Xóa sổ toán gián điệp đầu tiên ở miền Bắc sau Hiệp định Genève
- Hoạt động phá hoại tư tưởng – văn hóa chống Việt Nam thông qua vụ án gián điệp N
- Chuyên án kỳ công 117B
- Góp phần quan trọng phá nhiều chuyên án lớn
Thắng lợi lẫy lừng của chiến dịch Ðiện Biên Phủ (7-5-1954) đồng nghĩa với kết thúc cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Pháp. Các bên tham chiến phải nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định Genève. Vĩ tuyến 17 được phân chia thành ranh giới tạm thời. Hai bên tập kết quân về 2 phía theo điều khoản của Hiệp định. Chờ 2 năm sau sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Song, thế lực thực dân, đế quốc chưa từ bỏ dã tâm xâm lược bằng cách dựng lên, nuôi dưỡng chính quyền bù nhìn ở Nam Việt Nam, phá hoại Hiệp định Genève; đồng thời triệt để sử dụng bọn gián điệp do Pháp cài lại ở miền Bắc, tăng cường xâm nhập nhiều toán gián điệp đã được Mỹ đưa đi đào tạo ở nước ngoài về miền Bắc phục vụ cho âm mưu lâu dài. Chuyên án C30 là minh chứng cho mưu đồ đó.
Những xóm chài ven biển Hải Phòng năm 1955. Ảnh LIFE |
Công tác nắm tình hình và xác lập chuyên án đấu tranh
Tháng 3-1955, lực lượng Bảo vệ chính trị (BVCT) Công an thành phố Hải Phòng (CAHP) nhận được báo cáo của cơ sở bí mật về tên Đ, đối tượng đã được Pháp đưa đi đào tạo gián điệp ở nước ngoài, nay bỗng dưng xuất hiện ở thành phố.
Tiến hành xác minh và đi tới kết luận thông tin trên là chính xác. Đ thường trú tại phố Ga, có quan hệ với một số phần tử nghi vấn về chính trị. Lực lượng BVCT hướng dẫn cơ sở bí mật đi sâu tiếp cận Đ; đồng thời tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc di biến động của đối tượng.
Kết quả công tác điều tra, nghiên cứu cho thấy trong các đối tượng nghi vấn, có L và T, cả hai cùng đi học lớp đào tạo gián điệp với Đ. Họ thường xuyên liên hệ với nhau ở các địa chỉ: phố Ga, trên bờ sông Lấp và ngõ Đông An. Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, Công an Hải Phòng xác định các địa chỉ trên là nơi các đối tượng cất giấu vũ khí, đạn dược, phương tiện thông tin liên lạc với số lượng lớn.
Cùng thời điểm này, lực lượng BVCT Công an Hà Nội (CAHN) phát hiện đối tượng CXT (em của một tên gián điệp Pháp đã vào Nam) thường lén lút tới hiệu cắt tóc của L ở phố Hàng Mành. Đây là địa chỉ mà Trần Minh Châu (tức Cập) và 3 đối tượng khác là H, R, Đ thường xuyên lui tới.
Qua thẩm tra xác minh cho thấy các đối tượng trên đều đã được đưa ra nước ngoài đào tạo gián điệp rồi bí mật đưa về miền Bắc hoạt động. Lực lượng BVCT CAHN xác định hiệu cắt tóc tại phố Hàng Mành là trụ sở liên lạc của Châu và đồng bọn. Tại đây, đã nhiều lần chúng họp bàn kế hoạch đón đồng bọn từ nước ngoài về và từ Hải Phòng lên.
Với vai trò “thủ lĩnh”, nhằm mở rộng địa bàn hoạt động, Trần Minh Châu cử 2 tên R và Đ về thành phố Nam Định (quê của 2 đối tượng này) để hoạt động.
Ban chuyên án C30 khai quật địa điểm giấu vũ khí, phương tiện hoạt động của tổ chức gián điệp do Trần Minh Châu cầm đầu (năm 1957). Ảnh tư liệu. |
Từ tình hình trên, lãnh đạo Vụ BVCT của Bộ Công an triệu tập gấp lãnh đạo Công an 3 địa phương Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định về Hà Nội họp bàn công tác phối hợp và đi tới quyết định xác lập chuyên án đấu tranh, lấy bí số là C30 do ông Ngô Ngọc Du, người lãnh đạo cao nhất của Vụ BVCT làm Trưởng ban (mấy năm sau, ông Ngô Ngọc Du được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an). Lãnh đạo Ban chuyên án có thêm các đồng chí lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ của Vụ BVCT và lãnh đạo 3 địa phương Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định.
Thực hiện chỉ đạo của Ban chuyên án, các địa phương đã khẩn trương triển khai. Ngày 5-4-1955, lực lượng BVCT Công an Nam Định đã có báo cáo về 2 đối tượng từ Hà Nội “đánh” về: Đ mở hiệu chữa xe đạp; R mở hiệu cắt tóc. Một đối tượng mới là L, từ Hải Phòng sang Nam Định, đã xin vào làm ở nhà máy xay.
Kết quả công tác trinh sát của lực lượng BVCT CAHN phát hiện Trần Minh Châu đã tiến hành móc nối, kích động sinh viên vượt tuyến vào Nam. Châu giao cho một đồng bọn ở Hà Nội mua ô tô chở hàng và chạy tuyến Hà Nội - Nam Định để tiện liên lạc với 3 đối tượng ở đây.
Nhờ công tác giám sát chặt chẽ, tại Hải Phòng, lực lượng trinh sát phát hiện các đối tượng đã dùng xe ô tô chở vũ khí đi cất giấu. Công an địa phương đã kịp thời ngăn chặn. Khám xét khẩn cấp 2 địa chỉ ở phố Ga và ngõ Đông An, lực lượng chức năng thu giữ được 47 gói, 8 hòm sắt đều chứa đầy vũ khí, đạn dược, điện đài. Bắt X (chủ nhân 2 căn nhà trên).
Tại Cơ quan điều tra, X khai nhận: Tháng 4-1954, X cùng 15 tên được Pháp tuyển dụng đưa đi đào tạo gián điệp tại đảo Guam. Đầu tháng 9-1954, chúng được đưa về Hải Phòng bằng máy bay. Cầm đầu tổ chức là Trần Minh Châu (tức Cập). Mạng lưới chia thành 3 tổ, hoạt động ở 3 vùng khác nhau. Tổ ở Hải Phòng lấy mật danh là Hải Âu; Tổ ở Nam Định gọi là Đồng Văn I; Tổ ở Hà Nội gọi là khu An Trạch do Châu trực tiếp là tổ trưởng.
Phá án, xử lý đối tượng
Sự đột biến dẫn tới giải pháp tình thế ở Hải Phòng, Ban chuyên án chỉ đạo tiến hành các biện pháp nhằm xóa lộ. Song, các đối tượng ở Hà Nội và Nam Định đã ngầm nhận ra vấn đề nên tỏ ra hoang mang, dao động. Châu và đồng bọn đã tìm mọi cách liên lạc với Tổng hành dinh chỉ đạo ở miền Nam và tìm đường vượt tuyến nhưng đều bị ta vô hiệu hóa.
Vì vậy, Ban chuyên án quyết định phá án. Ngày 11-12-1958, lực lượng An ninh 3 địa phương đồng loạt tiến hành bắt giữ các đối tượng. Khám xét thu giữ được nhiều vũ khí, đạn dược, thuốc nổ, phương tiện thông tin liên lạc mà chúng đã cất giấu ở nhiều nơi.
Ngày 4-4-1959, TAND thành phố Hà Nội mở phiên tòa công khai xét xử vụ gián điệp do Trần Minh Châu cầm đầu, tuyên phạt tử hình đối với Trần Minh Châu, một án tù chung thân, 2 án 20 năm tù giam. Số còn lại tùy theo mức độ phạm tội mà chịu hình phạt thích đáng.
Việc phát hiện, xử lý kịp thời vụ án gián điệp C30 là bài học về tinh thần cảnh giác Cách mạnh của toàn Đảng, toàn dân ta; chiến công lớn của lực lượng Công an, đặc biệt là lực lượng BVCT 3 địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định cùng sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an.