Yemen: 100 tù nhân chết sau 7 vụ không kích nhà tù
Sáng 1-9, liên quân do Arab Saudi đứng đầu thông báo đã tiến hành không kích các mục tiêu quân sự của lực lượng nổi dậy Houthi ở Tây Nam Yemen và thông báo đã phá hủy một khu vực chứa nhiều máy bay không người lái và tên lửa ở Dhamar.
Sau khi đến địa điểm xảy ra vụ tấn công, ông Franz Rauchenstein, người đứng đầu phái đoàn Hội Chữ thập đỏ ở Yemen, cho rằng số người chết có thể tăng cao hơn và tương đối ít tù nhân sống sót. "Tôi thực sự bị sốc khi chứng kiến thiệt hại to lớn này, nhìn thấy các thi thể nằm lẫn giữa đống đổ nát. Tức giận và buồn bã là những phản ứng tự nhiên" - ông Rauchenstein bày tỏ. Ông cho rằng dưới đống đổ nát vẫn còn rất nhiều xác chết nhưng rất khó có thể đào bới lên.
Nazem Saleh, một trong những người bị giam giữ, nói với hãng tin AP: "Chúng tôi đang ngủ thì khoảng nửa đêm, có tới 3, 4, hay có thể 6 cuộc không kích. Họ đang nhắm tới nhà tù, tôi không biết chính xác có bao nhiêu cuộc không kích... Chúng tôi có 100 người ở tầng dưới và 150 người ở tầng trên", anh nói khi đang nằm trong bệnh viện.
Nhà tù tan hoang sau cuộc không kích. |
Văn phòng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Yemen cho biết còn ít nhất 68 tù nhân vẫn mất tích. Ông Youssef al-Hadhri, phát ngôn viên Bộ Y tế do Houthi điều hành, nói rằng ít nhất 7 cuộc không kích đã tấn công 3 tòa nhà trong khu phức hợp chỉ trong một đêm.
Liên minh do Arap Saudi dẫn đầu cho biết họ đã tấn công một cơ sở quân sự theo luật nhân đạo quốc tế và tất cả các biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện để bảo vệ thường dân. Đại tá Turki al-Maliki, phát ngôn viên của liên minh, được kênh Al Arabiya của Arap Saudi trích dẫn, đã phủ nhận mục tiêu không kích là nhà tù.
Theo hãng tin AP, phiến quân Houthi đã sử dụng nhiều địa điểm làm trung tâm giam giữ, bao gồm trường học, nhà thờ Hồi giáo và nhà ở, với hàng ngàn tù nhân chính trị, để trao đổi tù nhân sau này. Các tổ chức nhân quyền trước đây cũng đã ghi nhận rằng người Houthi đưa tù nhân dân sự vào các trung tâm giam giữ làm lá chắn sống khi xếp đặt chúng bên cạnh doanh trại quân đội, dưới sự đe dọa liên tục của các cuộc không kích.
Cuộc chiến Yemen, bước sang năm thứ 5, đã giết chết hàng chục nghìn sinh mạng và Liên Hợp Quốc đã gọi đây là khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới. Liên quân do Arab Saudi dẫn đầu đã can thiệp vào Yemen từ tháng 3-2015 để hỗ trợ Tổng thống M.Hadi, trong bối cảnh phiến quân Houthi chiếm giữ nhiều khu vực phía Bắc nước này, bao gồm thủ đô Sanaa, buộc chính quyền của ông Hadi phải lưu vong.
Dưới sự lãnh đạo của Thái tử Mohammed bin Salman, liên quân do Arab Saudi dẫn đầu cùng đồng minh chính phủ Yemen đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm làm suy yếu phiến quân Houthi.
Yemen, đất nước nghèo nhất bán đảo Arab chìm trong hỗn loạn, bị kéo lùi sự phát triển tới 20 năm và rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Việc thực thi thỏa thuận hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian dường như không có tiến triển, trong khi nguy cơ về một cuộc chiến kéo dài ở Yemen là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh ở khu vực.
Xung đột đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, chủ yếu là dân thường và khiến cho Yemen rơi vào tình trạng kinh tế kiệt quệ và khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Theo Liên hợp quốc, khoảng 24 triệu người Yemen cần viện trợ nhân đạo và cần được bảo vệ, trong đó 20 triệu người, tương đương hai phần ba số dân nước này, thiếu lương thực. Báo cáo mới đây của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhận định, bốn năm xung đột đã kéo lùi sự phát triển của Yemen tới 20 năm.
Giới lập pháp Mỹ cho rằng, Arab Saudi đã vượt quá giới hạn trong cuộc chiến tại Yemen khi chiến dịch quân sự do Riyad tiến hành khiến số dân thường chết không ngừng tăng. Những tác động từ nhiều phía vào cuộc chiến tại Yemen đã cản trở các nỗ lực đàm phán hòa bình giữa các phe phái ở nước này do Liên hợp quốc làm trung gian.
Nếu các bên liên quan tiếp tục sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề thì mọi hậu quả đau thương đều đổ lên đầu dân thường vô tội. Liên hợp quốc đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới hiện nay đang diễn ra ở Yemen, song các nỗ lực chấm dứt xung đột vẫn chưa hiệu quả và hòa bình cho quốc gia này còn quá xa vời.n