Yakuza - Mafia Nhật Bản

Thứ Tư, 12/04/2017, 16:00
Yakuza, tập đoàn tội phạm có tổ chức của Nhật Bản, đã thu được hàng tỷ đô la bằng nhiều hoạt động khác nhau, từ tống tiền đến buôn người. Nhằm trấn áp tổ chức tội phạm nguy hiểm này, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định săn lùng dấu vết của chúng từ chuyển động của dòng tiền, như cách Mỹ đã dùng để bỏ tù trùm mafia Al Capone.


Những ông lớn bị “hỏi thăm”

Năm 2013, Cơ quan Dịch vụ tài chính của Nhật Bản (FSA) ra lệnh cho Tập đoàn Tài chính Mizuho phải cải thiện việc tuân thủ pháp luật; đồng thời yêu cầu các giám đốc điều hành phải báo cáo những gì họ biết về việc một chi nhánh bị phát hiện cho các tổ chức tội phạm vay mượn. 

Mizuho Bank bị cáo buộc cho Yakuza và các thành viên xã hội đen vay tiền thông qua công ty tín dụng của tập đoàn là Orient Corp. Cụ thể, Orient Corp đã cho 228 tay anh chị xã hội đen vay để mua xe hơi và những thứ khác, tổng cộng 200 triệu yen (khoảng 2 triệu USD).

Theo lệnh của nhà chức trách, Mizuho đã công bố kết quả điều tra do bên thứ 3 thực hiện và bảng kế hoạch cải tổ chi tiết theo hướng ngăn chặn việc cho vay xã hội đen. Ngoài bảng kế hoạch, Mizuho còn công bố phạt 54 nhà điều hành, gồm cả Chủ tịch Takashi Tsukamoto của Mizuho, bằng hình thức trừ lương. 

Ảnh minh họa.

Ông Tsukamoto sẽ thôi chức chủ tịch nhưng vẫn giữ vị trí lãnh đạo ở công ty mẹ. Còn Giám đốc điều hành tập đoàn mẹ Yasuhiro Sato sẽ làm việc 6 tháng không lương. Mizuho cũng cam kết sẽ tiến hành những bước để ngăn chặn hoạt động cho vay đối với “các lực lượng chống đối xã hội”, trong đó không chỉ có bọn xã hội đen mà còn có cả các tay lừa đảo.

Cho đến nay, ngoài Mizuho còn có 2 ngân hàng lớn khác đã bị các nhà chức trách Nhật Bản điều tra vì liên quan đến hoạt động cho các băng đảng xã hội đen vay tiền, gồm “gã khổng lồ” Mitshubishi, Mizuho - ngân hàng lớn thứ hai ở Nhật Bản và Tổ chức Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG).

Quyết triệt hạ...

Ở Nhật, việc là thành viên của một băng đảng Yakuza không bị coi là bất hợp pháp. Cho tới tận gần đây, các nhóm Yakuza vẫn nổi tiếng vì tính công khai của chúng. Văn phòng đại diện của các băng nhóm thậm chí treo cả biển hiệu, tên gọi và danh sách các thành viên ở bên trong.

Động thái mới nhất của FSA là làm gia tăng sức nặng của pháp lệnh ban hành trên toàn quốc nhắm vào tổ chức Yakuza trong năm 2011, theo đó ngăn cấm mọi hành vi làm ăn kinh doanh với các thành viên băng đảng, tương tự một pháp lệnh ở Mỹ trong cùng năm yêu cầu các tổ chức tài chính đóng băng tài sản của Yakuza. Bộ Tài chính Mỹ cho đến nay đã đóng băng khoảng 55.000 USD tài sản của Yakuza, bao gồm 2 thẻ American Express, theo tài liệu do Bloomberg News thu thập được. 

“Áp lực đối với Yakuza chắc chắn đã gia tăng”, theo Hideaki Aihara, Tổng giám đốc của Trung tâm Quốc gia về xóa bỏ Yakuza và một giám sát viên tại Cục Cảnh sát Tokyo. “Các ngân hàng cần xem xét kỹ lưỡng đối tượng vay để xem họ có bất kỳ mối quan hệ nào với Yakuza hay không, để tránh mọi hình phạt từ FSA", ông Aihara nói về điều luật mới, và cho rằng nó “rất có ý nghĩa”.

Việc vi phạm pháp lệnh này có thể bị phạt tiền từ 500.000 yên (5.045 USD) hoặc 1 năm tù giam. Kể từ khi luật này có hiệu lực, cảnh sát đã điều tra 164 người tình nghi vi phạm, bắt giữ 9 người. Cảnh sát cũng đã bắt giữ hơn 24.000 thành viên Yakuza năm 2012, trong đó có 23 ông trùm của băng đảng lớn nhất là Yamaguchi-gumi, với các cáo buộc phạm tội như: tống tiền, buôn bán ma túy, cờ bạc, trộm cắp và gian lận. 

Trước cảnh báo về sự tham gia của Yakuza trong kinh doanh chứng khoán, từ năm 2010, Hiệp hội Đại lý chứng khoán Nhật Bản (JSD) đã yêu cầu các thành viên tiến hành loại trừ các băng đảng ra khỏi ngành này.

Hay vì Mỹ ép?

Nếu chỉ nhắm đến tài khoản của các thành viên băng đảng Yakuza sẽ không có tác động lớn, vì như một quan chức Mỹ tiết lộ, có rất ít tài khoản ngân hàng lấy tên các thành viên Yakuza. Vì vậy, cũng như Mỹ đã làm, Nhật Bản nhắm tới việc lên “danh sách đen” những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có hành vi làm ăn với Yakuza, hoặc giúp các băng đảng cất giấu tài sản, rửa tiền... 

“Không có ngân hàng nào muốn thấy tên của mình bị đưa ra trang nhất các tờ báo như một ngân hàng lựa chọn của các băng đảng Yakuza” - ông Szubin, một quan chức Nhật Bản, nói.

Ảnh minh họa.

Băng Yamaguchi-gumi ước tính có thể kiếm hàng tỷ USD mỗi năm từ các hoạt động buôn người, ma túy, tống tiền, mại dâm, gian lận và rửa tiền, Bộ Tài chính Mỹ cho biết khi đưa băng đảng này vào “danh sách đen” năm 2012 bởi họ khẳng định Yakuza có liên quan sâu đối với các tội phạm cổ trắng, thường sử dụng công ty bình phong để che giấu tiền bất hợp pháp trong những ngành công nghiệp hợp pháp, bao gồm cả xây dựng, bất động sản và tài chính.

Trước đây, từ những năm 1970, các nhà chức trách Nhật Bản thỉnh thoảng dùng việc truy tố trốn thuế để nhắm đến các thành viên Yakuza, theo cuốn “Yakuza: Thế giới ngầm của tội phạm Nhật Bản”.

Tại Mỹ, 3 băng đảng Yakuza lớn nhất bị đưa vào “sổ đen” là Yamaguchi-gumi, Sumiyoshi-kai và Inagawa-kai, chiếm 72% thành viên Yakuza, theo Bộ Tài chính Mỹ .

Động thái của Mỹ diễn ra sau những chỉ trích rằng Nhật Bản đã không làm đủ mạnh để chống lại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2011 gọi sự hợp tác của Cảnh sát Nhật Bản trong việc chống Yakuza là “quá ít”. Báo cáo còn nêu việc Nhật Bản tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để ngăn chặn rửa tiền là “thiếu một cách đáng lưu ý” và nói, Cơ quan Cảnh sát quốc gia của Nhật Bản (NPA) chỉ cung cấp “hợp tác hạn chế” với các chính phủ nước ngoài.

Khó phát huy

Ngay sau khi băng đảng Yakuza bị thêm vào “danh sách đen” của Bộ Tài chính Mỹ, hầu hết các thành viên băng đảng có tài khoản tại các tổ chức tài chính Mỹ đã đóng tài khoản của mình, theo Jake Adelstein, một nhà văn chuyên về các băng đảng Yakuza. “Tôi nghĩ người ta sẽ không tìm thấy được gì to tát, vì các băng đảng Yakuza rất khôn khéo”. 

Tendo, 39 tuổi, con gái một trùm băng đảng Yakuza và là tác giả của cuốn hồi ký ăn khách xuất bản bằng tiếng Anh "Yakuza Moon", cho rằng những nỗ lực của cảnh sát nhằm triệt phá các băng nhóm tội phạm đơn thuần chỉ khiến cho Yakuza hoạt động tinh vi hơn, ngày càng khó lần theo dấu vết hơn. "Cảnh sát càng gây sức ép, Yakuza càng lẩn sâu vào bóng tối, khiến hoạt động của chúng càng khó phát hiện hơn trước kia", Tendo nói.

Những năm gần đây, Yakuza đã đa dạng hóa lợi ích kinh doanh của chúng trong các lĩnh vực tài chính, xây dựng và xử lý chất thải, theo một báo cáo của cảnh sát. Hiện nay, phần lớn thu nhập của Yakuza hiện giờ đến từ các hoạt động liên quan đến chứng khoán, bất động sản và tài chính. 

Manabu Miyazaki, một cây bút cũng có cha là thành viên Yakuza, nhận xét: "Những gì chúng ta nhìn thấy là Yakuza đang trở nên có cấu trúc hơn, giống như mafia Mỹ, và chia thành các nhóm chuyên về kinh tế, các nhóm chuyên về bạo lực. Khi thế giới tồn tại ít đường ranh giới hơn, Yakuza sẽ cần cả những chuyên gia biết đối phó với tình hình mới, thông thạo tiếng Trung Quốc và tiếng Anh".

Tuy nhiên, những nỗ lực thắt chặt pháp luật và liên tục truy tố của Mỹ từng thành công với việc trấn áp La Cosa Nostra, tổ chức tội phạm lớn nhất ở Mỹ từ những năm 1990, khiến một số gia đình tội phạm biến mất và những gia đình tội phạm còn lại chứng kiến số lượng thành viên giảm xuống ít nhất 10%, theo một báo cáo năm 2000 của Bộ Tư pháp Mỹ.

Hòn Rồng (tổng hợp)
.
.
.