Vén bức màn sau đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan

Thứ Sáu, 02/10/2020, 08:23
Bạo lực đột nhiên bùng lên trong một cuộc xung đột kéo dài ở rìa phía Đông của châu Âu vào tuần cuối cùng của tháng 9 đang đe doạ đẩy Armenia và Azerbaijan trở lại chiến tranh. Đó là chưa kể vụ việc này còn có tác động địa chính trị rộng lớn hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có chung biên giới với Armenia, đang ủng hộ Azerbaijan; còn Nga, quốc gia có quan hệ tốt với cả hai quốc gia, đã kêu gọi ngừng bắn.


Tại sao lại đánh nhau?

Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan xảy ra quanh vùng Nagorno-Karabakh có nhiều rừng núi, nơi sinh sống của khoảng 150.000 người. Nagorno-Karabakh nằm trong Azerbaijan nhưng có dân cư chủ yếu là người Armenia (phần lớn là Cơ đốc giáo rồi tiếp đó mới đến người Hồi giáo Shia đến từ Azerbaijan). Cuộc xung đột có thể bắt nguồn từ thời tiền Xô Viết khi khu vực này là điểm gặp gỡ của các đế chế Ottoman, Nga và Ba Tư.

Đụng độ giữa Azerbaijan và Armenia diễn ra từ hôm 27-9. ảnh: Reuters

Sau khi Azerbaijan và Armenia nhập vào Liên Xô (cũ), chính quyền Moscow đã giao Nagorno-Karabakh thuộc quyền kiểm soát Azerbaijan nhưng được hưởng quy chế tự trị. Vào những năm 1980, khi quyền lực của Liên Xô (cũ) đang suy thoái, các làn sóng ly khai nổi lên ở Nagorno-Karabakh. Năm 1988, Quốc hội bỏ phiếu để giải tán quy chế tự trị của khu vực Nagorno-Karabakh và gia nhập Armenia. Nhưng Baku đã dập tắt những lời kêu gọi như vậy, dẫn đến xung đột quân sự.

Khi Armenia và Azerbaijan trở thành các quốc gia độc lập sau khi Liên Xô (cũ) sụp đổ vào năm 1991, các cuộc đụng độ dẫn đến một cuộc chiến mở rộng khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Cuộc chiến kéo dài đến năm 1994 khi cả hai bên đạt được lệnh ngừng bắn nhưng vẫn chưa ký Hiệp ước hòa bình và biên giới chưa được phân định rõ ràng.

Vào thời điểm đó, Armenia đã giành quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh và giao nó cho quân nổi dậy. Những người nổi dậy đã tuyên bố độc lập, nhưng không được bất kỳ quốc gia nào công nhận. Ngày nay, Liên Hợp Quốc (LHQ) vẫn công nhận Nagorno-Karabakh là một phần lãnh thổ của Azerbaijan; không quốc gia nào coi khu vực này là một quốc gia độc lập, kể cả Armenia. Armenia cũng chưa chính thức sáp nhập Nagorno-Karabakh nhưng hỗ trợ khu vực này về mặt tài chính và quân sự.

Lệnh ngừng bắn năm 1994 đã giúp hai bên có được khoảng thời gian tương đối yên bình trong 14 năm tiếp theo. Từ năm 2008, những cuộc xung đột vũ trang ngắn, đấu súng lẻ tẻ lại bắt đầu nổ ra. Đỉnh điểm là cuộc giao tranh giữa quân đội Armenia và Azerbaijan hồi tháng 4-2016  khiến ít nhất hơn 100 người thiệt mạng và trở thành cuộc xung đột tồi tệ nhất ở khu vực này kể từ năm 1994. 4 năm gần đây, thỉnh thoảng vẫn có đụng độ ở biên giới nhưng cả hai vẫn kiềm chế được.

Tuy nhiên, "cuộc cách mạng nhung" năm 2018 ở Armenia lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Serzh Sargsyan ban đầu dấy lên hy vọng rằng các cuộc đàm phán hòa bình nhưng cuối cùng thì chính Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, chính trị gia đối lập, người đã lên nắm quyền sau các cuộc biểu tình đông đảo đó lại không thực hiện được. Cuộc bầu cử được tổ chức vào mùa xuân này bởi chính phủ Armenia tự xưng ở Karabakh đã bị coi là một hành động khiêu khích với Azerbaijan và thu hút sự chỉ trích của quốc tế. Hồi tháng 7, căng thẳng bắt đầu gia tăng sau một loạt vụ đụng độ khiến hơn chục người thiệt mạng, với chất xúc tác vẫn chưa rõ ràng.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra luận điệu ủng hộ Baku. Một số nhà phân tích nhận định, những gì xảy ra vào tuần cuối cùng của tháng 9 chỉ là hệ quả của chuyện từ tháng 7. Đến nay, hai bên vẫn liên tục đổ lỗi cho nhau,  Armenia cáo buộc Azerbaijan đã tiến hành các cuộc tấn công bằng không quân và pháo binh vào Nagorno-Karabakh, trong khi Baku nói rằng họ đang tiến hành "một cuộc phản công để đáp lại hành động khiêu khích quân sự”. Báo chí đưa tin tổng số người thiệt mạng là 39 nhưng Azerbaijan tuyên bố họ đã giết 550 người Armenia và ngược lại Armenia, khẳng định họ giết 200 người Azerbaijan. Khi cuộc giao tranh trở nên bế tắc, Armenia tuyên bố thiết quân luật và tổng động viên còn Azerbaijan công bố tình trạng chiến tranh ở một số khu vực…

Vai trò của quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga?

Những ngày qua, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) đều lên tiếng yêu cầu các bên “chấm dứt ngay hành động thù địch”; LHQ cũng họp khẩn, kêu gọi các lực lượng Armenia và Azerbaijan "lập tức ngừng giao tranh, giảm căng thẳng và nhanh chóng quay lại đàm phán”. Hội đồng Bảo an LHQ còn khẳng định "hoàn toàn ủng hộ" vai trò trung tâm của các đồng chủ tịch Nhóm Minsk (gồm Mỹ, Nga và Pháp) thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) trong nỗ lực làm trung gian hòa giải.

Thực tế là trong hơn 1/4 thế kỷ, một sáng kiến hòa bình quốc tế, được gọi là Tiến trình Minsk đã cố gắng nhiều nhưng vẫn thất bại trong việc đưa ra giải pháp cho cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh. Các cuộc họp ngoại giao và các phái đoàn khác nhau tới khu vực, cũng như các thủ đô của Armenia và Azerbaijan đều trở nên vô ích.

Cũng có những hy vọng ngắn ngủi sau khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev gặp nhau chính thức lần đầu tiên vào tháng 3-2019 và sau đó vào tháng 2-2020 để tranh luận công khai tại Hội nghị An ninh Munich. (Nhiều năm trước, các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan thậm chí đã từ chối xuất hiện trong cùng một căn phòng). Nhưng đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các nỗ lực ngoại giao này.

Một căn hộ ở Stepanakert bị dính pháo kích. ảnh: AP

Một điểm đáng chú ý nữa là ảnh hưởng của một số quốc gia trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ trong lịch sử ủng hộ Azerbaijan và có mối quan hệ rắc rối với Armenia. Vào những năm 1990, trong chiến tranh, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa biên giới với Armenia và không có quan hệ ngoại giao với nước này. Điểm tranh cãi chính giữa hai bên là việc Ankara từ chối công nhận cuộc diệt chủng người Armenia năm 1915, trong đó người Ottoman đã giết khoảng 1,5 triệu người Armenia.

Trong khi đó, người Azerbaijan và người Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ các liên kết văn hóa và lịch sử mạnh mẽ. Người Azerbaijan là một nhóm dân tộc Turkic và ngôn ngữ của họ là từ ngữ hệ Turkic. Hồi tháng 7-2020, sau các cuộc đụng độ biên giới giữa Armenia và Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một cuộc tập trận chung với Azerbaijan. Mới đây, hôm 28-9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đổ lỗi cho Armenia về các cuộc đụng độ và đề nghị hỗ trợ Azerbaijan.

Nga thì thực hiện cách tiếp cận thận trọng hơn. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng, điều quan trọng là phải "dừng các hành động quân sự. Giới quan sát phân tích, vào thời điểm hiện tại, Nga cũng đang ở vào thế khó bởi lẽ nước này vốn coi Caucasus và khu vực Trung Á là sân sau.

Nga có quan hệ tốt với cả Azerbaijan lẫn Armenia và cung cấp vũ khí cho cả hai. Nhưng Armenia phụ thuộc vào Nga nhiều hơn là Azerbaijan giàu năng lượng và đầy tham vọng. Nga cũng có một căn cứ quân sự ở Armenia. Vì thế, những gì mà Moscow thể hiện công khai là đang cố gắng đạt được sự cân bằng giữa hai bên. Giống như trong những năm 1990, lợi ích tốt nhất của Nga là làm trung gian ngừng bắn giữa các bên tham chiến.

Và mối lo đứt đoạn cung cấp năng lượng

Còn quá sớm để nói cuộc giao tranh sẽ tiếp diễn trong bao lâu hoặc liệu nó có thể leo thang thành một cuộc chiến toàn diện hay không. Trong quá khứ, cả hai cuộc đụng độ năm 2016 và các cuộc giao tranh vào tháng 7 vừa qua chỉ kéo dài vài ngày. Tuy nhiên, bức tranh sẽ thay đổi đáng kể nếu một cường quốc tham gia vào cuộc xung đột.

Còn một cuộc chiến khác cũng đang được dự báo sẽ bùng phát trong cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan- đó là về vấn đề năng lượng. Azerbaijan đã xây dựng một số đường ống dẫn dầu và khí đốt qua Kavkaz (khu vực giữa Biển Đen và Biển Caspi) tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu bao gồm: đường ống dẫn dầu Baku-Tblisi-Ceyhan (công suất vận chuyển 1,2 tỷ thùng / ngày), đường ống dẫn dầu Western Route Export, đường ống dẫn khí đốt xuyên Anatolian và đường ống dẫn khí đốt Nam Caucasus. Một số đường ống này đi qua gần khu vực xung đột (trong vòng 16 km tính từ biên giới). Nếu có một cuộc chiến thực sự giữa hai nước, các đường ống có thể trở thành mục tiêu và đương nhiên là gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp năng lượng.

Đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan chiếm khoảng 80% lượng dầu xuất khẩu của Azerbaijan và chạy qua Georgia và tới bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ, nó có công suất 1,2 triệu thùng mỗi ngày, chiếm hơn 1% nguồn cung dầu toàn cầu. (Hiện Azerbaijan xuất khẩu hơn 0,5 triệu thùng dầu mỗi ngày). Azerbaijan cũng xuất khẩu dầu qua Nga thông qua đường ống Baku-Novorossiisk và qua Gruzia bằng đường sắt, cũng như đường ống Baku-Supsa.

Về khí gas, Azerbaijan có kế hoạch tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu. Hãng BP đang dẫn đầu tập đoàn quốc tế phát triển mỏ Shah Deniz khổng lồ của Azerbaijan, dự kiến sẽ thực hiện chuyến hàng đầu tiên đến châu Âu vào cuối năm nay. Mỏ Shah Deniz I được bơm khí từ năm 2006, có công suất sản xuất 8 tỷ mét khối. Sản lượng từ Shah Deniz II dự kiến đạt 16 tỷ mét khối/ năm, với 10 tỷ mét khối dành cho châu Âu và 6 tỷ mét khối cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Xung đột Nagorno-Karabakh đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại một phần vì mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực và an toàn hành lang cho các đường ống dẫn dầu, khí đốt lớn đưa dầu và khí đốt ra thị trường thế giới. Tờ Financial Post thì viết: “Azerbaijan giàu có về dầu khí dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự gián đoạn xuất khẩu năng lượng tiềm năng nào. Còn Armenia là nơi có nhà máy điện hạt nhân Metsamor, vốn đã ở trong tình trạng bấp bênh do nguy cơ động đất. Hồi tháng 7, Yerevan đã cảnh báo về những rủi ro an ninh đối với khu vực và Baku cũng cho biết nguồn cung cấp năng lượng đang gặp nguy hiểm do xung đột”.

Khánh Chi
.
.
.