Về khoản phạt "khủng" của hãng Volkswagen

Thứ Sáu, 14/09/2018, 11:35
Dư luận và giới chuyên môn đang tranh cãi về khoản phạt lên tới hơn 10 tỷ USD mà hãng sản xuất ôtô Volkswagen của Đức đang phải đối mặt từ những yêu cầu đòi bồi thường của các đơn nguyên. 


Bởi sáng 10-9, phiên tòa tại tòa án khu vực Brunswick bắt đầu khai đình với sự tham gia của khoảng 50 luật sư đại diện cho Volkswagen, các cổ đông của hãng sản xuất ôtô này cùng hàng chục nguyên đơn và người quan tâm tới vụ việc kể trên. Đây là lần đầu tiên ra Volkswagen phải hầu tòa ở Đức để đối mặt với yêu cầu đòi bồi thường lên tới hơn 10 tỷ USD của các nhà đầu tư. 

Và việc này có liên quan tới vụ bê bối gian lận khí thải từng làm rung chuyển ngành sản xuất ôtô từ 3 năm trước (2015-2018). Hơn 3 tháng trước (13-6), hãng Volkswagen cho biết, họ chấp thuận nộp phạt 1,2 tỷ USD để giải quyết vụ bê bối gian lận khí thải. 

Cựu Giám đốc điều hành Volkswagen Martin Winterkorn tại một cuộc họp báo.

Trong thông báo từ Văn phòng Công tố thành phố Braunschweig, Volkswagen đã "chấp nhận án phạt" và sẽ không kháng cáo. Và nếu việc này được thông qua, tổng số tiền mà hãng Volkswagen phải nộp phạt và bồi thường lên tới gần 30 tỷ USD.

Theo giới truyền thông, các nhà đầu tư đã đưa ra 1.670 yêu cầu bồi thường đối với việc cổ phiếu Volkswagen bị trượt giá tới 40% chỉ trong 2 ngày của tháng 9-2015, vài ngày sau khi Mỹ cáo buộc hãng này gian lận khí thải, gây tổn thất lên tới hàng tỷ USD cho họ. 

Nhưng theo đại diện của Volkswagen, trách nhiệm này thuộc về các kỹ sư, những người đã tự ý hành động và cài đặt thiết bị gian lận khí thải và không thông báo tới ban lãnh đạo. Theo thống kê, Volkswagen đã mất khoảng 27 tỷ euro để xử lý hậu quả của vụ việc này. 

Nhưng cho đến nay, các cuộc điều tra đối với bê bối khí thải của Volkswagen vẫn chưa thể đi đến hồi kết. Hơn 4 tháng trước (8-5), giới truyền thông Đức đưa tin, Giám đốc điều hành Volkswagen Herbert Diess (Giám đốc điều hành thứ 2 của Volkswagen sau khi ông ông Martin Winterkorn từ chức) đã gặp các điều tra viên của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về vụ bê bối khí thải của hãng ôtô nổi tiếng của Đức, chỉ vài ngày sau khi cựu Giám đốc điều hành Volkswagen Martin Winterkorn chính thức bị truy tố tại xứ sở cờ hoa. 

Động thái này diễn ra sau khi giới chức tư pháp Mỹ chính thức truy tố ông Martin Winterkorn vì liên quan tới vụ bê bối khí thải của Volkswagen. Ngày 3-5, cơ quan chức năng Mỹ đã chính thức truy tố ông Martin Winterkorn và đây là lãnh đạo cao nhất của hãng Volkswagen bị truy tố trong vụ bê bối kể trên. Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tuyên bố, quyết định truy tố này cho thấy "âm mưu gian lận các quy định của pháp luật Mỹ xuất phát từ ban lãnh đạo cấp cao nhất của Volkswagen". 

Và Mỹ đã buộc tội 9 người liên quan tới vụ bê bối của Volkswagen, trong đó có 2 kỹ sư đã bị phạt tù sau khi nhận tội. Tờ BamS từng đưa tin, cơ quan công tố Đức đang điều tra cựu Giám đốc Martin Winterkorn, liên quan tới việc trốn thuế. 

Được biết, ông Martin Winterkorn đã chuyển khoảng 10 triệu euro tới các tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ trong giai đoạn 2016-2017. Và 1 phần của số tiền kể trên chưa nộp thuế. Các công tố viên cũng nghi ngờ, ông Martin Winterkorn có thể đang xây dựng một nơi lưu giữ an toàn tại Thụy Sĩ phòng trường hợp bị phát hiện dính líu đến các thiệt hại của hãng Volkswagen do bê bối gian lận khí thải gây ra. Nhưng luật sư Felix Doerr, người đại diện pháp lý của ông Martin Winterkorn, đã bác bỏ cáo buộc kể trên.

Án phạt lên tới hơn 10 tỷ USD diễn ra trong bối cảnh hãng Volkswagen thông báo, họ sẽ thu hồi 124.000 xe điện và xe lai do phát hiện có chất gây ung thư cadmium trong những chiếc xe này. Theo giới truyền thông, việc sử dụng cadmium, một kim loại được sử dụng trong các ứng dụng điện tử như TV, bị cấm trong hầu hết các loại phụ tùng ôtô. 

Và hãng Volkswagen đã phát hiện ra lỗi kể trên và thông báo cho các nhà chức trách về chiếc sạc pin có chứa 0,008 gram cadmium. Ngoài ra, Volkswagen còn thông báo, đang tiến hành triệu hồi 700.000 xe SUV trên thế giới, cũng như cảnh báo về hệ thống đèn được thiết kế ở khu vực cửa sổ trời có nguy cơ bị chập mạch (đoản mạch) nếu bị thấm nước. 

Theo tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, hãng Volkswagen sẽ triệu hồi 323.700 xe sử dụng động cơ diesel tại châu Âu do lỗi nguy cơ cháy động cơ. Và động thái này xuất hiện cùng thời điểm Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông Hàn Quốc (MLIT) trình lên Quốc hội nước này cho biết, đã có 34 chiêc BMW gặp sự cố cháy nổ ở xứ sở kim chi. 

Những theo Cơ quan Phòng cháy chữa cháy Hàn Quốc, tính đến ngày 12-8 đã có 81 vụ cháy nổ liên quan tới xe BMW. Theo Phó Chủ tịch phụ trách quản lý chất lượng của BMW Johann Ebenbichler, vấn đề này không chỉ xảy ra đối với các dòng xe tại Hàn Quốc, mà tại các thị trường khác cũng ghi nhận các trường hợp tương tự.

Khắc Tuấn
.
.
.