Dự án đào tạo luật sư cho nữ nạn nhân bị hiếp dâm ở Ấn Độ
"Khi tôi trở thành luật sư, tôi sẽ tìm kiếm công lý cho chính mình"
Saira (không phải tên thật của nhân vật) muốn trở thành luật sư để có thể đưa những kẻ hiếp dâm vào tù. “Tôi muốn tìm kiếm công lý cho chính mình và đưa “những con quái vật” vào trại giam”, người phụ nữ 31 tuổi đến từ Tây Bengal nói. Saira có thể đạt được mục tiêu của mình. Vào tháng 6 tới đây, sau một thời gian theo học, Saira sẽ trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của dự án đào tạo những người sống sót sau khai thác tình dục trở thành luật sư.
Saira kể lại, năm 17 tuổi, cô gặp một người đàn ông và người này hứa giúp tìm một công việc tốt. Tuy nhiên, thay vì giúp Saira tìm việc làm, người đàn ông và một số người bạn đã giam giữ và cưỡng hiếp cô nhiều lần.
Những cô gái tham gia dự án SFJ ở Kolkata trao đổi về bài học. |
Saira đã trốn thoát sau hơn một tháng bị hành hạ về thể xác nhưng cô không có tiền hay nhận được sự hỗ trợ để theo đuổi công lý. “Những kẻ tấn công tôi vẫn được tự do, sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Chính điều này khiến tôi quyết tâm hơn để hoàn thành việc học. Khi trở thành luật sư, tôi sẽ tìm kiếm công lý cho chính mình”, Saira nói.
Dự án Chương trình School for Justice (SFJ) ra đời vào tháng 4-2017 tại Kolkata. SFJ được điều hành bởi “Free a Girl India” – một tổ chức phi chính phủ hoạt động chống lại bóc lột tình dục của trẻ em, hợp tác với “Sanlaap” và một trường luật học triển khai thực hiện. Những người đăng ký tham gia dự án được tài trợ kinh phí học tập, một số trường hợp được cung cấp chỗ ở miễn phí trong ngôi nhà an toàn.
Hiện có 7 phụ nữ đang theo học tại Kolkata và 11 người khác theo học tại Mumbai kể từ tháng 1 năm ngoái. Hầu hết phụ nữ tham gia dự án SFJ đến từ các cộng đồng có thu nhập thấp và dân tộc thiểu số. Một số bị bắt cóc, dụ dỗ bằng lời hứa về công việc thu nhập cao, trước khi bị ép hành nghề mại dâm.
Nỗ lực giúp những cô gái trẻ làm chủ cuộc sống thông qua giáo dục
“Mục đích của chúng tôi là trao quyền cho các cô gái trẻ, giúp học làm chủ cuộc sống thông qua giáo dục. Khi hoàn thành việc học và trở thành luật sư, chúng tôi hy vọng, các cô gái sẽ tìm kiếm công lý cho bản thân cũng như những cô gái khác bị mắc kẹt trong chế độ nô lệ tình dục”, ông Shikha Philips, CEO của “Free a Girl India” nói.
Theo báo cáo của Cục Thống kê tội phạm quốc gia Ấn Độ, cứ 5 người bị buôn bán ở Ấn Độ thì có 3 người là trẻ em, hơn 50% trong số này là nữ. Tuy nhiên, chỉ có một phần rất nhỏ thủ phạm bị kết án mỗi năm. “Chúng tôi hy vọng, sinh viên tốt nghiệp từ dự án SFJ sẽ là những người tạo ra thay đổi mang tính hệ thống”, ông Philips nói tiếp.
Ông Philips cho biết thêm, phần lớn những người phụ nữ đến SFJ là do các tổ chức phi chính phủ ở địa phương giới thiệu. “Đó là những người phụ nữ bị tổn thương nặng nề về tâm lý. Ban đầu, chúng tôi tập trung vào việc giúp họ phục hồi toàn diện các chức năng, đánh giá nhu cầu y tế, dinh dưỡng, tư vấn cảm xúc, điều trị tâm thần… trước khi đưa ra phương pháp điều trị phù hợp”, ông Philips chia sẻ.
Amira, 22 tuổi, một nạn nhân bị lạm dụng tình dục, sống trên đường phố trong nhiều năm đã tham gia chương trình vào năm 2019 chia sẻ, trong những ngày đầu ở SFJ, cô đã rất lo lắng và xấu hổ về quá khứ của mình. Tuy nhiên, qua thời gian, mọi thứ đã thay đổi. Dự án đã mang lại cho cô niềm tin, giúp cô lấy lại tự tin cho bản thân.
“Những bài giảng trên lớp giúp tôi nhận thức được nhiều điều như quyền của bản thân, quyền của phụ nữ và trẻ em. Tôi muốn các quyền này phải được pháp luật bảo vệ nghiêm túc. Tôi cố gắng học tập để hoàn thành tốt khóa học. Sau đó, tôi sẽ tham gia vào một tổ chức phi chính phủ để có thể giúp đỡ những người khác giống như tôi đã được SFJ giúp đỡ”, Amira nói.
Khóa học được giảng dạy bằng tiếng Anh. Vì vậy những người đến từ vùng nông thôn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận bài giảng. Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất mà SFJ phải đối mặt là tỷ lệ bỏ học cao. Sự kỳ thị xã hội xung quanh những người sống sót sau khai thác tình dục có thể ảnh hưởng đến tinh thần và khiến sinh viên khó tập trung vào việc học tập. Những người phụ nữ học tập ở Kolkata sống cùng nhau trong một ngôi nhà an toàn nhưng những người ở Mumbai sống cùng gia đình.
Chuyên gia Tapati Bhowmick của tổ chức “Sanlaap” hy vọng rằng, các cô gái không chỉ trở thành luật sư mà còn là những người có đóng góp tích cực cho công tác lập pháp trên cơ sở nêu quan điểm rút ra từ chính thực tiễn, kinh nghiệm của mình.