Xóa sổ băng trộm trong khu chế xuất Linh Trung

Thứ Sáu, 15/01/2016, 14:32
Sau hơn 3 tháng theo dõi, vào lúc 9 giờ ngày 12-1-2016, các trinh sát Phòng 8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an (C45 phía Nam) đã triệt phá thành công băng nhóm chuyên trộm cắp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ở Khu chế xuất Sài Gòn - Linh Trung, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh do “nữ quái” Nguyễn Thị Diệu, 43 tuổi tại tỉnh Nghệ An (tạm trú tỉnh Bình Dương) cầm đầu.
Ngoài ra còn bắt 6 đối tượng là tay chân đắc lực của Diệu. Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng này, lực lượng Công an thu giữ 78 đôi giày hiệu Nike, 120 lót giày, 236.550.000 đồng, máy tính bảng và nhiều thẻ ATM.

1.Sinh năm 1973 trong một gia đình nông dân nghèo ở xóm 2, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, mặc dù là gái nhưng ngay từ khi mới đi học, Diệu đã thể hiện tính khí và sở thích của đấng nam nhi, hay gây sự đánh nhau với đám con trai cùng trang lứa, thích đá bóng và đặc biệt là nói một câu thì kèm theo 2 câu chửi bậy.

Tính khí ngang tàng cứ lớn dần nên những năm học sau đó, Diệu thường xuyên tập hợp đám con trai cứng đầu hình thành nhóm chuyên đi gây gổ, chèn ép những học sinh cùng trường, bắt phải "cống nộp" thức ăn, sách vở và dụng cụ học tập.

Nhiều lần Diệu bị thầy cô chủ nhiệm nhắc nhở và đề nghị kỷ luật, tuy nhiên do cha mẹ cam kết cùng với nhà trường nuôi dạy con, hơn nữa gia đình cô ta cũng thuộc diện chính sách nên Ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Nghi Diên đã cố gắng cắt cử thầy cô giáo kèm cặp. Nhưng đến năm 1985 thì nhà trường đành phải ra quyết định đuổi học vì Diệu nhiều lần đánh bạn gây thương tích.

Trở về gia đình, Diệu giả bộ ngoan ngoãn nghe lời, nhưng chỉ ít tháng sau khi lấy được lòng tin của cha mẹ, cô ta lại giở trò bằng việc tu tập cùng đám thanh niên lêu lổng ngoài phố huyện tập tành hút thuốc, uống rượu và chèn ép những người buôn bán lấy tiền tiêu xài. Năm 1998, đám thanh niên trong nhóm bị lực lượng Công an huyện Nghi Lộc đưa vào diện quản lý đặc biệt cần phải được đưa đi giáo dục bằng lao động công ích, nhưng cái tên Diệu thoát khỏi danh sách vì thuộc diện bán nam, bán nữ.

Không tiền, không nghề nghiệp, cuối năm ấy, Diệp theo chân đám thanh niên trai tráng trong làng vào tỉnh Bình Dương lập nghiệp và thuê phòng trọ tại số 369/9D, đường Dĩ An, khu phố Nhị Đồng 2, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương làm nơi trú ngụ. Tại đây, Diệu được người chủ nhà thương tình bảo lãnh xin cho vào làm việc tại Công ty TNHH Freetrend Industrial, chuyên gia công các loại giày thể thao cao cấp xuất đi nước ngoài.

Làm việc chưa được bao lâu, Diệu lại tiếp tục giở thói côn đồ. Đầu tiên cô ta âm thầm kết bè kết phái với một số đối tượng là những công nhân biến chất bao gồm Thịnh, Lan thường xuyên chèn ép những công nhân khác, bắt họ phải gánh toàn bộ công việc và tự cho mình là bá chủ có toàn quyền điều khiển các công nhân. Có lần bị lực lượng bảo vệ  cùng một số công nhân phản ứng, Diệu tổ chức cho đám đàn em cuối giờ tan ca chặn đường đánh dằn mặt từng người một.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cùng đại diện Ban chuyên án nhận những bó hoa với lời cảm ơn của ông Joe Lee.

Vì miếng cơm, manh áo, những người bị đánh sau đó đành cắn răng tiếp tục làm việc, cam chịu nghịch cảnh mà không dám phản ứng gì nữa. Bước một đã thông, Diệu tiếp tục bước hai bằng việc gây ảnh hưởng của mình để trục lợi trên sức lao động của toàn bộ công nhân trong công ty. Để thực hiện bước này, Diệu cho đám đàn em đến từng phòng trọ ép những công nhân phải bầu cô ta làm trưởng ca rồi bắt buộc họ đến kỳ lĩnh lương phải mua quà cáp, rượu, bia đến phòng trọ ''cúng'' cho cô ta.

Ngoài ra, khi công ty phát thẻ bảo hiểm y tế cho công nhân, Diệu cũng mang cất giữ không trả với điều kiện: "Mỗi lần có ai muốn lấy thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh, phải nộp cho tôi một khoản lệ phí nhất định, nếu ai không nộp hoặc bỏ luôn thẻ bảo hiểm y tế thì hãy biến khỏi công ty ngay cho khuất mắt". Cũng vì cái nghèo mà những công nhân ở đây một lần nữa đành phải chấp nhận.

Năm 2009, việc làm của Diệu bị Ban giám đốc công ty phát hiện, họ đề nghị Công an phường Linh Trung, quận Thủ Đức vào cuộc để xử lý và Diệu đã phải ký vào cam kết không được kết bè phái để trục lợi trên các công nhân. Không còn đất để thể hiện vai trò anh chị, Diệu nảy sinh ý tưởng trộm cắp giày thể thao mang ra ngoài bán.

Theo sự phân công của Diệu, Phan Công Thịnh chịu trách nhiệm quan sát tìm kiếm những sơ hở trong khâu kiểm tra, kiểm soát để lên phương án trộm cắp giày đưa ra ngoài, Lan chờ lệnh khi nào có cơ hội thì ra tay trộm cắp, riêng Diệu lùng sục khắp quận Thủ Đức tìm mối bán hàng và mau chóng kết nối được với Đào Khắc Điệp, Trần Thiên Hân và Nguyễn Hoàng Đạt (tức lão Đại). Lúc đầu, cả bọn chỉ trộm cắp số lượng ít, từ cuối năm 2014, khi lão Đại tìm được nhiều mối bán hàng thì mỗi ngày cả bọn đều thực hiện việc trộm cắp rất nhiều sản phẩm.

2. Trở lại với vụ án,  đầu tháng 9-2015, Cục C45 tiếp nhận đơn tố cáo của Ban giám đốc công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam có địa chỉ tại Khu chế xuất Sài Gòn - Linh Trung, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh về một số công nhân bị những đối tượng có lai lịch không rõ ràng trú ngụ trên địa bàn ép buộc trộm cắp giày thể thao của công ty mang ra ngoài bán.

Nhận thấy lượng hàng hóa bị trộm cắp hàng ngày tuy không lớn nhưng lại gây hoang mang cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vốn làm ăn tại Việt Nam, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục C45 đã chỉ đạo cho Phòng 8 (phía Nam) cử trinh sát lập tức vào cuộc nắm tình hình, xác minh tung tích đối tượng và thu thập chứng cứ phạm tội để tiến hành phá án trong thời gian sớm nhất.

Tiếp nhận sự chỉ đạo này, chỉ trong vòng một tuần, bản danh sách đầy đủ về nhân thân của các đối tượng đã được các trinh sát làm rõ. Tuy nhiên, tại thời điểm này, không hiểu vì lý do gì mà các đối tượng chỉ tập trung ăn nhậu và hát karaoe nên tiến trình phá án đành phải tạm gác lại. Xác định có thể đám này sau khi trộm cắp được số lượng lớn giày nên lao vào ăn chơi chứ không phải đã đánh hơi được việc làm của mình đã bị bại lộ, các trinh sát tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ ngày đêm bám sát địa bàn, bám sát đối tượng.

Đúng như dự kiến, sau khi ăn chơi hết số tiền kiếm được trước đó, đến sáng 12-1-2006, Phan Công Thịnh đến quán karaoke của Đào Khắc Điệp tại địa chỉ F6, đường số 5, khu phố Bình Đường 2, phường Bình An, thị xã Dĩ an, tỉnh Bình Dương lấy 9 đôi giày thể thao đem đi tiêu thụ thì bị các trinh sát bắt quả tang. Cũng trong ngày này, đối tượng cầm đầu Nguyễn Thị Diệu cùng các đối tượng tiêu thụ là Nguyễn Hoàng Đạt, Trần Thị Lan, Trần Thiên Hân và Vũ Hoàng Đại đã bị tóm gọn.

Các đối tượng trong băng trộm do Nguyễn Thị Diệu cầm đầu.

Bị bắt quả tang với nhiều tang chứng vật chứng phạm tội, Nguyễn Thị Diệu đã phải cúi đầu nhận tội. Theo lời khai của Diệu, cô ta cùng đồng bọn đã thực hiện việc trộm cắp giày từ năm 2009 nên không nhớ đã lấy được bao nhiêu đôi và bán được bao nhiêu tiền, chỉ nhớ từ tháng 7-2015 đến nay, cả bọn đã trộm được trên 500 đôi giày thể thao các loại, bán được trên 500 triệu đồng.

Riêng Nguyễn Hoàng Đạt (lão Đại) khai nhận từ tháng 7-2014 đến nay đã mua của Diệu, Thịnh, Điệp 750 đôi giày hiệu Nike với giá 800.000đ/đôi loại 2 và 1.800.000đ/đôi loại 1 mang bán lại cho các cửa hàng khắp TP Hồ Chí Minh thu lợi 450.000.000đ.

 Tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí phía đơn vị bị hại, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng C45 nêu rõ: Hiện nay, tại một số khu công nghiệp trên cả nước đã xảy ra tình trạng trộm cắp sản phẩm của các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài như điện thoại di động, giày dép các loại, quần áo may sẵn... Để ngăn chặn tình trạng này, Cục đã chỉ đạo cho lực lượng trinh sát vào cuộc và ngăn chặn được nhiều vụ mà điển hình nhất là vụ trộm cắp điện thoại Samsung mang ra ngoài bán và vụ trộm cắp giày thể thao này.

Thông qua hình thức trực tiếp tuyên truyền và các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan Công an đề nghị tất cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng điều tra, cũng cần cảnh giác hơn nữa trong toàn bộ quy trình sản xuất, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, phòng ngừa làm giảm đến mức thấp nhất việc bị các đối tượng xấu trộm cắp sản phẩm mang ra ngoài bán gây tổn thất về cả tài chính lẫn uy tín của doanh nghiệp. Ngoài ra cũng đề nghị các doanh nghiệp cùng tham gia định giá tổng giá trị tài sản bị mất trộm để cơ quan Công an nhanh chóng hoàn tất hồ sơ đưa các đối tượng ra xét xử trước pháp luật.

l Cũng tại buổi gặp gỡ này, ông Joe Lee - Phó Tổng giám đốc công ty TNHH Freetrend đã gửi lời cảm ơn đến lực lượng Công an Việt Nam, nhất là các cán bộ chiến sỹ Cục C45 chỉ trong thời gian ngắn đã triệt phá thành công băng nhóm trộm cắp sản phẩm giầy thể thao của công ty ông mà trong suốt thời gian dài từ năm 2009 đến trước lúc chúng bị bắt, lực lượng bảo vệ  công ty hoàn toàn bó tay.

Theo ông Joe Lee, hầu hết trong số hàng ngàn công nhân trong công ty ông đều là người tốt, chăm chỉ làm việc và được trả lương xứng đáng để lo cuộc sống. Từ năm 2009 đến nay, tình trạng trộm cắp diễn ra trong công ty khiến cho những công nhân này bị ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần.

Nay những đối tượng trộm cắp đã bị Công an bắt giữ, các công nhân đã được trả lại sự bình yên, họ lại tiếp tục hăng say làm việc tạo ra nhiều sản phẩm, mang lại nhiều lợi nhuận cho công ty và cho chính bản thân họ… "Xin cảm ơn lực lượng Công an Việt Nam thật nhiều… Chúng tôi rất tin tưởng các anh và xin tặng các anh những bó hoa tươi thắm…".

Đức Cương
.
.
.