghiệp vụ lao vào cuộc, khó khăn từ việc xác định hiện trường, củng cố lời khai của các nhân chứng, đặc điểm của đối tượng gây án cũng như chiếc xe tang vật. Rồi kế đó là việc lần tìm địa điểm nạn nhân bị giam giữ, nhân thân các đối tượng nghi vấn và đảm bảo an toàn thông tin thì trong gia đình người bị hại lại có những ý kiến trái chiều nhau. Một số thì đồng ý hợp tác với cơ quan điều tra, số khác thì cho rằng khoản tiền 2 triệu đồng, không đáng là bao nên việc phối hợp cung cấp thông tin rất hạn chế…

Khi Công an huyện Kinh Môn giải cứu an toàn cho nạn nhân thì cũng là lúc ba đối tượng gây án bỏ trốn sang Trung Quốc. Bao nhiêu ngày các đối tượng bỏ trốn cũng là ngần ấy thời gian các trinh sát Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an huyện Kinh Môn, âm thầm dõi theo di biến động của đối tượng. Ngoài việc tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, họ âm thầm gặp gỡ, tác động đến những người thân trong gia đình, thuyết phục đối tượng đến cơ quan Công an đầu thú.  

Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàn, Đội trưởng Đội điều tra Tổng hợp kể lại với chúng tôi: Mỗi nhóm đối tượng lại có một đặc trưng riêng… Trước hết phải dựng được chân dung đối tượng, tìm hiểu lĩnh vực chúng hoạt động. Trên cơ sở đó, lập danh sách, thu thập tài liệu về quá trình hoạt động của nhóm. Đó là một quá trình thu thập, dày công tích lũy tài liệu. Không ít vụ án, người bị hại từ chối hợp tác với cơ quan điều tra, đặc biệt là những vụ liên quan đến các nhóm đối tượng hoạt động theo kiểu xã hội đen như đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản…

Trong khi những người lính đang cần mẫn thu thập tài liệu, đưa sự thật vụ án ra ánh sáng buộc những kẻ thủ ác phải trả giá trước pháp luật thì nhiều đối tượng lại đưa ra những thông tin không chuẩn xác, gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra.

Công an huyện Kinh Môn họp bàn triển khai phương án phòng, chống tội phạm trong địa bàn.

2. Bạn đọc cả nước hẳn không quên băng nhóm tội phạm do Lương Nguyễn Tiến Luận, còn có biệt danh Luận sẻ cầm đầu. Núp bóng trong vỏ bọc của một doanh nhân thành đạt, Luận cùng đồng bọn thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội, gây hoang mang dư luận. Với sự giúp đỡ của nhân dân, sự đồng thuận của chính quyền địa phương, Luận sẻ cùng một số đàn em thân tín bị bắt giữ nhưng các đối tượng là tay chân của chúng còn ở ngoài xã hội thì vẫn âm thầm hoạt động. Công việc của các cán bộ Công an huyện Kinh Môn vì thế chưa lúc nào ngơi nghỉ...

Vượt qua khó khăn và chính mình, các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, các đối tượng hình sự cộm cán lần lượt được đưa ra ánh sáng, góp phần trả lại sự bình yên cho địa bàn. Trong những năm qua, Công an huyện Kinh Môn đã ngăn chặn, triệt phá nhiều nhóm tội phạm hoạt động liều lĩnh, gây ảnh hưởng đến hình tình an ninh trật tự trên địa bàn.

Còn nhớ lần khám phá vụ cố ý gây thương tích do Đặng Văn Tuấn (SN 1991, trú tại Kinh Môn, Hải Dương) thực hiện. Trong vụ án này, từ người bị hại, Tuấn trở thành kẻ thủ ác. Sau khi gây thương tích cho nhóm đối tượng cho vay tiền với lãi suất cao, Tuấn bị các chủ nợ, đồng thời là nạn nhân trong vụ án, đe dọa chặt một bàn tay… đã sợ hãi bỏ trốn khỏi địa bàn. Bị hại của vụ án này đều là những kẻ từng có tiền án, tiền sự gồm các tên Nguyễn Văn Nhất, Trần Văn Thạo và Nguyễn Minh Thắng (cùng trú tại huyện Kinh Môn) thì khi có mặt tại cơ quan điều tra, tỏ ra vô cùng khôn ngoan.

Anh em trinh sát có tài liệu gì thì đối tượng khai cái đó, còn không thì im lặng, dù đang được lực lượng Công an bảo vệ quyền lợi. Đơn giản vì chúng lo sợ một loạt hành vi phạm tội của chúng trong bóng tối cũng có thể bị lật tẩy.

Những thông tin trên, phần nào cho bạn đọc hiểu hơn về công việc gian nan nhưng không kém phần vất vả của những người cán bộ Công an huyện Kinh Môn trên dòng sông Kinh Thầy. Thiếu tá Phạm Chí Hiếu, người trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án kể lại: Trước khi gây ra vụ án này, các bị hại từng tham gia vào một nhóm cưỡng đoạt tài sản. Thủ đoạn của chúng là tìm vào các địa điểm kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, sau khi ăn uống, chúng tạo cớ gây sự với các chủ cơ sở, khiến các khách hàng khiếp sợ không dám đến. Sau đó, người bị hại buộc phải nhờ chúng bảo kê quán để thu tiền hồ. Khi các đối tượng chính trong nhóm lần lượt xộ khám, những tên còn lại gồm Nhất, Thạo, Thắng rút vào hoạt động bí mật. Chúng cho vay tiền với lãi suất cao.

Trong vụ án này, các đối tượng cho anh Đào Văn Kết ở Kinh Môn vay 70 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền vay này lại bị đưa đi vòng vèo. Người sử dụng tiền là Nguyễn Văn Thao cũng ở Kinh Môn (Thao là cậu của Đặng Văn Huấn) sau đó đã bỏ đi khỏi địa phương. Khi Thao bỏ đi, vô hình trung trách nhiệm bị đổ lên đầu Nguyễn Văn Huấn vì đối tượng là người chứng kiến việc vay tiền. Kết đã dẫn Thạo, Nhất và Thắng vào nhà Huấn để đòi nợ tiền…

Tại đây, giữa hai bên xảy ra xô xát. Đặng Văn Tuấn là em trai của Huấn đã dùng dao đâm trọng thương Thạo. Trong vụ án này, việc phá án thành công lại bắt nguồn từ những người có liên quan…

Đối mặt với các nhóm đối tượng hoạt động manh động, liều lĩnh, mỗi cán bộ Công an huyện Kinh Môn, luôn giữ cho mình một trái tim nóng, một cái đầu lạnh. Các thế hệ đi trước, truyền cảm hứng và kinh nghiệm cho các thế hệ đi sau. Trong những năm qua, chưa một cán bộ nào của Công an huyện sai phạm bị kỷ luật… tập thể đơn vị luôn được lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương ghi nhận và đánh giá cao.

Thiếu tá Hiếu chia sẻ với chúng tôi: Bí quyết của sự thành công là người trinh sát phải có được cái uy, nắm được tâm lý, cũng như biết điểm mạnh và yếu của đối tượng. Và hơn cả là tạo cho chúng một niềm tin bởi khi đó đối tượng rất hoang mang. Để phá án thành công là cả một quá trình thu thập tài liệu, chọn những điểm đột phá…

3. Trong quá trình đối mặt với các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen, bí quyết thành công của Công an huyện Kinh Môn còn là sức mạnh của lòng dân. Nhờ những thông tin do quần chúng cung cấp, Công an huyện Kinh Môn khám phá thành công nhiều vụ án, góp phần trả lại bình yên trên địa bàn. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, đơn vị đã thụ lý 66 vụ, 113 bị can. Nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen được chặn đứng. Song rất nhiều đối tượng chờ cơ hội thuận lợi để hoạt động. Các nhóm đối tượng nhen nhóm hoạt động cũng lần lượt xộ khám.

Các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen lần lượt được đưa ra ánh sáng, góp phần trả lại sự bình yên cho địa bàn. Trong thời gian qua, tỷ lệ khám phá án của đơn vị luôn đạt cao, góp phần giữ bình yên cho địa bàn. Chúng tôi rời trụ sở Công an huyện Kinh Môn khi thành phố đã lên đèn. Trên sông Kinh Thầy lấp loáng ánh trăng, trong các nhà máy công nhân đã bắt đầu vào ca…

Cuộc sống vẫn diễn ra một cách bình lặng. Đã trở thành quy luật, ở nơi đâu có tình hình kinh tế phát triển, ở đó tội phạm còn tiếp tục hoạt động. Và các cán bộ Công an huyện Kinh Môn vẫn âm thầm làm nhiệm vụ, đưa những kẻ thủ ác ra ánh sáng. 

Xuân Mai
.
.
.