Vấn nạn quá tải trong các nhà tù ở Indonesia

Thứ Sáu, 23/08/2019, 17:46
Ngày 20-8, Cảnh sát Indonesia bắt đầu mở chiến dịch truy lùng hơn 250 tù nhân vượt ngục sau khi một nhà tù ở thành phố cảng Sorong, tỉnh Papua bị phóng hỏa trước đó một ngày do làn sóng bạo loạn tại các thành phố ở vùng cực Đông Indonesia.


Trước đó, ngày 19-8, hàng nghìn người dân tỉnh Papua đã xuống đường biểu tình tại các thành phố Sorong, Manokwari, Jayapura. Những người biểu tình đã chặn các tuyến đường, phá hoại một sân bay và đốt phá trụ sở Hội đồng Lập pháp khu vực Tây Papua.

Tướng Dedi Prasetyo, người phát ngôn của Cảnh sát Indonesia, cho biết, hầu hết những người biểu tình bị kích động sau khi 43 sinh viên người Papua bị bắt giữ với cáo buộc không tôn trọng quốc kỳ của Indonesia treo trước ký túc xá trong lễ kỷ niệm Ngày Độc lập hôm 17-8.

Một cảnh sát bảo vệ khu vực nhà tù ở khu vực Siak sau khi xảy ra vụ đốt trại giam.

Giới chức địa phương cho biết, những người biểu tình, chủ yếu là sinh viên đại học phản đối nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử đã tấn công nhà tù này cùng nhiều trụ sở công quyền khác. Thống kê cho thấy, 258 tù nhân trong tổng số 547 người đang bị giam giữ đã trốn chạy khỏi nhà tù nhân lúc bạo loạn. Một số đối tượng đã bị bắt giữ trở lại.

Đây không phải lần đầu tiên ở Indonesia xảy ra việc tù nhân bạo loạn và vượt ngục tập thể. Các vụ vượt ngục thường xuyên xảy ra ở Indonesia, nơi các nhà tù bị quá tải.

Năm 2013, tại Indonesia đã xảy ra hàng loạt vụ vượt ngục, trong đó có vụ vượt ngục của khoảng 150 tù nhân, nhiều người trong số đó bị buộc tội khủng bố. Ngày 5-5-2017, khoảng 200 tù nhân đã vượt ngục khỏi nhà tù Sialang Bungkuk ở TP Pekanbaru, tỉnh Riau thuộc đảo Sumatra.

Các tù nhân này sau khi được cho phép rời khỏi phòng giam đến một đền thờ trong khuôn viên nhà tù để cầu nguyện đã cùng phá đổ một cánh cổng gần một đền thờ và bỏ trốn. Nguyên nhân dẫn đến vụ vượt ngục tập thể này là vì nhà tù quá tải. Sức chứa nhà tù chỉ 700 tù nhân nhưng số tù nhân thực tế tại đây là 1.800.

Đặc biệt, ngày 1-10-2018, 1.2000 tù nhân đã vượt ngục từ 2 nhà tù bị quá tải tại thành phố Palu và một nhà tù tại Donggala sau khi xảy ra động đất mạnh. Trong đó có 343 tù nhân đã phóng hỏa, đào thoát từ một nhà tù ở thị trấn Donggala sau khi yêu cầu được thả ra để cập nhật tình hình người thân mà không được chấp thuận.

Đa số tù nhân bỏ trốn đều bị phạt tù do tham nhũng và tội danh liên quan đến ma túy. Chính phủ Indonesia sau đó cho phép 1.200 tù nhân vượt ngục được ở lại thăm gia đình 1 tuần trước khi trở lại trại giam.

Kerobokan ở Bali, một trong những nhà tù bị quá tải ở Indonesia. Ảnh: Jakarta Globe

Gần đây nhất, vào sáng sớm ngày 11-5-2019, tại một nhà tù ở khu vực Siak trên đảo Sumatra, nơi giam giữ gần 650 tù nhân, hơn 100 tù nhân đã vượt ngục sau khi các tù nhân tiến hành bạo loạn và đốt phá trại giam. Bạo loạn xảy ra sau khi lực lượng an ninh tiến hành bắt giữ một số tù nhân sau khi phát hiện những đối tượng này sử dụng ma túy. Vụ việc đã khiến 4 người bị thương, trong đó có 1 cảnh sát. Sau đó cảnh sát cũng phải mở chiến dịch truy và bắt giữ lại số tù nhân này. 

Một trong những nguyên nhân khiến xảy ra những vụ tù nhân vượt ngục là do các nhà tù ở Indonesia đang quá tải. Từ khi Cảnh sát Indonesia tăng cường chống ma túy càng làm gia tăng đáng kể số người bị kết tội liên quan đến ma túy, gây sức ép lên hệ thống nhà tù vốn đã quá tải.

Theo ông Wiranto, Bộ trưởng Bộ Điều phối Các vấn đề Chính trị, Luật pháp và An ninh Indonesia, nhà tù quá đông đồng nghĩa với việc tội phạm không nghiêm trọng sẽ bị giam giữ chung với tội phạm ma túy và khủng bố. Do không thể cách ly tù nhân nên nguy cơ họ trao đổi và học hỏi nhau là rất cao.

Theo báo Jakarta Globe, việc các nhà tù có quá đông tù nhân khiến lính canh dễ bị mua chuộc. Thành viên Viện Nghiên cứu và Vận động Độc lập Tư pháp Alfeus Jebabun nói rằng: "Tù nhân sẽ không thể ra khỏi nhà tù để giải trí nếu quản ngục không cho phép. Những gì thực sự cần là điều chỉnh hệ thống quản lý nhà tù. Chính phủ phải cải thiện môi trường tuyển dụng và làm việc của quản ngục để ngăn chặn tham nhũng".

Vì vậy, mới đây Indonesia đã có kế hoạch xây dựng thêm nhà tù ở một số hòn đảo không có người ở để giảm bớt tình trạng quá tải. "Việc xây dựng các nhà tù mới ở đảo vắng cũng làm giảm phạm vi tiếp xúc giữa tù nhân và người dân. Đồng thời, hầu hết nhà tù nằm giữa các thành phố khiến tù nhân dễ dàng tham gia những hoạt động bất chính", ông Wiranto nói.

Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.
.