Vatican xét xử vụ bê bối tài chính Vatileaks 2
Thẩm phán của Tòa án Vatican đã truy tố 5 người, trong đó có 3 người từng làm việc cho Tòa thánh là Đức ông Lucio Vallejo Balda cùng người trợ lý của ngài và bà Francesca Chaouqui - họ bị buộc tội đã chuyển thông tin ra ngoài cho 2 nhà báo Emiliano Fittipaldi và Gianluigi Nuzzi - những người nhận tài liệu mật để viết 2 cuốn sách ''Sự tham lam'' và ''Đường Thánh giá'' đang gây chấn động dư luận. Bởi đã bán hết ngay trong ngày đầu tiên phát hành.
Giới chuyên môn nhận định, nếu Tòa án Vatican kết tội 2 nhà báo kể trên, sẽ xảy ra rắc rối về ngoại giao và chính trị, khi Toà thánh yêu cầu Italia dẫn độ họ và theo điều 116 Luật Hình sự của Vatican, những người bị buộc tội làm lộ bí mật của Tòa thánh sẽ phải đối mặt với mức án từ 3 đến 8 năm tù. Nhưng những gì được đề cập trong 2 cuốn sách ''Sự tham lam'' và ''Đường Thánh giá'' cho thấy, có quá nhiều sai phạm trong quản lý tài chính đã diễn ra tại Vatican và đó là một trong những nguyên nhân chính khiến Giáo hoàng Benedict XVI phải từ chức hồi đầu năm 2013. Và Giám mục Pietro Vittorelli, người được Giáo hoàng Benedict XVI tấn phong làm cha trưởng Montecassino năm 2007, vừa bị cảnh sát bắt với cáo buộc đã ăn cắp 500.000euro từ tài khoản của tu viện.
Giáo hoàng Francis I. |
Về phần mình, nhà báo Gianluigi Nuzzi, tác giả cuốn ''Đường Thánh giá'' - đề cập tới nhiều mờ ám trong tài chính của Vatican, đã từ chối tới Vatican để trả lời các nhà điều tra của Tòa thánh xung quanh các nguồn tin mà ông có được. Trong khi đó, nhà báo Emiliano Fittipaldi đã tới gặp các nhà điều tra Vatican theo yêu cầu của họ, nhưng không trả lời bất cứ câu hỏi nào khi viện dẫn luật Italia cho phép bảo vệ các nguồn tin.
Theo giới truyền thông Italia, Tòa thánh từng đề nghị giới chức Italia hỗ trợ để làm rõ những vụ scandal kể trên và sẽ khép cuộc điều tra trước khi Năm thánh đặc biệt được tổ chức vào ngày 8-12-2015. Giới truyền thông cho rằng, những chi tiết được đề cập trong 2 cuốn sách được phát hành hôm 5-11 cho thấy, mặc dù Giáo hoàng Francis I đã nỗ lực tiến hành những cải tổ quan trọng và minh bạch hóa các hoạt động tài chính của Vatican, nhưng những thay đổi này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trước đó, Giáo hoàng Francis I từng công khai xin lỗi về những vụ tai tiếng gần đây của Tòa thánh.
Theo giới truyền thông, 2 cuộc điều tra được tiến hành nhắm vào Cơ quan quản lý tài chính và các tài sản của Tòa thánh (APSA) và Ngân hàng Vatican (IOR), sau khi có những bằng chứng liên quan đến hoạt động rửa tiền của họ bị phanh phui. Và Cơ quan điều tra của Vatican cũng đã đề nghị các cơ quan điều tra của Italia và Thụy Sĩ phối hợp để điều tra Giampietro Nattino, người đứng đầu Ngân hàng Banca Finnat Euramerica, sau khi xuất hiện những chứng cứ cho thấy ông đã sử dụng các tài khoản đứng tên của APSA để chuyển hơn 2 triệu euro tới Thụy Sĩ.
Viện công tố Rome cũng mở cuộc điều tra nhằm vào Paolo Cipriani và Massimo Tulli, nguyên Tổng giám đốc và Phó Tổng giám Đốc IOR. 4 năm trước (2011), 2 người này từng bị giới chức Italia truy tố về những sai phạm nghiêm trọng trong các hoạt động của Ngân hàng Vatican, trong đó có việc chuyển 23 triệu euro bị nghi là rửa tiền. Và theo Viện công tố Rome, IOR đã thực hiện các giao dịch ở Italia trong 40 năm qua, nhưng không được sự cho phép của Ngân hàng nhà nước (BankItalia) và việc này kéo dài tới năm 2011, khi BankItalia không coi IOR là ngân hàng của khối Liên minh châu Âu.
Đầu năm 2013, BankItalia đã phong tỏa tất cả các giao dịch qua thẻ tín dụng và cây rút tiền trong Vatican để gây áp lực buộc IOR phải tuân thủ các nguyên tắc chống rửa tiền. Và đến năm 2014, IOR mới hoạt động bình thường trở lại sau khi Vatican cam kết thực thi những nguyên tắc đã đề ra. Điều đáng nói là IOR vẫn còn tài khoản mang tên của Giáo hoàng Paul VI và Giáo hoàng John Paul I, những người đã chết cách đây gần 40 năm.
Thượng tuần tháng 10, đức ông Kryzstof Charamsa, quan chức cao cấp của Vatican đã tiết lộ là người đồng tính và công khai người tình của mình, và ông là quan chức đầu tiên và duy nhất của Vatican công khai nói về việc mình là người đồng tính. Tại một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền trên tờ Corriere della Sera, đức ông Krzysztof Charamsa tuyên bố, sẵn sàng trả giá cho hậu quả của việc công bố bí mật này. |