Ấn Độ: Triệt phá ổ mua bán, trao đổi trẻ sơ sinh trong bệnh viện tư

Thứ Năm, 28/04/2016, 20:40
Cảnh sát Ấn Độ mới đây thông tin về một 'trại trẻ' gồm những cháu mới chào đời ngoài ý muốn bị mang đi bán, hoặc đổi chác. Số phận của các bé không được cha mẹ chúng định đoạt, mà bị các bác sĩ, nhân viên y tế tại một bệnh viện tư nhân ở bang Madhya Pradesh quyết định.


Hôm 18-4, cảnh sát quốc gia Nam Á này đã triệt phá đường dây buôn bán trẻ sơ sinh ngay tại bệnh viện tư nhân Palash thuộc thành phố Gwalior, bang Madhya Pradesh. Cũng từ đây, lực lượng an ninh nước này đã khui ra cách thức buôn bán, trao đổi trẻ sơ sinh giữa những gia đình hiếm muộn và các cô gái "trót dại" trong tình yêu, ăn cơm trước kẻng dẫn tới mang thai ngoài ý muốn hay những cô bị cưỡng bức dẫn tới có thai… thông qua sự dẫn mối của những nhân viên y tế ngay trong bệnh viện. 

Theo tờ The Times Of India, những đứa trẻ ra đời trong hoàn cảnh trên sẽ được hỗ trợ tại bệnh viện, từ đó các bác sĩ sẽ móc nối với những gia đình không có con cái để trao đổi, mua bán, làm thủ tục nhận con nuôi.

"Khi cô gái hay cha mẹ cô ấy có ý định phá bỏ thai nhi, các nhân viên của bệnh viện này sẽ tiếp cận, thuyết phục giữ lại đứa trẻ. Thời điểm cô gái cùng người thân đến bệnh viện để lâm bồn, các bác sĩ cũng thường thuyết phục họ về các ca sinh nở an toàn, kín đáo và tìm kiếm người nhận nuôi đứa trẻ ngay sau đó" - tờ Times of India dẫn lời một cảnh sát giấu tên.

Trẻ sơ sinh tại bệnh viện tư nhân Palash đã bị buôn bán trao đổi.

Điều tra viên Prateek Kumar nói rằng, bệnh viện đã sử dụng các "tai mắt" để dò tìm những phụ nữ trẻ có thai ngoài ý muốn. "Một khi em bé ra đời và người mẹ xuất viện, nhân viên bệnh viện bắt đầu tìm các cặp đôi cả tin có thể mua những em bé này", vị này nói thêm. Giá của mỗi đứa trẻ trong những cuộc trao đổi mua bán là 100.000 rupee (hơn 30 triệu VNĐ).

 Cũng tại đây, nhiều cặp vợ chồng có thể tráo đổi con mình lấy một đứa trẻ với giới tính mà họ mong muốn. "Một cặp vợ chồng ở Gwalior có hai con trai. Họ đã mang một bé trai tới bệnh viện để đổi lấy một bé gái" - cảnh sát cho biết. Từ các điều tra ban đầu, đêm 18-4, cảnh sát bang Madhya Pradesh đã đột nhập vào bệnh viện kể trên và cứu được 2 trẻ sơ sinh đang chuẩn bị được "rao bán" cùng 3 bé khác đã được bán cho các cặp vợ chồng không con tại bang Uttar Pradesh và Chhattisgarh.

Ông Prateek Kumar cho biết, 5 người có liên quan, trong đó có Giám đốc bệnh viện Arun Bhadoria, quản lý (người đã thuê một  nhóm chuyên đi tìm những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn) và 3 người mua trẻ em bị bắt giữ của Ấn Độ. Ông Kumar nói rằng, bệnh viện Palash đã có nhiều "chi nhánh" tại khu vực Chambal. Hiện tại, cảnh sát đang tiếp tục phanh phui vụ việc, nhiều đội điều tra đã được cử đến bang Uttar Pradesh và Chhattisgarh nhằm tìm kiếm những đứa trẻ được bán theo phương thức này.

Từ lâu, Ấn Độ đã bị chỉ trích nặng nề vì thường xuyên xảy ra tình trạng bạo lực, hiếp dâm và coi nhẹ nhân quyền của phụ nữ nghèo. Trong năm 2012, hàng ngàn người đã xuống đường phố New Delhi biểu tình, kêu gọi cảnh sát bảo vệ phụ nữ sau khi một cô gái có tên Jyoti Singh bị 6 người đàn ông hãm hiếp đến chết ngay trên xe buýt giữa thủ đô.

Hồi tháng 3-2016, một phụ nữ 28 tuổi bị hai người đàn ông hãm hiếp trên xe buýt ở Uttar Pradesh, trong khi con gái cô bị ném ra ngoài đường và tử vong. Dư luận Ấn Độ cũng đang choáng váng với việc một em gái hôm 21/4 đã bị ba người đàn ông cưỡng hiếp tập thể, sau đó giết chết và treo ngược nạn nhân lên cây, ở làng Yeturu, bang Andhra Pradesh.

Theo nguồn tin từ Indian Express, em gái này 16 tuổi, là nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp tập thể. Cha mẹ đã phát hiện xác con mình trong tư thế bị treo lên cây, sau khi họ không thấy em trở về nhà. Trên đường từ trường về nhà, em đã bị 3 người đàn ông kéo vào một chiếc xe, và sau đó chúng hãm hiếp nạn nhân ở một cánh đồng ngoại ô.

Phát ngôn viên cảnh sát Sathya Kishore cho biết, các nghi phạm đến từ làng lân cận Vibharinthalapadu. Mặc dù cảnh sát đã xác định được những người đàn ông bị buộc tội, song đến nay vẫn chưa bắt giữ chúng. Ấn Độ đã thắt chặt luật chống cưỡng hiếp, với án phạt cao nhất cho tội cưỡng hiếp tập thể là tử hình, kể cả khi nạn nhân vẫn còn sống, nhưng vấn nạn này vẫn không hề thuyên giảm.

Nguyễn Minh (tổng hợp)
.
.
.