Người anh hùng vĩ đại của hạt nhân Xô Viết:

'Anh hùng của đề án năng lượng hạt nhân và thử nghiệm thành công vũ khí nguyên tử'

Thứ Hai, 27/07/2015, 10:00
Cho dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ, “kỳ án Beria” vẫn là một đề tài nóng bỏng và mang tính thời sự. Đây là một vụ án chính trị lớn nhất trong lịch sử Liên Xô, phản ánh cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực khốc liệt giữa các nhóm lãnh đạo Liên Xô giai đoạn đầu những năm 1950, sau khi Stalin chết.

Beria, nhân vật thứ hai, “cánh tay phải” của Stalin và một số người thân cận đã bị Nikita Khorutsov bắt, xử bắn, không qua xét xử với một tội danh tuyên bố hết sức mơ hồ: “phản quốc”, “kẻ thù nhân dân”. Cuốn từ điển bách khoa Liên Xô xuất bản năm 1989 viết về Beria như sau : “Là người chủ mưu tổ chức hàng loạt các vụ đàn áp và bắt bớ vô căn cứ giai đoạn những năm 1930 và đầu những năm 1950”.

Phục hồi danh dự

Sau khi Khorutsov bị hạ bệ (1964), nhiều người tìm cách lật lại vụ án Beria nhưng không có kết quả. Sau khi Liên Xô tan rã, rất nhiều trường hợp đã được minh oan và phục hồi danh dự, nhưng một lần nữa Beria tiếp tục bị lãng quên. Tuy cho đến nay “kỳ án chính trị” Beria vẫn chưa được xét lại, nhưng các nhà khoa học về hạt nhân của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay đều có chung nhận định: Lavrenti Pavlovich Beria là người anh hùng vĩ đại của chương trình hạt nhân Liên Xô.

Theo các tài liệu chính thức của Liên Xô trước đây, Lavrenti Pavlovich Beria sinh ngày 29/3/1899 tại làng Merkheuli vùng Sukhumi (CH tự trị Abkhadia Liên Xô), trong một gia đình nông dân nghèo. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông tại Sukhumi, Beria lên Baku (Azerbaizan) học tại ĐH Bách khoa và tốt nghiệp khoa kiến trúc-xây dựng năm 1919.

Ngay từ những năm sinh viên, Beria đã tham gia phong trào cách mạng. Năm 1915, Beria tham gia lãnh đạo nhóm sinh viên cách mạng. Tháng 3/1917, Beria gia nhập Đảng Cộng sản Nga (Bolsevich) và tham gia hoạt động bí mật tại Azerbaizan.

Lavrenti Pavlovich Beria. 

Năm 1920, Beria được cử đến Grudia hoạt động bí mật; lúc này chính quyền Grudia đang nằm trong tay nhóm Mensevich. Beria đã liên lạc với những người Bolsevich địa phương tổ chức vũ trang chống lại chính quyền Mensevich. Nhóm hoạt động bí mật bị vỡ, Beria bị chính quyền Mensevich Grudia bắt và giam tại nhà tù Kutaisi. Sau mấy tháng bị giam giữ, Beria được chuyển về Azerbaizan nhờ sự can thiệp của ông Kirov, đại diện toàn quyền của nước Nga Xôviết tại Grudia. Tại Baku, lúc đầu Beria làm việc tại Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Azerbaizan (Bolsevich), sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch kiêm lãnh đạo bộ phận nghiệp vụ bí mật của Ủy ban đặc biệt (Trêka) của Azerbaizan.

Mùa thu 1922, BCH Trung ương Đảng Cộng sản vùng ngoại Caucase (Bolsevich) chuyển Beria tới làm việc tại Ủy ban đặc biệt (Trêka) Grudia với cương vị lãnh đạo bộ phận nghiệp vụ bí mật kiêm lãnh đạo Phòng đặc biệt quân đội. Từ đó cho đến cuối 1931, Beria liên tục ở cương vị lãnh đạo công tác Trêka ở Grudia. Beria đã có nhiều đóng góp vào việc tiêu diệt các băng đảng chống chính quyền Xôviết tại Grudia và vùng ngoại Caucase. Đặc biệt, Beria đã thành công trong việc đấu tranh chống lại các nhóm Troskit-Bukharin và tư sản dân tộc phản cách mạng và loại bỏ thành phần Mensevich trong chính quyền Xôviết ở Grudia những năm đầu cách mạng.

Đầu tháng 11/1931, Beria được bầu giữ chức Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng Cộng sản Grudia và Bí thư thứ hai BCH đảng bộ khu vực ngoại Caucase. Năm 1932, Beria được bầu làm Bí thư thứ nhất đảng bộ toàn khu ngoại Caucase và Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Grudia (Bolsevich). Trên các cương vị công tác, Beria luôn thể hiện một lãnh đạo xuất sắc, kiên định lập trường chủ nghĩa Mác-Lênin, không khoan nhượng với kẻ thù.

Do những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Beria được tặng thưởng Huân chương Lênin, Huân chương Cờ đỏ và nhiều phần thưởng cao quý khác của Azerbaizan, Grudia. Beria còn được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và phong hàm Nguyên soái Liên Xô.

Tháng 8/1938, Beria được chuyển lên Moskva công tác, giữ chức Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô. Beria trở thành ủy viên BCH đảng (Bôn Xê Vích) từ Đại hội XVII đảng cộng sản Liên Xô. Tại phiên họp đầu tiên tháng 3/1939, BCH Đảng Cộng sản Liên Xô (Bolsevich) khóa XVIII đã bầu Beria giữ chức Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Beria còn là Đại biểu Xôviết tối cao Liên Xô. Từ sau năm 1940, trong các tài liệu chính thức của Đảng cộng sản Liên Xô hầu như không đề cập đến lai lịch và hoạt động chính trị của Beria. Beria đã được giao một nhiệm vụ “Tuyệt mật”, đó là phụ trách “Đề án hạt nhân” Liên Xô tức là lãnh đạo công việc nghiên cứu, sản xuất bom nguyên tử của Liên Xô.

Kể từ sau khi Beria bị bắt và tử hình, có khá nhiều bài báo viết về Beria. Tuyệt đại đa số các bài viết đều có nội dung chống lại Beria, miêu tả nhà lãnh đạo cách mạng này như một “con quỉ”, một “kẻ sát nhân”; tuyệt nhiên không có bài nào nói đến công lao của Beria trong cuộc chiến tranh Vệ quốc và bảo vệ nền độc lập của Liên Xô.

Nhà báo Victor Kuznhesov là người mất nhiều thời gian tìm hiểu và nghiên cứu về Beria; ông đã tìm cách tiếp cận nhiều văn bản, tài liệu tối mật của kho lưu trữ của Đảng Cộng sản Liên Xô, gặp gỡ một số nhân vật nổi tiếng từng có thời gian làm việc cùng Beria. Kuznhesov đã cho đăng hai bài báo trên tạp chí Ngày mai (Zavtra), bài “Câu đố Beria” 26/6/2013 và bài “Beria, người anh hùng vĩ đại của chương trình hạt nhân Xôviết” 10/3/2015; với nhiều dẫn chứng thuyết phục và lập luận sâu sắc, Kuznhesov đã bác bỏ những lời kết tội sai trái trước đây đối với Beria, khẳng định Beria là một nhà chính trị xuất sắc của Liên Xô, có nhiều đóng góp vào cách mạng, bảo vệ tổ quốc và đặc biệt trong việc xây dựng ngành hạt nhân hùng mạnh của Liên Xô.

Theo Kuznhesov thì lời kết tội Beria “chủ mưu các vụ đàn áp và bắt bớ vô căn cứ những năm 1950” là hết sức phi lí. Liệu một người, cho dù là Bộ trưởng Nội vụ, có thể toàn quyền quyết định các vụ đàn áp được không? Liệu một người có thể thay thế cả một hệ thống tòa án hay không? Hay là hệ thống tòa án chịu sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ? Có thể Beria là người chấp hành nghiêm túc chính sách đàn áp của nhà nước, nhưng ông ta chỉ là người thực hiện chứ không phải là người quyết định chính sách đó.

Nếu chúng ta cứ cho là việc tổ chức đàn áp chỉ do  một mình Bộ Nội vụ (NKVD) quyết định, thì Beria đã rời khỏi cơ quan này từ tháng 12/1945. Người kế nhiệm ông là V.C. Abakumov (1946-1951) và tiếp theo là C.D. Ignhatiev. Và chính giai đoạn sau chiến tranh mới xảy ra nhiều vụ đàn áp, bắt bớ nhất. Vậy vì lý do gì người ta lại qui trách nhiệm cho Beria cả về những vụ đàn áp trong 8 năm ông ta không còn đứng đầu Bộ Nội vụ. 

Theo các số liệu của Liên Xô thì số người bị bắt vì tội “phản cách mạng” trong 8 năm đó tăng 59,2%, cụ thể: năm 1946 là 44.532, năm 1947 là 93.570, năm 1950 là 158.216 và năm 1952 là 106.546 người. Như vậy tổng cộng trong giai đoạn 1946-1952, số người bị bắt về tội “phản cách mạng” đã lên tới 293.201 người.

Trong giai đoạn 1948-1952, số tù nhân của toàn Liên Xô là 2,5 triệu người. Nếu bóc tách các loại hình tội phạm khác ra thì số lượng tù nhân chính trị còn lại sẽ không lớn, như vậy có thể thấy người ta đã cố tình thổi phồng các vụ đàn áp, bắt bớ chính trị. Có một vài nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng số lượng phạm nhân. Ngày 4/6/1947, Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô ra Sắc lệnh về “Trách nhiệm hình sự đối với tội trộm cắp tài sản quốc gia và xã hội” và “về việc tăng cường bảo vệ tài sản cá nhân của công dân”. Thực thi Sắc lệnh trên, đã có hơn 1 triệu công dân Liên Xô bị bắt, tức là chiếm ½ số tù nhân toàn Liên Xô.

Những sự kiện và con số trên đã tự nó bác bỏ quan điểm cho rằng Beria là người chỉ đạo các vụ đàn áp ở Liên Xô. Vậy ai là người đã cố tình bóp méo sự thật ? Vì sao, những kẻ chống Beria lại cố tình bỏ qua những sự thật trên ?

Lịch sử Liên Xô giai đoạn chiến tranh và sau chiến tranh thế giới thứ hai không thể không nhắc đến các chiến dịch lưu đày; những người bị đưa đi lưu đày cách xa mặt trận là những người có quốc tịch Đức và cả một số công dân thuộc các nước đồng minh của Hitle như Hungarie, Bulgarie, Phần Lan… 

Nguyên nhân của chiến dịch lưu đày xuất phát từ hàng loạt vụ đào ngũ và bạo loạn vũ trang chống Liên Xô tại các nước đồng minh của Hitle trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. 

Sau khi Hồng quân giải phóng các vùng đất bị Đức chiếm đóng, đã diễn ra nhiều hoạt động thanh lọc những gia đình tiếp tay cho quân Đức, truy bắt những kẻ phản bội tổ quốc và chạy theo quân Đức. Người trực tiếp chỉ huy các chiến dịch trên là C.N. Kruglov, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ; ông này sau đó đã được tặng thưởng Huân chương Suvorov hạng nhất.

Thực ra cách ứng xử như trên đối với những người có cảm tình hoặc tham gia tuyên truyền chống chính quyền trong giai đoạn chiến tranh cũng xảy ra tại các nước khác. Sau khi nước Anh tuyên chiến với Đức, London đã cho xây dựng các trại tập trung dành cho những phần tử “tuyên truyền cho chủ nghĩa phát xít và bị nghi ngờ ủng hộ chủ nghĩa phát xít”; đã có ít nhất 104.000 người bị bắt và tống vào các trại tập trung ở Anh. 

Tại Mỹ, sau vụ Trân Châu Cảng 7/12/1941, đã xảy ra một làn sóng đàn áp những người Mỹ gốc Nhật, kể cả những người chỉ còn mang 1/16 dòng máu Nhật tại các bang miền Tây nước Mỹ. Theo các số liệu chính thức của Mỹ, đã có gần 120.000 người bị đàn áp, trong đó 74.000 là công dân Mỹ, nhiều người sinh ra tại Mỹ. Cũng có các thông tin khác nói số người bị bắt giam lên tới 300.000 – 400.000 người. 

Tất cả họ bị nhốt vào các sân vận động, sau đó không điều tra, không xét xử, không truy tố, bị đưa đi lưu đày. Để phục vụ cho việc giam giữ số người trên, nước Mỹ đã cho xây dựng 10 trại tập trung tại sa mạc ở Alabama, nơi khí hậu vô cùng khắc nghiệt.

Vì sao trong những bối cảnh tương tự, các sự kiện ở Liên Xô thì bị thổi phồng lên trong khi các vụ việc xảy ra tại Anh và Mỹ lại ít được đề cập đến?

Dự án bom nguyên tử

Trong những năm chiến tranh, Beria được giao phụ trách ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô và một trọng trách hết sức quan trọng – thực hiện dự án làm bom nguyên tử. Đây là một dự án “Tuyệt mật” nên rất ít người biết về “Chương trình số 1” liên quan đến làm bom nguyên tử của Liên Xô.

Những tin tức tình báo đầu tiên, thu thập thông qua mạng lưới đặc tình của NKVD về việc người Mỹ, Anh và Đức bí mật nghiên cứu sản xuất bom nguyên tử, đến tay Beria từ mùa thu 1941. Nghi ngờ độ chính xác của tài liệu, Beria chưa vội báo cáo Stalin. Mãi đến ngày 6/10/1942, Beria mới báo cáo Stalin và đề xuất thành lập một cơ quan khoa học đặc biệt trực thuộc Ủy ban Quốc phòng với thành phần là những nhà khoa học nổi tiếng nhằm phối hợp, nghiên cứu về năng lượng hạt nhân. 

“Đề án hạt nhân Liên Xô” đi vào hoạt động từ ngày 28/9/1942. Cũng ngày hôm đó, Ủy ban Quốc phòng Liên Xô ra Quyết định số 2352cc “về tổ chức công tác nghiên cứu Uranium”. Cho tới tháng 5/1944, phụ trách các cơ quan nghiên cứu về Uranium là Phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng Molotov. Ngày 16/5/1944, Stalin giao cho Beria phụ trách toàn bộ ngành kinh tế quốc phòng. 

Ngày 21/6/1944, Beria được giao phụ trách “Đề án hạt nhân”. Để đẩy nhanh tiến trình thực hiện đề án, Beria đã huy động mọi điều kiện nhân lực có thể phục vụ cho công tác này như huy động tất cả những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực nguyên tử, tăng cường công tác tình báo ở nước ngoài nhất là địa bàn Anh, Mỹ, Đức nhằm thu thập các tài liệu liên quan.

Sau khi người Mỹ cho thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên, sức ép hoàn thiện sớm quả bom nguyên tử của Liên Xô trở nên ngày càng lớn. Ủy ban Quốc phòng Liên Xô ngày 20/8/1945 đã ra quyết định thành lập Ủy ban đặc biệt do Beria lãnh đạo. Ủy ban này được giao nhiệm vụ “chỉ đạo mọi công tác về việc sử dụng năng lượng hạt nhân”. 

Beria, một mặt tổ chức và chỉ đạo công tác thu thập mọi thông tin tình báo liên quan, mặt khác lãnh đạo thực hiện dự án. Có thể nói, bắt đầu từ con số 0, thiếu cơ sở vật chất, thiếu cán bộ có kinh nghiệm, thiếu những kết quả thử nghiệm về hạt nhân, Beria cùng đội ngũ các bác học, kỹ sư xây dựng, công nhân quốc phòng đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ.

Qua trực tiếp đọc một khối lượng lớn tài liệu mật đã được bạch hóa từ kho lưu trữ của Tổng thống Nga liên quan đến “Đề án hạt nhân Liên Xô”, nhà báo Kuznhesov đã hết sức ngạc nhiên và khâm phục về khả năng làm việc của Beria. Beria không chỉ đọc kỹ, cân nhắc từng con số, thuật ngữ, mà còn tự sửa từng câu chữ của báo cáo trước khi ký gửi Stalin.

Sau 4 năm, ngày 29/8/1949, quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô đã được thử thành công tại bãi thử số 2, phía Tây thành phố Semipalatinski, CH Kazakhstan. Ngày 30/8/1949, từ bãi thử hạt nhân, Beria và Viện sĩ Kurchatov đồng ký vào bản báo cáo gửi Stalin, trong đó có đoạn như sau: “Xin báo cáo đồng chí Stalin, sau 4 năm làm việc không biết mệt mỏi và bằng những nỗ lực to lớn của đội ngũ bác học, công trình sư, kỹ sư, cán bộ và công nhân Liên Xô, nhiệm vụ làm bom nguyên tử mà đồng chí giao cho chúng tôi đã được hoàn thành. Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm và giúp đỡ thường xuyên của đồng chí…”. 

Ngày 28/10/1949, Beria viết một báo cáo bổ sung gửi Stalin về kết quả thử nghiệm bom nguyên tử kèm đề án để Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô phê duyệt “Về sử dụng kết quả thử nghiệm tại bãi thử số 2”.

Ngày 29/10/1949, Beria được tặng thưởng Huân chương Lenin và phần thưởng Stalin hạng nhất vì đã có “thành tích xuất sắc trong việc tổ chức thực hiện đề án năng lượng hạt nhân và thử nghiệm thành công vũ khí nguyên tử”. Hơn 800 nhà khoa học, kỹ sư, cán bộ nghiên cứu khoa học, các tổ chức và xí nghiệp tham gia đề án cũng được tặng huân, huy chương Liên Xô.

Beria có tài tổ chức và hoàn thành xuất sắc công việc của cả một ngành công nghiệp hàng đầu Liên Xô. An ninh và nền độc lập đất nước đã được củng cố. Thế giới hôm nay sẽ ra sao nếu như Mỹ tiếp tục độc quyền sở hữu vũ khí hạt nhân ? Trên bản đồ thế giới ngày nay liệu có còn tồn tại nước Nga, nếu Mỹ thực hiện kế hoạch không kích hạt nhân các thành phố lớn của Liên Xô?

Nguyễn Đình
.
.
.