Đằng sau cáo buộc tham nhũng của cựu Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani
Theo giới truyền thông, FIA và Cục Giải trình Quốc gia đã điều tra các vụ án tham nhũng chống lại cựu Thủ tướng từ khi ông Yousuf Raza Gilani còn đang nắm quyền. Trước đó, Thẩm phán Mohammad Azeem thuộc tòa án chống tham nhũng liên bang ở thành phố cảng Karachi từng ra lệnh bắt ông Yousuf Raza Gilani và ông Makhdoom Amin Fahim sau khi họ không trình diện theo lệnh của tòa.
Theo cáo buộc của FIA, khi đương chức Bộ trưởng Thương mại, ông Makhdoom Amin Fahim đã sử dụng Cơ quan Phát triển Thương mại của Pakistan để phân phối tiền trợ cấp cho những công ty ma, và việc này diễn ra thuận lợi bởi nhận được sự hỗ trợ của ông Yousuf Raza Gilani khi đó là Thủ tướng.
Giới truyền thông cho rằng, "ân oán" giữa cựu Thủ tướng Yousuf Raza Gilani với Thủ tướng Nawaz Sharif, lãnh đạo đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) cầm quyền sẽ khiến cho tiến trình xét xử vụ án tham nhũng kể trên được đẩy nhanh. Bởi cách đây 27 năm (1988-2015), ông Yousuf Raza Gilani từng là đối thủ chính trị đáng gờm của Thủ tướng Nawaz Sharif khi chạy đua vào chiếc ghế Thủ hiến bang Punjab. Khi ông Yousuf Raza Gilani, Phó Chủ tịch đảng Nhân dân Pakistan (PPP), nguyên Chủ tịch Quốc hội, làm lễ nhậm chức Thủ tướng tại dinh Tổng thống ở thủ đô Islamabad hôm 25/3/2008, ông Nawaz Sharif không có mặt.
Cựu Thủ tướng Yousuf Raza Gilani (2008-2012). |
Hơn 3 năm trước (27/4/2012), ông Yousuf Raza Gilani đã bác bỏ lời kêu gọi từ chức, một ngày sau khi Tòa án tối cao kết tội không tuân thủ yêu cầu đề nghị giới chức Thụy Sỹ mở lại cuộc điều tra tham nhũng đối với Tổng thống Asif Ali Zardari. Sau phán quyết của tòa khi đó, đảng PML-N cùng các đảng đối lập khác đã yêu cầu Thủ tướng Yousuf Raza Gilani từ chức.
Tại thời điểm kể trên, Tổng thống Asif Ali Zardari, chồng cố Thủ tướng Benazir Bhutto bị cáo buộc sử dụng tài khoản ngân hàng Thụy Sỹ để rửa khoản tiền hối lộ trị giá 12 tỷ USD từ một số công ty. Nhưng Thụy Sỹ đã đóng hồ sơ vụ án này sau khi ông Asif Ali Zardari trở thành Tổng thống Pakistan năm 2008. Nhưng tháng 12/2009, Tòa án tối cao đã ra quyết định hủy luật ân xá đối với Tổng thống Asif Ali Zardari và một số chính trị gia khác, đồng thời yêu cầu chính phủ gửi thư cho giới chức Thụy Sỹ đề nghị mở lại hồ sơ này, nhưng đã bị ông Yousuf Raza Gilani từ chối.
Theo giới truyền thông, một trong những nguyên nhân khiến ông Yousuf Raza Gilani được Chủ tịch PPP Asif Ali Zardari đề cử làm Thủ tướng, thay cho ứng cử viên sáng giá trước đó là Phó Chủ tịch PPP Makhdoom Amin Fahim bởi cựu Chủ tịch Quốc hội được coi là thân tín, đệ tử trung thành của cố Thủ tướng Benazir Bhutto. Dư luận từng cho rằng, việc chọn ông Yousuf Raza Gilani làm Thủ tướng nằm trong kế hoạch tổng thể của Chủ tịch PPP Asif Ali Zardari.
Ông Yousuf Raza Gilani được nhiều người kính trọng bởi thà vào tù năm 2001 còn hơn thỏa hiệp với Tổng thống Pervez Musharraf. Khi đó, ông Yousuf Raza Gilani là trợ lý thân cận của bà Benazir Bhutto đã phải ngồi tù 4 năm vì bị cáo buộc lạm dụng quyền lực. Nhưng cáo buộc này sau đó đã được bác bỏ và ông Yousuf Raza Gilani được trả tự do năm 2005. Hành động trượng nghĩa kể trên của ông Yousuf Raza Gilani đã khiến mọi người trong PPP ngưỡng mộ. Nhưng nếu bị kết luận là có tội tại phiên toà hôm 10/9, ông Yousuf Raza Gilani sẽ phải đối mặt với bản án 7 năm tù cùng một khoản tiền phạt lớn.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống tham chính nên ông Yousuf Raza Gilani đã nhanh chóng là thành viên Hội đồng liên bang (1982) và Chủ tịch hội đồng Zila (1983) khi mới ngoài 30 tuổi. Và nhận bằng thạc sĩ về báo chí của trường Đại học Punjab (năm 1976), sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Lahore. Tuy chỉ là ứng cử viên độc lập, nhưng ông Yousuf Raza Gilani vẫn trở thành đại biểu quốc hội liên bang (1985) và nhiều chức vụ quan trọng khác.