Uganda:

Cảnh sát trưởng thông đồng với các băng nhóm tội phạm

Thứ Năm, 06/09/2018, 11:12
Cựu Tổng thanh tra cảnh sát Kale Kayihura đang bị cáo buộc một số tội danh, trong đó bao gồm cả tội bắt cóc những người tị nạn và thông đồng với các băng nhóm tội phạm tổ chức có vũ trang.


Năm nay 62 tuổi, ông Kale Kayihura đã bị Tổng thống Uganda Yoweri Museveni sa thải hồi tháng 3 cùng với Bộ trưởng An ninh Henry Tumukunde trong một cuộc cải tổ nội các đột xuất. 

Khi đó, quyết định cách chức được ông Yoweri Museveni đưa ra sau khi báo chí liên tiếp thông tin tố cáo năng lực yếu kém trong điều hành của hai quan chức này dẫn đến tình trạng tội phạm gia tăng và mất an ninh ở Uganda. 3 tháng sau, tức là vào tháng 6, ông Kale Kayihura tiếp tục trở thành mục tiêu chính trong một cuộc điều tra trong nội bộ lực lượng an ninh. 

Trung tuần tháng 8, cựu Tổng thanh tra cảnh sát bị đưa ra xét xử tại một tòa án quân sự. Tại đây, công tố viên quân sự, Thiếu tá Raphael Mugisha cáo buộc ông Kale Kayihura hỗ trợ và cho phép cung cấp vũ khí, đạn dược cho một băng nhóm tội phạm tổ chức khét tiếng hoạt động ở Kampala. 

Đáng chú ý là số vũ khí nói trên thực chất là để cung cấp cho lực lượng cảnh sát, nhất là các đơn vị cảnh sát chuyên biệt nhưng ông Kale Kayihura đã lấy chúng ra để phục vụ cho mục đích riêng. 

Chưa hết, ông Kale Kayihura còn bị buộc tội ra lệnh cho các nhóm cảnh sát bắt cóc người Rwanda và thậm chí là giúp thực hiện một vụ giải thoát trái phép cho cựu vệ sĩ của Tổng thống Paul Kagame, Trung úy Joel Mutabazi. Joel Mutabazi đã biến mất khỏi trại tị nạn Liên hợp quốc (LHQ) năm 2013 và hiện đang phục vụ án tù chung thân ở Rwanda. 

Cũng có nhiều nguồn tin cho hay, vụ bắt giữ ông Kale Kayihura xảy ra sau một thời gian ông bị đổ lỗi vì đã không giải quyết được một loạt vụ giết người, bắt cóc và cướp bóc.

Cựu Tổng thanh tra cảnh sát Uganda đã bị bắt hồi tháng 6, chỉ 3 tháng sau khi ông bất ngờ bị sa thải.

Theo tin từ hãng Africanews, trước khi bị sa thải, bị bắt và bị đưa ra xét xử, cựu Tổng thanh tra cảnh sát từng là một trong những chính trị gia mạnh nhất ở Uganda. Ông thường hành động theo lệnh trực tiếp của Tổng thống Yoweri Museveni  - người mà ông đã chiến đấu cùng trong cuộc nổi loạn rồi lên nắm quyền vào năm 1986. 

Năm 2005, Kale Kayihura được bổ nhiệm làm Tổng thanh tra cảnh sát và đã đưa lực lượng cảnh sát thành một tổ chức tuyệt đối trung thành với Tổng thống. Khi bị bắt giữ, ông đã bị từ chối cho tại ngoại mặc dù lúc đó sức khỏe bị giảm sút. Tuy vậy, theo miêu tả của hãng Africanews, ông Kale Kayihura bị giam trong một phòng giam khá tiện nghi. 

Cụ thể, phòng giam đó là một căn hộ gồm 2 phòng ngủ trong tòa nhà chỉ huy của trại cảnh sát quân sự Uganda ở Makindye. Hàng ngày, Kale Kayihura vẫn dạy sớm như thường lệ nhưng khác với thói quen chạy bộ vào buổi sớm cùng các vệ sĩ thì giờ đây, cựu Tổng thanh tra cảnh sát được cung cấp một chiếc xe đạp cố định để tập luyện trong góc phòng.

Đến giờ ăn sáng, ăn trưa và ăn tối, một nhân viên an ninh sẽ mang thức ăn vào cho ông. Kale Kayihura cũng vẫn được gặp người thân trong gia đình trong những ngày cố định. 

Thậm chí, gia đình ông vẫn chu cấp bữa ăn hàng ngày cho ông để đảm bảo là nó an toàn, không bị bỏ thuốc độc. Kale Kayihura cũng có đặc quyền được ra sân để hưởng không khí trong lành nếu ông muốn hoặc lên thư viện đọc sách. Mỗi tối, cựu Tổng thanh tra cảnh sát Uganda đều có một tiếng để xem thời sự trên tivi và ông cũng chả bỏ theo dõi một trận đấu bóng nào tronng khuôn khổ World Cup.

Ông Kale Kayihura bị cáo buộc đã ra lệnh cảnh sát thực hiện các vụ bắt cóc người tị nạn Rwanda.

Một trong những luật sư của Kale Kayihura, ông Jet Tumwebaze khi gặp báo giới vẫn nói rằng vụ bắt giữ và giam giữ bởi quân đội nhằm cựu Tổng thanh tra cảnh sát là một sự bất công. 

Tuy nhiên, trong phiên tòa xét xử hồi trung tuần tháng 8, Kale Kayihura tiếp tục bị từ chối cho tại ngoại và được yêu cầu xuất hiện trước tòa vào ngày 4-9. Lần này, ông bị cáo buộc tới 19 tội danh. Vì thế, nhiều nhà phân tích chính trị đã nghi ngờ rằng, cáo buộc nhằm vào cựu Tổng thanh tra cảnh sát còn mang màu sắc chính trị và sự tranh giành quyền lực hay thỏa thuận ngầm giữa các phe phái. 

Chi Anh (theo AfricaNews)
.
.
.