Xung đột biên giới Trung - Ấn: Cần giải quyết mâu thuẫn bằng hòa bình
Ngày 21-6, theo trang mạng India Today, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tổ chức đàm phán ngoại giao nhằm giảm căng thẳng và tránh đối đầu tại thung lũng Galwan, phía Đông Ladakh, gần ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước - nơi suốt những ngày qua trở thành một trong những tâm điểm đáng chú ý nhất trong dòng chảy sự kiện quốc tế.
Một lần nữa, hai quốc gia có quy mô dân số lớn nhất thế giới lại kìm "gò cương bên miệng vực". Họ đều còn quá nhiều việc khác quan trọng hơn là lao vào một cuộc chiến tranh.
Mùa hè rực lửa
Súng chưa nổ, nhưng vẫn có hàng chục binh sĩ ở mỗi phía thiệt mạng. Bởi vậy, những diễn biến trước, trong và sau cuộc đụng độ tại thung lũng Galwan đêm 15-6 được giới quan sát quốc tế đánh giá là xung đột biên giới nghiêm trọng nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ, suốt hơn 40 năm qua.
Đêm 15-6 là đỉnh điểm bộc phát mâu thuẫn của một chuỗi dài những va chạm đã bắt đầu từ đầu tháng 5-2020, khi Trung Quốc phản đối Ấn Độ bắt đầu xây dựng một tuyến đường quan trọng ở khu vực hồ Pangong Tso. Suốt 5 tuần, căng thẳng liên tục gia tăng ở nhiều địa điểm, đến mức độ hai bên đều phải tăng cường quân số đóng trú dọc theo LAC, nhằm đề phòng bất trắc.
Trong cái nắng bỏng rát của mùa hè và bất chấp cả những khó khăn về tiếp liệu - hậu cần trên các sơn nguyên Himalaya, hai người khổng lồ của châu Á (và của cả thế giới, về nhiều phương diện) đối mặt, trừng mắt nhìn nhau, khiến cả cộng đồng quốc tế thấp thỏm.
Năm 2017, giới quan sát quốc tế đã nhìn nhận cuộc xung đột Doklam là sự biểu thị chủ nghĩa dân tộc cứng rắn mà hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ theo đuổi. |
Chiến tranh, nếu xảy ra, sẽ không phải là câu chuyện riêng của họ nữa. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đã tiến rất xa và quá nhanh khỏi những tiên liệu mà tác giả Pete Engardio phác thảo trong cuốn "Rồng Hoa hổ Ấn" (Chindia - How China and India are revolutionizing global business) năm 2007, để trở thành những động lực kinh tế quan trọng hàng đầu của thế giới hiện đại đang mỗi ngày một phẳng đi nhanh hơn, với những mắt xích liên hệ thiết yếu và chặt chẽ hơn này.
Rất nhiều nền kinh tế khác sẽ dễ dàng bị tác động nếu một cuộc chiến tranh Trung - Ấn trở thành hiện thực. Mà hiện tại, cỗ máy kinh tế toàn cầu cũng đã bị tổn thương trầm trọng bởi đại dịch COVID-19 cũng như rất nhiều xung đột địa chính trị khác rồi.
Chính vì thế, rất nhiều nhà phân tích lập tức quay trở lại nghiền ngẫm 73 ngày căng thẳng tại Doklam (mà Trung Quốc gọi là Đông Lãng) năm 2017 (bùng phát bởi Trung Quốc muốn xây dựng một tuyến đường trên vùng lãnh thổ tranh chấp mà cả hai phía đều tuyên bố chủ quyền), để tìm kiếm những dự đoán về kết cục của mùa hè rực lửa 2020.
Và may thay, hầu hết họ đã tiên liệu chính xác: Khó có khả năng xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh chính quy đích thực. Năm đó, cuối cùng hai bên đều đã nhất trí rút quân khỏi Doklam. Hiện tại, các nhà đàm phán ngoại giao Ấn - Trung cũng đang nỗ lực thúc đẩy một kết cục như vậy.
Cuộc xung đột 1962 - điểm bắt đầu của những bùng phát mâu thuẫn. |
Những nguyên ủy khuất lấp
Vì sao Doklam - một trong những địa điểm hẻo lánh nhất thế giới, cũng như Galwan bây giờ - lại có thể có cơ hội chiếm trọn spotlight trên sân khấu địa chính trị toàn cầu?
Bởi vì, những địa danh ấy là những biểu tượng, biểu thị cho cả lòng tự tôn dân tộc của hai trong số các nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới, cũng là hai đại cường đang trên đường tìm lại vị thế của chính mình; lẫn những thông điệp đòi hỏi sự tôn trọng bản sắc trên tiến trình toàn cầu hóa; và cả chủ nghĩa dân tộc cứng rắn mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng theo đuổi.
Là những sự kiện điểm nhấn trong những chuỗi xung đột biên giới tiếp nối vốn chưa bao giờ hoàn toàn bị dập tắt kể từ cuộc đại xung đột năm 1962, một cuộc chiến tranh sơn cước quy mô lớn trên độ cao 4.250m tại khu vực Aksai Chin và bang Arunachai Pradesh, nhưng với sự "lột xác" của cả Ấn Độ và Trung Quốc lẫn bối cảnh thế giới sau bốn thập kỷ, Doklam và Galwan vẫn có những khía cạnh rất riêng, mang đậm dấu ấn của thế kỷ 21.
Tuy vậy, từ Aksai Chin 1962 qua Doklam 2017 tới Galwan 2020, vẫn có một điều không thay đổi: Những hệ lụy về lãnh thổ và biên giới chưa thể (và cũng chưa biết lúc nào có thể) được giải quyết triệt để, do chủ nghĩa thực dân tạo nên và để lại bằng các bản thỏa thuận pháp lý mập mờ, sau khi bắt buộc phải rời bỏ châu Á.
Trước khi các đế quốc tư bản phương Tây áp đặt ách cai trị của mình, nghĩa là trước khi toàn tiểu lục địa Ấn Độ trở thành thuộc địa của đế quốc Anh, cũng như "Bát quốc liên minh" tấn công vào Bắc Kinh, chính thức xâu xé chủ quyền của triều đại Mãn Thanh, những mối liên hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ là khá lỏng lẻo. Điều này xuất phát từ đặc điểm địa lý, khi dãy Himalaya trở thành bức tường ranh giới tự nhiên phân cách hay khu vực văn hóa - chủng tộc.
Những hình thức kết nối Trung - Ấn chủ yếu được thực hiện bởi các thương nhân, và thông qua các hoạt động thương mại. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà hành trình "sang Tây Trúc thỉnh kinh" của nhà sư Trần Huyền Trang (tức Đường Tam Tạng) lại giàu sức lay động, đủ để Ngô Thừa Ân tạo nên tác phẩm Tây Du Ký, như vậy.
Nhưng sau đó, đến thời cận đại, lãnh thổ Ấn Độ xưa bị thực dân Anh chia thành hàng loạt quốc gia mới: Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Bhutan, Nepal, khiến các nhà lãnh đạo của nước Ấn Độ mới gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, song song với việc nâng cao vị thế riêng của Ấn Độ trên trường quốc tế.
Trong khi đó, kể từ khi lập quốc năm 1949, nước CHDCND Trung Hoa nhanh chóng gồm thâu tóm cả Tây Tạng lẫn Tân Cương - những "vùng đệm an toàn" cổ xưa - bành trướng đến sát lãnh thổ Ấn Độ. Bắc Kinh, không chỉ vậy, còn thiết lập một mối quan hệ hữu hảo với Pakistan - người anh em thù hận theo Hồi giáo của Ấn Độ.
Ngược lại, Ấn Độ và các lãnh tụ Ấn Độ như M.Ghandi hay J,Neru lại có mối quan hệ khá "khăng khít" với Liên Xô (cũ), điều rõ ràng là khiến Trung Quốc "gai mắt".
Mùa hè 2020, chiến tranh vẫn sẽ không xảy ra, nhưng những nguy cơ tiềm ẩn còn nguyên đó. |
Những được mất vô hình
Như vậy, từ lịch sử đến hiện đại, Trung Quốc và Ấn Độ có quá ít lý do để gần gũi với nhau. Dự án kinh tế "Vành đai - Con đường" mà Bắc Kinh khởi xướng lẽ ra sẽ là một công cụ thiết thực để thay đổi thực tế đó.
Vấn đề là, ngay với dự án ấy, như không ít nhà quan sát quốc tế nhận định: Bất cứ sự phô trương sức mạnh một cách thiếu tế nhị nào cũng có thể tạo nên căng thẳng tại khu vực vô cùng phức tạp như tại chân dãy Himalaya.
Bởi, theo chuyên gia địa chính trị quốc tế người Mỹ Michael Auslin, "do giàu có lên sau hàng thập niên phát triển, nhờ thương mại và toàn cầu hóa, các cường quốc châu Á đều đã hiện đại hóa quân đội, và đều đang nhắm trở lại đòi hỏi các vùng lãnh thổ tranh chấp".
Năm 2017, báo giới Ấn Độ từng nhấn mạnh: Doklam không phải vấn đề về một con đường, mà nguyên nhân đích thực là chuyện Bắc Kinh muốn gửi đến New Dehli tín hiệu không hài lòng, khi Ấn Độ tăng cường xây dựng liên minh với các kình địch của Trung Quốc tại châu Á, đặc biệt là với Mỹ.
Họ cũng khẳng định: Nếu chiến tranh xảy ra, dù thế nào Trung Quốc cũng là phía thất bại, bởi Ấn Độ sẽ bị đẩy vào thế phải liên hệ chặt chẽ hơn nữa với các quốc gia "phía đông hoặc phía tây", để tạo nên những đối trọng cần thiết với sức mạnh của Trung Quốc.
Trung Quốc hiểu rõ điều đó. Họ chấp nhận xuống thang, rút quân, nhưng vẫn duy trì các vấn đề tồn tại. Và mùa hè năm 2020 này, vào thời điểm căng thẳng nhất tại Galwan, Ấn Độ tuyên bố rằng họ đã sẵn sàng siết chặt hạn chế việc nhập khẩu 371 mặt hàng từ các nhà sản xuất Trung Quốc, từ đồ chơi đến thiết bị thể thao và đồ nội thất, với tổng trị giá 127 tỷ USD (ngày 18-6).
Ngoài ra, Ấn Độ sẽ tăng cường giám sát và có thể sẽ cấm các nguồn đầu tư từ Trung Quốc, như việc các công ty Trung Quốc tham gia các dự án lớn và quan trọng ở Ấn Độ, thí dụ thị trường mạng 5G.
Tuy vậy, cường quốc Nam Á vẫn để ngỏ một cánh cửa, khi để một nguồn tin từ chính phủ lên tiếng: "Hy vọng phía Trung Quốc nhận thức được vấn đề. Chúng tôi có một số lựa chọn và sẽ không ngần ngại áp dụng tùy thuộc vào tình hình". "Tình hình" ấy, dĩ nhiên, bao gồm cả lời nhắc nhở âm thầm về thực trạng "tổn thương nguyên khí trầm trọng" của kinh tế Trung Quốc sau những diễn biến xoay quanh đại dịch COVID-19.
Không cần phải là một chuyên gia, bất cứ ai cũng có thể nhanh chóng cân nhắc và quyết định nặng - nhẹ, được - mất. Những cánh bồ câu trắng lại nhanh chóng được thả ra.
Song, đừng quên, 3.550 km biên giới giữa hai nước vẫn còn đầy rẫy những điểm chồng lấn và tranh chấp chưa được phân định rõ ràng, mà lịch sử để lại trên những bản hiệp ước Anh - Mãn Thanh…