Vấn nạn buôn người vẫn nhức nhối: Nỗ lực ngăn chặn
Trẻ em gái là nạn nhân chủ yếu
Theo Báo cáo toàn cầu mới nhất của LHQ được công bố ngày 8-1-2019 tại Vienna về tình trạng buôn người ở các quốc gia châu Phi và Trung Đông vào năm 2018, trẻ em chiếm 30% nạn nhân buôn người được phát hiện. Trong đó, trẻ em có thể bị bán làm con nuôi hoặc bị mổ cướp nội tạng, trong khi phụ nữ trở thành con mồi của cưỡng bức tình dục.
Trong khi đó, Văn phòng Ma túy và Tội phạm LHQ (UNODC) cho biết hơn 23% số lượng nạn nhân bị phát hiện buôn bán trên toàn cầu là phụ nữ, và cảnh báo tỷ lệ này đang tăng lên. Con số, dựa trên dữ liệu từ năm 2016, tăng từ 21% vào năm 2014 và 10% vào năm 2004, năm mà UNODC bắt đầu thu thập dữ liệu về trẻ em. Các bé trai chiếm 7% số nạn nhân buôn người được báo cáo, giảm từ 8% vào năm 2014 và tăng từ 3% vào năm 2004.
"Trong hồ sơ của các nạn nhân được xác định, chúng tôi đang thấy ngày càng nhiều trẻ em, sự gia tăng đặc biệt ở trẻ em gái", Angela Me, Giám đốc chi nhánh nghiên cứu và phân tích xu hướng của UNODC, nói.
LHQ định nghĩa trẻ em là các cô gái và chàng trai ở độ tuổi dưới 18, nhưng bà Angela Me nói rằng một số quốc gia thành viên sử dụng các định nghĩa khác nhau. Báo cáo cho thấy phụ nữ và trẻ em gái chiếm gần 3/4 số nạn nhân bị buôn bán được phát hiện trong năm 2016. Nữ giới chiếm 94% tổng số nạn nhân bị buôn bán để khai thác tình dục và 35% trong số đó bị buôn bán cưỡng bức.
Giám đốc điều hành UNODC, ông Yury Fedotov, cho biết tại một sự kiện của Ủy ban Phòng chống tội phạm và Tư pháp hình sự (CCPCJ) với Bộ trưởng Ngoại giao Áo Karin Kneissl: "Báo cáo này cho thấy chúng ta cần đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường hợp tác để hỗ trợ tất cả các quốc gia bảo vệ nạn nhân và đưa tội phạm ra công lý nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững".
Bạo loạn sinh tệ nạn
Báo cáo cũng nhận thấy rằng xung đột vũ trang ở một số khu vực của châu Phi, Trung Đông và châu Á có khả năng làm tăng tính dễ bị tổn thương của nạn nhân buôn người. Theo đó, các khu vực có luật pháp yếu và thiếu tài nguyên cung cấp cho những kẻ buôn người "địa hình màu mỡ" để thực hiện các hoạt động, các nhóm vũ trang lợi dụng người dân trong tình trạng tuyệt vọng để khai thác tình dục, cưỡng hôn, chiến đấu vũ trang và nhiều hình thức lao động cưỡng bức.
Dân cư chạy trốn khỏi cuộc xung đột, như người tị nạn Syria, Iraq, Afganistan và người Rohingya ở Myanmar cũng là mục tiêu của những kẻ buôn người. Tương tự, những người di cư và người tị nạn đi qua các khu vực xung đột như Libya hoặc một phần của châu Phi hạ Sahara cũng bị những kẻ buôn người nhắm đến. Buôn bán nhằm mục đích khai thác tình dục cho đến nay là hình thức phổ biến nhất được tìm thấy trong dữ liệu do báo cáo tổng hợp, chiếm 59% nạn nhân được phát hiện vào năm 2016.
UNODC nhấn mạnh vai trò của các nhóm liên quan đến các cuộc xung đột vũ trang khác nhau trong việc sử dụng buôn bán người "để tài trợ cho các hoạt động hoặc gia tăng lực lượng lao động của họ", cũng như cho chế độ nô lệ tình dục. Báo cáo nhấn mạnh trường hợp của hàng ngàn cô gái và phụ nữ từ nhóm thiểu số Yazidi bị nô lệ hóa bởi nhóm khủng bố Daesh ở Iraq. Một trong số họ, Nadia Murad, là người giành giải Nobel Hòa bình năm ngoái nhằm tôn vinh hoạt động đấu tranh của cô thay cho các nạn nhân khác.
Phụ nữ và trẻ em người Rohingya ở Cox’s Bazar. |
Sau khai thác tình dục, lý do phổ biến nhất tiếp theo để buôn bán là lao động cưỡng bức, chiếm 1/3 nạn nhân được bảo vệ bởi dữ liệu và đặc biệt phổ biến ở châu Phi hạ Sahara và Trung Đông. Một số hình thức khai thác nạn nhân buôn người khác cũng được đề cập, chẳng hạn như buôn bán hôn nhân cưỡng ép, thường được phát hiện ở Đông Nam Á; hoặc mổ cướp nội tạng, thường thấy ở Trung Quốc.
Tổng số nạn nhân được báo cáo cho UNODC năm 2016 ở mức dưới 25.000, tăng hơn 10.000 kể từ năm 2011, với sự gia tăng "rõ rệt hơn ở châu Mỹ và châu Á". Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo rằng sự gia tăng có thể là do việc xác định nạn nhân hiệu quả hơn, thay vì tăng số người bị buôn bán. Trong khi châu Âu và Trung Đông thu hút nhiều nạn nhân từ các nơi khác trên thế giới, các tác giả nhận thấy rằng phần lớn nạn nhân được phát hiện tại quốc gia của họ.
Cần nỗ lực chung tay
Trong khi sử dụng lao động vô đạo đức và tội phạm gặt hái lợi nhuận lớn từ buôn người, những mất mát mà nạn nhân, gia đình họ và xã hội là vô cùng lớn. Đầu tiên, nạn nhân và gia đình họ mất thu nhập và kết quả là không thể thoát nghèo. Ngoài ra, nhiều nạn nhân bị tổn thương và có thể cần nhiều năm để xây dựng lại cuộc đời của mình.
Các doanh nghiệp và người sử dụng lao động tuân thủ pháp luật bị thiệt thòi trước lao động cưỡng bức vì nó tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh và rủi ro làm hoen ố danh tiếng của toàn bộ ngành công nghiệp. Chính phủ và xã hội bị tổn hại vì các sản phẩm được tạo ra bởi lao động cưỡng bức không hề chịu thuế.
Vì những hậu quả nghiêm trọng của tệ nạn buôn người, cho đến nay đã có nhiều nỗ lực được thực hiện để ngăn chặn. Năm 2000, Hoa Kỳ ban hành Đạo luật nạn nhân buôn người và bảo vệ bạo lực (TVPA), và sau đó đã thành lập Văn phòng ủy quyền ở Văn phòng Bộ Ngoại giao để theo dõi và chống buôn bán người, tham gia với chính phủ nước ngoài để chống buôn người và xuất bản Báo cáo buôn bán người hàng năm.
Báo cáo buôn bán người đánh giá tiến bộ của mỗi quốc gia trong việc chống buôn người và đặt mỗi quốc gia lên một trong 3 mức dựa trên nỗ lực của chính phủ của nước đó trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu để loại bỏ buôn bán người theo quy định của TVPA.
Năm 2010, Đại hội đồng LHQ đã đề ra “Chương trình hành động toàn cầu” và kêu gọi các chính quyền toàn thế giới có các biện pháp phối hợp trung thực chống tệ nạn buôn người. Chương trình dự kiến đưa việc chống nạn buôn người vào trong các dự án rộng lớn hơn của LHQ, nhằm mục đích thúc đẩy phát triển và củng cố an ninh trên toàn thế giới.
Một trong các quyết định nền tảng của chương trình là việc thành lập một ngân quỹ tin tưởng thiện nguyện của LHQ để trợ giúp các nạn nhân, đặc biệt là các phụ nữ và trẻ em. Ngân quỹ dành cho việc trợ giúp và bảo vệ hữu hiệu các nạn nhân qua việc tài trợ cho các tổ chức phi chính quyền chuyên hoạt động trong lãnh vực này.
Trước đó, ngày 15-5-2005, các nước LHQ đã ký kết Công ước về hành động chống buôn người, có hiệu lực từ ngày 1-2-2008. Tới ngày 30-5-2010 đã có 27 nước châu Âu ký kết và phê chuẩn, ngoài ra còn 16 nước đã ký nhưng chưa phê chuẩn. Công ước về hành động chống buôn người là một hiệp ước khu vực về nhân quyền của Ủy hội châu Âu.
Công ước này nhằm phòng chống và đấu tranh việc buôn người cho các mục đích khai thác tình dục theo cách thương mại hoặc lao động cưỡng bách để bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân và nhân chứng của nạn buôn người; bảo đảm việc điều tra hiệu quả và truy tố kẻ phạm pháp; và để thúc đẩy việc hợp tác quốc tế chống buôn người.
Đặc biệt, Công ước đòi hỏi các biện pháp phối hợp của quốc gia, nâng cao nhận thức, các biện pháp để nhận dạng và hỗ trợ các nạn nhân và một "thời gian phục hồi và suy nghĩ", trong thời gian này những người bị buôn bán sẽ không bị trục xuất khỏi nước đã nhận họ. Công ước thiết lập một cơ chế giám sát (nhóm các chuyên gia về hành động chống buôn người) có 10-15 thành viên do các bên quốc gia ký kết bầu chọn.