Thảm án ở Orlando - Vụ xả súng nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ

Thứ Bảy, 18/06/2016, 15:40
Với việc sát hại 49 người hôm 12-6, Omar Mateen đã trở thành kẻ giết người hàng loạt và gây ra vụ xả súng nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tại cuộc họp báo chiều 13-6, cảnh sát Orlando đã thuật lại chi tiết vụ trọng án. Theo đó, án mạng xảy ra vào khoảng 2 giờ sáng 12-6 (theo giờ Mỹ) và sát thủ bị tiêu diệt khoảng 3 giờ sau đó.


Chính việc chờ 3 giờ trước khi giải cứu con tin ở hộp đêm Pulse của cảnh sát, nên đã dấy lên nhiều thắc mắc. Theo một quan chức hành pháp cấp cao Mỹ nói với tờ Washington Post, cảnh sát tạm hoãn tấn công vì hiện trường đã chuyển từ đang xả súng thành đàm phán phóng thích con tin, và sát thủ gọi 911 nên đó là hành động hợp lý.

Hãng NBC News dẫn lời ông John Mina, Cảnh sát trưởng thành phố Orlando cho biết, sát thủ Omar Mateen tỏ ra "thờ ơ và bình tĩnh" khi nói chuyện điện thoại với chuyên gia thương thuyết của cảnh sát. "Hắn không đòi hỏi hay yêu cầu gì nhiều, chúng tôi hỏi là chính", ông John Mina nói thêm. Cảnh sát trưởng thành phố Orlando còn cho biết, khi đó Omar Mateen nói mang chất nổ và áo bom, nhưng các nhà chức trách không đề cập đến việc này.

Hiện trường vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Được biết, khi vụ xả súng nổ ra bên trong hộp đêm, sát thủ đấu súng với một nhân viên cảnh sát trực ở Pulse. Tới khi nhiều cảnh sát xuất hiện, Omar Mateen đã cố thủ trong nhà vệ sinh của hộp đêm Pulse cùng nhiều con tin.

Và sau 3 giờ thương lượng bất thành, cảnh sát địa phương đã đề nghị sự hỗ trợ của lực lượng đặc nhiệm SWAT. Theo giới truyền thông, có 9 sĩ quan SWAT được huy động và họ đã thực hiện một vụ nổ kỹ thuật để đánh lạc hướng sát thủ, cứu khoảng 30 con tin đang ẩn nấp trong nhà vệ sinh, sau đó bắn hạ Omar Mateen.

Mặc dù bị trúng đạn, nhưng nhờ chiếc mũ bảo hiểm Kevlar đang đội trên đầu nên một sĩ quan cảnh sát đã may mắn thoát chết. Để giải thoát con tin trong nhà vệ sinh của hộp đêm Pulse, cảnh sát Orlando và lực lượng đặc nhiệm SWAT đã phải dùng đến xe bọc thép Bearcat để phá tường, tạo lỗ hổng cao khoảng 1,2m và rộng 1m.

Việc tạo lỗ hổng đã giúp nhiều con tin được giải thoát, còn sát thủ Omar Mateen bị tiêu diệt. Theo sỹ quan cảnh sát Wyllie Hodges, việc sử dụng xe bọc thép Bearcat là cần thiết trong những tình huống rủi ro cao. Thị trưởng Orlando Buddy Dyer đã khen ngợi "hành động dũng cảm" của lực lượng cảnh sát và SWAT.

Theo giới truyền thông, mặc dù phát hiện Omar Mateen có liên hệ với kẻ đánh bom tự sát của IS, nhưng FBI không thể tìm ra manh mối để bắt giữ tên này. "Chúng tôi sẽ lật tung mọi hòn đá và lần theo tất cả các manh mối dù chúng dẫn đến đâu đi chăng nữa", đặc vụ FBI Paul Wyposal khẳng định. Có tin nói rằng, Omar Mateen từng lui tới hộp đêm Pulse nhiều lần trước khi hạ thủ, giết chết 49 người và làm 53 người khác bị thương.

Theo tờ Orlando Sentinel, hộp đêm Pulse không phải là nơi xa lạ đối với sát thủ Omar Mateen. Còn tờ Canadian Press cho biết, Omar Mateen tới hộp đêm Pulse ít nhất 3 năm qua.

Trong khi đó, tờ Palm Beach Post dẫn tuyên bố của một bạn học cùng lớp tại trường cao đẳng cộng đồng Indian River với Omar Mateen tiết lộ, sát thủ từng muốn hẹn hò với anh, và họ từng tới các câu lạc bộ dành cho người đồng tính.

Và Omar Mateen là người đồng tính. Sitora Yusufiy, vợ cũ của Omar Mateen cũng cho rằng, tên này có "khuynh hướng đồng tính" bởi từng nghe thấy cha của hắn gọi là "kẻ đồng tính" trước mặt cô mấy lần. Nhưng tờ Palm Beach Post lại cho biết, ông Seddique Mateen không tin con trai là người đồng tính. Và thông tin này có vẻ mâu thuẫn với đức tin đạo Hồi mà Omar Mateen theo đuổi.

Sau vụ xả súng tại Orlando, cổ phiếu của các công ty kinh doanh súng đạn của Mỹ liên tục tăng, và đây được coi là xu hướng sau mỗi lần xảy ra xả súng - lo ngại về việc kiểm soát súng chặt hơn khiến nhiều người vội vã mua súng.

Và sau vụ xả súng tại hộp đêm Pulse ở Orlando, Facebook đã lần đầu bật tính năng Safety Check tại Mỹ, theo đó cho phép người dùng thông báo, họ an toàn trong tình huống có thiên tai hoặc tấn công khủng bố, đồng thời cho phép tìm kiếm những người có thể đang ở trong khu vực bị ảnh hưởng.

Theo thống kê của tổ chức New America, kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001 tới nay, Mỹ đã phải hứng chịu tổng cộng 10 vụ tấn công do các phần tử cực đoan hoạt động theo kiểu "sói đơn độc" thực hiện, khiến 94 người thiệt mạng.

FBI cho biết, hiện còn khoảng 900 người thuộc diện tình nghi là phần tử Hồi giáo cực đoan đang bị theo dõi sát sao. "Đối tượng tình nghi quá nhiều, còn nguồn lực của FBI lại hạn chế, nên họ không thể theo dõi mọi người cùng một lúc", ông Shawn Henry, cựu trợ lý Giám đốc FBI nhận định.

Nhiệm Bình
.
.
.