Apple quyết đấu với FBI
- Nhà sáng lập Apple kéo lùi nền kinh tế Phần Lan?
- Apple sẽ phải chấp hành lệnh của tòa?
- Cuộc chiến pháp lý giữa hãng Apple với FBI
- CEO Apple hiến toàn bộ tài sản làm việc thiện
Cho tới nay, Apple vẫn từ chối giúp đỡ FBI bẻ khóa chiếc iPhone kể trên, đồng thời cáo buộc cơ quan chức năng Mỹ ép hãng này phải tạo ra phần mềm gián điệp (backdoor) để thu thập dữ liệu cá nhân người dùng iPhone; và cảnh báo, nếu việc này diễn ra sẽ làm suy yếu hệ thống mã hóa trên hệ điều hành di động iOS cài trên iPhone và iPad.
Ngoài ra, Apple cũng cho biết, nếu phải làm việc này họ sẽ phải chi phí lớn cả sức người lẫn nguồn lực của hãng bởi phải lập một đội nghiên cứu để vận hành một hệ điều hành cho chính phủ mang tên GovtOS. Luật sư của Apple là Bruce Sewell cho rằng, công chúng nên hiểu mã hóa là một việc tốt, một điều cần thiết, và hãng này đang được yêu cầu phát triển một công cụ dành cho bất kỳ chiếc iPhone nào với mã hóa hiện đại hơn để giúp người sử dụng tránh bị tổn thương bởi tin tặc và sự giám sát của chính phủ.
CEO của Apple Tim Cook chống lại FBI. |
Tờ New York Time vừa dẫn lời một số kỹ sư và quan chức điều hành Apple cho biết, họ sẽ nghỉ làm nếu hãng này thua trong cuộc chiến pháp lý liên quan tới việc bẻ khóa iPhone với chính quyền Mỹ. CEO của Apple Tim Cook cùng ban lãnh đạo của hãng này cũng ủng hộ quyết định kể trên của họ.
Trước đó (15-3), Apple còn cảnh báo, cách giải quyết của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến pháp lý kể trên là vượt quá giới hạn và có thể khiến các nhà sáng lập công nghệ phải “khiếp sợ”. Cảnh báo này được Apple đề cập trong đơn giải trình viết bằng tay, được trình lên Thẩm phán Sheri Pym của Tòa án ở California, để trả lời đơn kiện hôm 10-3 của Bộ Tư pháp Mỹ, cáo buộc hãng này cố tình tạo hàng rào công nghệ nhằm ngăn cản các nỗ lực tiếp cận dữ liệu trong chiếc iPhone của nghi phạm khủng bố.
Apple còn cho rằng, FBI đang “viết lại lịch sử” khi yêu cầu hãng này cung cấp một phần mềm chuyên dụng giúp cơ quan chức năng bẻ khóa an ninh để tiếp cận dữ liệu của điện thoại iPhone. Đồng thời nhấn mạnh, chính phủ đã vượt quá thẩm quyền khi sử dụng Đạo luật All Writs để buộc Apple phải tuân lệnh.
Cuộc chiến giữa Apple và FBI về việc bẻ khóa chiếc iPhone hiện vẫn chưa có hồi kết mặc dù Quốc hội Mỹ đã vào cuộc. Giám đốc FBI James Comey cho rằng, việc thực thi pháp luật có thể bị tê liệt bởi khoảng cách giữa trát tòa án với bằng chứng đang trở nên khó tiếp cận đối với các nhà điều tra.
Nhưng ông James Comey cũng thừa nhận, việc buộc Apple bẻ khóa iPhone có thể tạo tiền lệ cho các cuộc điều tra khác. Phó Chủ tịch cấp cao của Apple Eddy Cue cũng từng bày tỏ quan ngại, nếu FBI thắng kiện và hãng này phải bẻ khóa iPhone, Chính phủ có thể được đà lấn tới đòi xâm nhập, theo dõi camera, microphone của iPhone.
Giới chuyên môn và luật gia quan tâm tới tuyên bố mới đây của Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein khi cho rằng, nỗ lực của FBI buộc Apple bẻ khóa chiếc iPhone có nguy cơ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm dẫn đến vi phạm quyền con người.
Giám đốc FBI James Comey - CEO của Apple Tim Cook. |
Theo ông Zeid Ra'ad Al Hussein, việc bẻ khóa điện thoại có thể mở đường cho tin tặc tấn công và Chính phủ theo dõi. Đồng thời khiến Apple và các hãng công nghệ lớn khác không thể bảo vệ bí mật riêng tư của khách hàng trên thế giới. Apple cho rằng, yêu cầu của FBI là động thái nguy hiểm, phá vỡ một số tính năng bảo mật quan trọng, đồng thời phá bỏ những thành tựu về bảo mật mà hãng này đã đạt được trong hàng thập kỷ qua để bảo vệ khách hàng.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng cảnh báo, khả năng mã hóa của iPhone do Apple sản xuất đang được các đối tượng tội phạm sử dụng như một công cụ hữu dụng để thực hiện các hành động phạm pháp. FBI từng lo ngại những tên tội phạm và khủng bố có thể lợi dụng hàng rào bảo mật của Apple để che chắn cho các hoạt động của chúng. Và kể từ khi xảy ra cuộc chiến pháp lý với FBI và chính phủ Mỹ, Apple luôn gặp rủi ro.
Ngày 7-3, Tòa án Tối cao đã bác đơn kháng cáo về vụ kiện thao túng giá sách điện tử (e-book) của Apple và buộc hãng công nghệ này phải trả khoản tiền bồi thường lên tới 450 triệu USD. Vụ kiện này bắt đầu sau khi Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra cho thấy, Apple đã âm mưu bắt tay với các nhà xuất bản sách tăng giá sách điện tử. Trước đó (27-2), một tòa phúc thẩm tại Mỹ cũng đã hủy chiến thắng pháp lý trị giá gần 120 triệu USD của Apple với Samsung.
Theo đó, 2 bản quyền phần mềm của Apple mà Samsung bị kết án vi phạm là vô giá trị, và họ không vi phạm những bản quyền còn lại.