Xung quanh cáo buộc tham nhũng của Cảnh sát trưởng quốc gia Nicaragua
Ngày 5-7, Bộ Tài chính Mỹ công bố danh tính của Cảnh sát trưởng quốc gia Francisco Javier Diaz Madriz và thư ký văn phòng thị trưởng thành phố Managua, ông Fidel Antonio Moreno Briones.
Ông này bị liệt vào danh sách trừng phạt tài chính, do vai trò của họ trong những vụ giết hại và đánh đập người biểu tình chống chính phủ thời gian qua.
Ngoài 2 quan chức kể trên, ông Jose Francisco Lopez Centeno, quan chức cấp cao ngành dầu khí của Nicaragua cũng bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vì đã "rút ruột" hàng triệu USD từ công ty của chính phủ để phục vụ cho lợi ích cá nhân và nhiều nhà lãnh đạo nước này.
Trước đó (3-10-2017), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật mang tên Luật Điều kiện đầu tư vào Nicaragua (NICA) nhằm ngăn cản các khoản tín dụng ưu đãi và viện trợ cho tới khi quốc gia Trung Mỹ này có bầu cử tự do, công bằng và minh bạch. Ước tính mỗi năm, Nicaragua nhận từ 250 tới 300 triệu USD từ các nguồn vốn kể trên.
Cùng thời điểm Bộ Tài chính Mỹ liệt 3 quan chức cấp cao Nicaragua vào danh sách trừng phạt có 3 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ mới giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Daniel Ortega với các nhóm quá khích chống chính phủ. Tính đến nay đã có hơn 220 người chết kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố ở Nicaragua.
Gần 2 tháng trước (15-5), Đại sứ quán Mỹ tại Nicaragua tuyên bố ngừng cấp thị thực tại quốc gia Trung Mỹ này do các điều kiện an ninh bất ổn. Việc này diễn ra đúng thời điểm bắt đầu cuộc đối thoại dân tộc do Hội đồng Giáo mục Thiên chúa giáo làm trung gian.
Hôm 15-5, đại diện chính phủ và đại diện giới doanh nhân, sinh viên, nông dân ở Nicaragua bắt đầu cuộc đối thoại dân tộc vì hòa bình do Hội đồng Giám mục Thiên chúa giáo làm trung gian. Nhưng bạo lực đã bùng phát trở lại hôm 30-5 khiến 16 người thiệt mạng.
Phát biểu tại cuộc đối thoại hôm 15-5, Tổng thống Daniel Ortega nhấn mạnh tới sự cần thiết phải chấm dứt tình trạng bạo lực leo thang, và cho biết đã ra lệnh cho lực lượng cảnh sát không được sử dụng súng vì "không thể lấy bạo lực đáp trả bạo lực".
Cảnh sát trưởng quốc gia Nicaragua Francisco Javier Diaz Madriz. |
Theo thống kê của Hiệp hội vì nhân quyền Nicaragua (ANPDH), các cuộc xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát hôm 15-5 đã khiến ít nhất 35 người bị thương và 10 người bị bắt.
Và số người thiệt mạng do các cuộc đối đầu trên đường phố tại Nicaragua đã khiến 53 người thiệt mạng và khoảng 400 người bị thương trong khoảng 1 tháng qua (từ trung tuần tháng 4).
Đây là cuộc biểu tình bạo lực tồi tệ nhất kể từ khi Mặt trận Giải phóng dân tộc Sandino (FSLN) cầm quyền hiện tại đánh đổ chế độ độc tài Somoza và tái thiết lập nền dân chủ tại Nicaragua năm 1979.
Chính phủ Nicaragua cáo buộc nhiều nhóm bán quân sự cực hữu và các nhóm tội phạm được trả tiền để kích động tình trạng bạo lực từ trung tuần tháng 4-2018 phản đối sắc lệnh cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội.
Tổng thống Daniel Ortega tuy đã nhất trí hủy bỏ dự luật cải cách lương hưu gây tranh cãi, nhưng xung đột vẫn diễn ra. Theo giới kinh tế, những cuộc biểu tình nổ ra từ ngày 16-4 nhằm phản đối kế hoạch cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội của Tổng thống Daniel Ortega đã gây tổn thất khoảng 650 triệu USD, tương đương với 4% GDP của Nicaragua.
Theo giới truyền thông, sáng sớm 16-6 (theo giờ địa phương), một vụ nổ súng và hỏa hoạn đã xảy ra tại Managua, thủ đô Nicaragua, khiến ít nhất 8 người chết và việc này đã phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn đạt được chỉ vài giờ trước đó giữa Tổng thống Daniel Ortega và các nhóm dân sự.Tranh cãi đã diễn ra sau sự kiện này bởi có tin nói rằng, cảnh sát và những tay súng đeo mặt nạ ủng hộ Tổng thống Daniel Ortega đã nổ súng vào người biểu tình khi họ đang canh giữ các bốt phòng thủ cạnh trường Đại học Bách khoa Nicaragua.
Trong khi đó cảnh sát đã đổ lỗi cho nhóm biểu tình nổ súng khiến 2 người trong số họ thiệt mạng. Và cho rằng vụ hỏa hoạn xảy ra tại một tòa nhà gần trường Đại học Bách khoa Nicaragua có liên quan tới "những tên tội phạm trùm mũ".
Sự việc này khiến dư luận nhớ tới vụ đốt đài phát thanh Radio Ya hôm 28-5 của một nhóm sinh viên. Bởi việc này diễn ra sau khi tình trạng xung đột trên đường phố tại Nicaragua chấm dứt hôm 19-5.
Và đó là kết quả của thỏa thuận ngừng xung đột do đại diện chính phủ và đại diện các tầng lớp tham gia biểu tình đạt được nhằm tìm giải pháp chấm dứt tình trạng bạo lực. Nhưng xung đột vẫn diễn ra và chưa có dấu hiệu kết thúc.